Vầng trăng quê cũ

Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê nhà.) - Lý Bạch

Anthony de Mello (1932-1987) là một giáo sĩ dòng Tên. Khi viết quyển Comme un chant d’oiseau (Như tiếng chim hót), vị giáo sĩ Gia Tô người Ấn Độ này đã có hứng thú kể lại câu chuyện sau đây:

Hofetz Chaim là một rabbi (giáo sĩ) Do Thái giáo nổi tiếng ở thế kỷ 19. Một du khách Mỹ đến gặp Hofetz thấy trong phòng Rabbi ngoài sách ra chỉ có một chiếc ghế và một cái bàn. Ngạc nhiên, du khách hỏi: Tài sản của Ngài để đâu? Rabbi hỏi ngược lại: Thế thì tài sản của ông để đâu? Du khách đáp: Tôi chỉ là một du khách ghé qua đây thôi, tài sản tôi để ở nhà! Rabbi cười: À, tôi cũng thế.

Như vậy, Hofetz Chaim đã xác định ông chỉ là người khách tạm ghé cõi trần gian này.

Trần gian là cõi tạm

Quan niệm trần gian là cõi tạm dừng chân mà con người là khách tạm trú từ lâu đã rất quen thuộc với người đạo Cao Đài. Năm 1926, hồi mới mở Đạo, tại chùa Gò Kén (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh), đức Chí tôn đã dùng từ khách trần để gọi con người sống giữa trần gian.

Người là khách trần thì thế gian chỉ là quán trọ, đời người dù ngắn hay dài cũng chỉ là một chuyến lữ hành hữu hạn của kẻ xa quê trên đất khách.

Trong nội ô Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh có một nơi quàn người chết gọi là khách đình. Khách tức là khách trần. Đình là cái trạm nghỉ chân cho kẻ viễn hành. Ý ở đây đã rõ: Khách đình là trạm dừng chân của khách trần sau một một chặng đường ngược xuôi cõi thế.

Vì trần gian không phải là nhà, trần gian chỉ là cõi tạm dừng chân, cho nên sống ở trần gian chỉ là ăn nhờ ở đậu, là sống gởi nơi đất khách. Đức Mẹ dạy: “Con ôi! Kiếp sống thừa chỉ là nơi sanh ký tử quy. Đời con chỉ là một cuộc du hành ngắn ngủi trong kiếp chuyển luân.” [1]

Quan niệm sống gởi này từ xưa đã rất quen thuộc với người Việt Nam, phản ánh qua thành ngữ sinh ký tử quy, tức là sống gởi thác về. Thế kỷ 18, nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi khóc chồng có thơ rằng: Sinh ký chàng ơi, tử tắc quy!

Mặc dù sinh ký tử quy là câu nói cửa miệng trong dân gian trải qua nhiều đời nhưng không phải ai ai cũng hiểu thấu đáo tận cùng nghĩa lý của nó.

Chết thì về đâu?

Đầu năm 1967, đức Tiền bối Cao Triều Trực hỏi: “Lời rằng sinh ký tử quy, dương gian sống ở thác về. Mà về đâu mới được chớ?” [2] Thế rồi, cuối năm 1970, đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh cũng hỏi:

Có câu sanh ký tử quy,
Sống thì tạm gởi thác về, về đâu? [3]

Giữa năm 1966, nhà giáo Trịnh Vân Thanh ở Sài Gòn xuất bản bộ Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (hai quyển, gần 1.500 trang). Sách chép lại một cách hiểu thông thường của người đời như sau: “SANH KÝ TỬ QUY. – Sống gởi thác về. Lời nói khoáng đạt của người yếm thế, cho rằng cõi đời này là nơi gởi tạm tấm thân, đến lúc chết trả thân xác về cho cát bụi mới thật là nơi hằng sống vĩnh cửu của con người. Chính nơi đó con người được yên nghỉ đời đời, không bận tâm phiền lụy.” (tr. 1138)

Hiểu như vậy đã đúng chưa? Có thực rằng khi chết con người trở về với cát bụi, sẽ thanh thản yên nghỉ vĩnh hằng dưới ba thước đất, vì cát bụi đúng là chỗ trở về của con người?

Nếu ai cũng hiểu chết là về với cát bụi thì đường trở về sao mà buồn quá vậy! Không lẽ một sinh vật khôn ngoan, đứng đầu muôn loài vạn vật trần gian như con người, vùng vẫy dọc ngang suốt đời để rồi rốt cuộc chỉ còn trở về với cát bụi ư? Sao mà chán quá vậy!

May thay, “chết là trở về với cát bụi” chỉ là cách hiểu chưa đúng của một phần người đời chứ không phải tất cả thế gian đều hiểu như vậy!

Năm 1970 ông Lê Văn Đức và nhà giáo Lê Ngọc Trụ cho in bộ Việt Nam tự điển (Sài Gòn: Khai Trí xuất bản, hai quyển). Các ông giảng: “SINH KÝ, TỬ QUY. Thành ngữ. Sống gởi, thác về; quan niệm xem đời là cõi tạm, chỗ ở đời đời là Niết bàn hay Thiên đàng; bởi vậy, sống không mừng, thác không sợ.” (quyển Hạ, tr. 302.)

Hòa thượng Thích Trí Minh có bài thơ thất ngôn bát cú mà hai cặp thực-luận (câu 3-4 và 5-6) rất hay:

Kẻ mải lội hoài trong biển nghiệp,
Người mong đi mãi giữa đường mê.
Ta bà đất khách đành chui ở,
Cực lạc quê xưa chẳng chịu về.

