Những nhà Hiền triết Tây phương xưa nghĩ gì về Thời đại chúng ta?

Thấm thoát, nhân loại chúng ta đã sống đến thế kỷ thứ 21. Mặc dù những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật đã làm cho thế giới nhỏ lại, đời sống của nhân loại vẫn đảo lộn, căng thẳng, và mọi quốc gia vẫn tranh đua bằng bạo lực. Trước tình thế đó, người ta có cảm tưởng rằng những tư tưởng về xã hội và chính trị thời nay đã đến lúc bế tắc. Vậy những tư tưởng chúng ta đã vội đọc hay học qua, ngày còn trẻ, đã lỗi thời trong thế kỷ hiện đại chưa?

Nào là John Locke, Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau; nay những tư tưởng đó đã lạc về đâu? Áp dụng vào thời nay thì sẽ được diễn nghĩa ra sao? Tuy trong tiềm thức của chúng ta họ là những nhân vật rất xa xăm, nhưng sách vở cũ đã nhắc chúng ta rằng họ là những nhà hiền triết của thế kỷ thứ 18 - một thời vàng son gọi là "Siècle des Lumières", "The Enlightenment", hay "Thời Đại Quang Minh, khai sáng". Họ là những nhân vật có lý tưởng cao, nghiên cứu sâu xa về nhân bản, để tự biết mình biết người, rồi liều lĩnh đi ngược hẳn những thành kiến của những xã hội Âu Châu thời đại ấy, cách mạng mọi quan niệm xã hội và guồng máy lãnh đạo quốc gia.

Vì những thành đạt của họ thì sâu xa và có ảnh hưởng đến tận đời nay, ta nên ôn lại những tư tưởng xưa để giúp đỡ cho những suy nghĩ không (hay thiếu) định hướng của chúng ta ngày nay. Với ước mong ấy, ta hãy lần lượt xem lại những tư tưởng của John Locke, Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau, và tự hỏi rằng những nhà hiền triết ấy sẽ nghĩ gì nếu họ sống trong thời đại chúng ta?

John Locke (1632-1704)

Người đã phân tích những quyền lợi tự nhiên của con người là John Locke. Theo ông, những quyền lợi căn bản ấy là quyền được sống trong tự do, và được quyền giữ tư sản. Chính quyền có trách nhiệm bảo vệ những quyền tự nhiên ấy của người dân. Vì thế, một khi chính quyền đã không làm tròn trách nhiệm mà lại còn bắt bớ, cướp của, và bịt miệng dân, thì người dân cũng có thêm quyền lật đổ chính quyền ấy, và thay thế bằng một chính quyền khác.

Ông cũng tin rằng con người ta không ai bẩm sinh ra là đã sẵn tốt hay sẵn xấu, khôn ngoan hay ngu dốt. Hơn nữa, tâm tính và sự hiểu biết của mỗi người đều đã do kinh nghiệm bản thân tạo nên. Người ta bước vào đời như một trang giấy trắng. Trên trang giấy ấy, những tư tưởng sẽ được viết lên bằng những cảm xúc trong cuộc sống. Ông cũng thấy rằng với những điều kiện tương đương, những đứa trẻ nghèo cũng sẽ học hành chẳng kém ai. Theo lý lẽ đó, con người đã được tạo ra bằng nhau, giàu hay nghèo, một khi được học tập thì đều có thể giúp bất cứ ai trong mọi tầng lớp biết lý luận, giữ luân lý, và trở thành những công dân hạnh phúc.

Sự hiểu biết về nhân bản của John Locke, vì thế đã rất được hoan nghênh. Theo ông, người ta xấu xa chẳng phải vì thiên nhiên mà vì hoàn cảnh xã hội. Vì lẽ đó, nếu cần thay đổi, người ta phải cải cách xã hội chứ chẳng phải thay đổi bẩm sinh con người. Vượt được sự ngu dốt, dị đoan, thành kiến và độc tài, thì bất cứ ai cũng có thể trở nên những con người tốt.

Lẽ dĩ nhiên, nếu ông John Locke là người Việt Nam, thì ông cũng đã bị bắt bớ ở bất cứ thời buổi lịch sử nào, ở Nam, Trung hay Bắc. Mà nếu ông là người Mỹ trong hiện đại, thì chắc chắn ông cũng đã chẳng tha những sự ngu dốt, dị đoan, thành kiến và độc tài của một đế quốc tự cảm thấy mình có quyền đem quân đi tàn sát những kẻ "xấu" nước khác, ngay tại lãnh thổ của họ, hoặc tra tấn họ để biến họ thành những con người tốt.

Montesquieu (1689-1755)

Baron de Montesquieu là người đã chống đối mọi chính thể độc tài và tàn bạo. Ông đã chỉ trích quyền thế tuyệt đối của vua chúa Pháp. Quyền thế vô hạn định đó đã khiến vua Pháp đàn áp mọi tự do. Ngược lại, ông đã rất khâm phục những thay đổi trong chính phủ nước Anh, vì họ biết cách hạn chế lại quyền thế nhà vua, và đưa ra những biểu quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận, báo chí, và tín ngưỡng. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ ràng hơn là Tự Do đó không phải là tự do vô hạn định. Nó cũng suy tàn khi người ta cảm thấy rằng không cần phải theo luật lệ nào nữa. Theo suy luận ấy, "Tự do là quyền làm bất cả những gì luật lệ cho phép".

Trong quyển De L’Esprit Des Loix, Montesquieu đã đề nghị ra một chính thể không đặt quyền thế vào bàn tay của một cá nhân, hoặc một nhóm người quá nhỏ nào - quyền lực phải được phân chia cho ba nhánh của chính quyền. Một nhánh, Législatif, tạo ra luật pháp. Nhánh thứ hai, Exécutif, thi hành luật pháp. Và nhánh thứ ba, Judiciaire, diễn giải luật pháp. Ông nghĩ rằng khi phân chia quyền lực như vậy, không cá nhân hay một nhóm người nào sẽ có quyền kiểm soát tuyệt đối, và nhờ thế, quyền tự do sẽ được bảo vệ. Nguyên tắc phân chia quyền lực đó đã là căn bản cho hiến pháp nước Mỹ.

Hơn nữa, ông Montesquieu cũng đã lên án việc sử dụng nô lệ, bắt bớ tín ngưỡng, và kiểm duyệt. Ông cũng chỉ trích mọi hình thức tra tấn, nhấn mạnh rằng bất cứ ai cũng vô tội, cho đến khi chứng minh được rằng người ta đã phạm lỗi. Ông Montesquieu cũng mạnh mẽ tố cáo phong trào lập nên quân đội. Ông đã viết: "Một căn bệnh mới nay đã lan tràn khắp Âu Châu, và đang tấn công mọi hoàng tộc. Căn bệnh ấy bắt họ phải nuôi dưỡng một số lượng quân nhân quá vô lý. Nó càng ngày càng phải tăng lên, và lây sang khắp nơi, vì lập tức sau khi một quốc gia tăng thêm quân số, thì những quốc gia kia cũng phải tăng theo, và vì thế, chẳng ai được lợi lộc gì hơn là một sự tàn lụi chung."

Ở thời đại chúng ta, khi nghĩ đến Baron de Montesquieu, người ta hay nhầm tưởng rằng vì nước Mỹ đã có một hiến pháp dựa theo những tư tưởng của Montesquieu, họ xứng đáng làm gương cho thế giới. Suy nghĩ sai lầm ấy đã được chính phủ Mỹ lợi dụng triệt để, và làm biết bao nhiêu kẻ đã hăng say, quyết chiến cho đế quốc Mỹ, để thiết lập một quốc gia mới với một hiến pháp tương tự. Những người theo Mỹ nầy nghĩ rằng cứ theo Mỹ là giải phóng cho quyền tự do, hy vọng rằng hiến pháp tương tự hiến pháp của Mỹ sẽ giảm bớt quyền lực của một chính phủ độc tài. Họ cũng tin tưởng như thế, vì người Mỹ đã chứng minh được bằng cách áp dụng trong xã hội Hoa Kỳ. Họ (người theo Mỹ) cũng sẵn sàng cầm súng giết người đồng hương mà không biết rằng hành động như thế, họ đã lâm vào cảnh ngộ trở nên quá khích.

