Đà Lạt: từ nỗi buồn xa xứ đến hồn đô thị

Như một duyên tiền định, Đà Lạt ngay khi chào đời đã là một thành phố độc đáo. Số phận lạ lùng ấy khiến sử gia Eric T. Jennings dày công nghiên cứu các văn khố từ Việt Nam đến Thuỵ Sĩ để viết một chuyên sử Đà Lạt dày 350 trang mang tựa đề Imperial Heights - Dalat and the Making and Undoing of French Indochina. Xuất bản năm 2011, đây là công mới nhất và toàn diện nhất về lịch sử thành phố này của giới sử học quốc tế. Ngay lời tựa Jennings đã khẳng định: “Đà Lạt là một nơi đặc biệt, bất ngờ và hầu như bất hợp lý”. Do đó, không thể có một câu trả lời dễ dàng để xác định bản chất Đà Lạt.

Với người này, hồn Đà Lạt chính là cái nhan sắc thuộc địa tạo nên di sản biệt thự kiến trúc Pháp. Óc lãng mạn, tài hoa, tầm nhìn xa cùng tình hoài hương của người Pháp đã khoác một hình hài Âu châu cho chốn nương náu Á Đông của những quan chức không thể hồi cố lý vì hai cuộc thế chiến. Nhìn ngôi nhà có thể đoán được nơi chôn nhau cắt rốn của người chủ ly hương. Này tường gạch chèn gỗ xứ Normandie, này cửa vòm cong xuất xứ Địa Trung Hải, này mái dốc chóp nhọn miền Bretagne, này những bao lơn dài kiểu Basque ôm hết mặt tường nhà. Mỗi biệt thự đau đáu một dấu quê nhà.

Với người khác, hồn Đà Lạt lại là nhịp sống rất chậm ở đây. Từ tốn, nhàn tản, thụ hưởng những gì thiên nhiên ban phát, Đà Lạt từ xưa vốn thế. Nhịp sống chậm tới mức thành phố này từ thời Pháp thuộc đến nay không hề có một ngọn đèn giao thông nào ngăn cản. Khắp thành phố hầu hết là những con đường nhỏ quanh co, đồi dốc, nhiều ngã ba, nên đèn xanh đèn đỏ trở thành một thứ không cần thiết. Người cứ nhẩn nha đi, xe cứ thư thả chạy, và chiếc dù tròn đủ màu che nắng mái đầu thiếu nữ tản bộ trên vỉa hè là một cảnh tượng đặc trưng.

Còn những du khách, đặc biệt những ai mới đến đây lần đầu, thì ấn tượng đáng nhớ nhất thường là cảnh quan, hoa lá cỏ cây và mặt nước hồ Xuân Hương mờ sương sớm ngay giữa thành phố. Bao trùm Đà Lạt là sự yên tĩnh, một sự êm đềm đông đặc chỉ cần một tiếng chim cũng đủ xốn xang cả không gian. Mọi tiếng động va đập, hồi vọng vào sự yên tĩnh ấy đều được khuếch đại thêm cường độ. Vào những mùa du lịch cao điểm thì sự yên tĩnh ấy biến mất khi những chiếc xe bus lữ hành dài ngoằng trườn mình xoay trở ngang con đường hẹp, chặn đứng tạm thời dòng xe máy đang ngược xuôi triền dốc.

Nhưng cái hồn Đà Lạt lại là tổng hoà tất cả những yếu tố cảm quan ấy chứ không thể tách rời. Từ nhu cầu lẫn ảo tưởng, một “ốc đảo khí hậu” hoang vu phát hiện tình cờ giữa vùng sơn cước nhiệt đới vụt biến thành “một chút của nước Pháp” bằng tham vọng, ý chí và quyền lực. Vào năm năm 1939, tổng dân số Đà Lạt là 11.500 người nhưng chỉ có hơn 600 người Pháp cư ngụ trong 427 biệt thự rải rác ở những vị trí cảnh quan đẹp nhất. Đà Lạt trở thành một thành phố của người Pháp quy hoạch cho người Pháp sống an nhàn với hoa. Người Việt chỉ là thứ dân phục vụ cho quan chức Pháp và sống tập trung ở các khu vực ngoại vi được quy hoạch riêng ngay từ đầu.

Chính khí hậu và địa hình đặc biệt như Âu châu nhưng lại ẩn náu trong một xứ sở nhiệt đới mới gợi hứng cho người Pháp những ý tưởng kiến tạo một đô thị cũng rất đặc biệt - vừa là thành phố nghỉ dưỡng du lịch, vừa là đỉnh cao quyền lực, vừa là trung tâm giáo dục của cả Đông Dương. Những giống rau hoa từ Pháp được mang sang trồng thí nghiệm và gặp trúng đất lành. Suối lạch được chặn dòng thành hồ Xuân Hương để vừa tạo cảnh đẹp vừa lấy nước phục vụ canh nông. Những con đường nhỏ ôm vòng các thung lũng cũng là những bức tranh hoàn hảo mà trong cơn thần hứng các nghệ sĩ kiến tạo chỉ chấm phá một nhát là thành, tới bây giờ không thể điều chỉnh cho tốt hơn. Không thể ở nhà xấu trong một vùng thiên nhiên đẹp đẽ nhường ấy. Không cần phải vội vàng khi mỗi bước đi đều là một cuộc thưởng ngoạn. Không cần phải ồn ào khi sự tĩnh lặng sẽ nâng bổng cả những điệu dương cầm thầm thì nhất.