Cũng vậy, trong giáo lý Cao Đài, chỗ trở về của con người được gọi bằng nhiều từ ngữ khác nhau: quê xưa, quê cũ, cựu quê, cố quận, quê xưa vị cũ, ngôi xưa vị cũ, cựu vị, vị quê, v.v...

Thế gian cõi tạm vui chơi,
Cảnh tiên vĩnh cửu, cõi trời là quê. [4]

Xác định chỗ trở về của khách trần là cố quận nơi thượng giới tức là giáo lý Cao Đài cho biết rằng con người đã từ cõi trời đi vào thế gian. Khi ra đi như vậy, mỗi người mang trong mình một điểm linh quang ẩn tàng, như lời nhắc nhở của đức Mẹ:

Hỡi tàng linh ơi! Hỡi tàng linh!
Có nhớ quê xưa chốn Ngọc đình?
Quay gót mau về nơi cựu vị,
Thôi đừng dan díu kiếp phù sinh. [5]

Đường về quê xa lắc mịt mù

Trở lại với câu sinh ký tử quy. Nếu chết là về quê, mà quê là thiên đàng, niết bàn, thì con người cần chi ham sống sợ chết? Thực vậy, con đường trở về mà đúng như thế thì còn gì hơn? Thôi thì, còn sống đất khách ngày nào hãy cứ phỉ chí tung hoành, mai kia có chết đi cũng chỉ là một chuyến trở về cố hương cực lạc.

Hiểu như vậy có đúng chăng? Có chắc rằng hễ cứ lìa đất khách là lập tức về quê không? Buồn thay! Đã đành cái lý là tử quy nhưng đâu phải cứ mặc sức tung hoành ở thế gian này, chẳng thèm biết trời cao đất dày là gì, rồi khi tắt hơi, hồn lìa khỏi xác là lập tức ai ai cũng đương nhiên và dễ dàng trở về quê hương cực lạc!

Đức Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn từng hỏi: “Đường về quê cũ độ bao xa?” [6]

Câu trả lời quả là không dễ chút nào vì lẽ đâu ai biết mình đã làm khách trần bao nhiêu kiếp rồi! Đâu ai dám chắc rằng sau bao nhiêu kiếp triền miên đó mình chưa hề cách xa quê nhà mịt mù thiên lý?

Có lần đức Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn dạy rằng khách trần vốn là kẻ “Say sưa lịch kiếp du hồn mộng...” [7] Cho nên chắc chắn khách trần sẽ lạc lối, khó có khả năng định hướng trở lại quê nhà, đúng như lời đức Giáo tông Lý Thái Bạch cảnh báo:

Người mang lấy kiếp thân tứ đại,
Chịu đón ngăn năm ải sáu đường,
Bụi hồng mờ phủ thiên lương,
Biết đâu chín cõi mười phương tìm về. [8]

Đường về quê chông gai ngăn lối

Đường xa khó về quê cũ là một lẽ, mà cũng còn một lẽ khác nữa. Thực vậy, cứ mỗi kiếp mang thân vào chốn trần gian là một lần thần hồn thêm mờ mệt, u mê. Tại sao vậy? Đức Vạn Hạnh Thiền sư dạy:

... Bởi tài danh sắc khí hôn mê,
Làm cho thần khí nặng nề,
Luân hồi lạc mất đường về quê xưa. [9]

Và mỗi lần luân hồi cũng là một lần gây tạo thêm nghiệp mới. Những nghiệp mới này cộng chung với nghiệp cũ của bao nhiêu kiếp trước dồn lại chẳng khác gì những hành lý vốn đã nặng nề, cồng kềnh lại càng thêm cồng kềnh, nặng nề hơn nữa! Chúng làm oằn lưng lữ khách, làm rủn chân kẻ tha hương, thì làm sao có thể cất bước trên đường xa diệu vợi?

Bởi thế, Đức Vạn Hạnh Thiền sư cho biết rằng: “Đường về quê cũ lắm chông gai...” [10] Và Đại tiên Lê Văn Duyệt cũng nhắc: “Chư hiền đệ, hiền muội muốn đi cuối tận con đường trần tục này để đến quê xưa cảnh cũ đều phải vượt nhiều chông gai hiểm trở, hầm hố bao quanh.” [11]

Đường nào trở lại quê nhà?

Trở lại với câu hỏi của đức Giáo tông Lý Thái Bạch:

Bụi hồng mờ phủ thiên lương,
Biết đâu chín cõi mười phương tìm về.

Muốn thoát khỏi bụi hồng che phủ, phải mau mau noi theo Đại đạo, noi theo con đường to lớn, cao cả mà trở về, như đức Thất nương Tiên nữ đã chỉ lối:

Bụi hồng mờ mịt phủ trần gian,
Khiến kẻ nguyên nhân đã lạc đàng.
Muốn hỏi phương nao về cố quận?
Đây đường Đại đạo kíp lần sang. [12]

Đức Mẹ cũng dạy rằng Đạo mầu chính là chiếc la bàn giúp khách trần định hướng nẻo quay về:

Đạo mầu là cái phương châm,
Để con định hướng mà tầm ngôi xưa. [13]

Nói cách khác, khi đức Chí tôn mở Đạo kỳ Ba, ấy là cơ hội chót mở ra con đường cứu vớt khách trần trở về nơi mà họ đã ra đi. Đức Quan thánh Đế quân dạy: “... vì đức háo sanh nên Trời khai Đạo hầu cứu vớt những nguyên căn được trở về quê xưa vị cũ...” [14]
Ân phước kỳ Ba

