Văn hóa – Văn minh

Về văn hóa, tôi tin hơn cả vào sự phát triển tự nhiên từ cuộc sống thực hằng ngày của cá nhân ấy, của gia đình ấy, trong xã hội ấy. Chỗ mà ý chí có thể can thiệp và hy vọng có hiệu quả về văn hóa trong thời đại chúng ta có lẽ là giáo dục nhà trường. Do đó, trên quy mô dân tộc, quốc gia, nên tập trung lo cho giáo dục, xoay xung quanh chiến lược giáo dục. Giải pháp giáo dục mới là cách giải quyết tận gốc và lâu dài các vấn đề chiến lược nói chung.

1. Về ý thức lý thuyết người ta thường xét văn hóa theo hai phạm trù triết học: vật chất và tinh thần. Từ đó, đời sống người cũng được xét theo đời sống vật chất hay đời sống tinh thần. Sự tách bạch siêu hình này còn có lợi cho tư duy chừng nào ý thúc được rằng ranh giới vật chất – tinh thần là hết sức mỏng manh, mỏng manh đến mức hình như chỉ có giá trị lý thuyết. Kể từ khi Hê – ghen, trí tuệ nhân loại mới nhận rõ mối quan hệ biện chứng vật chất và tinh thần, rằng cái này là hình thức (hoặc cách thức) biểu hiện của cái kia. Theo cách nhìn đó, từ khi xuất hiện phạm trù người, thì không còn nữa (về mặt lý thuyết) thế giới vật chất trần trụi thủa nguyên sơ. Thế giới ấy đã là thế giới người, để cho tinh thần người được thể hiện: nhà cửa, đường sá, đồ dùng, áo quần, sông ngòi, núi non, kể cả những khu rừng nguyên thủy chưa hề có dấu chân người. Nói một cách tuyệt đối, thế giới này là thế giới do người tạo ra, thế giới văn hóa người.

Nói theo ngôn ngữ duy tâm Hêghen, tinh thần người mượn từ thế giới vật chất để tự thể hiện bản thân mình. Bằng thế giới vật chất, con người có cách để “tự nhân đôi” bản thân mình và nhờ thế giới vật chất ấy, con người tự chiêm ngưỡng bản thân mình. Ví dụ dễ thấy nhất là các tác phẩm nghệ thuật. Giá trị đích thực của các tác phẩm là ở tinh thần của nó. Với nghĩa ấy, một trang giấy với bấy nhiêu mực cho bấy nhiêu chữ trong thơ một chú bé Trần Đăng Khoa có giá trị hơn hẳn trong tay một chú bé chép bài thơ ấy.

Lấy giá trị tinh thần (văn hóa) ấy làm mục đích thì mọi thành tự văn minh chỉ là phương tiện. Giấy đen hay trằng không cần, bút máy hay bút bi không quan trọng,…Hiềm vì tinh thần không thể lấy mình thể hiện mình để có một hình hài vật chất cảm tính, nên dù có giấy đen cũng phải có giấy. Nhất thiết phải nhờ văn minh tạo ra hình hài vật chất cho tinh thần. Hành vi văn minh này là nền tảng, là nguồn gốc, là ông tổ của mọi hành vi văn hóa. Tất cả các hành vi văn minh – văn hóa đều là kẻ sang tạo ra thế giới vật chất phù hợp với tinh thần người. Ta quen gọi là lao động, ấy là nói một cách định tính. Còn muốn định lượng thì phải có them khái niệm sức lao động.

Cả văn minh lẫn văn hóa đều là sản phẩm do sức lao động làm ra. Để khỏi quá cứng nhắc, tôi xin nói thêm, “làm ra” không phải chỉ có nghĩa đen trùi trũi, mà có thể dùng cho cả trường hợp, chẳng hạn: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cảnh thiên nhiên không phải thuần túy là thiên nhiên, trời sinh, có sẵn, bất động, mà lúc nào đó, do ai đó “làm ra” bằng chính văn hóa của mình. Nghĩ như vậy, tôi lấy sức lao động để định lượng một trình độ văn minh và ang áng một trình độ văn hóa thực sự. Nhờ sức lao động, còn có thể thấy rõ thêm mối quan hệ này: một nền văn minh cao chưa chắc đã có ngay một nền văn hóa cao tương ứng, nhưng một nền văn minh thấp chắc chắn không thể tạo ra một nền văn hóa cao hơn mình. Và điều này đúng cho một xã hội, cho một gia đình hay cho một cá nhân.

