Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường sững sờ khi thấy cái nhan đề The Great Gatsby của Francis Scott Fitzgerald bị ông Trịnh Lữ dịch thành Đại gia Gatsby. Rồi nhà thơ bực dọc khi thấy ông dịch giả xuyên tạc một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ để... tuyên truyền và giáo dục cho dân Việt Nam ta khỏi bị mờ mắt vì “giấc mơ Mỹ”! Nhà thơ sững sờ và bực dọc là phải.
Tôi chỉ xin góp vài ý kiến với ông dịch giả Trịnh Lữ về vấn đề ngữ nghĩa của chữ ĐẠI GIA.
Xét về ngữ nghĩa căn bản, theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, chữ ĐẠI GIA (大家) có hai nghĩa:
1. Nhà thế tộc (世族), tức là nhà làm quan nhiều đời.
2. Nhà học giả trứ danh.
Ở nghĩa thứ nhất, ta có vô số ví dụ trong lịch sử.
Ở nghĩa thứ hai, ta có một ví dụ nổi tiếng là ĐƯỜNG TỐNG BÁT ĐẠI GIA (唐宋八大家), gồm tám đại văn nhân, đời Đường có Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên; đời Tống có Âu Dương Tu, Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, và Tô Triệt.
Thời nay, ở Việt Nam, chữ “đại gia” (trong ngoặc kép) chỉ hạng trọc phú, vốn kém văn hoá, nhưng nhờ thế lực (chẳng hạn, họ là con cháu của các ông cao cấp trong Đảng và Nhà Nước), hoặc nhờ “tài” gian thương, hay khéo đút lót, giỏi chạy chọt, chia chát, cấu kết với giới cầm quyền tham nhũng, nên bỗng chốc giàu to. Chữ “đại gia” ở Việt Nam hiện nay gắn liền với những trò tiêu tiền như rác, những kiểu quan hệ nhố nhăng với đám “chân dài”, những cuộc tiệc tùng nhậu nhẹt hào nhoáng với đồng bọn trọc phú hay các quan to, vân vân...
Nhân vật Gatsby trong tác phẩm của Francis Scott Fitzgerald hoàn toàn không có chút gì dính líu đến các nghĩa nêu trên. Thế thì ông Trịnh Lữ lấy lý do gì để gọi Gatsby là ĐẠI GIA hay “đại gia”?
Gatsby thuộc dòng dõi thế tộc? Không hề.
Gatsby là học giả trứ danh, là đại văn nhân? Không hề.
Gatsby là một thứ trọc phú như các “đại gia” ở Việt Nam hiện nay? Không hề.
Trên blog của nhà xuất bản Nhã Nam có lời giới thiệu về bản dịch ấy. Tôi xin trích lại một đoạn:
Ấn bản The great Gatsby lần này của Nhã Nam, do dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngữ và cũng là người lựa chọn nhan đề. Dịch giả tin rằng, nhan đề này là phù hợp nhất với cuốn sách và cũng giúp người đọc Việt Nam hình dung chính xác hơn về nhân vật chính Gatsby - như người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby.
Quái đản thật! Lại thêm cái ý tưởng là “người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby” như những “đại gia”!
Sao lại ghép luôn cả tác giả Fitzgerald vào đây? Cùng lắm thì người Mỹ có thể xem nhà văn Fitzgerald như một ĐẠI GIA với nghĩa đại văn nhân. Chứ Fitzgerald không thuộc dòng dõi thế tộc. Và lại càng không hề giống với “đại gia” theo nghĩa bây giờ ở Việt Nam chút nào cả.
Đã thế, dịch giả Trịnh Lữ và nhà xuất bản Nhã Nam còn dùng cái trò xuyên tạc ý nghĩa này như một phương tiện để “cảnh tỉnh” nhân dân Việt Nam. Họ viết:
Tác phẩm là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ và sâu xa trước cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, và có lẽ đồng thời là cảnh tỉnh trước mọi ảo tưởng về khả năng mang lại hạnh phúc của một thứ xã hội tôn sùng vật chất mà coi nhẹ tinh thần.
Ối chào! Ngay cả tác giả Fitzgerald cũng chưa bao giờ cho rằng cuốn tiểu thuyết của ông là để cảnh tỉnh bất cứ ai. Thế mà khi nó được ông Trịnh Lữ dịch ra tiếng Việt, thì lập tức nó biến thành những lời CẢNH TỈNH sặc mùi đội thiếu niên tiền phong quàng khăn đỏ đến thế!
Chuyện này đến đây thì tôi xin miễn bàn thêm, vì mọi sự đã tự phô bày.
Tôi chỉ muốn nói với dịch giả hai điều đơn giản:
1. Dịch mà không chịu tra cứu ngữ nghĩa thì hỏng bét.
2. Dịch mà cố tình xuyên tạc chữ nghĩa để tuyên truyền chính trị theo kiểu nịnh thần thì đáng vất vào sọt rác.