Như trên đã nói, cứ mỗi một lần chuyển kiếp làm người là một lần khách trần càng cách xa quê nhà. Càng đi xa thì càng mê muội quên hết đường về. Cho nên nếu không có kỳ Ba đại ân xá thì con người cứ mải miết trôi theo dòng đời, trầm luân không hẹn ngày trở lại. Vì vậy Đạo ra đời chính là một cơ may cuối cùng cho con người, như lời đức Đông Phương Chưởng quản đã dạy:

Nguyên nhân xuống thế cõi ta bà,
Chuyển kiếp càng nhiều lại quá xa.
Chẳng nhớ quê xưa hầu trở lại,
May nhờ đại xá buổi kỳ Ba. [15]

Nhắc đến đại ân xá kỳ Ba này, đức Mẹ dạy rằng đây chính là ơn Trời mở ra một phương tiện vận tải, nhằm chở chuyên đón rước con cái của Thầy Mẹ hồi hương:

Kỳ đại xá Thiên ân vận tải,
Để rước con trở lại vị quê.
Con ôi cảnh tục nặng nề,
Rán tu một kiếp trở về ngôi xưa. [16]

Mặc dù cơ hội cuối cùng đã đến với con người trong kỳ Ba đại ân xá, nhưng phần đông con người vẫn không nhận thức. Thầy Mẹ và các đấng thiêng liêng vì thế luôn luôn nhắc nhở khách trần hãy tỉnh ngộ mà ý thức. Đức Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn dạy:

“Chư hiền đệ muội rất hữu phước nên gặp thời kỳ đức Từ bi háo sanh đại xá, chư phật tiên, thánh thần đều hạ thế mượn lằn điển quang để trực tiếp vớt toàn linh, dẫn dắt trở về ngôi xưa vị cũ ...” [17]

Nhưng trớ trêu một điều, tuy lời tiên tiếng phật khuyến tu không lúc nào ngừng thôi thúc, nhưng phần đông khách trần vẫn cứ lảng lơ, hờ hững. Số người biết hồi tâm lắng nghe tiếng gọi thiêng liêng vẫn cứ là một số ít hiếm hoi nếu so với cả thế gian đang quay cuồng tranh đấu.

Chính vì thế, người nào biết giác ngộ tìm đến cửa Đạo thì đó không phải là chuyện nhỏ, mà là cả một đại sự nhân duyên, là kết quả của hạt giống lành đã gieo từ kiếp trước. Những người biết tu hẳn mừng vui khi nghe đức Quan Âm Bồ tát dạy:

“Chư hiền sĩ, hiền muội ôi! Bao nhiêu duyên phước mà chư hiền sĩ, hiền muội đã tạo ra ở tiền kiếp, hiện tại mới được giác ngộ trong kỳ đại ân xá.” [18]

Với lòng đại từ đại bi, dạy như vậy rồi đức Bồ tát lại e sợ người tu chủ quan mà lầm lỗi, thất bại, cho nên Ngài lập tức khuyên người tu nếu biết mình đang có duyên lành hưởng ơn phước thì hãy cố mà giữ gìn, bảo trọng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng để vuột mất những gì đang thọ hưởng. Đức Bồ tát ân cần nhắc nhở:

“Chư hiền sĩ, hiền muội ôi! Bao nhiêu duyên phước mà chư hiền sĩ, hiền muội đã tạo ra ở tiền kiếp, hiện tại mới được giác ngộ trong kỳ đại ân xá. Hãy gìn giữ lấy, hãy dặn lòng tu tiến, tỉnh ngộ. Dầu ở cương vị nào, sang hèn, khôn dại, tất cả đều còn có điểm linh chơn tánh của Thượng đế. Tuy mang áo cẩm bào, lòng đừng mến tục. Dầu trong bô vải, chớ để cho thân tâm trầm nịch chốn mê đồ. Cuộc vinh sang Trời dành là để chư hiền làm nấc thang tiến hóa. Khi đã có một nhân tốt ở quá khứ nếu không gìn giữ hột nhân ấy để cây phúc được sum suê thì cơ hội ân xá này cũng khó trở về quê xưa vị cũ.” [19]

Ơn Trên dạy rằng muốn về quê hãy kíp noi theo Đại đạo. Nhưng mà khách trần sẽ đi hướng nào? Xưa kia con người từ quê mà đi ra, ngày nay muốn trở về thì đương nhiên phải quay ngược trở lại. Vì nếu cứ tiếp tục xuôi dòng thì vốn đã xa quê lại càng thêm cách xa quê nhà nhiều hơn nữa. Đó là lý do đức Đông Phương Lão tổ khuyên những ai muốn trở về quê phải biết ngược dòng:

Hỡi ai mựa chớ lái thuyền xuôi,
E lọt trùng dương sóng dập dồi,
Và cũng cách xa từ cố quận,
Nên chi phải liệu ngược dòng khơi. [20]

Nói như thế để thấy một khi bước chân vào đường đạo, người tu chẳng khác nào lái thuyền ngược dòng. Ngược dòng là nói về cái lý. Nhưng về cái sự thì phải làm sao để trở ngược dòng?