Sự sai lầm ấy rất dễ bị vướng phải, vì nó cũng chẳng khác chi lối suy nghĩ của những lớp quan lại và giới thượng lưu Việt Nam theo Pháp trong gần 100 năm đô hộ. Hạng quan lại vô dụng đó đã thấy nước Pháp "văn minh" hơn, và vì thế, trong tư tưởng của họ, người theo Pháp như họ cũng là kẻ muốn nước nhà tiến mau đến nền "văn minh" kiểu Pháp. Với sự tin tưởng ấy, hạng quan lại theo Pháp xưa đã hăng hái bắt bớ và ám hại người yêu nước - cho rằng những kẻ tranh đấu chống thực dân Pháp là đi ngược lại con đường tiến đến văn minh, và ghì chặt Việt Nam trong cảnh lạc hậu.

Vì thế, để tránh bị mê hoặc bởi những xã hội lý tưởng, nào là như Mỹ, với hiến pháp dựa theo Montesquieu, nào là như Pháp, với nền văn minh đẹp như mộng, câu hỏi chính xác hơn mà chúng ta nên đặt ra là: Trước hoàn cảnh hiện tại của mọi quốc gia ngày nay, trong một thế giới đã thu hẹp lại, thì một nhà đại tài như Montesquieu có muốn Hoa Kỳ và Đồng Minh Tây Phương đảm nhiệm cả ba chi nhánh Exécutif, Législatif, và Judiciaire cho toàn thế giới hay không?

Chắc chắn là KHÔNG!!!

Thật ra, ngay sau thời đại Enlightenment (khai sáng), khi những nước Tây Phương cấu kết chặt chẻ với nhau trong việc xâm chiếm khắp hoàn cầu, họ đã vứt bỏ tất cả mọi tư tưởng của Montesquieu, đi ngược lại hẳn tất cả những lý tưởng tự do và những hiểu biết về nhân bản của đời trước. Với đà tiến mạnh của cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ (Révolution Industrielle), họ đã quá lộng quyền vì không còn gì hạn chế quyền thế họ được nữa. Họ đã dùng sức mạnh quân đội chiếm cả thế giới, và độc quyền mọi lề lối cai trị. Vì lẽ đó, ta cũng chẳng cần phải nhìn đến hiến pháp Hoa Kỳ để bị mê hoặc. Nó chỉ là cái bánh vẽ. Ngay sau khi lập nên hiến pháp đó, ngay tại Hoa Kỳ, họ vẫn tiếp tục chính sách dùng con người khác chủng tộc để làm nô lệ, tiếp tục diệt trừ thổ dân da đỏ, và nhất là ủng hộ thực dân Pháp, rồi tự tay tàn sát biết bao nhiêu dân ta. Ngay cả Thomas Jefferson, nhân vật chính mượn tư tưởng Montesquieu để tạo nên hiến pháp ấy, cũng đã còn giữ biết bao nhiêu là nô lệ trong trang trại đồ sộ của ông ta. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam 1954-1973, hiến pháp ấy vẫn chỉ là lối quảng cáo của Hoa Kỳ, và giúp họ nắm cả 3 lãnh vực Exécutif, Législatif và Judiciaire của một thế giới mà họ đã đương nhiên làm chủ. Vượt qua mảnh giấy ấy, ta sẽ thấy rằng sự thật là bao nhiêu triệu người dân Việt Nam ta đã chết vì lối tuyên truyền tàn nhẫn ấy.

Khi một quốc gia còn ở tình trạng nhược tiểu, dân trí còn quá thấp và hiểu biết chính trị còn giới hạn, thì đòi hỏi cho được tự do vô hạn định mà lại muốn bắt chước Hoa Kỳ để tạo nên một loại chính phủ lỏng lẻo, cho đối lập tự do vu khống và dấy loạn, thì chúng ta sẽ cho phép bọn Tây Phương dùng tiền mua chuộc tạo nên đối lập, và dùng mọi lối tổ chức tinh vi của Tây phương để chỉ dẫn đám đối lập ấy xâm nhập cướp lấy chính quyền. Để rồi sau đó, dành giựt được những hợp đồng bóc lột, những khế ước quá dài hạn. Và sau rốt, những thế lực Tây phương sẽ chỉ cần dùng những tòa lãnh sự, ổ gián điệp, và căn cứ quân đội của họ để điều khiển mọi việc nội trị của chúng ta. Họ cũng thay thế hay lập ra những chính phủ "ngụy" khác một cách dễ dàng, bằng những cuộc bầu cử giả tạo, bằng lối loan tin như màn ảnh Hollywood, để rồi đưa ra sân khấu một thành phần tay sai bán nước khác.

Dựa theo những sáng kiến xuất sắc của ông Montesquieu, chúng ta sẽ rất dễ tưởng tượng được rằng nếu ông sống ở thời đại chúng ta, có lẽ ông cũng đã tìm cách đề nghị ra những cách phân chia quyền lực khác nhau giữa mọi quốc gia, để thuyên giảm sự lộng quyền của mọi đế quốc, để rồi dần dần đưa đến một chính phủ có lợi chung cho nhân loại, do những quốc gia trên thế giới thứ tự thay phiên nhau đề cử người đảm nhiệm các lãnh vực Exécutif, Législatif và Judiciaire - trong một chính phủ chung của nhân loại.

Thật ra, những tư tưởng của Montesquieu còn có biết bao nhiêu là khía cạnh sâu sắc nữa. Ông đã viết rằng: "Tự do là quyền làm bất cứ những gì luật lệ cho phép". Nhưng tiếc thay, khi đến Việt Nam, thì câu đó đã biến thành: "Tự do là quyền làm bất cứ những gì luật lệ - còn sơ khai - cho phép!". Vì lý do ấy chúng ta rất dễ hiểu tình trạng tham nhũng lộng hành tại quê hương.

Trong một hoàn cảnh mỏng manh của buổi giao thời hậu chiến, dân trí quá thấp, luật lệ vẫn khắt khe về phương diện quốc phòng, nhưng còn quá lỏng lẻo trên phương diện thương mại, kinh doanh. Và cũng vì thế, trên phương diện chính trị, người ta vẫn giữ lấy lối tổ chức chính quyền và những luật chiến tranh nghiêm khắc. Nhưng trên phương diện thương mại, kinh doanh và hành chánh, những luật lệ sơ khai của một thời mới thanh bình đã đưa đến một tình thế tham nhũng lan tràn và cần những thay đổi quan trọng.

Mở rộng tự do trong chính trị, chấp thuận một thành phần đối lập, cũng không phải là chuyện dễ làm khi nước ta còn nghèo yếu, dân trí thấp và dễ bị ngoại bang mua chuộc, chia rẽ, lũng đoạn như chúng ta đã thấy rõ. Thay đổi trong những luật lệ thương mại, kinh doanh và hành chánh để bớt tham nhũng, là những việc rất tỉ mỉ, công phu, cần phải có một tầng lớp người tài, mà những tài năng đó đã phải được rèn luyện cho phù hợp với một thời bình - với những nhu cầu rất khác thời chiến. Muốn giải quyết nạn tham nhũng một cách gấp rút thì sẽ phải đổ máu, mà như thế, với dân trí thấp kém, nạn vu khống sẽ lan tràn khắp nơi, tạo nên một tình thế hành chánh càng thêm nguy nan.

Khi luật pháp còn quá thô sơ, nếu "Tự do là quyền làm bất cứ những gì luật lệ - còn thô sơ - cho phép", thì biết bao nhiêu kẻ sẽ lạm dụng những tự do ấy. Trước hoàn cảnh đó, nhà chức trách cũng đã phải tùy cơ ứng biến, dùng cả những hạng người không đủ tài để diễn nghĩa pháp luật, vì khốn thay, hạng bất tài ấy quá đông vì đám đông nầy đã không may mắn được ăn học trong suốt thời kỳ chiến tranh. Tình thế khó khăn ấy đã gây nên rất nhiều chỉ trích tại nước ngoài. Nhiều cuộc bàn luận xây dựng cũng đã cố tâm đưa ra nhiều giải pháp hữu ích cho nước nhà. Bàn luận nghiêm trọng và đứng đắn, nhưng than ôi, những tiếng nói xa xăm ấy đã chìm đắm như những tiếng vang, suy tàn trong một khung cảnh tự do vô hạn định. Những tiếng nói xây dựng đó không mấy được ai lưu tâm đến, như để chứng minh rằng Montesquieu vẫn chí lý, khi ông đã đưa ra một quy luật người ta không vượt qua được: Đó là, tự do cũng suy tàn khi người ta cảm thấy rằng không cần phải theo luật lệ nào nữa.

