Bây giờ nhiều người không thích Tết, và hầu hết những sự khó chịu, không thích Tết đó đều liên quan đến vấn đề “ăn”.
Cái sự nghèo khó khốn khổ của một thời đã xa gắn chặt vào tiềm thức con người, đến nỗi người ta gọi là “ăn Tết” thay vì vui Tết, đón Xuân.
Khi chuyện ăn đã không còn thiếu thốn, người ta lại khổ sở vì cái sự thừa thãi; những mâm bát phiền hà dịp Tết. Dù trong bối cảnh nào, những người phụ nữ vẫn thấm thía điều này hơn cả.
Ở đâu đó bên trong tôi vẫn còn nguyên những buổi chiều đông vời vợi, khi hàng xóm đã rộn ràng í ới, nhà rửa lá rong, người mượn nồi, người đãi đỗ… mẹ tôi vẫn đang hối hả với chuyến buôn thúng bán mẹt của bà, vớt vát những đồng lãi cuối cùng. Vẫn là ánh mắt vời vợi lo lắng, vừa mệt mỏi vừa hoang mang né tránh những háo hức của bọn trẻ.
Tết lo toan, Tết co kéo, Tết có thịt có bánh và có pháo… những cảm xúc đi vào lòng người thật sâu, thật khó tả. Tôi có thể hiểu được sự khó tả bồn chồn này của những người xa xứ.
Khi cuộc sống công nghiệp cuốn tôi đi băng băng, nhiều lúc tôi giật mình không biết thời gian trôi qua lúc nào. Hôm qua cùng con trai dán những tấm ảnh gia đình lên tường, những người mới đó còn ở bên thân thương, giờ đã sang thế giới khác. Những đứa trẻ mới đó còn bụ bẫm kháu khỉnh, giờ đã lộc ngộc lênh khênh, vài năm nữa chúng đã thành người lớn, và mỗi Tết tôi sẽ ngồi nhìn ra cửa chờ chúng đi xa về. Nghĩ đến viễn cảnh đó, lòng đã thấy nao nao.
Tôi vẫn luôn khó chịu mỗi khi vào bệnh viện thấy sao mà lắm người, sao một người nằm viện đến cả chục người đến ngồi la liệt… nhưng khi có những lúc sống chậm lại, tôi nhận ra rằng xã hội luôn có những logic vận động riêng, và con người luôn có một nơi để “đầu tư” gửi gắm vốn liếng cuộc đời họ.
Với những công dân thành thị, sống cả đời không cần biết hàng xóm tên gì, họ có tài khoản ngân hàng, nhà đất ở đâu đó, thẻ bảo hiểm… thì với những người dân nông thôn, ngân hàng của họ chính là mối ràng buộc họ hàng, làng xóm láng giềng. Họ rất sợ bị đuổi khỏi họ tộc, họ rất sợ mất lòng hay bị xóm giềng tẩy chay, họ suy nghĩ và hành động luôn phải nhìn ngó luật tục hay sự bằng lòng của những người xung quanh. Đổi lại, khi họ gặp hoạn nạn, những quan hệ ràng buộc xung quanh sẽ đan thành cái lưới đỡ họ. Họ không có thẻ ngân hàng, nhưng trong họ ngoài làng mỗi người ít nhiều đóng góp cả công sức và tiền bạc giúp họ vượt qua hoạn nạn.
Trong mỗi sự phi lý là điều có lý. Khi cuộc sống càng tiện nghi hơn, công nghiệp hơn, tôi lại thấy nhiều khi con người càng giống robot hơn. Chính những ngày sống chậm vớt Tết, cảm giác bồi hồi khó tả của Tết, sự lằng nhằng phức tạp ràng ríu trong các mối quan hệ giữa các gia đình, dòng họ, trong các cộng đồng… luôn có những logic riêng của nó.
Nghĩ vậy, tôi sẽ cố gắng thông cảm hơn với biển người ở bệnh viện, tôi sẽ chia sẻ hơn sự ràng buộc nhau trong các cộng đồng, và cố gắng tránh làm con robot công nghiệp hơn.