Ngược dòng ngay từ nhận thức

Trước tiên phải suy nghĩ, phải nhận thức mọi sự ngược lại với thế gian thường tình. Chẳng hạn cái gì người đời cho là thật, là vĩnh cửu thì người tu phải thấy nó là giả, là tạm bợ. Trở lại với câu sinh ký tử quy. Nếu thực sự hiểu rằng cuộc sống ở thế gian là sống gởi, sống tạm thì đó cũng là một nhận thức ngược dòng cần thiết để làm khởi điểm cho cuộc hành trình trở về quê cũ.

Chắc chắn sẽ có người hiểu lầm, chỉ trích, phê phán quan niệm coi cuộc sống thế gian là sống tạm. Thực ra nói đời là tạm không phải để phủ nhận giá trị cuộc đời. Nói đời là tạm để cho con người thức tỉnh đừng mê lầm ôm cái tạm thời mà cứ tưởng là trường cửu. Nói đời là tạm là Ơn Trên muốn dạy con người phải sáng suốt biết tá giả tầm chân (mượn cái giả tạm làm phương tiện cho mình đạt đến cái chân thật vững bền).

Đức Di Lặc Thiên tôn dạy: “Cõi đời là tạm bợ, hãy nương vào đây để lập công bồi đức, chớ đừng xem đây là cõi thiệt vĩnh cửu trường tồn rồi đắm say trần lụy, quên mất căn xưa, không ngày trở lại ngôi xưa vị cũ.” [21]

Ni sư Diệu Lộc cũng dạy:

Tạm nương cõi tục để tu hành,
Chớ đắm hồng trần chỗ lợi danh.
Cựu vị đành quên nơi vĩnh cửu,
Luân hồi đi tắt lại về quanh. [22]

Thông thường, hễ nặng đời thì nhẹ đạo, trọng vật chất thì lơi lỏng tinh thần. Ngược dòng trở về quê cũ vì vậy cũng cần biết thực hành lời đức Mẹ dạy:

Việc đời lần bớt để lo tu,
Đủ thiếu bao nhiêu cũng mặc dù.
Nhớ lại quê xưa đừng trễ nải,
Chậm chân lỡ bước uổng công phu. [23]

Muốn có thái độ sống đủ thiếu bao nhiêu cũng mặc dù đòi hỏi con người chí thành với đức tin nơi Thượng đế:

Lòng con tin đấng Cao Đài,
Đạo đời Trời sẽ an bài cho con. [24]

Có đức tin bất thối chuyển đó, con người thiết tha về quê sẽ thanh thản giáp mặt mọi thử thách cuộc đời:

Tình trẻ dại tim non một trái,
Nhịp từng canh trở lại hồi quê.
Cam lòng với cảnh thuyền xê,
Có Thầy con trẻ ủ ê chi mà. [25]

Trở lại với vấn đề việc đời là giả. Xác định như vậy không có nghĩa là làm cho con người trở thành yếm thế, mà chính là để soi sáng cho con người tỉnh thức biết làm chủ cuộc sống, không để cho những cái giả cứ chỉ huy, điều khiển kiếp sống quý báu của mình. Lời dạy của đức Giáo tông Vô vi Lý Thái Bạch về điều này rất rõ ràng:

“Chư hiền đệ ôi! Trên đường học đạo tu thân, kết quả cuối cùng của mỗi người là giải thoát tất cả những cái tạm bợ để còn tồn lại cái chân, đó là khối tâm linh phản bổn huờn nguyên, quy hồi cựu vị.

“Nói như thế không phải Thượng đế bảo con người tách rời những thực tại của con người. Đã là con người, sinh trưởng nơi cõi này thì phải mượn tất cả những gì nơi cõi này để phục vụ cho cõi này, nhưng trong chiều hướng nghĩa nhân đạo đức và tình thương. Đừng xem tất cả những gì nơi cõi này là thiệt, là vĩnh cửu, rồi lo xây dựng nó cho riêng tư, cho ích kỷ, đến nỗi phải tổn nhân thất đức và trái đạo lý.” [26]

Lời dạy của đức Giáo tông rất hệ trọng. Hệ trọng chính ở chỗ Ngài cảnh tỉnh: “Đừng xem tất cả những gì nơi cõi này là thiệt, là vĩnh cửu, rồi lo xây dựng nó cho riêng tư, cho ích kỷ, đến nỗi phải tổn nhân thất đức và trái đạo lý.”

Những cạm bẫy ngầm

Theo lẽ thường ở đời, danh lợi cao sang, tiền tài thế lực luôn luôn là mơ ước của rất đông người. Người đời cứ mãi lao tâm khổ trí để mong đạt được các thứ ấy càng sớm và càng nhiều trong kiếp sống. Và trớ trêu một nỗi, các nguyên căn khi từ thượng giới xuống trần, do phúc duyên tiền kiếp nên cuộc sống ở thế gian thường rất cao sang, quyền thế. Rồi cũng chính những vật chất lợi danh ấy lại xui khiến nguyên căn tạo tác nghiệp xấu khiến cho nhiều kiếp đọa trần, không thể quay trở về quê xưa vị cũ nơi cõi thiên đàng cực lạc.

Vậy thì cái mà đời thường cho là vinh dự, là mở mày mở mặt với thiên hạ thực chất cũng có thể là mầm mống oan trái, là cạm bẫy ngầm ngăn đường bít lối đường về cõi thượng của nguyên căn, khiến cho nguyên căn không hoàn thành lời nguyện ước thiêng liêng với Trời khi chia tay Thượng đế để đi vào cõi tục.

