Vòng xoáy khoái lạc - Cuộc vui có được là mấy chốc?


Cuộc sống là sự lường gạt triền miên. Ý muốn của con người thì vô hạn, còn sự thỏa mãn lại hữu hạn.

Con người không bao giờ có hạnh phúc và bình yên. Một ước vọng được thỏa mãn chính là cái nôi nảy sinh ra một ước vọng mới. Đó là một chuỗi ham muốn, ham muốn không được thỏa mãn thì đau khổ, ham muốn được thỏa mãn thì nhàm chán. Con người luôn trằn trọc giữa đau khổ và nhàm chán.

Cái hiện thực duy nhất trong đời sống chính là sự đau khổ. Hạnh phúc và niềm hoan lạc chỉ là âm bản thiếu vắng sự khổ đau trong chốc lát. Cuộc đời thực sự là một "địa ngục mà trong đó con người vừa là những linh hồn bị đầy đọa, vừa là những ác quỷ".
Arthur Schopenhauer
.....
Giả sử vào một ngày nọ, chuông điện thoại reo: Một giọng nói đầy háo hức bảo rằng bạn vừa mới giật một giải xổ số gộp chung- 10 triệu đô la! Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Và bạn sẽ cảm thấy như vậy trong bao lâu? Một tình huống khác: chuông điện thoại reo, và bạn biết rằng người bạn thân nhất của mình vừa qua đời. Một lần nữa, bạn sẽ cảm thấy gì, và trong bao lâu?

Chúng ta có thể dự báo cảm xúc của mình tốt đến mức nào? Liệu chúng ta có là chuyên gia cho chính bản thân mình? Liệu thắng giải xổ số có làm chúng ta trở thành những người sống hạnh phúc nhất trong những năm sau đó? Nhà tâm lý học trường Harvard Dan Gilbert phủ nhận. Ông đã nghiên cứu những người thắng giải xổ số và phát hiện rằng hiệu ứng hạnh phúc tàn lụi dần sau ít tháng. Vậy thì, một ít lâu sau khi bạn nhận tờ séc lớn, bạn sẽ lại thỏa mãn hoặc không thỏa mãn y như lúc ban đầu. Ông gọi đây là “affective forecasting” (tạm dịch: dự báo cảm động): sự bất lực của chúng ta trong việc dự báo chính xác cảm xúc của chính mình.

Tôi có một người bạn, một nhà điều hành ngân hàng, người mà khoản thu nhập kếch xù của anh ta bắt đầu được đem tiêu xài phung phí, quyết định xây cho mình một căn nhà mới cách xa thành phố. Mơ ước của anh ta hiện thực hóa thành một căn biệt thự có mười phòng, một hồ bơi và một quang cảnh nhìn về hồ nước và núi non đáng ghen tỵ. Trong ít tuần đầu tiên, anh ta tươi cười rạng rỡ. Nhưng chẳng mấy chốc niềm phấn khởi biến mất, và sáu tháng sau anh ta thấy bất hạnh hơn bao giờ hết.

Điều gì đã xảy ra?

Như chúng ta giờ đây đã biết, hiệu ứng hạnh phúc tan biến sau một ít tháng. Căn biệt thự không còn là giấc mơ ngày nào của anh ta. “Tôi đi làm rồi về nhà, mở cửa ra và… chẳng có gì. Tôi thấy căn biệt thự chẳng khác gì mấy hồi tôi còn ở trong căn hộ dành cho sinh viên loại chỉ có một phòng (one-room student apartment).”

Và câu chuyện còn tệ hại hơn khi anh chàng tội nghiệp giờ đây phải đối diện với hành trình đi về giữa công sở và nhà mình kéo dài 1 giờ, hai lần mỗi ngày. Điều này nghe như có thể chịu đựng được, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng việc đi lại bằng xe hơi cho thấy một nguồn đáng kể về sự bất mãn và căng thẳng, và con người ta khó mà làm quen được với nó. Nói cách khác, bất cứ ai không có ham thích bẩm sinh với chuyện đi đi về về sẽ phải chịu đựng mỗi ngày-hai lần trong ngày. Dù sao chăng nữa, bài học của câu chuyện là giấc mơ biệt thự đã gây ra một hiệu ứng tiêu cực toàn phần lên hạnh phúc của anh bạn tôi.

