Vừa qua báo điện tử Việt Nam Net, có đăng bài “Vì sao các văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng”, thực ra đây là một đề tài đã luôn luôn trễ tàu, bởi lẽ, thứ nhất Hội Nhà Văn Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần về nền văn học nghệ thuật chỉ có tác phẩm bé và vừa, thứ hai văn nghệ sĩ là giới cầm bút của nước nhà hiển nhiên luôn luôn phải mang sứ mệnh đi hàng đầu trong cuộc dằn vặt lương tâm làm sao để sống và viết (người không viết được chí ít phải biết sống coi như chính mình đang hoá thân thành tác phẩm) – làm được việc gì có ích, ra tấm ra món cho dân tộc. Từ lâu rồi, chúng ta vẫn kêu đòi nói thẳng nói thật, người Việt có câu “thuốc đắng dã tật”, vậy thì đứng trước một đề tài sống còn về tài năng cũng như nhân cách, tôi muốn được bàn thẳng mấy điểm sau:
1- Im hơi lặng tiếng vì tâm lý nô tài
Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến, cái ách đè nén “quân sử thần tử thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”... Chơi cờ với vua, nếu cứ đem tinh thần hiếu thắng thể thao đánh thắng vua, thì có thể nhận một lời thánh chỉ lạnh tanh rơi trên gáy “lôi ra chém, đồ khi quân, lôi cả ba họ nhà nó ra chém...” bề tôi gặp vua quì mọp, khấu đầu... Chính thế mà đa phần mang tâm lý sợ sệt nô tài, lúc nào cũng nói nước đôi để phòng thủ, và tốt nhất là không nói, vì như vậy cùng lắm vua chỉ có thể bắt tội hèn nhát, chứ không thể nào khép tội khi quân cụ thể được.
Người Việt có câu “ngậm miệng ăn tiền” là vậy. Ngậm miệng, tức là chẳng có chính kiến gì, cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì, như thế tha hồ gối cao ngủ kỹ . Người Việt cũng bảo “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”, tức là trí khôn của người ta chỉ có thể được thể hiện tối cao ở nơi hội đường – công lý, khi nói phải chịu trách nhiệm phổ quát, và mới có thể được xem là khôn ngoan, trái lại ở xó nhà dù nói hay đến mấy cũng chỉ là thứ “anh hùng xó bếp”.
Người Việt cũng bảo “ấp úng như ngậm hột thị”, tức đó là kẻ ăn vụng hai lần. Thứ nhất, kẻ ăn vụng bình thường là kẻ ăn đồ ăn dùng được. Thứ hai, đằng này kẻ ăn hột thị là thứ “chỉ để ngửi mà không ăn”, nên nó đã ăn vụng cả đồ ăn không chính đáng, vì thế mới ấp úng.
Kinh Thánh có câu “Lòng có đầy miệng mới nói ra”. Trong óc, trong tim không có kiến thức thì biết nói gì. Vì thế việc “im hơi lặng tiếng” có hai lý do chính:
-một: vì hèn nhát, muốn vinh thân cầu an
-hai: vì dốt nát.
2- Tiểu nông, tiểu trí và tiểu xảo
Xã hội ta đã và đang là xã hội tam nông. Trình độ nghệ thuật văn chương của ta có thể nói là “nghiệp dư, truyền khẩu” – tranh tre nứa lá - rổ rá rau dưa. Âm nhạc chuyên nghiệp ít nhất đòi hỏi hai thứ:
- một: ký xướng âm bằng bản nhạc, bút mực, ký hiệu
- hai: nhạc cụ là những khí cụ được chế tác chính xác trên cơ sở thước đo.
Trong khi đó, nhạc dân gian còn cắt khúc nứa, quả bầu, mẩu trúc áng chừng, rồi tò te tấu gẩy, vỗ... khúc nhạc thì ê a học thuộc lòng bằng miệng...
Đó là chất nghiệp dư của âm nhạc. Nghệ thuật chuyên nghiệp là gì? Ít ra người ta sẽ mô tả được quá trình sáng tạo nó, sau đó đúc kết để truyền nghề cho người khác.
Chúng ta có hơn 80% nông dân, chúng ta buông tay cày đứng bên bờ ruộng, rút bút chỉ có thể làm thơ. Chắc chắn hầu như người nông dân không thể viết được tiểu thuyết và càng không bao giờ viết được chuyên luận. Tâm lý tiểu nông thì sao? Thích nhóm họp, tụ bạ, a dua, kết nghĩa cánh hẩu để chiếm ưu thế so với người khác. Sau khi kiếm được một chút giải thưởng thì đắc chí. Tâm lý tiểu nông, chắc chắn đi kèm tiểu trí và tiểu xảo, vì thế mà chúng ta mới chỉ có tiểu tác phẩm.
Người đời có câu: “Không ai có thể cho cái mà mình không có”. Người đứng ở tầm thấp, không phải trên vọng gác làm sao có thể báo cho người khác biết tầm nhìn xa “không có” của mình, vì thế mà lâu nay các cuộc cảnh báo “bé và vừa”, “im hơi lặng tiếng” của chúng ta chỉ là một thói quen tu từ, hay lối tập trận giả lối trẻ con rúc đống rạ ở nhà quê của mấy trẻ mục đồng...
3- Thiếu cái nhìn lý tưởng
Từ anh học trò tiểu nông (tôi cũng là một tiểu nông), chúng ta hăm hở bước vào Hội Nhà văn để trở thành cán bộ viết văn nghiệp dư nhưng lại là nhà quản lý chuyên nghiệp, hầu hết lo biên tập, kiếm lương về giúp đỡ vợ con... Tôi gặp quá ít (hình như là không) những con người có khao khát lý tưởng như tự do, bình đẳng, bác ái, huynh đệ, nhân vị, danh dự... đa số chỉ viết về sinh hoạt nào gia đình, cơ quan, vợ con, làng xã, trí tuệ và văn hoá là cái gì đó luôn bắt người khác phải tế nhị, châm chước, bỏ qua, bao dung... thì làm sao có thể có tác phẩm lớn được. Đại tác phẩm làm sao có thể ra đời từ tiểu tác giả tiểu nông, tiểu trí, tiểu xảo?
Hôm nay, tôi xin sơ qua bàn về đề tài rất quan trọng nhưng vẫn đang ngủ ngáp vặt này. Mong có dịp dược bàn đến cách tổng quát hơn.
Nguyễn Hoàng Đức