Nghĩ về hạnh phúc

“Hạnh phúc ai bán mà mua, ai cho mà lấy, ai thừa mà xin”

Chẳng biết hạnh phúc là gì mà thấy ai ai cũng tìm kiếm trong nhiều ngả đường khác nhau, vì thế mà hạnh phúc có hàng trăm định nghĩa và cách giải thích khác nhau. Chỉ có điều là, nếu theo phần lớn các định nghĩa ấy thì hạnh phúc là điều không có thật, vì nếu hạnh phúc là có thật thì nó phải được đặt trên nền tảng của những thứ thường hằng, bất biến.

Quan niệm về hạnh phúc có thể khác nhau giữa các thời kì, các thế hệ và khác nhau trong từng xã hội nhưng dường như tụ chung lại thường thì hạnh phúc là khi người ta có được thứ mình thiếu. Độc lập, hòa bình trong những ngày chiến tranh rồi đến ăn ngon, mặc đẹp khi kinh tế có chút khấm khá, hoặc là trở nên nổi tiếng, có địa vị, giàu có hoặc làm được nhiều chuyện to tát… Nhưng nói gì nói, tất cả những thứ hạnh phúc trên đều bị điều kiện hóa hoặc đến tự một cảm xúc cạn cợt và thoáng qua. Và nó có nghĩa là chúng ta sẽ đánh mất tự do khi tìm kiếm hạnh phúc bằng con đường của thỏa mãn những dục vọng, ham muốn hay những điều kiện bên ngoài. Chúng ta bị ngoại trị và trở thành nô lệ cho những ham muốn và ý niệm hạnh phúc của chính mình. Vậy thì làm sao có được cái gì gọi là hạnh phúc chân thật?

Một xã hội mà mọi thứ đang bị quay cuồng và lộn lạo giữa hai bờ sáng tối, thật giả, hư ảo thì biết tin vào đâu và tìm đâu ra cái gì gọi là chân thật bây giờ. Niềm hạnh phúc chiến thắng của những trận đấu chứa đựng những đố kị, bực tức; hạnh phúc trong những cuộc vui, chè chén chứa đựng trong nó sự trình diễn, thể hiện và ngay sau đó là cảm giác hụt hẫng khi lại phải đối diện với chính mình và thực tại, cảm giác muốn níu kéo những giây phút đầy thỏa mãn; tìm kiếm hạnh phúc trong sự thỏa mãn vật chất thì lại mang tính tham lam, bất mãn, chấp ngã, lo lắng, sợ hãi,…

Ngôi nhà của hạnh phúc chân thật không thể nào được xây dựng bởi những viên gạch hàm chứa đau khổ như thế này được. Càng tìm kiếm hạnh phúc bằng những giá trị bên ngoài hoặc bằng việc phụ thuộc vào một điều kiện, hoàn cảnh nào đó thì con người càng trở nên tuyệt vọng, không tìm thấy một câu trả lời, một lối thoát nào cho chính bản thân mình. Rồi thì có đôi khi, ta lại nhận ra sự giả tạm và huyễn hoặc của cuộc đời và những giá trị mình theo đuổi, nhưng rủi thay, xã hội và cộng đồng chúng ta đang sống lại tin những thứ giả tạm đó là thật để rồi ta lại ngây thơ tin vào, đánh mất chính mình, đồng hóa tự biến mình thành một hình mẫu mà xã hội đề ra để được mang lên mình chiếc mặt nạ “hạnh phúc”. Có đáng không?

Nói vậy thì con đường đi tìm hạnh phúc của con người chẳng phải đi vào ngõ cụt hay sao? Không! Ờ mà cũng đúng, phải đi vào ngõ cụt thôi, vì làm gì có con đường nào đi tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Hạnh phúc, lạ thay, không phải là thứ để chạy ngược chạy xuôi kiếm tìm và nắm bắt (vì hễ cứ nắm thì nó lại tuột mất như sương khói) mà hạnh phúc là khi ta biết dừng lại và buông bỏ. Có phải là phi lý quá không?

Nếu biết dừng lại và xem xét những điều kiện của hạnh phúc mà ta đang có thì thế nào ta cũng thấy được mình quá thừa mứa cái gọi là hạnh phúc, không cần vất vả chạy chọt gì cả, ngồi xuống và quan sát thì hạnh phúc trong ta tự nhiên sẽ bước ra. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là mỗi ngày thấy mình còn được sống, được hít thở và tiếp xúc với đất trời, thiên nhiên và người thương xung quanh. Hạnh phúc là thấy được mỗi ngày mình đã và đang được nuôi dưỡng bởi cả vũ trụ này. Hạnh phúc là an lạc, an trong cả thân và tâm. Nhìn lại đi, còn tìm cầu gì nữa mà chưa chịu hạnh phúc?

“Buông bỏ ý niệm về hạnh phúc thì lập tức anh sẽ có hạnh phúc ngay” đó là câu trả lời của thiền sư Làng Mai về cách tạo lập hạnh phúc. Chúng ta tạo ra ý niệm về hạnh phúc cho mình và kẹt vào trong ý niệm đó, ý niệm của ta là phải giàu có, có địa vị, quyền lực, sắc dục, phải đạt được tấm bằng, có được một vợ, hai con, nhà ba lầu, xe bốn bánh,… Thế là ta trôi lăn mãi trong ý niệm về hạnh phúc của tương lai, mà tương lai là cái vô định lại đi đặt hạnh phúc ở đó thì làm sao mà có được hạnh phúc. Chỉ cần buông bỏ ý niệm đó và ý thức hạnh phúc chỉ có được bây giờ và ở đây (Happiness is right here and right now) thì hạnh phúc xuất hiện thôi. Hạnh phúc luôn ở kế bên ta, chưa bao giờ tách rời khỏi ta mà ta lại đi dùng cái ý niệm về hạnh phúc đó để xây bức tường cao, kiên cố ngăn cản ta và hạnh phúc. Thôi, đừng dại nữa, buông bỏ đi, đập bỏ đi cái ý niệm về hạnh phúc đó để mà trở về tiếp xúc với cái hạnh phúc đó giờ.

Biết được điều đó, vậy thì vấn đề của chúng ta không phải là đi tìm hạnh phúc nữa mà là phải học cách để dừng lại, nhìn sâu và buông bỏ ý niệm sai lầm của mình. Nói nghe có vẻ hay ho, nhưng ai cũng biết rằng đó là điều không phải dễ dàng, nhất là có khi phải đi ngược lại với quan niệm của cả xã hội này. Cho nên, để làm được điều này chúng ta cần một phương cách thực tập phù hợp mà thông qua đó nội lực được tăng trưởng và đạt được tự do – cái tự do khỏi những ràng buộc của bên ngoài (lí tưởng xã hội, lời phê bình,…) lẫn bên trong (các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực). Chỉ có đặt hạnh phúc trên nền tảng tự do tuyệt đối (Niết bàn) – một thứ thường hằng, bất biến thì thứ hạnh phúc đó mới chân thật và bền vững được.

Previous Post
Next Post