2. Ba khái niệm cơ bản làm nền tảng lý thuyết của văn minh – văn hóa, theo tôi, là Xã hội – Gia đình – Cá nhân.

Xã hội, khái niệm xuất hiện đầu tiên, vốn có nguồn gốc từ bầy đàn của động vật, với cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ còn thô sơ (trừu tượng), như là một tổng số học các thành viên. Đó là nền tảng của sự sống người. Xã hội ấy trong tiến trình phát triển đã làm nẩy sinh và hình thành một khái niệm mới: gia đình. Xét theo khái niệm, không thể nói xã hội do các gia đình tạo thành (mặc dù trên thực tế hình như thế). Đó là hai khái niệm ngang chức ngang quyền, có cơ cấu và các mối quan hệ nội tại độc lập với nhau, không có quan hệ bao hàm nhau mà chỉ có quan hệ qua lại biện chứng với nhau, nghĩa là không thể so sánh to nhỏ, hơn kém…

Xã hội là khái niệm đã có từ thuở hái lượm, đánh bắt, với sức lao động thấp thể hiện một năng lực người vừa mới ra khỏi vòng phần nguyên lý động vật. Trong tiến trình lịch sử, nó phát triển bằng cách phát triển sức lao động. Mãi cho đến khi có sức lao động làm nên nền sản xuất đại công nghiệp thì lịch sử mới làm thêm được một “sản phẩm mới”: khái niệm cá nhân. Có lạ lùng không, ngay từ đầu đã có các cá thể làm nên xã hội, tiếp đó là các cá thể làn nên gia đình, vậy mà mãi sau này, đến tận thế kỷ 18, mới có nổi khái niệm cá nhân (Mác). Khi phát hiện ra khái niệm cá nhân, một nhà biện chứng vĩ đại như Hê – ghen mà cũng thở phào, cho rằng lịch sử đã phát triển đến mức hoàn hảo rồi! Thừa nhận cá nhân tư sản ở mức ấy, tức là thừa nhận gia đình tư sản và xã hội tư sản đều ở mức ấy – mọi chuyện đều hoàn hảo cả rồi! (Thế thì, lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh, nhưng lại ở đây thôi à?)

Ca ngợi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân có lẽ ít ai có những lời hùng hồn và sang trọng hơn Mác, nhưng Mác là người biện chứng triệt để, ông coi xã hội tư sản, gia đình, cá nhân tư sản chỉ là những sản phẩm có tính lịch sử, có thành có hư, có đến có đi. Hôm nay chúng ta bàn về văn hóa, thì cũng biết chúng ta đang đi trên chặng đường nào của lịch sử nhân loại (cả nhân loại có chung một con đường ấy thôi). Về việc này, tôi nhớ đến một nhận xét sau đây của Mác, khi ông nói với người đồng hương Đức đương thời: chúng ta là những người đương thời với thế giới hiện nay về mặt triết học, chứ không phải về mặt lịch sử!

Diễn nôm như sau: về ý thức lý thuyết, người Đức chúng ta là người đương thời với thế giới đương thời, những trên thực tiễn lịch sử, thì còn lạc hậu lắm! Sức lao động của chúng ta dù có kiễng lên cũng chưa với tới trình độ đương thời của thế giới!

Trong ba khái niệm Xã hội – Gia đình – Cá nhân với hoàn cảnh lịch sử hiện nay, khái niệm cá nhân có vai trò đặc biệt. Nó sinh sau đẻ muộn, nhưng vì thế mà là một “anh hùng thời đại”. Nó vượt ra khỏi giới hạn cổ truyền để trở thành một nhân tố mới, đủ sức biến xã hội thành một liên hợp các cá nhân. Nếu trong nền sản xuất tiểu nông, gia đình là một đơn vị kinh tế, thì nay trong nền sản xuất hiện đại, bản thân mỗi cá nhân đã là một sức lao động độc lập, một đơn vị hoàn chỉnh, vì vậy nó đủ sức làm biến đổi quan hệ đơn điệu một chiều xưa kia (gia đình gia trưởng) thành những mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều, từ đó tạo ra một thể chế mới cho gia đình ba thành phần (mà tôi gọi là tam giác gia đình): cha – mẹ - con cái.

