Giống như chán vạn người dân Việt
nào khác tôi cũng sinh ra từ một cái làng - Làng Huỳnh - Tôi mang tên làng, chứ
làng chẳng mang tên tôi.
Ngay từ nhỏ tôi đã ham chơi,
thích chơi bi, đánh khăng, thả diều nhưng chơI mãi cũng chán nên nỗi bi để mối
xông, khăng biến thành củi, diều bay lên trời. Càng lớn tôi càng ham chơi hơn:
Đua đòi đi chơi bi-a, bowling, bia có tay vịn, Karaoke “mỏi tay” nhưng mê mảI
được mấy hồi cũng nhàm chán nốt mà lại toàn là món xa xỉ phẩm cả, sếp bảo:
“Thật xót tiền dân”. “Tí tởn người thơ tớ cũng thơ”, ti toe bắt chước thiên hạ
tôI theo đòi văn chương mới ngoi lên mặt báo được tung hê, say ra trò, song
càng đi sâu càng thấy rợn ngợp, nhiều phen vấp ngã, lắm lúc bất lực viết không
ra hốt qúa, nhưng đó chỉ là chuyện nhất thời, văn chương không bao giờ khiến tôi
nhàm chán tựa như ngày mới tập đI xe đạp cứ ngã huỳnh huỵch mà vẫn khoái, cứ
nhoi nhoi nhao lên để mà ngã. Văn chương là món nợ truyền kiếp nhà tôi, cha tôi
đã trải nay tôi lại từng, trò đời đã chót dính vào rồi thật khó hòng thoát lưới.
Vậy là rốt cuộc chỉ có trò sáng tạo là người đồng hành cùng cuộc đời tôI, chẳng
thế mà tôi đi học hành bao thứ, cuối cùng lại chui vào cái rọ văn chương rõ là
"Dạy cho má phấn lại về lầu xanh"
Tôi hay lo lắng về sự lạc hậu và già
nua của chính mình vì vậy luôn thích đi học. Tới lớp tới trường thật thú vị,
các em đồng môn bao giờ cũng trẻ đẹp, mỗi ngày lại tiếp cận với một cái mới,
khó và thích hơn nhiều so với công việc làm vốn gần như lặp đi lặp lại một cách
nhạt nhẽo buồn tẻ.
Bấy lâu tôi cứ viết mà không hiểu,
không ý thức được mình viết kiểu gì. May sao nhờ công trình khảo sát của tiến
sỹ văn học Nguyễn Thu Thuỷ đã lý giải được nguyên lý của hai cách viết giúp tôi
như Chắt Chắt thoát ra khỏi rừng xanh. Truyện kể điểm nhìn toàn tri với lối miêu
tả bằng con mắt đa cảm trí tuệ và kèm theo lời bình của tác giả là điển hình
của lối viết ít khách quan truyền thống. Tác giả sững sững đứng ra chi phối hết
thảy nhân vật và tình huống khiến tác phẩm tĩnh và ở thể hoàn thành. Nhưng thế
giới hiện đại, đặc biệt là thế giới nghệ thuật hiện đại là “Động”, không có gì
có thể định trước, xong rồi, chắc chắn để không còn gì có thể tác động đến nữa.
Nghệ thuật là cuộc phiêu lưu dò tìm khám phá bất tận, xuyên suốt thời gian và
không gian. Ai có thể nói được chuyện gì xảy ra trước cuộc phiêu lưu đó. Tác
phẩm hiện đại không đầu không cuối, có đi mà dường như không có đến, hoặc giả
đến đấy mà rồi lại trải ra vô cùng vô tận như bản thân cõi nhân gian, như biển
văn chương vốn vẫn bao la là thế.
Trong bó đũa chẳng thể chọn nổi
cột cờ, giống như xã hội ta đang sống không thấy bóng dáng một AQ hay Chí Phèo
nào, đời thường này là thế, ai mà lại có thể lẫy lừng lên một cách quái dị như
mấy điển hình được các văn hào nặn ra để thành biểu tượng như cái thủơ ngày xưa
ấy. Thời đại bùng nổ thông tin bây giờ giữ được tên mình (Mà không bị đánh cắp
bản quyền nhãn mác) đã là may lắm, bói đâu ra điển hình cơ chứ. Tất cả bình
đẳng ngang phân, dĩ nhiên nhân vật vẫn phải có những đặc điểm diện mạo của con
người nhưng có kẻ nào hội đủ bần cùng khố dây, nhố nhăng kệch cỡm, có đủ hùng
mạnh để đè vai cưỡi cổ, để lấn lướt đồng loại tranh ngôi thứ số 1.
