Tranh đua lành mạnh

Tranh đua là một phần của cuộc sống. Bạn không thể né tránh hay phớt lờ sự tồn tại của nó. Tôi rất thích tranh đua. Khi còn là một cậu bé, tôi đã từng là người chạy nhanh nhất trong trường, đồng thời là ngôi sao trong đội tennis Bắc California dành cho lứa tuổi tôi.

Ở trường trung học, tôi trở thành vận động viên quốc gia và được nhận học bổng của trường cho môn thể thao tennis, đồng thời là thành viên sáng giá nhất và cũng là đội trưởng trẻ tuổi nhất chưa từng có thời bấy giờ. Ngoài ra, tôi đã từng tham gia ba cuộc chạy marathon, trong đó có lần kéo dài tới 3 giờ đồng hồ.

Trở thành người lớn, tôi vẫn tiếp tục tranh đua không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà cả trên thương trường. Tôi thương lượng, tìm cách mua rẻ, bán đắt. Tôi tự hào vì mình là một người có đầu óc sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh. Bên cạnh đó, công việc xuất bản cũng là một ngành mang tính cạnh tranh gay gắt. Tôi luôn mong muốn sách của mình hay, bán chạy, muốn được người ta tán thưởng nhiệt liệt sau mỗi bài diễn thuyết. Tôi có thể khẳng định nếu không có tranh đua, tôi đã không thể trở thành người có ích cho nhiều người khác như bây giờ. Với tôi, đây là phần rất quan trọng.

Tôi kể ra những điều này bởi nhiều người cho rằng một người vốn sống thanh thản như tôi khó lòng tranh đua. Điều này hoàn toàn sai. Bạn có thể tranh đua mà vẫn điềm đạm, lịch lãm, không để bị chi phối hay lệ thuộc vào sự thắng bại. Bạn tranh đua gay gắt, là người chiến thắng, thành công trong kinh doanh, đồng thời vẫn không quên điều quan trọng nhất: hưởng thụ cuộc sống.

Tranh đua lành mạnh có nghĩa bạn tranh đua không phải vì khát vọng đạt được mục đích mà vì niềm say mê được tranh đua. Với bạn, bản chất của sự tranh đua đã là đủ. Bạn bị cuốn vào hiện thực, vào những gì đang diễn ra - một cuộc đàm phán, thương lượng, một buổi thương thuyết khách hàng v.v… Bạn thỏa mãn với sự tranh đua xuất phát từ trái tim, thắng hay bại với bạn chỉ là điều thứ yếu. Cách nhìn lành mạnh này giúp cho cuộc sống và công việc của bạn trở nên dễ dàng. Bạn phấn đấu hết mình và thanh thản trước mọi thắng bại. Bạn dành lại năng lượng để nhìn thấy những cơ hội bị che khuất. Bạn học hỏi từ sai lầm, từ thất bại và tiến lên phía trước.

Người ta vẫn thường nói chiến thắng là điều phải đạt bằng mọi giá nhưng với tôi, đây là điều vô nghĩa nhất. Xuất phát điểm của tư tưởng này chính là nỗi lo sợ nếu không biết khao khát, bạn sẽ không thể chiến thắng. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng tôi chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ khao khát, héo hon vì chiến thắng nhưng tôi vẫn thắng. Tôi thắng trong nhiều cuộc thi, nhiều giải, đạt được nhiều thành công trong kinh doanh và có nhiều quyết định đầu tư sáng suốt. Thế nhưng nếu tôi chỉ say sưa với thành tựu mà quên mất tính nhân đạo, quên mất xuất phát điểm của tranh đua là từ trái tim, thì tất cả những gì tôi đạt được đều vô nghĩa.

Mary, giám đốc sản xuất của một hãng truyền hình nói với tôi: “Cũng có thể vì mình đã già, nhưng kể từ khi bước qua tuổi 50, mình cảm thấy mềm dịu hơn. Nhìn lại, mình đã quá khắc nghiệt. Mình bác bỏ ý kiến của mọi người. Chắc họ ghét mình lắm. Bây giờ, mình vẫn cầu kỳ, vẫn kén cá chọn canh như xưa, nhưng nếu phải từ chối một ai, mình sẽ từ chối bằng tấm lòng, không để họ phải phiền muộn hơn bởi bản thân họ đã quá phiền muộn. Bây giờ, mình cũng thích bản thân hơn”.

Còn trường hợp của Ed – nhân viên trong một công ty công nghệ sinh học cũng tương tự. Công việc của anh ta là cắt giảm bớt chi phí để tiết kiệm cho công ty. Anh tâm sự: “Tôi không muốn thú nhận điều này, nhưng thật sự tôi đã từng cảm thấy rất thích thú mỗi khi sa thải được ai. Không phải vì bản chất tôi là người xấu xa đến thế mà vì với tôi, cắt giảm chi phí là quan trọng hơn hết. Đây là thước đo năng lực của tôi, là tiêu chuẩn để tôi đánh giá bản thân mình. Những gì một người bị thôi việc phải gánh chịu từ cảm giác sợ hãi, lo lắng hay chuyện anh ta có 3 đứa con, nợ nần phải thanh toán đều không mảy may tác động đến tôi. Thế rồi một ngày, hoàn toàn bất ngờ, chính tôi bị sa thải. Tôi dám chắc nhiều người vui sướng và nghĩ đáng đời tôi. Cũng có thể như thế, nhưng có một điều, cùng với nỗi đau, tôi như được sáng mắt về bài học tình thương và đây quả là điều tuyệt vời nhất. Tôi sẽ không bao giờ đối xử với mọi người như trước kia”.

Ngoài ra, ở đây còn có một khía cạnh xã hội. Bạn tranh đua chỉ để giành chiến thắng trên những kẻ chiến bại và cả chiến thắng đáng thương. Khẩu hiệu tâm lý: Bạn sẽ phải thất vọng, trừ khi giành được chiến thắng là một khẩu hiệu vô cùng có hại cho trẻ em. Nó nuôi dưỡng cách nghĩ chỉ cho bản thân mình là quan trọng. Bạn có thể thay bằng khẩu hiệu: hãy phấn đấu, tranh đua hết mình nhưng nếu phải thua, hãy vui với nó. Đây chính là quan điểm tranh đua lành mạnh.

Tranh đua bằng trái tim đem đến một món quà không chỉ cho bản thân bạn mà còn cho những ai đang coi bạn như tấm gương noi theo và cho cả xã hội. Khi bạn tranh đua lành mạnh, giàu tính nhân đạo, bạn sẽ có được tất cả: thành tựu và tâm hồn.

”Thăng tiến trong sự nghiệp” – NXB Trẻ
Previous Post
Next Post