Trong kỳ Ba đại ân xá này có một ân phước hy hữu thế gian, đó là các vị nguyên căn sau khi phục hồi cựu vị đã được lịnh của Ngọc đế giáng đàn thổ lộ cho người trần những kinh nghiệm của chính các ngài khi còn sống, với mục đích giúp khách trần lấy đó làm bài học kinh nghiệm quý giá. Đức Bảo pháp Chơn quân Huỳnh Chơn là một trường hợp như thế. Sau khi đã trở về quê cũ rồi, ngay trong lần đầu tiên thăm lại trần gian, Ngài tâm sự rằng:

Ngoài phương tiện lợi danh đầy đủ,
Trong gia đình hào phú kiêu sa.
Với đời mở mặt người ta,
Với mình xét lại đó là trái oan.

Buộc Chơn tiên vào hàng tục tử,
Nặng nghĩa ơn khó giữ lời nguyền... [27]

Nói như vậy không có nghĩa là coi rẻ phương tiện vật chất. Nói như vậy là để xác định rằng những phương tiện mà con người có được ở trần gian chính là con dao hai lưỡi. Biết dùng thì nó là dao bén phạt gai góc dọn đường bằng phẳng cho khách trần về quê suôn sẻ. Không biết dùng thì nó làm hại kẻ xa quê, ngăn đường bít lối về cố quận.

Đức An Hòa Thánh nữ dạy: “Vật chất hữu thể là của chúng sanh hiện hữu trong cõi đời. Nếu biết dùng nó đúng chỗ đúng lúc trong khuôn viên mẫu mực đạo đức thì những vật chất ấy là những viên ngọc kim cương xây đền đài dinh thự ở cõi thiêng liêng cho nguyên căn cựu vị. Nếu dùng vật chất ấy không đúng chỗ đúng lúc trong khuôn viên đạo đức thì ngược lại những của cải ấy sẽ là những khối lửa hồng tam muội đem xây hỏa lò địa ngục.” [28]

Điều kiện để về được quê cũ

Nhớ lại với lời cảnh báo của đức Vạn Hạnh Thiền sư: “Đường về quê cũ lắm chông gai...” Đường trở về gian khó là điều dễ hiểu. Thực vậy, ở thế gian, một du khách sau khi xuất ngoại muốn trở về quê hương bản quán, ít nhất phải có tiền mua vé máy bay, phải làm thủ tục xuất nhập cảnh, phải có đủ sức khoẻ để ngồi tàu xe, v.v... Nói cách khác, du khách ấy muốn trở về quê cũ phải có một số điều kiện.

Tương tự, khách trần bỏ xác lìa đời muốn về cố quận cũng phải có điều kiện bắt buộc. Nhưng là điều kiện gì? Đấy là những công trạng mà khách trần đã lập được ở cõi người, vì khi giã từ cõi trời để vào trần gian, mỗi nguyên căn đều có một sứ mạng thiêng liêng phải hoàn thành.

Theo giáo lý Cao Đài, con người vốn là nguyên căn nơi Thượng giới trước khi xuống thế làm người. Cuộc chia tay xa xưa ấy có lẽ đã bắt đầu vào một mùa thu, như lời nhắc nhở của đức Mẹ:

Thì cũng nhớ mùa thu năm ấy,
Mẹ dặn dò con hãy ghi lòng,
Vào đời độ chúng lập công,
Rồi quày trở lại hiệp cùng Mẹ con. [29]

Nếu không biết tu, nguyên căn vừa mất cựu vị quê xưa vừa không giữ tròn lời nguyện ước:

Lo tu trở bước lộn về,
Để không lỗi hẹn lời thề năm xưa. [30]

Cho nên khi xác định đời là cõi tạm, sống là sống gởi, thì giáo lý Cao Đài vẫn không bi quan, yếm thế. Trái lại, nói như thế nhằm soi sáng cho con người biết phân biện để sống đúng nghĩa kiếp người. Điều này thể hiện qua lời dạy của đức Mẹ:

“Các con yêu dấu ôi! Trong cõi tạm biết bao điều quyến rũ hấp dẫn các con vào bến mê đồ giả cảnh. Các con phải luôn luôn tâm niệm rằng nơi chốn hư linh mới thiệt là quê xưa vị cũ của các con trong trường tồn vĩnh cửu. Còn nơi cõi trần tạm bợ đây là nơi để các con tạm sống để tu công lập hạnh, tô bồi âm chất để làm nấc thang tiến hóa cho linh hồn. Các con còn mang nhục thể thì phải nương vào cái giả đó để tạo cái chơn. Đừng quá lo đắm say theo cái hữu thể đó mà làm mờ lấp chơn linh rồi lạc lối trở lại nguồn xưa. Các con phải làm tất cả bổn phận các con trong kiếp đời hiện tại trong vòng đạo lý. Đó là lối thoát duy nhứt của các con. Mà các con cũng đừng quá cực đoan mê tín tìm kiếm những xa xôi ảo ảnh mà xa lánh bổn phận trong kiếp đời nhơn sanh hiện tại của các con.” [31]

Khi lìa đời mà không hội đủ những điều kiện như đức Mẹ dạy, thì khách trần không được về quê đã đành mà coi chừng có khi lại không còn được quyền lưu trú đất khách! Viễn cảnh này quả thật đáng sợ! Thật vậy, thử hỏi: Nếu không được về quê mà cũng không còn được lưu trú đất khách, bấy giờ khách trần sẽ phải phiêu bạt nơi đâu?