Trong một khung cảnh cần thay đổi cấp tốc thì không phải cứ thay đổi tư duy của người cầm quyền là sẽ đưa đến tự do, vì người tranh đấu cho dân tộc đã quen lối hy sinh tự do trong hiện tại để đổi lấy tự do cho những thế hệ mai sau. Cải cách luật pháp Việt Nam cho gọn gàng, trong một môi trường người tài muốn phục vụ, cho thích hợp với những nhu cầu thời bình thì những giới hạn của quyền tự do cũng sẽ rõ ràng hơn, và bớt đưa đến những sự bất công.

Francois-Marie Arouet Voltaire (1694-1778)

Ông Voltaire là người đã chỉ trích những quá khích về tôn giáo, và nghĩ rằng đại đa số những giáo điều trong các tôn giáo đều do mê tín dị đoan tạo nên, và vì thế người hiểu biết không nên chấp nhận. Ông cũng tin rằng nếu Thượng Đế đã cho con người bộ óc biết suy luận thì con người phải biết tôn trọng lý trí. Hơn nữa, ông cũng đã tin rằng Thượng Đế là Đấng điều hành vũ trụ chứ chẳng phải là một vị Cha làm phép lạ huyền hoặc của Thiên Chúa Giáo. Tinh hoa của đạo đức trong tôn giáo là luân lý. Kẻ dùng lý trí và luân lý để đối xử với tha nhân là kẻ phục vụ Thượng Đế. "Người của Thượng Đế là ai?" Ông hỏi. "Là kẻ nói với Thượng Đế là tôi thờ phụng và thương Ngài, là kẻ nói với người Thổ Nhĩ Kỳ, người Trung Hoa, người Ấn Độ, và người Nga, là tôi thương các anh". Ông Voltaire cũng đã xem những giới giáo quyền là những tổ chức đã chỉ củng cố địa vị cho các giáo hội, thay vì giúp con người cải thiện. Họ bắt người ta phải tuân theo những tín điều ngược hẳn lý lẽ thông thường. Vì đã tin chắc chắn rằng mình không thể sai lầm, họ đã nhân danh Thượng Đế để đi bắt bớ những kẻ thuộc tín ngưỡng khác.
Trên phương diện xã hội, ông Voltaire đã đề nghị phá tan những ưu quyền của giới quý tộc, giới giáo quyền, và thay đổi hẳn các luật lệ đánh thuế. Ông đã kêu gọi cho quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng, và sự công bình của mọi giai cấp trước luật pháp.

Lẽ dĩ nhiên, nếu ông sống trong thời đại chúng ta, khi Thiên Chúa Giáo đã bị những thế cờ chính trị Tây Phương lợi dụng để xâm chiếm, tàn sát khắp nơi như Đế quốc Tây Ban Nha tại Mỹ Châu, Đế quốc Pháp tại Việt Nam, Đế quốc Mỹ (và Do Thái) tại Trung Đông, thì chắc chắn ông Voltaire cũng sẽ phản kháng rất kịch liệt. Ông sẽ đem những hành động khủng bố của những đế quốc hung tợn ra ánh sáng. Ông cũng sẽ lên án chính người Pháp của ông đã lấy cớ bảo vệ những nhà truyền giáo để xâm chiếm nước Việt Nam. Ông cũng thẳng thắn chỉ trích Hoa Kỳ kiểm duyệt báo chí, đảo lộn tín ngưỡng tại Nam Việt khi thay thế thực dân Pháp tại miền Nam. Một người yêu chuộng công bình và tự do như ông chắc chắn sẽ không ngớt chỉ trích những thành tích độc tài vô lối của một bọn thực dân, nhất là khi những chính thể độc tài ấy đã được đem ra áp dụng để đàn áp những dân tộc khác, ngay trên lãnh thổ của họ.

Một điều đáng chú ý nhất trong thời đại chúng ta là ông Voltaire cũng không tin cậy chính thể dân chủ. Ông nghĩ rằng người thường dân không đủ tài năng tự điều khiển lấy chính mình, và nói rõ: "Khi đám dân đen bắt đầu lập luận thì tất cả tiêu tan hết; tôi không đồng ý với việc giao phó chính quyền cho quần chúng". Ở thời đại xưa, trong hoàn cảnh chưa có nền giáo dục quốc gia như thời nay, Voltaire đã thấy rằng đám dân đen là những kẻ "điên cuồng và mọi rợ" cần phải kiểm soát một cách khéo léo. Nhà lãnh đạo phải là một vị vua khôn ngoan, sáng suốt, và quen thuộc với mọi tư tưởng của những nhà hiền triết. Vị vua như thế sẽ đem lại những cải cách cần thiết trong xã hội; và trong xã hội ấy, giới trung lưu sẽ giữ vai trò then chốt.

Thật ra, Voltaire đã không phải là người đầu tiên đặt nhiều nghi vấn về chính thể dân chủ. Ở một thời đại còn xa xưa hơn, cách đây hơn 2,400 năm, thì Platon nước Hy Lạp cũng đã nêu lên rất nhiều khuyết điểm của chính thể dân chủ. Chẳng khác gì Voltaire, ông Platon cũng đã chỉ trích chính thể ấy ở hai điểm mà Voltaire đã nêu lên. Thứ nhất, là việc giao phó quyền thế cho dân đen; và thứ nhì là sự bất tài kém cỏi của giới lãnh đạo.

Ông Platon đã nghĩ rằng khi giao phó quyền thế cho đám dân đen thì chính phủ đó sẽ chẳng làm được việc gì nên hồn, vì đại đa số người dân có biết gì đâu. Họ không có kiến thức và không đủ kinh nghiệm để tham gia vào những quyết định về chi tiêu của chính quyền, hoặc quyết định về chiến tranh, hoặc việc liên minh với nước khác, hoặc việc tạo nên những luật pháp mới. Những quyết định phức tạp ấy đòi hỏi đến trí phán đoán sáng suốt và sâu sắc. Ông đã thấy rằng người dân trung bình không thể có những cá tính ấy vì họ dễ bị lẫn lộn, kết luận vội vàng không suy nghĩ. Những quyết định của họ đều bị những thành kiến ảnh hưởng. Dân chủ, theo ông Platon, là một chính thể dân đen cai trị.

Ngoài ra, Ông Platon cũng đã tin rằng nền dân chủ không đưa đến một giới lãnh đạo xuất sắc. Những nhà lãnh đạo ấy thường chỉ muốn củng cố địa vị hơn là nghĩ đến bổn phận người hành động theo lẽ phải. Họ mị dân, và nếu người dân muốn chiến tranh thì họ cũng không cố gắng tranh đấu cho hòa bình.

Cũng như Voltaire, ông Platon tin tưởng rằng quyền lãnh đạo phải được đặt trong tay những nhà hiền triết khôn ngoan, không những cho một quốc gia, mà còn cho cả nhân loại nữa.
Câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra là: Tại sao hai bậc hiền triết đó, Platon và Voltaire, tuy sống xa cách nhau cả hơn 2,200 năm, đã có cùng một lối suy nghĩ khi họ bình luận về chính thể dân chủ? Tại sao họ đều không đặt một tí tin tưởng nào vào đám dân đen, dễ khích động, và vội vàng phản ứng không suy nghĩ?

Khi Platon và Voltaire đều e sợ đám dân đen kia thì những nhà hiền triết ấy cũng nhắc cho chúng ta nhớ đến dân tộc Việt Nam ngày nay, dễ bị khích động, kết luận vội vàng, suy nghĩ nông cạn, và chưa thể tham gia vào những quyết định quan trọng của chính quyền. Hai nhà triết gia ấy đã cùng sống chung ở những thời đại mà người dân chưa được hưởng một nền tảng giáo dục quốc gia; dân trí còn quá thấp kém. Đặc tính ấy vẫn còn trầm trọng tại những nước mới phát triển như tại Trung Hoa, Việt Nam, hoặc tại Pháp quốc trong thời đại Voltaire. Chẳng phải tự nhiên mà Voltaire đã chỉ trích đám dân đen là "điên cuồng và mọi rợ" mà rồi đến cuối đời ông, thiên hạ vẫn hoan nghênh yêu chuộng ông. Ông đã nói lên sự thật như thế, là đã ghi lại những ngày dân trí nước Pháp còn quá thấp, giới vô học còn quá nhiều, và người ta không dám mơ màng đến một chính thể dân đen cai trị.