3. Ứng xử thực tiễn là cách thể hiện điển hình nhất của văn hóa. Trong đời sống thực tiễn, chất văn hóa của một cá nhân, một gia đình hay của một xã hội đều biểu hiện ra ngoài dưới các hình thức ứng xử. Đến một vùng đất mới, những thành tựu văn minh đập ngay vào mắt: nhà cửa, đường sá, vườn hoa, nơi công cộng,…Nhưng chất văn hóa thì biểu hiện ở cách ứng xử giữa người với người.

Về văn hóa của xã hội , xem ra dễ cảm nhận “chất văn hóa” này ở trên đường phố hay trong cửa hàng. Vào một gia đình, nội thất trong nhà cho ta một căn cứ đáng tin cậy về đời sống vật chất và gặp các thành viên thì cảm nhận được chất văn hóa của mình. Chuyện kể, một nhà vô vi hành vào một nhà dân, bảo rằng, chủ nhà này nếu là chồng thì xin tặng một con ngựa, nếu là vợ thì chỉ tặng một con bồ câu. Người vợ nhanh nhẩu trả lời: chồng là chủ. Nhà vua cho người chồng chọn một con ngựa trong đàn. Anh ta chọn con ngựa ô. Bà vợ bảo: Không, con ngựa bạch kia! Chồng bèn xin nói lại: muốn lấy con ngựa bạch. Và anh ta nhận được một con bồ câu.

Một cách trung thành, văn hóa cá nhân biểu hiện ở mọi cử chỉ, lời nói, ăn mặc, đi đứng và mọi ứng xử tại chỗ..mà người khác có thể cảm nhận trực tiếp. Cốt lõi bên trong cho mọi ứng xử bên ngoài này là triết lý sống và sức lao động cá nhân. Triết lý sống có nguồn gốc xã hội và được truyền thống gia đình nuôi dưỡng. Triết lý này được cảm nhận từ lúc sơ sinh, ngay trong cuộc sống hàng ngày, qua các ứng xử cá nhân của cha mẹ và người lớn. Triết lý sống này gắn với niềm tin, thường là đức tin tôn giáo (ở đây “tôn giáo” tôi dùng như một tính từ).

Triết lý sống này được đảm bảo bằng sức lao động cá nhân, với tư cách là cốt lõi vật chất của đời sống cá nhân (cũng là của văn hóa nói chung). Được triết lý sống định hướng, sức lao động biến mỗi cá nhân thành chính nó, dù các “nó” này trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, trong gia đình gia trình gia trưởng, còn hao hao nhau.

Sự phát triển lịch sử được triển khai một cách tổng thể và ăn khớp nhau trên cả ba khái niệm (phạm trù) cơ bản Xã hội - Gia đình – Cá nhân, do đó, ý chí cá nhân thực ra không có nhiều sức mạnh như ta tưởng. Nguyễn Trãi vẫn là Nguyễn Trãi của xã hội ấy, thời ấy. Ông không một ly “đi trước” thời đại mình…Ông không một ly “cao hơn” nền văn hóa với triết lý sống và sức lao động ở trình độ xã hội – lịch sử lúc ấy. Ông chỉ có thể “đi trước” hay “cao hơn” số đông cá nhân cùng thời mà thôi!

Nếu bây giờ, trong thời chúng ta, mà ai đó ứng xử y như Nguyễn Trãi thì không hiểu sẽ dùng tên gọi gì cho xứng. Lý do: xã hội ngày càng phát triển thì càng phân hóa, cho đến tận khi mỗi cá nhân hiện đại là một cá nhân không lặp lại dù xác suất một phần tỷ…Đó là nét đặc trưng cụ thể của nền văn hóa hiện đại và là kết quả được tạo ra từ một trình độ văn minh của sức lao động cao chưa hề có. Mặc dù vậy, cũng như bất cứ thời nào, các ứng xử văn hóa vẫn là sự tự điều chỉnh tự nhiên như sự tự điều chỉnh của chính sự sống, của sức sống, trong hoàn cảnh sống của chính mình lúc ấy.

Về văn hóa, tôi tin hơn cả vào sự phát triển tự nhiên từ cuộc sống thực hằng ngày của cá nhân ấy, của gia đình ấy, trong xã hội ấy. Chỗ mà ý chí có thể can thiệp và hy vọng có hiệu quả về văn hóa trong thời đại chúng ta có lẽ là giáo dục nhà trường. Do đó, trên quy mô dân tộc, quốc gia, nên tập trung lo cho giáo dục, xoay xung quanh chiến lược giáo dục. Giải pháp giáo dục mới là cách giải quyết tận gốc và lâu dài các vấn đề chiến lược nói chung.

Previous Post
Next Post