Chính lối sống kiểu quý tộc này đã ảnh hưởng sâu đậm đến phong cách thị dân Đà Lạt cho tới bây giờ. Một thành phố có nhịp sống chậm và lặng, những cư dân hiền hoà - mặc người Pháp đã ra đi, mặc những biệt thự đổ nát, mặc thời cuộc bể dâu. Những làn sóng di cư vì binh lửa hay vì các chính sách di dân trước và sau 1975 đã đặt trên bảng màu Đà Lạt đủ loại dấu ấn vùng miền. Và cũng như những biệt thự Pháp xưa, những ngôi nhà mới đủ kiểu hiện nay cũng lồ lộ xuất thân và tầm văn hoá của gia chủ. Mọi điều đơn giản nhất đặt trong không gian Đà Lạt ấy đều nổi bật khác thường - đẹp hẳn lên hoặc chướng mắt lạ kỳ, du dương hơn hoặc chát chúa chói tai thêm.

Một dung nhan thuộc địa tàn phai, một thành phố mai một chất Pháp, vậy cái còn lại của Đà Lạt rất Đà Lạt bây giờ là gì? Khi từ thành phố sang trọng trở thành đô thị nông dân thì hồn Đà Lạt cũng chính là trời và đất, là cái “ốc đảo khí hậu” đã làm điên đảo người Pháp như tiếng sét ái tình. Đó là điều khiến Đà Lạt độc đáo. Khí hậu buộc những kiểu kiến trúc nhiệt đới phải thay đổi khi xây dựng ở đất này. Vì lạnh nên dân cư phải ăn mặc thanh lịch và cái nghèo cũng bớt nhếch nhác. Đồi dốc buộc ai cũng chậm rãi và bầu không khí yên tĩnh khiến mọi người biết giữ ý khẽ khàng. Thổ nhưỡng tốt nên hoa vẫn cứ lộng lẫy âm thầm.

Đà Lạt vẫn quyến rũ, nhưng theo một cách rất khác. Cứ hỏi những du khách mới đến lần đầu, không hề vướng bận những hoài niệm quá khứ, thì rõ. Với họ, Đà Lạt nhìn đâu cũng đẹp cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bất kỳ ai đặt chân tới đây đều mang về vô số những bức ảnh và những lời tán dương. Chẳng ai đếm được bao nhiêu cặp uyên ương khắp nơi đã chọn Đà Lạt làm nơi chụp bộ ảnh cưới của mình. Họ chỉ có thể thất vọng khi quay lại chốn này lần sau. Còn cái hồn trời đất ấy vẫn cứ bàng bạc, thản nhiên trước mọi tồn vong, vật đổi sao dời. Thành phố này là sản phẩm định mệnh của lịch sử. Nói như sử gia Jennings, Đà Lạt là một “enigma” - điều bí ẩn.

Trần Ngọc Đăng

Đà Lạt cần gì sau 120 năm hình thành?

Việc bảo tồn không gian nghỉ dưỡng lãng mạn và không gian văn hoá Âu - Việt của Đà Lạt chỉ có thể thực hiện được khi có sự chuẩn bị cho việc phát triển không gian hiện đại tương lai một cách cẩn trọng, vừa phục vụ cho các yêu cầu mới của một đô thị trong thế kỷ 21 vừa tạo ra bản sắc mới nhưng vẫn không mâu thuẫn với những giá trị hiện có.

Có một lập luận khá nguy hiểm của một số nhà đầu tư, cho rằng cần phải “mạnh dạn” đề xuất cái mới với bản sắc mới thay dần cho cái cũ hiện nay. Điều này đi ngược với kinh nghiệm các thành phố nghỉ dưỡng trên thế giới. Việc phát triển những ý tưởng mới chỉ nên được thực hiện nó tại những khu đô thị mới ở vùng lân cận, chứ không nên xây chen vào làm hỏng giá trị công trình lịch sử, làm hỏng bản sắc không gian và giá trị vốn có của khu đô thị di sản.

Nhà cao tầng và nhà bọc nhôm kính là những loại kiến trúc hiện đại không phù hợp ở Đà Lạt. Trái ngược với quá trình đô thị hoá trên cả nước thường có xu hướng phát triển theo chiều cao, quy hoạch thành phố này phải bắt đầu từ việc khẳng định không gian xanh trước, rồi mới đến công trình và giao thông.

Đà Lạt, kể cả khu trung tâm, nên phát triển tập trung thành cụm theo chiều ngang đan xen với cây xanh mặt nước, chứ không nên xây dựng theo chiều đứng với những công trình cao trên năm tầng. Các dự án mật độ cao, nhà cao tầng, nhà mái bằng…, các diện tích bê tông hoá quá rộng dành cho giao thông và bãi xe chính là những tác nhân nhanh nhất phá hoại giá trị sinh thái của Đà Lạt.

KTS. Nguyễn Hữu Thái
Previous Post
Next Post