Như thế, nếu Voltaire là người Việt Nam ở thời đại chúng ta thì chắc chắn ông ta cũng không đặt tin tưởng nào vào đám dân đen thất học, vì dân tộc Việt Nam ta cũng vừa chỉ mới thoát khỏi ách cai trị của Pháp, rồi chấn thương sau một cuộc chiến tranh đàn áp của Mỹ, để đòi lại độc lập. Rất có thể Voltaire cũng sẽ phải đặt tin tưởng vào một loại chính phủ như lối cai trị tại Trung Hoa và Việt Nam hiện nay, vì chính thể quân chủ cũng đã không còn nữa, mà chính thể dân chủ theo lối Tây Phương thì cũng không thích hợp với những quốc gia còn mỏng manh, dân trí còn quá thấp.

Thật ra, chính thể dân chủ của Tây Phương chỉ thích hợp cho một hoàn cảnh kinh tế đang tiến nhanh, dân trí cao, và không nước ngoài nào mua chuộc được giới lãnh đạo. Khi quốc gia còn nghèo, dân trí thấp, nếu đám dân đen lại có thể cầm quyền trong một loại chính quyền tự do đối lập, thì bàn tay bí mật của ngoại bang cũng dễ hoạt động, mua chuộc để len lách vào những vị thế then chốt trong chính quyền, rồi làm rối loạn nền an ninh quốc gia. Như thế, nền kinh tế dễ bị rơi vào sự điều khiển của ngoại bang, mua chuộc một giới - dùng làm đối lập - để đoạt lấy chính quyền.

Việc đó rất dễ hiểu mà thôi. Vì tuy Hoa Kỳ luôn giả vờ kêu gọi hô hào cho một chính thể dân chủ, nhưng họ cũng đã ủng hộ triệt để những chính quyền quân chủ thối nát tại Nga, Trung Đông, và Nam Mỹ, để tha hồ cho các công ty Mỹ xâm chiếm lấy nguồn lợi của những quốc gia ấy. Đáng lẽ ra, miền Trung Đông đã phải là một miền giàu sang, phong phú, và tân tiến nhất hoàn cầu, kể cả về khoa học, trí thức và kinh tế.

Nước Mỹ đã giàu không phải là vì dân chủ, mà là vì thương mãi, kỹ nghệ và khoa học. Nhưng khi kinh tế xuống, ta sẽ thấy trong một tương lai gần đây, những nước giàu mạnh hơn Hoa Kỳ cũng sẽ lại phù trợ riêng cho một đám Mỹ thật giàu, và khuyến khích họ chỉ lo riêng cho tư lợi ích kỷ, đem tài sản đi chỗ khác, đầu tư ở những chân trời xa xăm rồi quên hẳn quyền lợi của bao nhiêu công dân Mỹ khác. Những đám thật giàu có đó tại Hoa Kỳ, một ngày nào đây, cũng sẽ chẳng khác chi một đám quan lại Trung Hoa dưới đời nhà Thanh.

Khi ấy, nền dân chủ Mỹ như ta thấy ngày nay sẽ chỉ còn là những dư âm. Chuyện đó không phải là chuyện hoang đường. Một khi giá trị đồng dollar xuống hẳn, nếu như tiền bạc Trung Hoa quá mạnh thì sức mua chuộc của họ cũng tăng lên gấp bội, và sức chống trả của Hoa Kỳ cũng yếu hẳn đi, và người Mỹ cũng sẽ phải đưa ra những biện pháp hạn chế mọi tự do hầu kiểm soát thương mại, kinh doanh chặt chẽ hơn. Và đến khi lâm nguy hẳn hoi, một chính thể cảnh sát công an cũng sẽ thành hình để bảo vệ cho non sông, đất nước của họ - chẳng khác gì những tổ chức của những quốc gia Cộng Sản sau những ngày kiệt quệ nội chiến, đã tổ chức chống lại sự xâm lược của Tây Phương. Khi ấy, Hoa Kỳ cũng sẽ thấy rằng lối tổ chức chính quyền dân chủ, với tự do đối lập, có những bất lợi không vượt qua nổi mặc dù dân trí Mỹ tương đối không thấp. Họ sẽ phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn, nhưng tuyên truyền là ngu dân, và sẽ làm dân trí thấp hẳn đi.

Chính vì những lý do đó, như Voltaire và Platon đã nghĩ, giải pháp tốt đẹp nhất cho mọi quốc gia vẫn phải là những nhà lãnh đạo sáng suốt và có đầu óc của những nhà hiền triết khôn ngoan. Những nhà lãnh đạo lý tưởng đó sẽ phải biết nghĩ vượt qua mọi biên giới quốc gia, biết yêu thương nhân loại, và không đặt quyền lợi ích kỷ của quốc gia mình trên hết.

Denis Diderot (1713-1784)

Người viết ra quyển "Encyclopedia" là Diderot. Mục đích của ông là lưu lại cho hậu thế những thành đạt của nhân loại trong thời đại Enlightenment, kể cả những tư tưởng khôn ngoan của những nhà hiền triết thời ông. Trong quyển sách đó, nhiều định nghĩa đã phản ảnh tư tưởng độc đáo của ông Diderot, nhất là những lời bình luận về trạng thái "quá khích", "chiến tranh" và "việc sử dụng nô lệ".

Ông Diderot đã định nghĩa thế nào là "quá khích" như sau: "Quá khích là một trạng thái mù quáng, đam mê, do mê tín sinh ra, và đã làm cho người ta làm những việc kỳ quặc, bất công, và tàn nhẫn, không biết ngượng và hối hận, mà lại còn cảm thấy vui và yên dạ". Ở thời đại đó, ông đã so sánh được những cuộc tàn sát xa xưa như những thời thánh chiến Croisade, thời những tòa án dị giáo Inquisition, với những cuộc đổ máu giữa Tin Lành và Công Giáo đang xảy ra tại khắp Âu Châu.

Định nghĩa của hai chữ "quá khích" ấy rất chính xác, ngay cả với người Việt Nam ta, vì ai ai cũng vẫn còn nhớ đến những quá khích trong tôn giáo tại nước ta. Một trạng thái mù quáng, đam mê, do mê tín sinh ra, đã làm những lớp người như gia đình Ngô Đình Thục/Diệm/Nhu/Cẩn, muốn Thiên Chúa Giáo lan tràn tại Việt Nam. Dưới sự điều khiển của Hoa Kỳ, họ đã cho Radio Sài Gòn tự do tẩy não người dân. Họ đổ lỗi mọi tàn phá của chiến tranh chống Pháp cho một lý thuyết Cộng Sản điên cuồng. Họ dùng một hoàn cảnh chiến tranh bất đắc dĩ khi người Việt tranh đấu cho độc lập bị ngoại xâm dồn vào, và gọi cảnh lầm than ấy là Thiên Đàng Cộng Sản. Họ, những người lãnh đạo chính trị Thiên Chúa giáo đó, còn vu khống cho những người quyết tranh đấu cho tổ quốc là mê tín, theo một dị giáo, đồng chí hướng đeo đuổi một lý tưởng điên rồ - vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo -.ròng rã biết bao nhiêu năm trời. Họ bảo rằng những kẻ đấu tranh chống ngoại xâm kia chỉ đến được mục đích là tạo nên Hỏa Ngục Trần Gian.

Nước Chúa nào đã lan tràn được đâu. Người ta chỉ thấy dòng máu và nước mắt lan tràn khắp nơi. Cho đến nay, có lý thuyết nào tồi tệ đến độ đã làm con người điên đảo đến thế đâu. Hoa Kỳ vẫn làm bạn với Cộng Sản, và bỏ rơi những con người đã dại dột theo Mỹ, vốn trở nên quá khích đến độ thẳng tay giết chóc người tranh đấu cho độc lập và tự do trên những mảnh đất vun xới bằng mồ hôi nước mắt Tổ Tiên của chính họ.

Cũng trong quyển Encyclopedia đó, Ông Diderot đã định nghĩa "Chiến Tranh" như sau: Chiến tranh là một "căn bệnh tàn khốc, làm tan nát ruộng nương và tiêu rụi thị trấn. Nếu còn biết suy luận, thì con người không bao giờ nên siêu lòng giận dữ theo những điên cuồng của chiến tranh".

Tội nghiệp thay cho người Việt Nam ta; họ đã thừa biết chiến tranh là gì, nhất là lối định nghĩa bằng những vết thương. Người ta đã chọn chôn vùi quá khứ kia để tìm thấy những thứ khác đỡ vô lý, và cần ghi nhớ hơn. Người ta muốn định nghĩa của thanh bình, và của tất cả những gì đơn sơ mộc mạc mà thời buổi chiến tranh đã cướp mất.

