Thành ngữ, tục ngữ là sự kết tinh những nhận định, đánh giá, triết lý về con người và cuộc sống. Khảo sát tục ngữ, thành ngữ Việt để tìm hiểu văn hóa Việt cũng là một cách để xem xét phát huy cái gì, loại bỏ cái gì trong thời đại hội nhập hôm nay.
Điểm hạn chế dễ thấy ở tính cách Việt là tâm lý dựa dẫm ỷ lại vào tập thể: “Cha chung không ai khóc/ Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, “Đắm đò chết chung”, “Có lụt thì lút cả làng”. Một khi sống dựa vào tập thể thì ý thức cá nhân bị mờ đi, “Khôn độc không bằng ngốc đàn”. Từ đó mà nảy ra tư tưởng cào bằng “Xấu đều hơn tốt lỏi”, “Anh nhất thì tôi cũng nhì/ Ai hơn tôi nữa tôi thì thứ ba”, nó dìm con người trong cái ao tù trung bình chủ nghĩa không tạo điều kiện cho những sáng tạo cá nhân bứt phá.
Với nghề làm ruộng thì gần như độc canh cây lúa, mà cây lúa lại có “tính cách” quen với một vùng đất thích hợp “khoai đất lạ, mạ đất quen” nên người nông dân chỉ muốn “an cư lạc nghiệp”. Người Việt ưa cuộc sống thanh bình, tĩnh lặng, ngại sự thay đổi. Có người cả đời có khi chỉ sống một nơi, một chốn, thu nhập có thừa thì ky bo chắt bóp để dành tiết kiệm phòng lúc mùa màng thất bát hay lúc ốm đau, là người già thì dành việc “hậu sự”… Đó là tâm lý cầu an, một trở lực cho chiến lược điều chỉnh quy hoạch vĩ mô của Nhà nước về con người hay đất đai…
Cầu an cũng có nghĩa là “Dĩ hòa vi quý”. Con người ta sống trong cộng đồng, gắn bó với cộng đồng nên sinh ra một tư tưởng rất sợ mất đoàn kết, do vậy mà luôn lấy cái hòa hiếu làm trọng. Khi “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình” thì có nghĩa là pháp luật bị xếp xuống hàng thứ yếu mà ứng xử với nhau theo cái tình. Người Việt không có truyền thống tôn trọng luật pháp vì quen với lối sống “Chín bỏ làm mười”. Do vậy mà “Phép vua thua lệ làng”, những quy định mang tính nhà nước không được tôn trọng bằng những quy ước của tập thể, cộng đồng nhỏ.
Người Việt ứng xử với nhau theo lối “người nhà”. Vì là “anh em trong nhà” nên “Đóng cửa bảo nhau”, “Tốt khoe ra xấu xa đậy lại”, rất nhiều vụ việc người ta không cần đến sự can thiệp của pháp luật mà “xí xóa” để “hòa cả làng”. Thứ tâm lý cầu an, dĩ hòa vi quý, vị tình này là một thứ trở ngại không nhỏ trong việc xây dựng một xã hội sống và làm việc theo pháp luật. Cái tư tưởng cả nể đáng ghét “Vuốt mặt nể mũi”, “Nể rừng chẳng dám động dây”, “Rút dây sợ động rừng” cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội công nghiệp khi mà mọi người cần bình đẳng, cần phải chịu trách nhiệm và phải tôn trọng pháp luật.
Cả đời gắn bó với khoảnh ruộng nho nhỏ, với mảnh vườn con con, với con trâu, con lợn, đàn gà… Có một ít thóc trong bồ, một ít khoai ngô trên gác bếp… nên tâm lý tư hữu đã “thâm căn cố đế” người nông dân hàng ngàn đời nay. Đó là tâm lý sở hữu tuyệt đối cái của mình làm ra: “Của ai nấy xót”, “Của ai tai nấy”, “Của ai phúc nấy”, “Của là cuống ruột”… Điều này là chính đáng, nhưng nó bị đẩy đi đến một giới hạn nào đó thì thành tư hữu ích kỷ, tức chỉ biết đến của mình còn của người khác thì mặc kệ: “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn”, “Của bụt lại thiêu cho bụt”… vì “Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ”. Đó là thứ tâm lý đáng chê trách.
