Trong cuộc sống hiện đại, giáo dục trong gia đình ngày càng trở nên quan trọng để nuôi dưỡng tế bào lành mạnh cho xã hội. Giáo dục trong gia đình là nền móng xây dựng nhân cách con người, vì vậy cần có nhận thức đúng đắn về nội dung và cách thức giáo dục.
Dư luận xã hội trong những năm gần đây nhiều lần lên tiếng về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, phê phán gay gắt những hành động đồi bại, thói hư tật xấu đang diễn ra phổ biến hằng ngày. Từ chuyện thầy giáo xâm hại học sinh, một bác sĩ thẩm mỹ làm chết khách hàng rồi phi tang xác nạn nhân, cán bộ y tế làm giả phiếu xét nghiệm máu, bảo mẫu hành hạ con trẻ dã man, rồi những vụ án mạng giữa những người thân trong một gia đình... đã gây chấn động dư luận xã hội.
Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa xảy ra tình trạng nêu trên là sự thiếu giáo dục của gia đình nếu như con người được giáo dục tốt trong gia đình sẽ không có những hành vi táng tận lương tâm như thế. Các cuộc điều tra cho thấy, rất nhiều thanh niên, thiếu niên vi phạm pháp luật đã cho rằng, sở dĩ chúng phạm tội vì không được thương yêu, chăm sóc, bảo vệ trong gia đình.
Gia đình truyền thống Việt Nam qua đời này sang đời khác đã kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc như có hiếu với ông bà, cha mẹ, anh em hòa thuận, vợ chồng thủy chung... từ đó hình thành những chuẩn mực đạo đức và lối sống trở thành gia phong. Những tinh hoa đó được phát huy trong cuộc sống hôm nay sẽ trở thành liều thuốc ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.
Chính vì vậy, nội dung giáo dục cách ứng xử trong gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình, với nguyên tắc đã được bao thế hệ gia đình gìn giữ lưu truyền: "Trên kính dưới nhường" và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Ðây vừa là phép tắc ứng xử vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Giáo dục lòng kính trọng - một trong những phẩm chất quý báu của con người, là thước đo cao nhất của đạo đức. Ðức hiếu kính của người làm con đối với cha mẹ là cái gốc của tình yêu con người. Người mà không biết yêu thương cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình thì khó có thể yêu thương người khác được. Ðạo đức không phải là một thuật ngữ quá trừu tượng mà là những biểu hiện, những cử chỉ, hành vi, thái độ lời nói.
Cuộc sống hiện đại càng cần đến giáo dục trong gia đình. Mỗi người có thể tìm thấy ở gia đình niềm vui, ý nghĩa trong sáng của cuộc sống, điểm tựa vững vàng và nguồn sinh lực mạnh mẽ để bước vào xã hội. Thật là sai lầm khi có người nghĩ rằng, kinh tế thị trường và sự tự do cạnh tranh lợi nhuận đã có thể đưa con người vượt ra những sự kìm tỏa của gia đình, tìm thấy một hạnh phúc khác gắn liền với các điều kiện vật chất, sự giàu sang vì tiền bạc. Thực tiễn cho thấy, lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền đã làm cho con người sa đọa, tha hóa.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, gia đình ngày nay có thể biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng, các hình thức và chuẩn mực trong các mối quan hệ nhưng vị trí, vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội thì vẫn không thay đổi. Xã hội hiện đại cũng sẽ làm biến đổi các chuẩn mực văn hóa gia đình. Gia đình sẽ khoác lên mình nó những bộ cánh lấp lánh của cuộc sống hiện đại để bước song hành với xã hội hiện đại nhưng nó vẫn gắn kết với cộng đồng và xã hội. Việc nâng cao vị thế và vai trò của gia đình sẽ tạo cơ sở và động lực cho sự đi lên và phát triển của xã hội.
Khi xây dựng đạo đức, lối sống, bên cạnh việc đứng vững trên nền tảng gia đình truyền thống với những tinh hoa văn hóa của nó, cuộc sống cũng đòi hỏi ngăn chặn những hủ tục, những thói quen xưa cũ lạc hậu như: Nếp sống gia trưởng, thói "vinh thân, phì gia", một người làm quan cả họ được nhờ, sự coi thường phụ nữ, nạn tảo hôn, bạo lực gia đình...
Ðồng thời tiến hành xây dựng những chuẩn mực mới theo yêu cầu của xã hội hiện đại. Ðã có hiện tượng "lệch chuẩn" trong lĩnh vực giáo dục, trẻ em. Tiêu chí một đứa con ngoan đã lệch khi trước đây một đứa con ngoan là biết vâng lời, lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, chăm chỉ việc nhà thì nay nhiều gia đình quan niệm đạo đức con ngoan chỉ là học giỏi. Cả gia đình dồn sức chạy trường, chạy lớp bắt con trẻ học ngày, học đêm vùi đầu vào đống sách vở, chiều chuộng chúng đủ kiểu miễn sao điểm học tập phải cao, bỏ bẵng giáo dục đạo đức, giáo dục làm người, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ. Nhiều bậc cha mẹ còn thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái kể cả nhu cầu vô lối và trở thành thói quen, dễ dẫn đến giá trị sống của đứa con bị lệch lạc khi tưởng rằng mọi người luôn phải tuân theo ý muốn của mình, dễ dẫn đến phản kháng khi không được thừa nhận.
Thực tế cho thấy, quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người phải được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ gia đình, nhà trường và xã hội. Lối sống và đạo đức của mỗi người cũng hình thành từ sự kết hợp giáo dục của ba yếu tố này. Giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ, nền móng xây dựng đạo đức, lối sống, trong khi giáo dục nhà trường và xã hội là các nhân tố quan trọng giúp định hình và hoàn thiện nhân cách có được từ gia đình.
THU HIỀN