Đây là câu trả lời của đức Cao Triều Trực: “Nếu ở thế gian tâm hồn chẳng được thanh cao, công quả không được bòn mót, đạo lý không được hiểu thông, cơ siêu thoát không đạt được, rồi làm sao đi về chỗ xuất phát ra đi? Vì mỗi chơn hồn xuống thế gian đều do một khối Đại linh quang xuất phát, phân công đến thế gian để lập đời, dạy bảo, vỗ về, dìu dắt những linh hồn còn chậm tiến hóa, xây tạo cõi dinh hoàn thuần lương trong vũ trụ. Đó là vốn liếng, sự nghiệp, tài sản của cõi vô hình. Linh hồn lấy đó làm phương tiện để trở về hiệp nhứt cùng khối Đại linh quang. Nếu không được vậy, không có những điều kiện đó, ắt là phải rơi vào bánh xe luân, luân chuyển xuống lên, đọa trầm đời đời kiếp kiếp trong chỗ âm u sát khí, mà thế thường gọi là địa ngục.” [32]

Muốn trở về quê, phải dày công đức

Đức Như ý Đạo thoàn Chơn nhơn dạy: “Giờ nay Lão giáng đàn có đôi lời cùng chư thiên ân lưỡng phái trên đường lập công bồi đức. (...) Nếu đường tu hành mà chư hiền thiên mạng không đủ công đức thì làm sao được trở về ngôi xưa vị cũ.” [33]

Công đức chỉ có được khi người ta biết làm điều lợi ích cho xã hội. Do đó khách trần phải lo làm công quả như lời dạy của đức Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn:

Quả công tu chỉnh đêm ngày,
Cho tròn sau trước hầu quày ngôi xưa. [34]

Đức Mẹ dạy:

Muốn về quê cũ vị ngôi,
Phải đầy công quả tô bồi buổi nay. [35]

Đức Đông Phương Chưởng quản dạy:

Nguyên căn nhớ kiếp sớm quay về,
Chớ đắm hồng trần lụy bến mê.
Nương thế để làm công quả đạo,
Vẹn tròn sứ mạng sẽ hồi quê. [36]

Nhưng công quả cũng chưa đủ. Đức Lê Đại tiên dạy: “Hỡi chư hiền đệ, hiền muội! Đời còn lắm cuộc đổi thay, Đạo còn nhiều khảo thí. Chư hiền đệ, hiền muội muốn đi cuối tận con đường trần tục này để đến quê xưa cảnh cũ đều phải vượt nhiều chông gai hiểm trở, hầm hố bao quanh. Như vậy chư hiền đệ, hiền muội cần phải có một pháp thân vững chắc, một gươm thần huệ sắc bén để róc bỏ những gai góc đang vây chặt quanh mình, làm cho mình khó trở day trỗi gót.” [37]

Muốn có một pháp thân vững chắc, và một gươm thần huệ sắc bén khách trần phải có công phu. Cho nên đức Ngô Minh Chiêu dạy: “Muốn được một kiếp trở lại quê xưa, phải song tu mới được. Thiệt là khó khăn vô cùng, nhưng  không phải khó mà không thể làm được.” [38]

Và đạo pháp do đức Đông Phương Lão tổ chỉ dạy, là con thuyền cứu độ chở nguyên nhân trở về quê cũ:

Nguyên nhân lạc bước tự lâu rồi,
Muốn trở quê xưa, muốn phục hồi,
Nương chiếc thuyền từ Ta sẵn rước,
Đưa người trần thế đến cung Trời. [39]

Nhận diện một số chướng ngại trên đường trở về

Trước hết là tâm lý. Trên đường trở về quê, khách trần đừng để mặc cảm trở thành chướng ngại ngăn trở. Mặc cảm này gồm có hai thứ: tự ti và tự tôn. Đức Mẹ dạy:

“Các con đừng mặc cảm, đừng thấy con nghèo con dốt mà không làm được việc đạo, đắc được lý đạo, rồi đâm ra hờ hững buông trôi. Cũng đừng nghĩ rằng con giàu sang, con thông thái mà làm nên việc đạo, ngộ được lý đạo, rồi hớ hênh tự mãn, rốt cuộc các con không hiểu, không làm được chi cả, trái lại rất thương hại vô cùng!

“Kìa những Huệ Năng, những Giê-xu, những Thị Kính, nếu đã tự ti mặc cảm, thiếu đức tinh tấn giác ngộ thì nhân loại có cần biết chi tới những hạng tiều phu, những hàng dân giả xa xưa ấy. Và những Thích Ca, những Lão tử, những Diệu Thiện, nếu đã tự tôn tự đắc, không tầm tu học đạo, hạ mình luôn luôn, thì nhân loại có cần biết chi tới những ông quan, những vì hoàng tử xa xưa ấy.

“Hiểu được như vậy, các con mới giải thoát được những mặc cảm ngăn chận đường tiến hóa về ngôi xưa vị cũ của mình ngõ hầu tận dụng đức hy sinh độ đời tế chúng.” [40]

Chướng ngại ngăn đường về quê cũ bao giờ cũng muôn vẻ muôn hình. Khách trần phải biết tỉnh táo phân biện:

Đường về quê cũ lắm chông gai,
Tinh tiến biện phân ớ hỡi ai!
Bẫy rập đang chờ người nản chí,
Tâm linh sáng suốt mới là hay. [41]

Nếu không biện phân chân và giả, hư và thực, khách trần sẽ kéo dài cuộc đời luân lạc:

Mãi bảo vệ tấn tuồng giả dối,
Từ giả này liên tục những cái giả kia.
Tham sân si tạo mãi, quê cũ khó mong về,
Hỉ lạc ái ố cứ quẩn quanh, chốn sông mê đành lặn hụp. [42]