Trong xã hội xưa thì dư luận đóng vai trò điều chỉnh các mối quan hệ. Người ta điều chỉnh mình theo dư luận. Dư luận tạo ra tiếng tăm, tai tiếng, điều tiếng “Hổ chết để da, người chết để tiếng”, “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Điều này làm nảy sinh tâm lý sĩ diện cá nhân, thích có tên tuổi, có tiếng. Câu tục ngữ “Miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” thoạt nghĩ là một sự đối sánh vật chất nhưng ngẫm kỹ lại nói về cái danh tinh thần. Ngày xưa, nếu ai đó đỗ đạt cao có chức tước thì sẽ được “ăn”, “miếng thịt làng” tương ứng, hoặc nhiều hoặc ngon hoặc được hưởng những bộ phận đặc biệt (sỏ, tim, cật…) theo quy định của làng. Nhà văn Ngô Tất Tố trong tiểu thuyết Lều chõng từng mỉa mai tâm lý trọng danh trọng tước này qua cách miêu tả một thí sinh khi đi nghe “xướng danh” thấy có tên mình bèn nhẩy cẫng lên mà thét: “sỏ lợn về ai?”, nghĩa là chàng đi thi chỉ vì “cái sỏ lợn” của làng. Hơn nữa, nếu ai thi đỗ thì sẽ “danh gia vọng tộc”, cả nhà, cả họ tộc mình đều nổi tiếng nên cố mà thi đỗ, thi đỗ rồi ra làm quan để “một người làm quan cả họ được nhờ”. Chính từ đó đã nảy sinh ra thứ tâm lý bè phái, kéo bè kéo cánh. “Con gà ghét nhau tiếng gáy”, không chỉ “con gà” nhà này nhà khác mà còn là “con gà” dòng họ này dòng họ khác, bè này phái khác. Đi liền theo đó là tâm lý cục bộ địa phương, làng nào chỉ biết làng ấy, đơn vị nào chỉ biết đơn vị ấy: “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Trống làng nào làng ấy đánh/ Thánh làng nào làng ấy thờ”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”…
Làm ruộng là nghề khó nhọc rất cần đến sức khỏe cơ bắp đàn ông. Do vậy mà người ta rất quý con trai “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô ”. Thế là xuất hiện tâm lý trọng nam khinh nữ, mà anh em sinh đôi của nó là thói gia trưởng, độc đoán: “Muốn nói không làm chồng mà nói”. Gia đình sống trong cảnh bất bình đẳng, người vợ chịu kiếp “tôi đòi”, “chồng chúa vợ tôi”. Tâm lý gia trưởng chuyên quyền này, ở ngoài xã hội nó “biến tướng” thành tâm lý tham quyền, người có chức quyền tự coi mình là “duy ngã độc tôn”, chỉ có mình là xứng đáng, không có ai có thể thay thế địa vị của mình, trong khi đó thực tế thì cũng chỉ “sống lâu lên lão làng” chẳng có tài cán gì, do “cống hiến” nhiều năm mà “cơ cấu” lên “hàng lão”. Khi có quyền chức thì cố đưa con cháu mình vào cơ quan để tạo “vây cánh” vì là người nhà “giọt máu đào hơn ao nước lã”, “cháu mười đời còn hơn người dưng”… vừa dễ bảo ban vừa kín đáo… Đây là căn bệnh “gia đình chủ nghĩa” ngày nay đang trở thành căn bệnh nặng cần phải chữa trị kịp thời.
Hy vọng đây sẽ là sự đặt vấn đề cho việc nghiên cứu tâm lý, tính cách Việt ở phía mặt trái, một việc làm thiết nghĩ cũng rất cần thiết.