“Đói lòng ăn nửa trái sim/Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Thiết nghĩ, khả tính tình yêu vô hạn thường được khởi đầu bằng dạ khúc lời ru của mẹ. Nghe qua tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi đi vào hiện thực đời sống thì thật nhiệm mầu. Đó là triết lý sống thiết thực hiện tại mà bà mẹ Việt Nam dùng để làm hóa hiện một tình yêu hạnh phúc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái lớn lên, trưởng thành, đi vào đời và làm cho đời sáng tươi. Xem ra, giá trị thực của cuộc đời mà mẹ dạy cho con từ thuở nằm nôi là đi tìm “người thương”, cách hành xử với mọi người là “ăn nửa trái sim”, và “uống lưng bát nước” như là cái triết lý “sống với” hơn là nói về.
Đi tìm người thương cũng là đi tìm lẽ sống, đi tìm mục đích tối hậu hạnh phúc của cuộc đời. Chính vì lẽ đó, mẹ dạy con sống trong dòng chảy của cuộc đời đầy màu sắc đa dạng, hương vị khác nhau, các con cần có sự lựa chọn riêng biệt cho mình: “Ra đi mẹ đã dặn lòng/Cam chua mua lấy, ngọt bồng chớ mua”. Rất đơn giản, nhưng hiệu quả vô cùng. Nó thể hiện cái nhìn sâu lắng, suy nghiệm về cội rễ yêu thương rất nhiều, thà là cái chua của cam, còn hơn là cái ngọt của bồng.
Rõ ràng, lời ru của mẹ dạy cho con về phương cách đi tìm một nửa yêu thương của cuộc đời mình từ năm xưa cho đến nay càng ngẫm càng thấy giá trị biết chừng nào. Đừng vội vàng nghe những lời ngọt ngào rỉ rả bên tai, hay sự hào nhoáng bên ngoài của người bạn tình mà chuốc lấy khổ đau trong hạnh phúc lứa đôi. Thông điệp ấy lại được mẹ nhắc nhở “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, thà là lời nói khó nghe nhưng chân thật của một cõi lòng, dẫu xấu hình dáng bên ngoài nhưng bên trong đầy phẩm chất cao đẹp để sống với mình trọn đời trong tình nghĩa yêu thương đích thực.
Thế nhưng, đường vào tình yêu thì muôn vàn nẻo lối. Sợ con mình không thể vận hành giai điệu tình yêu một cách hạnh phúc thật sự, mẹ lại truyền trao: “Ru hời ru hỡi là ru/Bên cạn thì chống, bên su thì chèo”. Đó cũng là triết lý sống mà mỗi người chồng, hay mỗi người vợ, phải tự diễn trình trong một đời sống hôn nhân gia đình sao cho thích ứng với một đời sống mới. Vẫn biết rằng “Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng”, đủ lông đủ cánh để bay xa. Thế nhưng, các con phải nhớ lấy, trước đây ở với cha mẹ thì khác, bây giờ lập gia đình thì càng khác hơn. Các con phải biết tự điều chỉnh đời sống cá nhân riêng tư, để hòa nhập vào cuộc sống mới, môi trường mới, hoàn cảnh mới với nhiều mối quan hệ khác nhau nhằm thiết lập hạnh phúc gia đình. Hay nói một cụ thể, đôi vợ chồng hạnh phúc thì phải nắm giữ con tim biết yêu thương và hiểu biết, tùy duyên, tùy thuận, tùy hỷ mà sống với đời. Có như vậy những mâu thuẫn đáng tiếc giữa mẹ chồng nàng dâu, chị chồng, em vợ… sẽ không xảy ra.
Do đó, yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất trên đời, là cái mà bất cứ ai cũng mong muốn đạt được. Mỗi người “đi tìm người thương” phải biết thương nhau, cùng nhau vun quén tình yêu để trao cho nhau cuộc đời. Triết lý yêu thương đó thật giản dị mà mẹ trao “ăn nửa trái sim” và “uống lưng bát nước” thật diệu kỳ! Nghe thì lưng, nhưng hóa ra là đầy; nghe tưởng chừng như là thiếu mà ngẫm lại thì thật đầy đủ. Bởi vì, cuộc sống là cuộc hành trình miên viễn, yêu biết mấy cho đủ, thương biết mấy cho vừa, cần phải quan tâm, sẻ chia trong công việc: “Trên đồng ruộng dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Lời dạy trên càng ngẫm càng có giá trị chừng nào, dù xã hội hiện đại đến đâu thì ý thức trách nhiệm của người chồng, người vợ đối với việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái cũng phải như nhau.
Trong tình cảm vợ chồng thì phải thể hiện sự thủy chung, chịu thương chịu khó, chăm sóc lẫn nhau: “Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”; hay “Thương em mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng vượt qua”. Xem ra, yêu nhau đã khó, gắn bó nhau suốt cả cuộc hành trình lại càng khó hơn. Để đi đến hạnh phúc trăm năm, sống với nhau cho răng long đầu bạc, đòi hỏi mỗi người phải biết sống hòa thuận và luôn có thái độ tôn kính, chiều chuộng nhau cả một thời gian dài như yêu nhau từ cái thở ban đầu: “Trời cao đất rộng/Em vọng lời nguyền/Đất trời còn đó, em giữ thuyền thủy chung”.
Đối với mẹ cha, những người đã có công sinh thành dưỡng dục, dựng vợ gả chồng, bổn phận làm con phải báo hiếu “Tứ ân phụ mẫu”: “Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đây là đạo lý căn bản uống nước nhớ nguồn, một trong những nền tảng căn bản để thiết lập hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái.