Nhưng than ôi, cho đến ngày nay, khối Tây Phương vẫn còn tiếp tục đường lối cũ. Họ vẫn còn tham lam giữ lấy ưu thế bằng cách tiếp tục gửi quân đội đi khắp nơi, nghiên cứu mọi khí giới bảo đảm đưa đến điêu tàn, đặt căn cứ quân sự ở mọi phương trời, để giữ lấy ưu thế trong một thế giới họ đã quen làm chủ. Nhưng, trong lịch sử nhân loại, có đế quốc nào mà vững mãi được đâu. Những di tích cũ của các nền văn minh đã suy tàn kia rải rác khắp thế gian, để nhắc cho ta rõ định luật ấy. Khoa học tàn phá cũng đã đến tay kẻ khác. Người ta sẽ phải hiểu sớm rằng học hỏi được sự khôn ngoan qua những kinh nghiệm cũ thì vẫn khó hơn là phát minh thêm những kỹ thuật chiến tranh tàn phá mới.

Ngay trong buổi sinh thời, ông Diderot đã không dùng Encyclopedia để đề cao một xứ sở như Hoa Kỳ, lúc ấy còn đang đặt nền kinh tế trên việc sử dụng nô lệ. Là một người tin tưởng vào quyền tự do, chống trả lại độc tài và lên án việc sử dụng nô lệ, Ông đã viết rằng : "Không một ai được thiên nhiên giao phó cho quyền điều khiển kẻ khác". "Tự do là một quà tặng Trời cho, và mỗi cá nhân đều có quyền hưởng nhận" Vì lẽ đó, "Con người và quyền tự do của họ không phải là những món hàng buôn bán được - bằng bất cứ giá nào. Thành thử, không một kẻ khốn nạn nào trong đám nô lệ mà lại không có quyền được giải phóng".

Ở trường hợp Việt Nam ta, khi nước Pháp in đồng bạc Đông Dương tại Pháp, và làm loãng đi mạch máu của dân ta,  thì Hoa Kỳ lại viện trợ cho Pháp để kéo dài hình thức nô lệ ấy - mà lại còn rêu rao là giúp người dân trong tự do! Khi tượng Nữ Thần Tự Do được nước Pháp tặng cho Hoa Kỳ năm 1886 thì hai năm sau, năm 1888, đồng tiền Đông Dương được phát hành, với hình ảnh Nữ Thần đó ngồi trên đồng bạc của chúng ta.

Lúc ấy, khi người dân Việt phải đổ mồ hôi đổi lấy đồng tiền ấy mà mua lấy bát cơm, thì người Pháp chỉ cần in thêm tiền piastre tại mẫu quốc, để rồi đoạt lấy bất cứ gì quý giá trong nước ta!!! Nữ Thần đó được gọi là Tự Do hay sao? Hình ảnh đó có thể biểu tượng tự do ở xứ sở người khác, vì những đất thuộc địa kia đã làm giàu cho người dân đế quốc, giúp họ tạo ra một xứ sở quá giàu, gọi là "xứ sở của cơ hội" - The Land of Opportunity. Nhưng ở một phương trời đáng thương như nước ta, nó đã tượng trưng cho một hoàn cảnh nô lệ, khiến người Việt chúng ta đã phải vùng lên để phá bỏ mọi xiềng xích!!!

"Chúng Tôi Muốn Sống!" là tiếng hét lên như thế, chứ chẳng phải là một cuốn phim rẻ tiền vô giá trị do Mỹ ứng tiền ra mà ngày nay không ai dám đưa ra quần chúng Mỹ, để phanh phui ý định tồi tàn và tàn nhẫn của một bọn người vô liêm, đã chủ tâm gây nên hoảng hốt, để nhẫn tâm lừa gạt và chia rẽ dân ta, đưa đến tương tàn và thù oán. Chẳng cần phải đi xa, ta cũng thừa biết rằng biết bao nhiêu loại phim như thế cũng đang được tung ra tại Trung Đông để lừa dối dân lành, và đem dầu lửa về Hoa Kỳ với giá hạ thấp bằng máu người dân bản xứ.

Jean-Jacques Rousseau (1712-1778)

Có lẽ những chỉ trích mạnh mẽ nhất của Thời Đại Quang Minh là của ông Jean Jacques Rousseau. Theo ông, sự bất công trong xã hội đã trở nên rõ rệt khi một hạng người thì quá giàu mà kẻ khác vẫn phải chìm đắm trong cảnh nghèo khổ. Những quyền lợi đặc biệt dành cho giới thượng lưu là những bất công. Và truyền thống đặt quyền thế vào tay của những đứa bé làm vua, vua ngu, vua độc tài, cũng là những điều vô lý.

Hơn nữa, ông cũng không tin chắc chắn rằng mọi tiến bộ trong khoa học và nhân sinh đã giúp con người khá hơn. Con người sống trong văn minh đã không hạnh phúc, trở nên bất ổn, và ích kỷ. Ông cho rằng người đời xưa sống trong rừng hoang thì tốt và hạnh phúc hơn là một người Pháp văn minh; vì không tham lam, họ cũng không đối xử tàn tệ với tha nhân. Ông đã than rằng: "Con người sinh ra thì tự do, nhưng đâu đâu cũng thấy bị xiềng xích". Khi bản chất con người là tốt, người ta phải biết cứu giúp - không để cho xã hội làm bản chất đó bị sa đọa, và biến thể. Tuy nhiên, vì ông thừa biết rằng người ta không thể nào quay lại cuộc sống đơn giản thuở xa xưa, giải pháp thực tế của ông Rousseau là phải thay đổi xã hội và chính trị, để con người, tuy ràng buộc trong văn minh, vẫn được thản nhiên sống với bản chất tốt tự nhiên, hướng thiện và hạnh phúc.

Một giải pháp giúp người ta trở nên tốt hơn là sự cải cách trong phương pháp giáo dục, giúp thiếu niên được phát triển theo bản chất thiên nhiên của nhân tính, thay vì bị gò bó trong những khuôn khổ chật hẹp, làm mất hẳn tính cách cá nhân của mỗi học trò. Hơn nữa, ông Rousseau cũng tin rằng vì tuổi thơ quý báu rất chóng qua, điều cốt yếu là phải biết thương trẻ nhỏ, vì chẳng mấy lúc chúng sẽ phải gánh vác bổn phận người lớn. Ngoài ra, ông cũng biết rằng nếu chỉ thay đổi nền giáo dục mà thôi thì không đủ đưa đến cải cách xã hội. Người ta còn phải thay đổi cả lối tổ chức chính quyền nữa. Về khía cạnh ấy, không như những nhà hiền triết cùng thời đại, ông Jean Jacques Rousseau đã đặt tin tưởng vào chính thể dân chủ. Ông cũng muốn phá tan những bộ luật dành ưu tiên cho một giai cấp này, đặt trên giai cấp khác. Luật pháp, theo ông, phải có lợi cho toàn thể cộng đồng.

Một điểm quan trọng rất khác biệt trong tư tưởng của Rousseau là ông đặt tin tưởng vào người thường dân nhiều hơn là Voltaire và Platon, mặc dù người dân lúc đó phần đông còn thất học. Ông tin rằng khi trả lại quyền thế cho người dân, người ta cũng dễ tìm lại được quyền tự do trước kia của họ. Ông đã cảm thấy rằng, khi người dân cùng chung sức, thì họ cũng đủ khả năng làm những quyết định khôn ngoan. Ông không đồng ý với những ai cho rằng những kẻ nắm quyền thế cổ truyền - các vị vua, hoàng tộc và giáo quyền - đã có biệt tài cai trị quần chúng. Chính vì Jean Jacques Rousseau tin rằng quần chúng phải có quyền tự trị, ông đã là một tiền bối, một cha đẻ, của chính thể dân chủ.

Một điều đáng chú ý, như ta đã thấy, là ông Rousseau đã đặt tín nhiệm vào đám dân đen, và tin tưởng rằng họ cũng biết chung sức để tạo nên khả năng làm những quyết định khôn ngoan. Niềm tin đó cũng đã hoàn toàn đi ngược hẳn những tư tưởng của Voltaire và Platon. Hai nhà hiền triết nầy đã quyết liệt chống lại sự tham gia của quần chúng thất học thời đại họ, vì nền giáo dục đã chỉ dành riêng cho một thành phần được ưu đãi.

Vậy thì: Ai có lý? Platon/Voltaire hay Jean Jacques Rousseau? Nói một cách khác thì: Ta có nên đặt tin tưởng vào sự tham gia của đám dân đen trong chính quyền hay chăng?
  
