Người người, nhà nhà đều chạy trên một con đường đua là con đường kiếm tiền. Tiền ở xã hội ta quả làm được rất nhiều việc hơn hẳn ở nhiều nơi khác. Tiền sẽ làm ta không cần phải học, không phải trí thức sẽ trở thành người có bằng cấp, trở thành tầng lớp trí thức, giúp chúng ta mua được chức, mua được địa vị xã hội, mua được đệ tử, mua được pháp luật, mua được sự nể sợ từ người xung quanh. Đồng bạc ở xã hội ta quả là Chúa tể của mọi giá trị trong Xã hội.
Bạn bè đồng niên bước vào tuổi ngũ tuần khi gặp lại nhau trong những lần hội hè thường nhìn nhau, đánh giá, so bì nhau bởi khối tài sản, bởi bằng cấp, bởi địa vị xã hội mà bạn sở hữu. Ít ai nghĩ khi bước sang tuổi lục tuần, thất tuần bệnh viện chính là nơi bạn hay tìm đến. Bạn có thể thuê người lái xe cho bạn, cõng bạn, hầu hạ bạn hằng ngày nhưng không thể thuê người chịu đau đớn bệnh tật cho bạn. Tại thời điểm bạn nằm trên giường bệnh, chuẩn bị lên bàn mổ, bạn nhớ lại toàn bộ cuộc sống mà phải mất rất nhiều năm tháng tuổi trẻ để làm nên sự giàu có và tự hào về nó, xem như bạn đã chiến thắng, đạt mục đích giàu có hơn nhiều người khác thì giờ đây mọi thứ trở nên vô nghĩa khi bạn đối mặt với cái chết sắp xảy ra.
Tất cả đống tiền bạc, của cải đó của bạn không có thể làm cách nào mang theo nó cùng xuống mồ được. Tài sản mà bạn để lại có thể nhiều, có thể ít nhưng chắc chắn bạn không thể biết những người con, người cháu có dùng nó vào việc tốt, việc có ích hay dùng vào việc xấu, việc có hại. Đồng tiền, tài sản của bạn khi bạn đang sống không thể tạo nên dấu ấn, di sản gì thì thế hệ chắt, chút, chít mà bạn không thể nào biết tên thì chẳng có lý do gì đến thời của chúng nó được sinh ra lại nhớ đến tên người ông, người cụ, người kỵ, nói chi đến ngày giỗ hàng năm chúng nhớ ra và cho bạn được tận hưởng hương, hoa, oản, quả. Bấy giờ bạn mới hiểu ra rất, rất nhiều thứ bạn có thể mua được bằng tiền, thậm trí tiền, vật chất mất đi có thể bạn tìm, kiếm lại được nhưng có một thứ mà nó đã mất đi thì không bao giờ kiếm lại được đó chính là sự sống, cuộc đời bạn.
Bạn chỉ sống có một lần, cuộc đời bạn không ai có thể sống thay. Ngẫm lại bạn xem trong quá khứ bạn đã chi đồng tiền như thế nào? Để cho cuộc sống của bạn được kéo dài hơn, bạn sống hạnh phúc hơn? Để có tiền, có chức, có quyền, có địa vị, có bằng cấp bạn đã phải ăn, phải uống, phải nói, phải mưu mẹo như thế nào so với bình thường? Tiền bạc bạn đã chi cho những gì bạn đã ăn, bạn đã uống, bạn đã thở, bạn đã ứng xử với những con người xung quanh hàng ngày dù có giá “mắc”, có giá cao hơn nhưng để cuộc sống được mạnh khỏe, hạnh phúc trong một thế giới đang bị ô nhiễm nặng nề, trong một xã hội đang bị ô nhiễm về đạo đức thì vẫn là rất, rất “rẻ” bởi vì chính cuộc đời, sự sống của bạn là cái cần phải mua đầu tiên, không có nó mọi thứ đều là vô nghĩa.
Các bậc hiền sỹ, đại trí sỹ thời xưa cũng như những bộ óc lớn ngày nay đều khuyên những ai sau khi tích lũy đủ giàu để có thể kéo dài sự sống của mình thì hãy nên theo đuổi những vấn đề khác không liên quan đến sự giàu có. Nếu là người có “Tâm”, có “Tài” hoặc có “Tiền” hãy cố để lại dấu ấn, để lại di sản dù là nhỏ những có ích cho dòng họ, cho xã hội, cho đất nước và thế hệ mai sau mới mong con cháu, chút, chít… đến ngày giỗ vẫn nhớ đến tên cha ông mà tụ tập bày đồ cúng lễ, gọi tên lên để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên đã sinh thành và những lời răn, dạy, giáo huấn truyền lại!