Với anh em trong gia đình, bổn phận người vợ, người chồng phải biết hòa thuận, kính trên nhường dưới, mỗi cá thể trong gia đình như tay với chân trong cùng một cơ thể: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, hay “Anh em như thể tay chân/Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”. Có như vậy, đây mới là một mái ấm, không có sự hiềm khích giữa anh chị em chồng với nàng dâu, hay anh chồng với các anh em nhà vợ. Thế nên triết lý “đi tìm người thương” của mẹ bao giờ cũng là huyết mạch để nối kết sự yêu thương với mọi người là sự cần thiết.
Sống ở đời, để mọi người ghét thì dễ, nhưng để mọi người thương thì khó. Đạo lý tình người trong dòng chảy triết lý duyên sinh cũng chỉ ra cho mọi người rằng, không ai có thể sống một mình, con người có vô số quan hệ khác nhau. Để có một gia đình hạnh phúc thật sự, không chỉ kết nối yêu thương với mọi người trong gia đình mà còn cả bà con lối xóm, những người xung quanh mà mình liên hệ trong cuộc sống xã hội đời thường. Mẹ lại khéo léo dạy cho con biết cách ứng xử, biết thể hiện tấm lòng của mình đối với từng đối tượng: “Nhất cận lân, nhì cận thân”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” và “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Rõ ràng, đây là những lời dạy mang tính giáo dục tình người. Cha mẹ anh em mình là những người thân thương nhưng chưa chắc đã ở gần mình. Bà con lối xóm, những người ở xung quanh mình, nếu biết trải lòng mà sống với họ, khi trái gió trở trời hay hữu sự mọi người đến giúp thì mới thấy tình nghĩa bà con lối xóm quý giá vô cùng.
Suy cho cùng, sống ở đời không gì hạnh phúc bằng là được mọi người yêu thương. Đi tìm người thương là tình khúc miên viễn để đưa con người cảm nhận sự mầu nhiệm của cuộc sống. Bất cứ ai hiện hữu ở đời đều cũng khát khao sống hạnh phúc, thương thay cho những thân phận con người khổ đau, không như ý muốn của mình. Tâm lý xã hội con người đâu phải lúc nào cũng thuận thảo, mà còn những định kiến sai lầm. Mẹ lại sẻ chia, khéo léo nhắc nhở các con có thái độ sống sao cho hợp đạo lý tình người: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, hay “Mấy đời bách đúc có xương/Mấy đời trọc phú mà thương dân nghèo”.
Cứ thế, lời ru của mẹ mãi mãi tuôn chảy, mẹ như đem hết vốn liếng gia tài đã tích lũy cả đời người để trao con làm hành trang vào đời. Đường đời thì dài vô tận, con làm sao lường cho hết được. Bao nhiêu khó khăn vất vả, gian lao khổ cực trăm bề để cất lên tiếng nói của cõi lòng khát khao mưu cầu cuộc sống hạnh phúc. Tiếng nói tình yêu hôm nay có khi được xã hội nhìn nhận qua nhiều lăng kính, nhiều yếu tố kết thành từ vật chất cho đến tinh thần. Con người dễ chao đảo, mặc cảm, tự ti có khi dẫn đến sự hệ lụy, sau cùng là có cái nhìn lệch lạc, làm đổ vỡ tình cảm. Mẹ lại dạy, lại trấn an, vỗ về: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Nhưng trên hết là mẹ muốn dạy người con của mình hãy nỗ lực làm ăn bằng tất cả ý chí, nghị lực để rồi một ngày không xa các con sẽ vươn lên một tầm cao. Kinh Phật dạy con người là chủ nhân của nghiệp, là người thừa tự nghiệp, con người quyết định sự hạnh phúc của mình, không một ai quyết định được. Nghiệm ra, lời mẹ dạy hôm nào thật là chí lý, đây thực là cơ sở để thiết lập một đời sống an lạc cho mỗi người.
Đó cũng là nhân hướng thiện, nhân thiện sẽ đưa đến kết quả thiện lành. Trong một gia đình ai cũng được thẩm thấu ý thức trách nhiệm về việc làm chủ bản thân, tự mình quyết định đời sống hạnh phúc riêng biệt cho chính mình thì người đó mới có thái độ sống tri ân và biết ân với mọi người. Về lòng nhân, lời mẹ ru như truyền thêm sức mạnh về niềm tin đạo đức ở đời. Mẹ từng nói “Có đức mặc sức mà ăn”, hay “Trời nào phụ kẻ có nhân/Người mà có đức muôn phần vinh hoa”. Và như thế, một lần nữa nếp sống đạo đức lại được hiện bày bằng thân giáo, khẩu giáo, ý giáo không chỉ qua lời ru mà còn được hóa hiện trong đời sống thực tiễn.
Và còn nhiều lời ru, ca dao, tục ngữ làm nên những giai điệu tình yêu trong hành trình đi tìm người thương mà không bao giờ hết. Như con tim nắm giữ sinh mệnh con người, cũng thế, những cung bậc lời ru của mẹ sẽ đánh thức tâm trí và lòng người hãy biết sống sao cho có ý nghĩa thực với đời. Cuộc sống sẽ đẹp hơn nhiều, nếu ai cũng được sinh ra, lớn lên, trưởng thành thực thi lời mẹ cha dạy qua những lời ru năm xưa. Và như vậy triết lý “đi tìm người thương” trở thành những “dạ khúc tình yêu” mà âm vang của nó sẽ vang vọng mãi mãi trong từng nhịp đập con tim mỗi người. Đó cũng là phương thức báo hiếu mẹ cha tối thượng nhất mà mỗi người có thể báo đáp được trong cuộc đời này như là chất liệu, nguồn sống mà mẹ cha trao truyền cho con được hạnh phúc, được an lạc ở đời này và đời sau...