Cách mạng Pháp 1789

Người cảm thấy Voltaire và Platon có lý, thường đặt tin tưởng vào một giai cấp lãnh đạo biệt lập, có khả năng riêng, và không còn mấy tin tưởng vào đám dân đen nữa. Trong cách phân tích hiện đại, thì họ cũng thuộc về thành phần khuynh hữu, muốn đặt guồng máy lãnh đạo vào tay một thành phần chọn lọc, không để đám dân đen làm chính quyền thêm vướng víu. Khuynh hướng của Platon còn được gọi là Elitism, nghĩa là thiên về giới thượng cấp ưu tú. Ngược lại, người cảm thấy Rousseau có lý, thường đặt tin tưởng vào người dân trung bình và hạ cấp, tin rằng họ cũng chẳng thua kém chi những kẻ may mắn hơn. Trong cách phân tích chính trị xã hội ngày nay, thì họ có khuynh hướng thiên tả, mà cực tả thì tương đương với Cộng Sản.

Tuy nhiên, phần đông chúng ta thường không có tư tưởng hoặc khuynh hướng nhất định. Ta có thể lúc này tin theo chiều hướng của Rousseau, đặt mọi tin tưởng vào đám dân đen hăng hái đấu tranh cho dân tộc Việt Nam ta. Nhưng đến khi họ tổ chức những cuộc tố khổ dã man, khi chứng kiến đám dân đen đó reo hò trước một cảnh tượng gớm ghê, người ta vẫn có thể đổi ý và thấy Voltaire vẫn có lý hơn. Nhiều người Việt Nam chúng ta cũng đã hoan hỉ ngày Giải Phóng đuổi giặc xâm lăng, đưa đến chiến thắng vinh quang. Nhưng khi đói khổ, ốm đau, chết chóc trong cảnh hòa bình, mà thấy đám dân đen kia cũng chẳng làm nên chuyện gì, ngoài những Trại Cải Tạo, thì họ cũng chẳng còn tin tưởng gì ở một chính quyền dựa vào đám dân đen nữa. Họ thù oán chính quyền đó, thay vì chấp nhận cảnh hậu chiến. Và họ sẵn sàng bỏ cả quê hương, khi thấy đám dân đen kia nắm quyền cai trị. Chính vì lý do đó mà ngày nay, người Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn thường có khuynh hướng thiên hữu.

Họ, những người Mỹ gốc Việt nầy, đã quên hẳn một thời xa xưa, khi người ta đã thấy bao kẻ lầm than, gầy guộc, bị người Pháp tra tấn cho đến không còn gì để đáng sống thêm. Lúc đó, người ta cũng vẫn muốn hòa mình với đám dân đen kia, đoàn kết trong cuộc sống chui rúc, để nhất tâm giải phóng quê hương. Trong hoàn cảnh xa xưa đó, người ta thường vẫn tin tưởng đám dân đen hơn là thực dân Pháp, và tìm thấy trong tư tưởng của Rousseau bao nhiêu ý nghĩa khác. Khi đó, chúng ta có khuynh hướng thiên tả.

Cũng vì khuynh hướng thiên tả đặc biệt đó, mà những tư tưởng của Jean Jacques Rousseau gần với cuộc Cách Mạng Pháp hơn. Tuy mặt ngoài, những suy nghĩ của ông chỉ có vẻ thản nhiên, nhưng nó chứa chất biết bao nhiêu mãnh lực tiềm tàng, và trở nên rất nguy hiểm đối với giới thống trị. Vì thật ra, khi hoàn cảnh đất nước trở nên nguy nan, khi người thông minh và tài giỏi phải sống trà trộn với đám dân đen, sinh trưởng ngay trong đám dân đen đó, thì không khí chính trị trở nên rất mỏng manh. Giới thống trị kia cũng sẽ lung lay, khi hết đáp ứng những nhu cầu căn bản của người dân. Chỉ bỗng chốc, như một cơn gió độc, những tư tưởng kia lại trở về, và người ta ai nấy đều đặt tin tưởng vào đám dân đen hơn. Họ là Giặc Cờ Lau. Họ đã theo Anh Hùng Áo Vải. Họ đã ở trong tất cả mọi phong trào khởi nghĩa.

Những căng thẳng trong xã hội Pháp ngày đó - trước cuộc Cách Mạng Pháp - thật ra chẳng mấy khác những căng thẳng ngày nào giữa những khuynh hướng cực tả và cực hữu trong cuộc chiến tranh lạnh Cold War. Sự tương tự ấy sẽ rõ ràng hơn khi ta nhận định lại những định luật ràng buộc xã hội, chính trị và kinh tế. Hai khuynh hướng thiên hữu và thiên tả đã luôn luôn hiện hữu trong mọi xã hội. Trong hoàn cảnh một nước độc lập, dân chủ và tự do, xã hội thường vẫn ngả nghiêng, nay khuynh tả, mai khuynh hữu, theo thời cuộc. Yếu tố mạnh nhất làm xã hội đó đổi chiều là tình hình kinh tế.

Khi kinh tế đang lên, thì một giai cấp đại phú xuất hiện trong xã hội. Ảnh hưởng giai cấp đó trên chính trị thường sẽ tạo nên một chính thể khuynh hữu thuận lợi cho kẻ giàu làm ăn. Vì xã hội thịnh vượng, ai ai cũng tiến và thấy lối thoát, người ta không đặt quan trọng vào sự chênh lệch gia sản giữa người giàu và kẻ nghèo, hoặc những đặc quyền của giai cấp lãnh đạo. Xã hội khuynh hữu đó còn được gọi là "tư bản" hay "tự do". Người dân đặt tin tưởng ở giới lãnh đạo và cho họ được ưu thế, kể cả những lợi tức vượt bực. Ngược lại, khi kinh tế đang xuống, một giai cấp bị thiệt thòi, quá thiếu thốn sẽ xuất hiện; mọi khác biệt trong các giai cấp xã hội sẽ dễ bị đem ra soi bói, và xem như những bất công trầm trọng. Hoàn cảnh ấy sẽ tạo nên những áp lực chính trị thuận lợi cho chính sách hướng về quân bằng tài sản, đánh thuế người giàu để lo cho những chương trình xã hội. Xã hội đó đã trở nên khuynh tả, và đã là tình thế ngày đó của xã hội Pháp.

Trong Cold War, sau cả thế kỷ bị nội chiến và bị Tây Phương liên tiếp tấn công, nền kinh tế những nước chống lại Tây Phương xuống dốc đến nguy nan. Hoàn cảnh ấy đã đưa đến những áp lực chính trị thuận lợi cho chính sách hướng về quân bằng tài sản. Vì bị Tây Phương triệt để bao vây, dồn vào cảnh kinh tế bế tắc trong suốt thời buổi đó, những nước chống lại Tây Phương đã bị kiệt quệ. Hiện tượng phải quân bằng cho đến cùng cực đã đồng nghĩa với tình trạng người ta đã phải chia sẻ từng miếng ăn, từng hộ khẩu để tránh nội loạn. Họ cũng đã phải kiểm soát khắt khe mới giữ được an ninh. Sự quân bằng trong hoàn cảnh lâm nguy ấy, và lối kiểm soát nghiêm nghặt, đã chỉ là những biện pháp chứ không phải là mục đích tối cao.

Người ta dùng hình ảnh lối sống chung, miễn cưỡng quân bằng, kiểm soát tối đa như thế để bảo rằng, đó là mục đích của một dị giáo; chứ thật ra, đó đã chỉ là một hoàn cảnh bất đắc dĩ. Họ đã phải vừa sống sót, vừa tạo nên một bộ máy chiến tranh để đương đầu với những nước Tây Phương mạnh gấp bội, kể cả về kinh tế, đồng minh, và vũ khí. Ngược lại, trong suốt thời kỳ Cold War, vì kinh tế những nước Tây Phương đang thịnh vượng, người dân không đặt trọng sự chênh lệch giữa người các giai cấp, nên họ cũng tuyên truyền rằng sự cách biệt ấy đã khiến người nước họ hết sức tranh đấu để làm giàu, đưa Thế Giới Tự Do đến thành công, biểu hiệu bằng những nhà chọc trời cao chót vót.

