(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Phần nhiều người nước ta chỉ nô nức về đường công danh sĩ hoạn, mà coi nghề buôn bán là một nghề khinh thường. Người giàu có cho con đi học mong cho con về sau nhất ra thì làm nên ông nghè ông bảng, chớ nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông lái nọ. Người làm quan trở về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên(1) thuốc quấn, đàn ngọt hát hay làm vui thú, chứ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ ông quản lý cửa hiệu kia. Mà đủ bát ăn thì cũng lấy sự thanh nhàn làm thú trên đời, còn việc buôn bán thay mẹ đĩ. Té ra bao nhiêu công việc buôn bán phần nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái, còn mong sao mở mang ra to được?!
Lại như việc chữa bệnh, xưa kia nước ta không biết trọng nghề làm thuốc, thường cho là một nghề nhỏ mọn, không mấy người lưu tâm. Chốn dân gian chỉ những người bất đắc chí trong đường khoa cử mà xoay ra xem sách thuốc để lấy nghề sinh nhai. Phần nhiều là những người thiển học rồi cũng dám lên mặt ông lạng đi khắp chợ cùng quê để chữa bệnh cho thiên hạ. Mạch thấy nắm cũng nắm, mà có hiểu thế nào là mạch thực mạch hư, bệnh thấy xem cũng xem, mà có hiểu thế nào là bệnh hàn bệnh nhiệt. Đệm thêm một nắm lá xì xằng cho gói thuốc to, để lấy cho đáng đồng tiền của người ta. Cũng may dân ta phần nhiều còn dại dột, sống chết đổ cho tại số, chớ không thì các ông lang ấy chắc không ăn ngon ngủ yên.
(1) chuyên có nghĩa là chia, sẻ, trà chuyên: lối uống trà cổ truyền, rót nước từ chén tống, một thứ chén lớn, sang các chén nhỏ hơn gọi là chén quân.
Lớp già kém thích ứng
(Hoài Thanh, Một lớp người đáng thương, Sông Hương, năm 1936)
Những ông đồ sống một cuộc đời tối tăm và lam lũ ở nơi thôn quê. Cái học vấn của họ như một bức tường ngăn họ không được bước vào rường hoạt động ngày nay. Rụt rè và khờ khạo, họ sống trong cảnh bần hàn. Họ thấy mình như một người khách lạ trong một thế giới kỳ dị.
Vào nơi đô thị chung sống với xã hội tối tân, họ bỡ ngỡ hết sức. Hầu hết những điều người ta nói chung quanh, họ không hiểu.
Lớp trẻ ương ương dở dở
(Phạm Quỳnh, Phong hóa suy đồi, Nam Phong, năm 1932)
Có những người tuổi trẻ chỉ thuần theo học các trường Tây, dẫu tài giỏi cũng thường không có bản lĩnh huống dở dang thì lại càng thèm bác tạp lắm. Mà hạng dở dang này rất nhiều tạo thành ra một giống người không Tây không Nam , diễn ra lắm cái trò ngông cuồng rồ dại. Nam giới đã lắm kẻ dở hơi, nữ giới lại nhiều kẻ đú đớ. Luân lý cũ không thèm theo mà luân lý mới chưa học được, thành ra nhiều khi cư xử không khác gì lớp người không luân thường không đạo lý.
Những kẻ cùng đường không việc gì không dám làm
(Huỳnh Thúc Kháng, Cái hiểm tượng loạn óc, Tiếng dân, năm 1939)
Xã hội Việt Nam ngày nay đứng giữa những tấn kịch, tâm lý phần đông chừng đã mất hẳn thú sinh nhân(1), trong óc lại nảy ra cái quái tượng, nhường bước cho ma dẫn lối quỷ đưa đường mà chính mình không rõ là người gì, sẽ làm việc gì, nay không biết mai.
Trừ những người có học thức, thì hạng tuổi trẻ thất học, cùng bọn đã nghèo lại dốt không đường tự cứu và tự ủy(2), thói thời không chừa sự bi thảm xấu xa gì mà không dám làm, nào cha con chú bác giết nhau, nào vợ chồng thù ghét nhau. Mà nguy hiểm nhất là những đám lừa đảo trộm cướp dùng thứ thủ đoạn mới, làm cho dân lương thiện không có chút tự vệ.
(1) niềm vui sống.
(2) tự lo liệu
Nguồn: Thể thao & Văn hóa