Đặc biệt, một khi đã phát tâm tu, lại phải luôn luôn tỉnh táo, hết sức dè dặt cẩn thận trước một chướng ngại thuộc về vọng niệm vọng cầu. Trong đời thường, vốn đã có câu: Quân tử chi giao đạm nhược thủy. Tiểu nhân chi giao điềm như mật. [43] (Tình giao du của người quân tử lạt lẽo như nước lã. Tình giao du của tiểu nhân ngọt ngào như đường mật.) Câu này cũng rất đúng trong đạo pháp, bởi lẽ chánh pháp bao giờ cũng vô vi, im ẩn, lạt lẽo, tuy có mà như không. Trái lại bàng môn tả đạo thì mị người bằng cách phô trương giả tướng, huyễn hoặc đời bằng những cái gọi là “thần thông quảng đại” nhãn tiền! Không kiên định với tôn chỉ, lập trường chánh đạo, không cứng lòng trước sự cám dỗ của quỷ thuật “ly kỳ”, thì sẽ dễ sa vào tả đạo bàng môn. Đức Mẹ cảnh báo:

Con chớ có hoài mong bùa phép,
Để quỷ ma nài ép lạc đường,
Rồi ra vạn nẻo muôn phương,
Không ngày trở lại con đường quê xưa. [44]

Chướng ngại quả thật thiên hình vạn trạng! Ơn Trên hay nhắc nhở rằng đường về quê cũ có nhiều chướng ngại, thì điều đó không phải để khách trần ngả lòng, mà chính là để kẻ hồi hương ý thức, cảnh giác vượt qua:

Tháng ngày bền chí với bền công,
Khảo thí gian lao chớ nản lòng.
Việc khó cố làm nên giá bửu,
Kiếp người sứ mạng phải cho xong.

Cho xong mới trở lại ngôi xưa,
Trần cấu dặn lòng chớ thích ưa.
Nghiệp quả rán lo mau trả hết,
Tập lần thanh nhã muối cùng dưa. [45]

Cũng tương tự như thế, khi Ơn Trên nhắc nhở rằng đường về quê xưa vị cũ hội hiệp với Thầy là con đường xa lăng lắc, thì khách trần đừng nản chí chồn chân, trái lại phải luôn bền chí, kiên nhẫn vượt qua từng bước. Đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh dạy: “Đã nói rằng con đường đạo về đến Thượng đế là diệu viễn, là khôn cùng, nhưng không nên vì vậy mà chán nản với sự hữu hạn của mình. Cứ bước đi cho tròn mỗi bước, dù không thấy kết quả bây giờ, nhưng chính những cái bước đầy kiên nhẫn trọn vẹn ấy là tiềm năng đưa đến kết quả vậy.” [46]

Trên con đường thiên lý hồi hương nhiều gian khó, khách trần không thể làm kẻ lữ hành cô độc. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Do đó, khách trần phải hợp quần, nương níu nhau, kết đoàn chung sức, như lời đức Di Lặc Thiên tôn khuyến dạy:

Mở đạo tràng cơ Trời vận chuyển,
Độ nhơn sanh toàn diện giác mê,
Xa nơi tục lụy mọi bề,
Cùng chung xây đắp đường về quê xưa. [47]

Sáng trăng sáng cả đường về

Trong gần tám mươi năm lịch sử Cao Đài, đã có muôn lời vạn tiếng của Thầy Mẹ và các đấng Thiêng liêng ân cần nhắc nhở con người nhớ tới thân phận khách trần, nhớ về cố quận. Nếu không có đại ân xá với Cao Đài xuất thế thì làm sao khách trần thọ hưởng được duyên phước hy hữu bước theo con đường phục hồi cựu vị? Cao Đài xuất thế cũng chính là cơ hội cuối cùng của tất cả khách trần trong kỳ Ba đại ân xá như lời nhắc nhở của đức Đông Phương Chưởng quản: “Nên cố gắng cho đạt đạo giữa thời tận độ này. Nếu không đạt đạo thì đến thất ức niên mới có cơ hội trở về quê cũ.” [48]

Trước tiếng gọi thiêng liêng của Thầy Mẹ, đã có những lữ khách biết quày chân trở gót quay về nhưng cũng còn rất nhiều khách trần vẫn cứ mãi ơ thờ trước lời tiên tiếng phật.

Xin cầu nguyện những ai đã biết quay về sẽ luôn vững vàng, chân cứng đá mềm trên đường trở lại ngôi xưa vị cũ. Tấm lòng của họ xin cứ mãi là vầng trăng thu vằng vặc dẫn lối cựu quê.

Và cũng xin cầu nguyện những khách trần chưa biết quay về sẽ được vầng trăng thu này soi sáng để họ sớm biết mở lòng đón nhận tiếng gọi tha thiết từ chốn cố hương:

Đèn lòng đừng để mờ lu,
Đạo tâm đừng để bôn xu nhiễm trần.
Bao giờ tan áng huyền vân,
Trời trong mưa tạnh lộ vầng trăng thanh,

Tình trăng muôn thuở trong lành,
Như tình Từ mẫu tài thành thuận nhu.
Thương thân con rán lo tu. [49]


XUẤT XỨ CÁC ĐOẠN TRÍCH DẪN:

1. Diêu Trì Kim mẫu, Hườn Cung Đàn, 14 rạng 15.02 Nhâm Dần (19.3.1962).

2. Cao Triều Trực, Thiên Lý Đàn, 30.11 Bính Ngọ (10.01.1967).

3. Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh, Hội thánh Minh Chơn Đạo, 22.11 Canh Tuất (20.12.1970).

