Về điều sở tri và điều bất tri

Hỏi: Tâm trí chúng ta chỉ biết được những gì có thể biết được, cái gì trong tâm tư đã thôi thúc mình đi tìm điều xa lạ, đi tìm thực tại, đi tìm Thượng đế?

Krishnamurti: Tâm trí của bạn có được thôi thúc qui hướng về điều xa lạ? Trong lòng chúng ta, phải chăng có sự thôi thúc qui hướng về thực thể bất tư nghị, về thực tại, về Thượng đế?

Xin bạn hãy suy tư chín chắn về điều ấy một cách đứng đắn hơn. Đây không phải là một câu hỏi có tính cách mỹ từ pháp, nhưng chúng ta hãy khám phá xem sao. Trong mỗi người chúng ta, có chăng một sự thôi thúc nội tại hướng tìm điều bất tri, xa lạ. Có thế chăng? Làm thế nào bạn có thể tìm thấy điều xa lạ, điều không biết được? Nếu bạn không biết nó thì làm thế nào bạn có thể tìm thấy nó?

Có chăng một sự thôi thúc đi tìm thực tại, hay đó chỉ là lòng khao khát đi tìm sự quen thuộc, đi tìm điều mình đã biết rồi và muốn điều sở tri ấy được bành trướng thổi phồng ra? Bạn có hiểu điều tôi muốn nói? Chẳng hạn, tôi đã biết quá nhiều việc; những sự việc này đã không đem đến hạnh phúc cho tôi, không đem đến sự mãn nguyện, niềm vui sướng khoái cảm. Vì thế bây giờ tôi lại muốn một cái gì khác khả dĩ đem đến cho tôi một niềm vui lớn hơn, một sự hạnh phúc to tát hơn, một sinh lực dồi dào hơn hay những điều sở nguyện nào khác.

Có thể nào điều quen thuộc, điều biết được, điều sở tri, tức là tâm trí của tôi – vì tâm trí của tôi là những gì biết được, nghĩa là kết quả của quá khứ, - có thể nào tâm trí ấy tìm kiếm điều xa lạ, điều không thể biết được, điều bất tri, bất thức? Nếu tôi không biết thực tại, tức là điều bất tri, thì làm thế nào tôi có thể tìm nó được? Cố nhiên là thực tại phải đến; chứ tôi không thể đi tìm lấy nó được. Nếu tôi đi tìm lấy thực tại thì tôi chỉ đi tìm lấy một sự thể nào mà tôi quen biết được, điều ấy chỉ là sự phóng ảnh ngoại hiện của bản ngã thôi.

Vấn đề của chúng ta không phải là cái gì thôi thúc trong ta để tìm kiếm điều xa lạ - điều ấy đã khá rõ ràng như thế. Chính lòng khát vọng riêng tư của chúng ta đã xui khiến đi tìm sự an ninh vững vàng hơn, hằng cửu hơn, cố định hơn, hạnh phúc hơn, tìm cách trốn tránh sự xáo trộn nội tâm, cơn đau xót dày vò, sự tán loạn chằng chịt. Đó mới chính là nỗi thôi thúc dễ thấy nhất. Lúc nào mình cảm thấy cơn thôi thúc ấy nổi dậy, mình liền tìm lối thoát thực sắc sảo, một chỗ trú ẩn thực kỳ diệu – trong Phật, trong Chúa hoặc trong những khẩu hiệu chính trị và tất cả mọi điều khác.

Đó không phải là thực tại; đó không phải là điều bất khả tri, điều bất thức. Vì lẽ ấy, lòng thôi thúc hướng về sự bất tri phải chấm dứt, sự truy tìm điều bất thức phải ngừng lại; nghĩa là mình phải hiểu được kiến thức tích trữ kia, tức là tâm trí. Tâm trí phải tự hiểu bản thể như là kiến thức, điều sở tri, bởi vì đó là tất cả những gì tâm trí có thể biết được. Bạn không thể nghĩ về một điều gì mà bạn không biết. Bạn chỉ có thể nghĩ về một điều gì mà bạn có thể biết được.