Nhưng thế cuộc đó nay đã đổi thay. Những nước Cộng Sản xưa, từ Nga đến Trung Quốc và ngay cả Việt Nam, đã không còn quân bằng tài sản nhân dân nữa, như để chứng minh rằng, cảnh hòa bình và thịnh vượng đã biến những quốc gia ấy thành những xã hội và chính phủ khuynh hữu, lập hẳn nên một giới đại tư bản, dùng làm lực lượng tiền phong cho nền kinh tế đang lên của họ. Ngược lại, trong hoàn cảnh kinh tế bế tắc, các nước Tây Phương đã thấy khuynh hướng họ phải đổi chiều, đặt lại ưu tiên cho những chương trình xã hội để lo cho người thất nghiệp. Họ sẽ chăm chú vào những bất công trong xã hội và tìm cách đánh thuế hạng đại phú, và từ từ trở nên những chế độ khuynh tả, quen thuộc với những kêu gọi của Jean Jacques Rousseau hơn.

Thật ra, nhìn một cách thật đại cương, thì sau Thời Đại Quang Minh/Khai sáng, khi Cách Mạng Kỹ Nghệ (La Révolution Industrielle) làm nền kinh tế của Tây Phương vượt trội hẳn lên, thì họ cho quân đội đi xâm lăng cả hoàn cầu. Sự cách biệt xa xăm giữa Tây Phương và hoàn cầu đã giúp họ nâng cao mực sống và làm chủ nguyên liệu khắp nơi. Nhưng sau vài thế kỷ, những quốc gia đông dân cư đã tìm cách kháng cự lại, giữ gìn nguyên liệu và tìm cách kỹ nghệ hóa. Cách kháng cự của họ có thể chia làm hai thành phần, một là bất bạo động (Ấn Độ), hai là dùng bạo động và trang bị vũ khí như Nga và Trung Quốc (Khối Cộng Sản). Thời gian chạy đua trang bị vũ khí ấy là Cold War. Trước hiểm họa diệt vong, tất cả mọi lực lượng ấy đều đã phải đình chiến. Trong thời gian ngưng chiến ấy, lợi dụng một lúc mọi biên giới mở tung ra cho những kỹ nghệ Tây Phương tràn ngập, những nước Đông Phương nhiều dân cư đã học hỏi và đuổi kịp Tây Phương trong công cuộc kỹ nghệ hóa. Sự cách biệt giữa hai mực sống Tây Phương và Đông Phương đã giúp mọi sản phẩm làm tại Đông Phương rẻ hơn, cạnh tranh mạnh mẽ, và vì thế, nền tài chính trên hoàn cầu cũng đang đổi trọng tâm, và giúp cuộc kỹ nghệ hóa đó càng ngày càng nhanh.

Đáng lẽ ra Cách Mạng Kỹ Nghệ đã phải lan ra trên hoàn cầu nhanh chóng hơn. Nhưng Tây Phương đã giữ lại độc quyền ấy, chiếm đoạt lấy nguyên liệu của hoàn cầu, và duy trì sự chênh lệch giữa một giới quá giàu và đại đa số nghèo - một sự bất công căn bản mà ông Rousseau đã nêu lên. Thật vậy, dù đã đến thế kỷ thứ 21, nền quân chủ trên hoàn cầu của bao nhiêu quốc gia lạc hậu, vẫn còn tồn tại nhờ những nước quá giàu mạnh khối Tây Phương ủng hộ. Giới lãnh đạo khối Tây Phương đã chọn thế cờ ấy - duy trì những chế độ bất tài, kể cả chế độ quân chủ - hầu chiếm đoạt những hợp đồng quá dễ dàng, quá rộng rãi và quá dài hạn, để giúp những công ty khổng lồ của họ bành trướng từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Hoàn cảnh ấy đã tạo nên một sự chênh lệch quá lớn lao tại những nước nhược tiểu kia. Một bên là giới hoàng tộc hoặc thượng lưu bán nước, ký kết với những công ty Tây Phương. Còn một bên là đại đa số quần chúng nghèo không đủ sức phản kháng lại những bất công. Với sự thỏa thuận của những hoàng tộc và giới thượng lưu vô dụng phung phí kia, những cường quốc vẫn tiếp tục đem quân đội đàn áp, tàn sát người dân miền Trung Đông.

Lẽ dĩ nhiên, chẳng những ta đã thấy thế cờ đó ở Việt Nam, khi Pháp tìm cách duy trì chế độ quân chủ suốt đời của Nhà Nguyễn, ta còn thấy thế cờ ấy ngay bên Trung Quốc, khi những nước Tây Phương giúp duy trì Nhà Thanh. Hoa Kỳ cũng đã phù trợ chế độ quân chủ của Nga Hoàng Romanov trong thời buổi nội chiến tại Nga, âm thầm gửi quân đội Mỹ qua Nga để giúp bên Bạch quân (theo Nga hoàng) chiến đấu chống Hồng quân cách mạng của Lénine. Và ngày nay, ta cũng thấy rõ khối Tây Phương phù trợ cho bao nhiêu triều đình khác của những đế vương hoang phí tại Trung Đông, để mặc sức hút dầu lửa của người dân bản xứ.

Một ví dụ rõ ràng nhất là tại Iran, năm 1953, khi liên minh Hoa Kỳ và Anh Quốc dùng những tổ chức gián điệp của họ (CIA và M15) để phá tan chế độ dân chủ của Iran do thủ tướng Mohammad Mosaddegh lãnh đạo, hầu lập lại chế độ quân chủ của Hoàng Đế Reza Pahlavi. Những hành động tàn phá của những đế quốc ấy đã khiến ông Mosaddegh bị giam đến cuối đời, sau khi đã lập nên bao nhiêu cải cách xã hội, giúp đỡ giới nông thôn và thợ thuyền. Nhưng than ôi, chỉ vì quốc hội của Thủ Tướng Mosaddegh đã đồng nhất trong việc quốc hữu hóa dầu lửa của nước Iran, bị cướp đoạt bởi công ty Anglo-Iranian Oil Company (tên cũ của BP, British Petroleum) dưới ách thống trị của Đế Quốc Anh, mà thảm họa kia đã ám ảnh quốc gia lẻ loi đó, cho đến tận ngày nay.

Tại Nam Mỹ, khi không còn chế độ quân chủ nữa thì trước đây, đế quốc Mỹ đã cho những công ty của họ mặc sức lộng hành, cướp giựt lấy tài nguyên, nông trại, và lập nên những chính phủ bù nhìn. Họ còn dùng những căn cứ quân đội của họ để mặc sức tiêu diệt người phản kháng, đổ lỗi cho một dị giáo có tên gọi là Cộng Sản. Trong khi đó, những chính phủ bù nhìn kia, vì sống trong cảnh loạn lạc, bất an ninh, đã đem tiền bạc Mỹ hối lộ trở về những ngân hàng của Hoa Kỳ, và tiếp tục làm giàu cho nền kinh tế đế quốc. Ông Allende của Chili, vì đã chống Mỹ và có chương trình cải cách như Thủ Tướng Mosaddegh nước Iran, cũng đã bị Hoa Kỳ ám hại.

Vì thế, chúng ta đã rất dễ nhận định rằng Tây Phương đã luôn ủng hộ giới chính trị cực hữu của những quốc gia kia, kể cả những đế vương vô dụng. Sự ủng hộ thiên lệch của họ đã tạo nên một hoàn cảnh đi ngược hẳn quyền tự do của người dân bản xứ. Tại những nước nhược tiểu bị đàn áp ấy, chính quyền không còn phản ảnh khuynh hướng chính trị của xã hội đó nữa. Như ta đã thấy, ở những nước mạnh và độc lập, khi xã hội khuynh tả, hoặc khuynh hữu, thì người dân cũng đã chọn một chính quyền phản ảnh những khuynh hướng chính trị ấy. Nhưng ở những xã hội bị Hoa Kỳ đàn áp, khi xã hội đó trở nên khuynh tả cần cải cách, thì sự điều khiển của những Tòa Đại Sứ Mỹ vẫn đưa đến những chính quyền khuynh hữu, hoặc cực hữu, và đã làm phong trào chống Mỹ nổi lên khắp nơi để phản kháng hố sâu giữa người dân và chính phủ của họ. Ngày trước người chống lại thì gọi là Cộng Sản, và đến ngày nay thì gọi là Khủng Bố, vì đà tiến của Trung Hoa đã làm danh từ kia trở nên lỗi thời trong chiến tranh tuyên truyền.

