GS Ngô Bảo Châu nói: “Nếu không có phản biện thì xã hội coi như chết lâm sàng”. Cách đây 5 năm, TS Dương Ngọc Dũng thì cho rằng: “VN chúng ta thiếu văn hóa tranh luận, cái quan trọng để làm động lực cho sự sáng tạo, phát triển!”… Đúng là soi vào thực tế, có vô số chuyện về văn hóa tranh luận cần được mổ xẻ để mong sao ngày nào đó đất nước, xã hội VN mới phát triển, mới bình đẳng, văn minh thực sự.
Nếu đi dự các cuộc hội thảo, dự các buổi bảo vệ luận văn, luận án chẳng hạn, hoặc trước một vấn đề xã hội cần phản biện, tranh luận, chúng ta sẽ thấy không hiếm việc người ta gần như có “kịch bản” trước. Phát biểu quan điểm tranh luận thì giống như vuốt đuôi nhau: “Vấn đề anh phát biểu chúng tôi cơ bản nhất trí!…”. Nếu có bất đồng quan điểm thì đâm ra cãi nhau vì ghét nhau, ghen tỵ nhau, miệt thị nhau, có trường hợp “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau. Tranh luận không thắng, không hiếm khi người ta quay sang hiềm khích ngầm, thậm chí giấu mặt rồi triệt hạ nhau bằng những thủ đoạn đê hèn… Như vậy, rõ ràng là không có văn hóa tranh luận. Nếu có văn hóa tranh luận thì chắc chắn người ta sẽ hạn chế dùng bạo lực, hạn chế áp đặt đối với những người có ý kiến phản biện khoa học nhưng khác hoặc ngược với mình…
Hầu như tranh luận của ta chủ yếu quan tâm tới bản thân mình, nói thì sợ đụng chạm, sợ nói điều trái ngược, sợ mất quyền lợi: “Tôi không dám làm mất lòng anh vì lỡ ngày mai con gái tôi đám cưới chẳng hạn, làm sao nhờ anh giúp được (?!)…“.
TS Dũng cho rằng văn hóa tranh luận của ta thấp vì xuất phát từ văn hóa làng xã, mà nói thẳng ra rằng cả nước VN là một “làng” lớn. Tri thức, văn hóa người Việt Nam không thấp nhưng tập trung lại ở bốn chữ “Dĩ hòa vi quý”. Người ta ngại không dám nói thẳng thật vì lấy “hòa” làm chính. Điều đó làm hạn chế sự độc lập, sáng tạo và phát triển văn minh.
Đúng ra, văn hóa tranh luận thường tôn trọng ý kiến của nhau, nhưng được tôn trọng hơn những vấn đề có ý kiến khác biệt và có lý. “Rõ ràng anh là hoa hồng thì phát triển thành hoa hồng, tôi là hoa nhài thì phát triển thành hoa nhài nhưng hai hoa phải tôn trọng nhau chứ?! Như vậy thì thế giới mới muôn màu muôn vẻ chứ, không lẻ bắt thế giới cứ tòan hoa hồng? Vì vậy, mọi sự tranh luận cần phải được tôn trọng và phải được nhân rộng…”. TS Dũng nói.
Một nguyên nhân khác mà VN thiếu văn hóa tranh luận có thể một phần do nền giáo dục một chiều. Cũng theo TS Dũng ở trên: Mô hình giáo dục của mình hiện nay là mô hình “cái phểu”. Trong đó, đầu ông thầy là “cái phểu” trên, đầu của học trò là “phểu” dưới. Kiến thức như nước rót xuống, số vào được “phểu” của trò phụ thuộc nhiều yếu tố may rủi và phần nhiều chảy ra ngoài. “Thực ra nền giáo dục hiện nay chỉ cần thay đổi một tý phương pháp là từ dạy theo kiểu cung cấp thông tin sang hướng dẫn người học xử lý thông tin, tạo nên sự tranh luận có văn hóa là mọi chuyện sẽ hiệu quả ngay…”. TS Dũng nói.
Tôi có hai câu chuyện nhớ mãi về văn hóa tranh luận, kể ra đây để quý vị xem và cho ý kiến thế nào.
Câu chuyện thứ nhất: Có anh bạn học đại học. Học sang năm cuối thì anh phát hiện ra khoa mình đang theo học có rất nhiều thầy, cô dạy dở, cung cấp những kiến thức lạc hậu của hơn chục năm về trước và lớp nào cũng bị “nhai đi, nhai lại” chừng đó. Anh cho rằng nếu cứ được (bị) dạy như thế thì sinh viên ra trường không làm việc được ngay do kiến thức lạc hậu, nên anh phân tích và được đăng trên một tạp chí chuyên ngành. Sau đó, anh bị cho “te tua” bằng nhiều “trò” từ những người bị anh “điểm” trên báo. Nhờ vững vàng, cuối cùng anh cũng tốt nghiệp. Đến nay anh vẫn còn đặt vấn đề: “Tại sao bị “phê” trên báo mà không ai dám lên tiếng trên báo tranh luận đàng hoàng, lại dùng các “tiểu tiết” khác?! Họ là giáo viên của tôi cơ mà!…”.
Câu chuyện thứ hai: Cơ quan tôi có dịp ra Vườn quốc gia Côn Đảo, nơi nổi tiếng thế giới về việc “quyến rũ” được rùa biển về đây sinh sôi, nảy nở nhiều. Một cán bộ nghiên cứu, cho biết, có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc tế đã diễn ra ở đây. Có nhiều nhà nghiên cứu của các nước là nữ, rất thông minh, trẻ và đẹp. Thường vào giờ nghỉ, mọi người ra lặn biển, sau đó là ăn uống. Cảnh vật thơ mộng, lãng mạn, lại được các nhà nghiên cứu nữ thông minh, trẻ và đẹp “mời chào” tự nhiên, ít có “ông” VN nào cầm lòng được. Sau đó, ông nào cũng hoan hỷ, nghĩ rằng: “Hôm nay “anh” với “nàng” đã có tình cảm rồi nhé, đã ngủ với nhau rồi nhé! Ngày mai hội thảo, nếu phát hiện ra điều gì thì phải nhẹ tay nhé, chúng ta là “người tình” mà…”.
Ngày mai, vào hội thảo, những người tưởng vớ bẩm “được cả chì lẫn chài” hết sức bất ngờ vì tất cả những gì khiếm khuyết trong báo cáo khoa học của mình đều bị các “nàng” “vạch áo cho người xem lưng” hết, không nương tay chút nào, thậm chí còn nặng hơn! Ấy thế mà chiều đi tắm biển, “nàng” lại “trơ trẽn” gợi ý tiếp mới bực chứ!… Người kể câu chuyện kết luận: Qua nhiều lần như thế, chúng tôi mới nhận ra rằng với người nước ngoài, họ phân biệt rất rõ ràng giữa công việc, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, với tình cảm, tình dục…
Vậy, bao giờ VN ta mới có văn hóa tranh luận đúng mức như thế?