Những thân phận, những cảnh ngộ,
những ưu tư, những nỗi đời hằn sâu trong tâm trí tôi, tầng tầng lớp lớp ý tưởng
thấm vào tôi. Những ý niệm về cuộc sống, về tình yêu, về tình dục, về số
mệnh..... về mọi thứ trên đời cứ quấn quýt lấy tôi như cây tầm gửi bám lấy cây
chủ. Bản thể con người, với nhiều cung bậc ý nghĩa của nó cứ xoáy sâu cật vấn
tôi : Ta là ai? Ta cần gì? Ta sống thế nào? Ta có thể làm được gì? Cuộc đời của
ta của kiếp người với bao dục vọng, với bao mục tiêu, bao bươn trải trên đường
đời để rồi cuối cùng lại trở về với cát bụi. Có bao mục tiêu mà lại không là gì
hết thảy. Con người ta bon chen đôn đáo để làm gì? Đố biết.
Tôi cứ bị ám ảnh về cái chết của
những bậc tổ tiên nhà tôi trong thập kỷ 50. Tôi nhớ ông trẻ tôi bị xử bắn chỉ
vì để bò ăn mạ, cụ nội tôi treo cổ chỉ vì đã có 5 mẫu ruộng, cụ ngoại tôi đã bỏ
nhà lên chùa theo phật Thích Ca Mâu Ni mà vẫn bị trói dòng về làng cho lũ đầu
anh xử cho đến chết cũng chỉ vì có liên đới. Tôi cảm cái rùng rợn của một thời
người ta thịt người như thịt vịt. Tôi kinh sợ khi về quê vào một ngày mà hàng
chục nhà đều hương khói. Mạng người trời ơi sao mà phận mảnh như tờ! Trên đời
này có sự hợp lý không? Hay tất cả đều phi lý, phi lý đến cùng cực thế sao? Số
mệnh quá đỗi khắc nghiệt mà con người thì quá đỗi yếu đuốí. Đối diện với lực
lượng đối địch, con người chẳng là cái gì hết. Người ta chỉ nói đến số phận lúc
không còn cần thiết nữa, đã bao lần khi mọi chuyện đã an bài tôi lại tặc lưỡi
cho qua với câu cửa miệng: Giàu sang, sống chết.... có số cả!
Có buổi chiều tà tôi kiếm được
con thuyền con một mình chèo chơi ra biển, chẳng mang theo điện thoại di động
hay một phương tiện thông tin nào trong tay. Bóng hoàng hôn sập xuống, trước
bao la vô cùng tận của biển tôi trào lên một cảm giá rợn ngợp đến rùng mình. Tôi
nhận thấy mình mất hết lối liên hệ với cuộc sống. Chợt nhớ đến mọi người và cay
đắng nghĩ rằng giờ này ai cũng đã sum họp với tổ ấm, với cõi riêng đi về của
họ, chẳng ai còn hoài tới mình cả. Nếu vô tình có một ai đó nghĩ đến thì cũng
tặc lưỡi cho qua bởi lẽ rất giản đơn là họ không biết ta ở đâu và làm thế nào
mà liên lạc. Tôi gần như rơi vào trạng thái tuyệt vọng. ở khoảng ranh giới giữa
cái sống và cái chết, ta có thể trông đợi vào ai? Không ai cả. Chỉ còn biết
buông xuôi tin vào phép màu, phải chăng tôn giáo có thể cứu rỗi cho nhân quần?
Kỷ nguyên của thông tin cũng có
nghiã là kỷ nguyên chạy đua với thời gian. Có lần đang ngồi viết, em tôi đùa
bảo: “Anh nghĩ gì khi làm cáI trò tự mất thời gian của mình và của cả những
nguời khác". Lúc ấy tôi ngớ người ra, ngẫm lại thấy đúng: Đôi khi ta viết
lấy được, viết ra nhiều, song lắng đọng chẳng được bao nhiêu. Rõ ràng giữa thời
đại bùng nổ thông tin, không nên và không được làm mất thì giờ của mình cùng
người khác bằng những mớ văn chương ít ý nhiều lời.
