Sự việc một số tỉnh giàu cũng “vác rá” đi xin Chính phủ cứu trợ gạo dịp Tết và kỳ giáp hạt làm dấy lên trong dư luận xã hội những ý kiến tranh luận khác nhau. Tựu trung là phản ứng vì cho là phản cảm và rất khó hiểu. Thật ra, nếu chịu khó dành chút thời gian lùi về quá khứ thì sẽ hiểu ra nguồn gốc sâu xa của vấn đề. Và nhận ra rằng, căn nguyên hành động đó không có gì là khó hiểu cả.
Khởi thủy, nước ta là một nước nông nghiệp chuyên về trồng lúa nước và đến nay cũng đang là vậy. Các cư dân trên những vùng đất thấp đó, quần tụ, cố kết với nhau thành từng làng, từng xóm nhỏ được bao quanh bằng những lũy tre dày. Sống trong những lũy tre đó, người ta tự thân canh tác trên những mảnh ruộng của mình và sống theo kiểu tự cung, tự cấp, tự lo, tự chủ và cả tự cường. Vì cái gì cũng “tự” cả nên đã hình thành nên một tính cách là chỉ biết lo, biết nghĩ cho mình, gia đình mình, xóm mình, làng mình mà ít khi nhìn rộng ra bên ngoài như xã khác, huyện, tỉnh khác và chuyện lo cho người ngoài là điều không tưởng.
Đây cũng là nét chung của giai cấp nông dân trên toàn cầu, như một nhận xét của Các- Mác về người nông dân sản xuất nhỏ lẻ: Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải. Đúng là giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống. Đôi khi người này tưởng rằng người kia là nguyên nhân của mọi bất hạnh của mình. Và chen cạnh nhau, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập đau đớn mới thôi. Cái đó, người ta gọi là tâm lý tiểu nông. Biểu hiện của tâm lý tiểu nông, theo như sự đúc kết của các nhà nghiên cứu thì thường là an phận thủ thường, sống theo kiểu tiết chế nhu cầu, bằng lòng với mình, ít có nhu cầu khám phá, sáng tạo cái mới.
Họ thường có tâm lý tự ti, mặc cảm là mình “thấp cổ bé họng” không thể làm được việc lớn. Đặc biệt là trong làm ăn, tính toán thường theo tâm lý cò con, tư lợi, vun vén cá nhân. Từ đó hình thành thói quen, tâm lý bản vị cục bộ, địa phương, kéo bè kéo cánh, ít giao lưu mở rộng quan hệ nên đã hạn chế rất nhiều đến tầm nhìn cũng như sự phong phú về nhân cách. Tâm lý tiểu nông in sâu và tồn tại dai dẳng trong tính cách người Việt là hiện tượng mang tính xã hội lịch sử, nó phản ánh điều kiện sản xuất nhỏ trong quá trình lao động, sản xuất, đấu tranh với tự nhiên và xã hội để tồn tại. Ngày nay, theo đà phát triển cùng sự hội nhập toàn cầu ngày một sâu hơn, tâm lý tiểu nông của người Việt ta đã bớt đậm đà đi nhiều. Tuy nhiên vẫn còn rơi rớt lại không ít trong tư duy, hành động của tất cả các giai tầng trong xã hội. Mà thỉnh thoảng chúng ta lại hay phê phán là “tư tưởng tiểu nông”, “tư duy tiểu nông”…
Trở lại với chuyện tỉnh giàu đi xin gạo. Đó chính là biểu hiện của tâm lý tiểu nông. Cho dù “thóc đầy bồ, ngô đầy cót”, nhưng nhìn thấy của người, của trời vẫn thấy tiếc, thấy tham và thấy vẫn có khả năng “khèo” về cho mình thì vẫn cố gắng để “khèo” được bao nhiêu tốt bấy nhiêu vì “không mất gì của bọ”. Nghĩa là rất bản vị, cục bộ, địa phương. Chỉ biết lo cho dân mình, tỉnh mình mà không lo nghĩ cho người nơi khác, tỉnh khác.
Lẽ ra, mình đã tự lo được rồi thì nên nhường phần gạo dự trữ quốc gia cho các người khác, tỉnh khác còn nghèo, còn khổ, còn khó khăn hơn mình nhiều. Nếu có được trên cho thì cũng từ chối nhận mà đem tặng những tỉnh vừa phải trải qua đợt bão lũ nặng nề hồi trong năm thì mới đúng là “chính nhân quân tử”. Đằng này thì lại…. Có người cho rằng, việc mấy tỉnh thuộc diện có điều kiện vẫn xin gạo thật ra là “lợi bất cập hại” vì đã làm mất đi hình ảnh của tỉnh mình. Điều đó là có thật. Bởi lẽ, hành động đó chẳng khác nào “cố đấm ăn xôi”. Song, như mấy anh thợ cày hay nói với nhau là “khó coi, nhưng dễ chịu”. Xấu hổ một chút nhưng mà chắc dạ vẫn hơn!
Điều đáng tiếc nhất là tâm lý tiểu nông kiểu đó lại nằm ở ngay trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương. Đây là vấn đề rất cần được khắc phục triệt để vì một khi bị lối sống tiểu nông chi phối, tác động sẽ dẫn đến tình trạng thu vén cá nhân và cục bộ địa phương. Chính vì thế, khi bị báo chí chất vấn vì sao “tỉnh giàu đi xin gạo”, một vị lãnh đạo tỉnh đã lúng túng mà rằng “hỏi khó trả lời quá”. Khó quá đi chứ, chả nhẽ lại nói thẳng ra là do tâm lý tiểu nông!?