Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn.
“Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?”, bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
“Ừ, 20 năm với biết bao thăng trầm dâu biển”, ông già chậm rãi trả lời, mái tóc và bộ râu bạc trắng của ông nổi lên trên khuôn mặt đen sẫm, xương xẩu. “Tôi và bà đều có ít nhiều thay đổi đấy chứ”.
“Cũng không thay đổi gì mấy”, bà già nói, tay mân mê một cụm hoa dại mọc sát bờ sông. “Có chăng là đôi chút trên hình hài thể xác… nhưng gặp nhau là nhận ra nhau ngay mà, ông Từ”.
Bà ngồi thẳng lên, lần tay vào cái ví màu hạt dẻ để trong lòng, được một lúc, bà lấy ra một tấm ảnh đen trắng, để ra trước mặt nhìn giây lát rồi nói tiếp, “Tôi về nước tưởng còn gặp đầy đủ bạn bè… ai ngờ… ông thấy đấy, tấm ảnh này chụp cách đây đã hơn bốn mươi năm tại Sài Gòn, có đủ mặt cả bốn anh hào đấy”.
Khuôn mặt nhìn nghiêng của bà nổi lên trong hậu cảnh hoàng hôn đỏ tím của dòng sông cuồn cuộn chảy trông như nét đẹp cổ kính của tượng thần Hy Lạp.
Ông già khom người xuống nhìn vào tấm ảnh. “Ừ, đủ cả, Hiền, Từ, Hiệp, Sĩ. Chụp tại Khách sạn Continental năm 1962 trước cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm”.
“Hồi đó các ông ở Đại học xá Minh Mạng?” bà già hỏi mà như không hỏi.
“Ừ, bọn tôi đang tham gia vào liên hiệp sinh viên học sinh đấu tranh đòi dân chủ”, ông già trầm ngâm hồi lâu đoạn nói tiếp, “Hiền là một trong những sinh viên xông xáo, năng nổ nhất. Hắn đã cuốn ba người bọn tôi theo hắn vào sâu trong cuộc… Nhưng để rồi sau đó…”, ông già bỏ lửng câu nói, nhìn ra bờ sông bên kia, nơi ráng chiều đang nhuộm tím một góc trời.
Bà già cất tấm ảnh vào trong ví trở lại, giọng nữ cao của bà bay theo cơn gió chiều, “Tất cả đều có số phần riêng của mình. Hiền chết vì bị ngộ nhận thành phần lý lịch. Hiệp chết vì bệnh hoạn nghèo khổ. Sĩ chết vì vinh thân phì gia. Còn ông…”.
“Còn tôi?”, ông già quay đầu lại.
“Ừ, còn ông sẽ chết như thế nào?”, bà già nói, “Chết ra sao?”.
“Tôi…”, ông già lắc đầu chầm chậm, “Tôi chưa biết được…”.
Bà già lấy tay dứt dứt mấy cọng cỏ dưới chân. “Như một cuộc phong vân hồ hải thôi. Mây gió đều sẽ trôi đi lang bạt trên mặt hồ mặt biển, tụ lại rồi tan đi, chóng vánh, vô thường, rồi chẳng để lại gì trên đường đi của nó ngoài một âm vang mơ hồ nào đó. Thiên thượng phù vân như bạch y. Tu du hốt biến vi thương cẩu. Ông Từ à, tôi về đây không phải để đòi lại món nợ của quá khứ như ông đã nghĩ đâu. Thật ra thì đâu có món nợ nào để mà phải đòi, để mà phải trả? Ông không cứu được Hiền lúc Hiền lâm nguy vì lý lịch chính trị, ông không giúp được Hiệp lúc Hiệp nghèo khổ bệnh tật, ông không cản được Sĩ lúc Sĩ đã bước lên tới bờ vực cheo leo của dục vọng làm giàu, và ông không kéo được tôi lúc tôi ngã xuống hố đời trụy lạc. Tất cả chỉ vì ông đang sống trong cái bóng hào quang lộng lẫy của mình nên ông không thể làm gì được cả. Không thể chứ không phải không dám hay không muốn. Hồng trần hung mãn mộng, ông Từ à. Chúng ta không thể trách cứ ai được mà chỉ nhìn xem cuộc đời người đó đã huân tập những gì để rồi sẽ thụ nhận những gì… Tam giới duy tâm sinh, vạn pháp duy thức hiện. Kinh Phật dạy thế, và tôi nghiệm thấy thật đúng với năm người chúng ta. Hãy cứ đi con đường ông đã đi, và chết theo cách ông đã sống”.
Ông già nở một nụ cười méo mó làm nhăn cả khuôn mặt già nua, héo hắt. “Bà Trang, sao bà buông những lời đầy ác ngữ như thế? Vậy mà cũng đem lời Phật dạy ra khuyên bảo tôi”.
“Không”, bà già nói, “những lời tôi vừa nói tuy độc địa nhưng đó là dĩ độc trị độc, tôi đang muốn chữa bệnh cho ông mà, ông Từ”, bà già mỉm cười trả lời một cách thung dung. Bà già vén tà áo lên, cố nhỏm người đứng dậy nhưng sẩy chân vào lớp cỏ dày dưới chân, lảo đảo muốn té. Ông già vội cúi người xuống đưa hai tay ra đỡ lấy bà già.
“Bà có sao không?”, ông già hỏi nhỏ.
“Tôi không sao”, bà già đứng dậy theo vòng tay kéo lên của ông già. “Tôi không sao nghĩa là tôi đã có sao”, bà già bật cười, “Tôi không sao nghĩa là tôi hiện hữu. Tôi hiện hữu nghĩa là tôi tồn sinh, nhưng tôi tồn sinh chưa chắc đã là tôi hiện hữu”.
Ông già nhíu mày, “Ừm, chỉ là ngôn từ. Bà thì xưa nay chỉ giỏi dùng ngôn từ”.
“Xảo ngôn mà lại là diệu ngữ đó, ông Từ à”.
Một tiếng vạc kêu quang quác trên khung trời phía sau lưng khi hai người già dắt díu nhau đi lần xuống bờ dốc thoai thoải bên trên dòng sông nước đục chảy cuồn cuộn về phía Tây, nơi màu tím đỏ của bầu trời hoàng hôn đã phai đi thành màu tím nhàn nhạt rồi dần dần tắt lịm đi những tia ánh sáng cuối cùng.
Truyện ngắn của Vĩnh Hiền