Học đến ba cái bằng, in lấy đôi
tập sách thấy mình vẫn lạc hậu đồ rằng mình chả phải là tri thức, có lẽ bởi văn
minh trí tuệ hiện đại phi mã bằng gia tốc cấp số nhân hoặc giả do văn hoá Đông
đụng đầu với văn hoá Tây, hoá bị SHOCK. Tuy nhiên là Phương Đông hay là phương
Tây, chuyện đó có quan trọng gì và có thể phân biệt được chăng trong lít xăng
xe ta đi, trong cái kẹo ta ăn, trong bản nhạc ta nghe, trong khí trời ta thở
bao nhiêu % Tây Bao nhiêu % Đông giữa cái thời hiện đại này. Chuyện của muôn đời,
muôn người, muôn nơi thì phân chia Đông Tây làm gì cho rách việc.
Biết mình không thể cầm đèn chạy
trước và cùng ô tô được, đành bất khả kháng chôn chân đứng nhìn "những
chuyến xe qua"
Anh như nghèo một học trò
Ôm đầy bụng chữ mà lơ láo nhìn
Người ta hô hào bảo tồn truyền
thống bản sắc dân tộc. Tôi tâm đắc nhà thơ Ra Xun Gam Da Tốp ghi nhớ lời dạy
của cha mình rằng: "Bút pháp của con, thủ pháp của con, tức là tính tình, tính
cách của con phải đứng hàng thứ hai trong thơ ca. Vị trí thứ nhất phải dành cho
tính tình, tính cách của nhân dân" (Daghestan của tôi), nên cứ đốt đuốc đi
tìm mãi chả hiểu cái bản sắc dân mình là gì ngoài máu đỏ da vàng và ngôn ngữ tiếng
Việt. Chẳng thể làm nhà nhân chủng học để mà lọc máu, đổi da, đành gắng làm con
chim hót trong rừng tiếng Việt vậy.
Nhà thơ Hoài thanh viết thư cho
con trai có đoạn: “Cả cuộc đời cha làm việc như một cái máy”. Tôi phục lăn,
nhưng tôi không muốn mình trở thành một cái máy, song để theo đòi được văn
chương thì phải làm, làm việc thật sự không có thì không mong có được tí gì giữa
trời cao đất dày này. Nếu cứ ỷ lạI, chờ cảm hứng mới toan cất bút thì có mà ngủ
gật. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ làm nhà văn thì A ma tơ ( Amateur) ghê lắm, trông vẻ
ngoài Chu Lai tưởng vậy nào ngờ ông ta lại cho rằng: Nhà văn là kẻ lầm lũi đi,
lầm lũi đọc và lầm lũi viết. Mà đúng nhà văn chứ có phải con gà mái ghẹ đâu mà
cứ toang toác toang toác lên, phàm đã làm văn chương thì phải trăn trở, nghiền
ngẫm và luôn bức xúc một cái gì chứ, cuộc đời ta đâu phải bỗng chốc hoá thiên
đường.
Cái khó của văn chương là làm sao
từ bỏ được những cố tật, những quán tính, bao thứ (Cả hay lẫn dở) do mình nghĩ
ra gắn bó tha thiết máu thịt với mình là thế, vậy mà bỗng dưng lại phải bỏ đấy
đi tìm cáI mới hơn, thực khó lắm thay. Thỉnh thoảng có đôi quý vị lôI nhân vật
trong truyện của tôi ra mà giễu cợt tôi, nghe hơi chối tai nhưng tôi không cáu
chỉ thấy sướng, mãn nguyện tệ - Ngườì ta vẫn còn nhớ đến truyện của mình cũng
là Hách lắm. Có được "mình" đã khó giữ được "mình" còn khó
hơn, giữa thời đại công nghiệp mới này nhiều khi bức bách quá tôI muốn ngửa mặt
lên trời mà hét lên: "TA" ơi có còn là "TA" nữa không hở
"TA"!!!