Điều khó khăn đối với chúng ta là đừng để cho tâm trí vận hành diễn tiến trong điều biết được, điều sở tri; việc này chỉ có thể xảy ra khi tâm trí hiểu được tự thể và tất cả cách thế vận hành của nó phát từ quá khứ thế nào, tự phóng hiện qua hiện tại, rồi đến tương lai như thế nào. Đó là một sự vận hành liên tục của điều sở tri; sự vận hành ấy có thể nào chấm dứt không?

Nó chỉ có thể chấm dứt khi nào động cơ của chính biến trình ấy đã được hiểu, chỉ khi nào tâm trí tự hiểu và hiểu sự sinh hoạt tác động của nó, những đường lối của nó, những mục đích, những sự truy cầu, những đòi hỏi – không phải chỉ những đòi hỏi nông cạn mà cả những thúc bách và nguyên động lực nội tại sâu thẳm. Đây là một việc gian nan vô cùng.

Không phải chỉ gặp gỡ hội thảo hay nghe diễn thuyết hay đọc sách mà bạn sẽ tìm thấy được. Trái lại, việc ấy đòi hỏi mình phải thức tỉnh mẫn tiệp thường xuyên, ý thức trực tiếp mọi lúc về tất cả mọi vận hành của tư tưởng – chẳng những lúc bạn đang thức tỉnh mà ngay cả lúc bạn đang ngủ. Đó phải là một tiến trình trọn vẹn, chứ không phải một tiến trình cục bộ rời rạc.

Đồng thời, chủ định, ý định phải là chính đáng. Nghĩa là phải chấm dứt sự mê tín cho rằng nội tâm chúng ta đều muốn biết điều bất thức, bất khả tri. Thực ra cho rằng chúng ta đều tìm kiếm Thượng đế là một ảo tưởng – chúng ta đâu có làm thế. Chúng ta không phải đi tìm ánh sáng.

Ánh sáng sẽ xuất hiện khi không còn đêm tối và chúng ta không thể lấy đêm tối để tìm thấy ánh sáng. Tất cả những gì chúng ta có thể làm được là dời bỏ những hàng rào đã tạo ra bóng tối và sự dời bỏ ấy còn tùy thuộc vào chủ định. Nếu bạn dời bỏ những hàng rào ấy để mà nhìn thấy ánh sáng, lúc ấy bạn không dời bỏ gì cả, bạn chỉ thay thế tiếng ánh sáng cho tiếng bóng tối thôi. Ngay đến việc nhìn vượt qua bóng tối chỉ là một sự đào thoát chạy trốn khỏi bóng tối thôi.

Chúng ta không phải tìm xem cái gì đã thôi thúc ta mà tìm xem tại sao trong ta lại có quá nhiều sự hỗn loạn, quá nhiều xáo trộn, quá nhiều tranh chấp và hiềm khích – tất cả mọi sự ngu xuẩn của đời sống con người. Khi mọi sự này không còn hiện hữu thì lúc ấy ánh sáng thể hiện, chúng ta không phải đi tìm kiếm ánh sáng. Khi sự ngu xuẩn tiêu ma đi thì sự thông minh phát hiện tới. Nhưng kẻ nào ngu xuẩn, và cố gắng trở nên thông minh thì vẫn là ngu xuẩn.

Không bao giờ có thể chuyển bức sự ngu xuẩn thành ra sự khôn ngoan được; chỉ khi nào sự ngu xuẩn chấm dứt thì lúc ấy sự khôn ngoan, trí thông minh mới xuất hiện. Kẻ nào ngu xuẩn mà cố gắng trở nên thông minh, khôn ngoan thì tất nhiên không thể nào trở nên thế được. Muốn biết được bản chất của sự ngu xuẩn, mình phải khảo sát thể nhập nó, không phải một cách nông cạn, mà một cách trọn vẹn, toàn triệt, sâu thẳm, thâm trầm; mình phải đi sâu vào tất cả mọi tầng lớp khác nhau của sự ngu xuẩn và khi sự ngu xuẩn chấm dứt thì sự khôn ngoan minh trí xuất hiện.

