Tâm lý tiểu nông

Chỉ cần đứng ở các đầu ô, theo dõi sự giao lưu hàng hóa trên con đường nối Hà Nội với các tỉnh, người ta cũng sớm nhận ra thực chất các mối quan hệ giữa đô thị với các vùng nông thôn chung quanh trong thời điểm hiện nay.

Đổ lên phố xá, chỉ thấy gạo nước, những bu gà (trước đây còn cả những con lợn đã mổ), những xe thồ chở rau kềnh càng, hàng đoàn xe đạp ngất nghểu cây cảnh. Xuôi đi các tỉnh thì trăm thứ hầm bà lằng, vải vóc, quần áo, đồ điện, thuốc tây,... và cả những đồ chơi trẻ con.

Ngày xưa có ai đi mua diều để thả bao giờ? Bố khéo tay thì làm cho con con diều. Thô sơ, mộc mạc, nhưng mà đúng “cây nhà lá vườn” và hợp với khung cảnh quê mình. Ngày nay, mùa hè, diều từ Hà Nội đưa về là diều nhựa, xanh xanh đỏ đỏ, ai cũng biết là nhập từ Trung quốc.

Kiểu quan hệ hai chiều như thế, kể ra, cũng là một bước phát triển. Nông thôn đang được hưởng nhiều thành tựu của công nghiệp.

Chỉ phiền một nỗi, nông thôn lao động đã thừa, giờ đây càng thừa thêm. Những ngày nông nhàn, ngoài việc chạy chợ, người ta không biết làm gì. Thị trường cổ truyền bị thu hẹp. Người làm nghề phụ đang mất đất ngay trên quê hương mình.

Tôi không ngớ ngẩn đến mức đề nghị bịt đường, không cho hàng hóa thành thị về nông thôn. Tôi chỉ ước ao thực hiện cái điều nhiều người đã biết, là làm sao các nghề phụ ở nông thôn được tổ chức lại, từng vùng có mặt hàng riêng, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập (nếu không tốt hơn, đẹp hơn, thì cũng rẻ hơn, vừa túi tiền hơn). Nó là chuyện giải quyết lao động thừa. Nó lại cũng là một cách để giữ gìn một số làng nghề truyền thống và nhìn rộng ra, là giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Có điều, đây là cả một quy trình phức tạp. Phải có vốn. Phải có kỹ thuật mới. Phải tạo được mô hình hoạt động thích hợp… Và trước tiên những người làm nghề phải có ý thức kết hợp với nhau.

Nhưng đây đang là một tử huyệt của chúng ta. Nghĩa là muốn làm lắm mà không làm nổi. Không ai bảo được ai. Không ai thấy người khác hơn mình, không ai tin sự chí công vô tư ở những người được bầu ra quản lý. Trong bụng ai cũng ngại.

“Nền sản xuất của chúng ta hiện trong tình trạng quá manh mún. Nếu không được tổ chức lại, chúng ta rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”. Còn nhớ từ hồi chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, các nhà kinh tế đã cảnh báo như vậy. Nhìn vào ngành nào tôi cũng thấy họ cùng một giọng tiên đoán: “Nếu các công ty du lịch của chúng ta không liên kết lại, làm sao mở rộng hoạt động…”; “ Nếu các điền chủ Việt Nam không liên kết lại, làm sao cạnh tranh nổi với hàng nông sản nước ngoài”.

Nhưng những lời kêu gọi ấy trước sau đều rơi vào quên lãng. Một lần đọc báo thấy nói các công ty trong nước mang thanh long sang nước ngoài bán. Lúc đầu mọi người còn bảo nhau thống nhất giá. Sau một vài người đi đêm với khách, bán phá giá. Thế là người mua càng được dịp bắt chẹt ép giá.

Cụm cảng Sài Gòn hiện nay gồm nhiều cảng nhỏ, số lượng đâu đến mấy chục cái (!). Nhưng toàn những cảng chỉ đón được tàu vài chục ngàn tấn. Hệ thống cảng của ta đang xảy ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Trong hoàn cảnh thế giới sử dụng toàn tàu lớn thì số cảng như thế không thừa sao được? Song lại vẫn là thiếu vì các loại tàu từ trăm ngàn tấn trở lên muốn chở hàng vào Việt Nam, thường phải đổ hàng ở cảng lớn của các nước bên cạnh, như Singapore, rồi “tăng bo” qua Việt Nam. Trong cảnh ế hàng, các cảng tí xíu phải hạ giá để mời khách hàng chiếu cố, và giữa các cảng có sự giành tranh khách rồi lườm nguýt nhau đến khổ.

Không chỉ trong sản xuất, căn bệnh làm ăn lẻ và nếp sống rời rạc “anh hùng nhất khoảnh” cũng đang chi phối cả xã hội và nó tác oai tác quái hàng ngày. Nhiều con đường, anh giao thông vừa làm xong, anh điện lại ra đào lên để đặt đường điện, anh nước san lấp để đặt ống nước. Hàng hóa lúc thiếu thì mua tranh bán cướp, nhưng vừa cảm thấy thừa là đua nhau bán phá giá. Mỗi bộ mỗi ngành một luật lệ riêng, người dân vào đâu lại phải lựa đấy. Nếu những ví dụ tương tự như trên có thể nêu ra rất nhiều thì câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta khó hợp tác với nhau đến vậy. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc không chỉ các nhà kinh tế, mà các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội cũng cần phải có mặt.

Lại nhớ một nhận xét của K. Marx về người nông dân sản xuất nhỏ lẻ: Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải. Đúng là giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống. Đôi khi người này tưởng rằng người kia là nguyên nhân của mọi bất hạnh của mình. Và chen cạnh nhau, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập đau đớn mới thôi. Có thể khoác đủ mọi tên gọi khác nhau, song thứ tâm lý tiểu nông này đã tồn tại dai dẳng và làm nên tình trạng “ta hại mình”, níu kéo, kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội.

Vương Trí Nhàn
Previous Post
Next Post