4. Đông Phương Chưởng quản, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 20.02 Quý Sửu (24.3.1973).

5. Vô Cực Từ tôn Kim Bàn Phật mẫu, Trúc Lâm Thiền điện, 06.01 Ất Tỵ (07.02.1965).

6. Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 29.4 Nhâm Tuất.

7. Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 29.4 Nhâm Tuất.

8. Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh, Hội thánh Minh Chơn Đạo, 22.11 Canh Tuất (20.12.1970).

9. Vạn Hạnh Thiền sư, Minh Lý Thánh hội, 19.9 Tân Hợi (06.11.1971).

10. Vạn Hạnh Thiền sư, Minh Lý Thánh hội, 26.01 Tân Hợi (22.02.1971).

11. Đại tiên Lê Văn Duyệt, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10.5 Canh Tuất (13.6.1970).

12. Thất nương Tiên nữ, thánh thất Nam Thành, 15.6 Tân Hợi (05.8.1971).

13. Vô Cực Từ tôn Diêu Trì Kim mẫu, Vạn Quốc Tự, 01.11 Giáp Thìn (04.12.1964).

14. Quan thánh Đế quân, Hườn Cung đàn, 01.7 Tân Sửu (11.8.1961).

15. Đông Phương Chưởng quản, Bát Nhã Tịnh đường (Minh Lý Thánh hội), 27.11 Tân Hợi (13.01.1972).

16. Diêu Trì Kim mẫu, Huờn Cung Đàn, 14 rạng 15.8 Tân Sửu (23.9.1961).

17. Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn, Huờn Cung Đàn, 29 rạng 01.10 Tân Sửu (07.11.1961).

18. Quan Âm Bồ tát, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15.11 Giáp Dần (28.12.1974).

19. Quan Âm Bồ tát, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15.11 Giáp Dần (28.12.1974).

20. Đông Phương Chưởng quản, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 22.5 Tân Hợi (14.6.1971)

21. Hoàng Cực Chủ nhơn Di Lặc Thiên tôn, Trúc Lâm Thiền điện, 18.7 Kỷ Dậu (30.8.1969)

22. Ni sư Diệu Lộc, Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn), 14.10 Kỷ Dậu (23.11.1969).

23. Vô Cực Từ tôn, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 18.01 Tân Hợi (13.02.1971).

24. Bảo pháp Chơn quân Huỳnh Chơn, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15.6 Quý Sửu (14.7.1973).

25. Kinh hộ mạng.

26. Giáo tông Đại Đạo Thái Bạch Kim tinh, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15.10 Kỷ Dậu (24.11.1969).

27. Bảo pháp Chơn quân Huỳnh Chơn, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15.6 Quý Sửu (14.7.1973)

28. An Hòa Thánh nữ, Văn phòng Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 04.5 Kỷ Dậu (28.6.1969).

29. Vô Cực Từ tôn Kim Bàn Phật mẫu, Trúc Lâm Thiền điện, 06.01 Ất Tỵ (07.02.1965).

30. Đông Phương Chưởng quản, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 20.02 Quý Sửu (24.3.1973).

31. Diêu Trì Kim mẫu Vô Cực Từ tôn, thánh thất Bình Hòa, 15.8 Kỷ Dậu (26.9.1969).

32. Cao Triều Trực, Thiên Lý Đàn, 30.11 Bính Ngọ (10.01.1967).

33. Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn, Huờn Cung Đàn, 14.3 Tân Sửu (28.4.1961).

34. Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn, Huờn Cung Đàn, 14.4 Tân Sửu (28.5.1961).

35. Diêu Trì Kim mẫu, Huờn Cung Đàn, 14.4 Tân Sửu (28.5.1961).

36. Đông Phương Chưởng quản, Trúc Lâm Thiền điện, 18.7 Kỷ Dậu (30.8.1969).

37. Đại tiên Lê Văn Duyệt, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10.5 Canh Tuất (13.6.1970).

38. Đệ Nhứt Giáo tông Ngô Minh Chiêu, thánh thất Bình Hòa, 26.12 Đinh Mùi (25.01.1968).

39. Đông Phương Chưởng quản, Thiên Lý Đàn, 04.11 Tân Hợi (21.12.1971).

40. Diêu Trì Kim mẫu, thánh thất Bình Hòa, 15 rạng 16.8 Canh Tuất (15.9.1970).

41. Vạn Hạnh Thiền sư, Minh Lý Thánh hội, 26.01 Tân Hợi (22.02.1971).

42. Diêu Trì Kim mẫu, Thiên Lý Đàn, 15.4 Ất Tỵ (15.5.1965).

43. Minh tâm bửu giám. Thiên 19. Bài 176.

44. Vô Cực Từ tôn, thánh thất Bình Hòa, 14.8 Nhâm Tý (21.9.1972).

45. Vô Cực Từ tôn, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 18.01 Tân Hợi (13.02.1971).

46. Thái Bạch Kim tinh Giáo tông Đại đạo, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15.10 Canh Tuất (13.11.1970).

47. Di Lặc Thiên tôn, Trúc Lâm Thiền điện, 17 rạng 18.7 Canh Tuất (18.8.1970).

48. Đông Phương Chưởng quản, Thiên Lý Đàn, 04.11 Tân Hợi (21.12.1971).

49.   Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 14.8 Bính Thìn.
Previous Post
Next Post