Vì vậy điều quan trọng là không phải khám phá xem có thực thể nào vượt hơn, vĩ đại hơn những gì mà chúng ta có thể biết được, khiến xui thôi thúc ta đến điều bất thức bất khả tri; điều quan trọng không phải thế mà là nhìn xem cái gì trong lòng ta đang tạo ra sự hỗn loạn, những chiến tranh, những sự dị biệt giai cấp, sự thời thượng kiểu cách rẻ tiền, sự đeo đuổi chạy theo những kẻ thời danh nổi tiếng, sự chồng chất kiến thức, sự thoát ly qua âm nhạc, qua nghệ thuật, qua nhiều đường lối chi li. Dĩ nhiên điều quan trọng là phải nhìn những sự vật ấy đúng như chân tướng của chúng ta trở về lại bản thân đích thực của chúng ta.

Từ đó, chúng ta mới có thể tiếp tục tiến hành. Lúc ấy, sự ném bỏ kiến thức, ném bỏ điều sở tri, sẽ trở nên tương đối dễ dàng. Khi tâm trí trở nên im lặng, khi nó không còn tự phóng ảnh đến tương lai mong mỏi ao ước điều gì đó; khi tâm trí được thực sự trầm lặng, thanh bình một cách sâu thẳm thì lúc ấy điều bất thức, sự bất khả tri sẽ hiện đến. Bạn không phải đi tìm kiếm điều ấy.

Bạn không thể mời mọc điều ấy. Bạn không thể mời mọc một người khách lạ. Bạn chỉ có thể mời người quen. Nhưng bạn không biết được sự thể bất khả tri, Thượng đế, thực tại, hoặc muốn gọi chi thì gọi. Sự thể ấy phải đến. Sự thể bất khả tri ấy chỉ hiện đến khi nào cánh đồng đã được thiên thời địa lợi, khi nào đất đã được vun quén, nhưng nếu bạn vun trồng đất để mà cho sự thể ấy hiện tới thì lúc ấy bạn sẽ không bao giờ thấy được sự thể ấy xuất hiện.

Vấn đề của chúng ta là không phải tìm kiếm sự thể bất khả tri, mà phải là hiểu được những tiến trình chồng chất của tâm trí, tức là điều sở tri, sở kiến, điều quen biết, kiến thức. Đó là một việc làm gian nan lắm; việc ấy đòi hỏi bạn phải chú tâm thường xuyên, ý thức thường trực mà không đãng trí, không có tinh thần đồng hóa, không lên án; đó là hiện hữu với hiện thể, ‘là với cái đang là’. Chỉ có lúc ấy tâm thức mới được tĩnh lặng.

Dù có tham thiền đến đâu nữa, thực hành kỷ luật thế nào đi nữa thì vẫn không thể làm tâm thức tĩnh lặng được, tĩnh lặng trong ý nghĩa xác thực nhất của tiếng ấy. Chỉ lúc nào gió ngừng thổi thì mặt hồ trở nên tĩnh lặng. Bạn không thể làm cho mặt hồ tĩnh lặng. Việc làm của chúng ta không phải chạy theo sự thể bất khả tri mà phải hiểu được cơn hỗn loạn, sự xáo trộn, nạn thống khổ bần bách trong chính bản thân chúng ta, và lúc ấy sự thể bất khả tri kia sẽ hiện đến một cách âm thầm u ẩn và niềm vui phát hiện giữa lòng xa lạ.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 28: Về điều sở tri và điều bất tri
Previous Post
Next Post