Tu Đạo hàng ngày phải làm gì?

Do sự bận rộn với đời sống hàng ngày, nếp sống càng tiện nghi thì lại càng hết sức lao tâm, lao lực để đạt đến cái tiện nghi hơn nữa. Thêm vào là lòng tham muốn chiếm đoạt, tranh đua để thỏa mãn dục vọng nhất thời, khiến cơ thể trở nên mất quân bình, phá hoại cơ quan thần kinh. Khiến con người càng ngày càng lệch lạc, sống nghịch với thiên nhiên, mất đi sự an lạc sẵn có, nói một cách khác, họ mất đi chính mình.

Con người ai cũng kêu khổ, không có tiền khổ, có tiền nhưng không đủ như mong muốn cũng khổ, nhiều tiền quá thì nhiều rắc rối cũng khổ. Không có ăn khổ, ăn không đủ sướng cũng kêu khổ, suốt ngày tiệc tùng và nhậu nhẹt khổ. Không có chức khổ, chức vừa vừa thì trên đe dưới búa khổ, chức to thì nhiều việc cũng thấy khổ... Vì thế thân thể suy nhược, tâm trí điên đảo, thần trí bất nhất, lại thêm tửu sắc quá độ, hỉ nộ bất thường. Xin hỏi trần gian sướng ở chỗ nào?

Con người chìm đắm trong danh lợi, lo quanh, nghĩ quẩn, tích trữ tài sản. Thử hỏi có ai không tham, kể cả khi đang ở đỉnh cao của danh vọng và giàu sang; giàu lại muốn giàu hơn, chức to càng muốn lên to hơn, khi càng tham lại càng khổ. Mà ăn đâu có được bao nhiêu, ăn nhiều lại tự rước bệnh vào thân; ở được đáng bao nhiêu, nhiều nhà cũng chỉ tổn tâm sức bảo vệ quản lý, bị chia trác và tranh dành. Trong khi ngủ cũng chỉ trên một cái giường, chết cũng cũng chỉ nằm trong một cái quan tài. Liệu có bao giờ chúng ta nghĩ rằng cuộc sống đã an lạc chưa, ăn đã thấy ngon không, ngủ thấy thấy an lành không, chết đi rồi gọi hồn về nói có thanh thản hay đang bị ngục hình?

Có người đang nằm viện với trọng bệnh, dù có bao nhiêu người mang tiền đến thăm cũng chỉ muốn khỏe lại hay chức vụ đang to mấy cũng chỉ mong có sức khỏe; lúc này chức vụ - tiền bạc - nhà cửa xe - cộ cũng không thiết; nhưng khi qua khỏi và khỏe trở lại là lại ôm giữ và sở hữu. Nhưng nếu không qua được thì mọi thứ cũng là hư vô, chết đi rồi để lại chức vụ và tiền bạc cho người còn sống lại tranh nhau.

Vấn đề quyền lực và tài sản cũng chỉ là vật tạm bợ, vô thường khi chết nào có mang theo được; nhưng thực tế luôn luôn tranh chấp lẫn nhau. Hãy nhìn đàn gà trong sân, chúng đang vui vẻ nô đùa nhưng hễ có ném cho nắm thóc, là mổ nhau tranh ăn. Hãy nhìn bầy chó cùng cha, cùng mẹ âu yếm liếm nhau kia, nhưng ném cho cục xương là cắn nhau tức thì. Loài người thông minh hơn loài vật nhưng của cải, danh vọng, vật chất đã làm họ bất hoà có khác chi loài thú?

Chúng ta thấy, giáo lý nào cũng dạy phải thương yêu, tha thứ và giúp đỡ đồng loại nhưng tại sao xã hội lại không như vậy? Tại sao giữa cái biết và hành xử lại có sự trái ngược? Phải chăng lòng con người tham sân si, tuy nghe điều hay lẽ thiệt nhưng ta vẫn để đó, tiếp tục làm các điều càn rở.

Từ mấy ngàn năm nay, con người luôn được hướng dẫn bởi các chân lý cao đẹp. Tôn giáo nào cũng dạy những điều thật tốt lành nhưng tại sao vẫn không thấy có sự tiến bộ? Phải chăng vì chúng ta chỉ nói chân lý ở đầu môi, chót lưỡi? Ta đến những nơi tôn nghiêm của tâm linh với y phục sang trọng nhất, các lễ vật đẹp đẽ nhất, đọc thuộc lòng các lời răn chân chính nhất nhưng chúng ta vẫn làm các điều xấu xa, bỉ ổi nhất, hại dân và hại nước thì đâu có nghĩa lý gì. Có nhiều người sắm lễ rất to để trước các Ngài tâm linh xin đủ điều, nhưng lại làm những việc trái tâm đức, nào là tham ô và kiếm tiền trên xương máu của người khác, rồi lấy tiền bẩn đi công đức và từ thiện. Xin hỏi liệu những người đó có được phúc hay không, trả lời rằng sẽ bị báo ứng sớm thôi.

Tu Đạo hàng ngày phải làm gì? Có người cả đời không trả lời được, kể cả là người đang tu hay những người hàng ngày đang học kinh và học giáo lý. Câu trả lời có khi lại vô cùng đơn giản khi đã giác ngộ xin được nêu lên vài ý như sau:

Để không khổ thân và không khổ tâm, là phải rời bỏ cái nếp sống cũ, cái hoàn cảnh, nguyên nhân đã khiến phải lo nghĩ, phiền não. Phải dẹp bỏ, dứt sạch tất cả cho tâm hồn thật thảnh thơi, thoải mái. Nhưng đó là điều dường như khó vô cùng. Từ bỏ tham vọng, danh vọng, quyền lực, ham muốn, những gì sở hữu đâu phải dễ dàng, mấy ai đã làm được như thế? Nói thì thật giản dị nhưng nó là cả vấn đề.

Ngày ngày cần phải xét biết lỗi để ngày ngày cải sửa. Một ngày mà không biết xét chỗ sai trái của mình là ngày đó mình đã an nhiên tự thị, yên chí tự coi mình là đúng. Một ngày mà không có lỗi nào để sửa là ngày đó không có một chút tiến bộ nào cả. Trong thiên hạ không thiếu gì người thông minh tài trí, nhưng lại không biết tu cho đức được tăng, chỉ biết mở mang sự nghiệp cho ngày một thêm rộng lớn, chỉ biết an vui phóng dật chẳng chịu cải sửa, bỏ phí cả một đời.

Luôn luôn sống tự nhiên và an nhiên tự tại, mục đích tối hậu là dẹp bỏ cái “phàm ngã” trở về cái “chân ngã” của mình. Khi từ bỏ được bản ngã thấp hèn thì ta ung dung, tự tại, thảnh thơi, tiêu diêu cùng trời đất, thiên nhiên, thì còn lo lắng chi nữa?

Trên lý thuyết thì thật dễ dàng nhưng thực hành lại là cả một vấn đề. Con người quen sống bừa bãi, nô lệ dục vọng xác thân quá lâu, đến nỗi sinh bệnh, rồi muốn cởi bỏ tất cả đâu có dễ. Quen ăn ngon, mặc đẹp bây xả bỏ thì đâu phải ai cũng làm được ngay lập tức.

Previous Post
Next Post