Nhiều người khác cũng chẳng khấm khá hơn: Những người thay đổi hay thăng tiến sự nghiệp của mình, về mặt hạnh phúc, trở lại vạch xuất phát chỉ sau khoảng 3 tháng. Điều tương tự cũng xảy đến với những ai mua chiếc Porsche đời mới nhất. Khoa học gọi hiệu ứng này là vòng xoáy khoái lạc (hedonic treadmill): Chúng ta cặm cụi làm việc, tiến thân, và có thể trang trải cho nhiều thứ hơn và tốt đẹp hơn, vậy nhưng điều này lại chẳng làm ta hạnh phúc hơn.

Vậy những sự kiện tiêu cực-có thể là một vụ tổn thương tủy sống hay việc mất một người bạn-ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Ở đây, chúng ta cũng đánh giá quá cao thời lượng và cường độ của cảm xúc trong tương lai. Lấy ví dụ, khi một mối quan hệ kết thúc, có cảm giác như là đời mình sẽ chẳng bao giờ như vậy nữa. Kẻ buồn phiền sẽ hoàn toàn bị thuyết phục rằng họ sẽ chẳng bao giờ trải nghiệm niềm vui một lần nữa, nhưng chỉ sau vài ba tháng, họ lại ngựa quen đường cũ.

Chẳng phải thật tuyệt hay sao nếu chúng ta biết chính xác một chiếc xe, sự nghiệp hay mối quan hệ mới sẽ khiến chúng ta hạnh phúc bao nhiêu? Xin thưa, điều này phần nào có thể thực hiện được. Hãy sử dụng những lời khuyên bất thành văn một cách khoa học sau đây để đưa ra những quyết định tốt hơn, tươi sáng hơn:

(a) Hãy tránh xa những điều tiêu cực mà bạn không tài nào làm quen được, như là đi đi về về từ nhà đến công sở, tiếng ồn, hay căng thẳng mãn tính.

(b) Chỉ nên mong đợi những hạnh phúc ngắn hạn từ những tài sản vật chất, như là xe hơi, nhà cửa, trúng xổ số, phần thưởng, và những giải thưởng.

(c) Hướng đến càng nhiều thời gian rảnh và sự tự chủ càng tốt vì những hiệu ứng tích cực lâu dài thường đến từ những gì bạn chủ động thực hiện.

Theo đuổi đam mê của mình kể cả khi bạn phải hy sinh một phần thu nhập của mình cho chúng. Đầu tư vào tình bạn. Đối với hầu hết mọi người, nấc thang sự nghiệp sẽ giúp đạt được hạnh phúc bền lâu, miễn là họ không thay đổi những nhóm ngang hàng cùng lúc thăng tiến. Nói cách khác, nếu bạn nhậm chức CEO và chỉ kết thân với những nhà điều hành khác, hiệu ứng hạnh phúc sẽ tan biến.


Nghiên cứu kinh điển về hiệu ứng vòng xoáy khoái lạc: Philip Brickman và D. T. Campbell, “Hedonic Relativism and Planning the Good Society” trong M. H. Appley (ed.), Adaptation-Level Theory: A Symposium (New York: Academic Press, 1971), 278-301.

Nghiên cứu không chỉ tập trung vào phần thu nhập, mà còn vào cả sự phát triển của những món đồ công nghệ và điện tử dành cho người tiêu dùng. Chúng ta nhanh chóng thích nghi với những đồ chơi công nghệ mới mẻ và “hiệu ứng hạnh phúc” của chúng cũng nhanh chóng tan biến theo.


Previous Post
Next Post