Nhìn thấy sức tàn phá của những vũ khí tối tân, một hành tinh đang lâm nguy, và những lề lối tuyên truyền dựa vào khoa học tối tân, người ta đã không khỏi ngờ vực những tiến bộ của văn minh. Lý do đã đưa đến tình trạng ấy vẫn bắt nguồn ở một trạng thái mà ông Jean Jacques Rousseau đã vạch rõ. Đó là con người văn minh vẫn ích kỷ và ít ai hạnh phúc. Ngay trong các trường học, lối giáo dục thiếu niên xưa đã trở thành một lối cạnh tranh giữa các quốc gia. Họ cũng đã thi nhau đặt gánh nặng ấy trên vai đàn trẻ, để rồi chúng phải quên đi những màu nhiệm của một ngày thơ chóng qua. Trong các phòng thí nghiệm, họ đã tranh đua phát minh thêm những kỹ thuật chiến tranh không còn ai kềm chế được nữa. Sự điên rồ ấy đã khiến những chi phí cho cách tiêu diệt nhau trong hoàn cầu, vượt biết bao nhiêu lần ngân quỹ cho sức khỏe; mà trong đó Hoa Kỳ đã chiếm hẳn một nửa.

Riêng với người Việt Nam chúng ta, lối suy nghĩ của ông Jean Jacques Rousseau đã phù hợp nhất với ngày tranh đấu của đất nước chúng ta, một đất nước tràn ngập lũ dân đen. Thay vì hất hủi đám dân thất học, ông Rousseau đã là người duy nhất đề nghị đưa quyền tự trị vào tay đám dân đó, khi thực dân Pháp chê bai, cho rằng người Việt Nam ta chỉ là một đám ngu si, vô phương cách dẫn đến văn minh. Tuy không mấy biết đến ông Jean Jacques Rousseau, người dân đen chúng ta cũng đã tin rằng khi đoàn kết, họ cũng đủ sức làm những quyết định khôn ngoan. Họ cùng chịu khổ, chịu đói, chịu dấu mặt, chịu mọi cực hình để tiếp tục đấu tranh, hầu gìn giữ nền văn minh phong phú của chúng ta. Họ đã chọn nhà lãnh đạo Việt Nam, thay vì một bọn ngoại quốc xâm lăng và bọn tay sai bản xứ. Vì đã tin rằng quần chúng phải có quyền tự trị và dân chủ, tư tưởng cách mạng của ông Rousseau vẫn là ngọn đèn pha của những dân tộc như người Việt Nam chúng ta.

Nicolas de Condorcet (1743-1794)

Để kết luận, có lẽ không gì hay bằng những tiên đoán của Marquis de Condorcet như sau:

"Rồi đến một ngày nào đó, mặt trời sẽ chỉ soi sáng cho những người tự do, khi họ biết rằng chỉ lý trí họ mới làm chủ họ, chứ không ai khác. Lúc ấy cũng là lúc ta biết dùng lý trí để nhận định được những mầm móng đầu tiên của sự đàn áp và mê tín, hầu diệt ngay trước khi nó dám xuất hiện lại trong chúng ta. Sau cùng, khi tất cả mọi quốc gia đã đồng lòng về những nguyên tắc chính trị và luân lý đạo đức, thì tất cả những lý do đã đầu độc sự liên hệ giữa những quốc gia cũng dần dần biến đi, để rồi chẳng còn gì khuyến khích những quốc gia đó phải lao đầu vào những cuồng nhiệt của chiến tranh."

Những nhà hiền triết kia cũng đã chẳng là những kẻ mờ mắt vì mộng mơ. Ông Diderot cũng đã viết: "Ta hãy rên khóc cho những lý thuyết. Ta diễn giải sự khôn ngoan cho những kẻ điếc, và còn thấy Thời Đại của Lý Trí quá xa xôi."

Than ôi, sau một Thời Đại Quang Minh/Khai sáng ấy, sức mạnh vô biên của kỹ thuật và khoa học đã vượt quá xa những lý lẽ khôn ngoan. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ (La Révolution Industrielle) ở những nước Tây Phương kia, cũng đã tạo nên những xiềng xích quá sức con người, khiến Engels, thế kỷ thứ 19, đã phải viết:

"Rất thường xuyên người ta đã thấy một lũ trẻ từ 14 đến 20 đứa châu đầu lại trong một căn phòng nhỏ, làm việc suốt 15 tiếng trong 24 tiếng mỗi ngày mà toàn là những công việc kiệt lực. Những đứa trẻ con từ 9 đến 10 tuổi đã bị kéo ra khỏi những cái giường bẩn thỉu, từ 2, 3, 4 giờ đêm, bắt phải làm việc cho vừa đủ sống sót, cho đến 10, 11, hay 12 giờ đêm, tay chân rũ rượi, người héo lại, mặt nhợt ra, và cả nhân phẩm của chúng nó đã biến thành một trạng thái tê lạnh như đá, tuyệt đối ghê rợn khi nhìn vào."

Vì thế, khi lòng người đã nổi trận cuồng phong, vì không còn cách nào khác hơn, thì Karl Marx và Engels cũng đã phải kết luận Communist Manifesto bằng những dòng cuối cùng như sau:

"Những người Cộng Sản công bố rằng, những mục đích của chúng ta sẽ chỉ đạt được bằng cách lật đổ mọi điều kiện xã hội hiện tại. Hãy làm những giai cấp cai trị phải run sợ trước cuộc cách mạng cộng sản. Giới bần cùng sẽ chẳng mất gì ngoài những xiềng xích, nhưng sẽ có cả một thế giới đợi ta.

Nhân công trên toàn cầu, hãy đoàn kết!"

Nếu Karl Marx và Engels đã sống trong thế kỷ thứ 18, thì hai nhà hiền triết ấy cũng đã chẳng khác gì những người như John Locke, Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau và Condorcet, vì họ đều đã cùng một lý tưởng tranh đấu cho quyền tự do, và cho nhân loại. Nhưng vì họ đã sống ở một thời buổi gay gắt hơn, khi giai cấp tư bản tham lam đã tàn nhẫn hơn, nên sự phản kháng đã phải quyết liệt hơn.

Lời kêu gọi đó của Karl Marx và Engels đã hoàn toàn hợp lý trong khung cảnh bị đàn áp của nước ta, chứ chẳng phải những lý thuyết gì xa xăm, vì nó cũng chẳng khác gì những lời kêu gọi của những nhà hiền triết thời đại Enlightenment. Nó chỉ thêm cường độ gay gắt hơn, vì hoàn cảnh nghiêm trọng hơn, khi một dân tộc này đã làm chủ một dân tộc khác và sẵn sàng tàn sát người chống đối.

Nếu mục đích của người ta là chinh phục được lòng người, thì không gì hay bằng thấu hiểu thiên nhiên của con người để biết người biết mình. Cũng vì lẽ đó, những nhà hiền triết xưa đã nghiên cứu về nhân bản, để hiểu người hiểu mình và lập nên cả một Thời Đại Quang Minh. Nhưng đến thế kỷ sau, khi văn minh Tây Phương phụ bỏ những hiểu biết sâu xa ấy, thì họ đâm ra ích kỷ, tham lam, quên đi những nhu cầu căn bản của con người, chà đạp bừa bãi lên tự do của những nước lạc hậu khác. Họ đã thay thế những hoàng tộc Âu Châu xưa, trong một thế giới họ làm chủ. Họ đã lộng hành và mặc kệ những hiểu biết căn bản về thiên nhiên con người. Họ đã đặt tinh thần quốc gia ích kỷ trên tình đồng loại, vì thế, họ đã thất bại.

Người ta phải biết đặt nặng tình đồng loại trên tinh thần quốc gia thì thế gian mới có thể đi đến một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng vì những đế quốc vẫn còn hò hét cho quyền lợi ích kỷ quốc gia họ nên cũng đã đi ngược lại những tư tưởng đại đồng của những nhà hiền triết đời đó. Và khi họ dám xem dân tộc Việt Nam ta như một hạng người nòi giống khác, phải hầu hạ cho quyền lợi quốc gia họ, thì lời kêu gọi của Karl Marx và Engels đã trở nên đồng nghĩa với ý chí bất khuất của chúng ta. Trong thâm tâm, người Việt Nam ta đã tranh đấu cho những quyền lợi căn bản của con người, được ghi trong các dòng tư tưởng của một Thời Đại Quang Minh. Vì những sự tương tự đó, cuộc giải phóng của người Việt Nam chúng ta cũng đã gợi lại tất cả những hình ảnh oai hùng, nhưng cũng ghê rợn, của cuộc cách mạng Pháp năm xưa, 1789, vì cuộc cách mạng ấy cũng bắt nguồn từ những lý tưởng chung của con người. Đó là quyền sống trong tự do, và quyền giữ một mảnh quê hương tổ tiên để lại.

Previous Post
Next Post