Về sự sợ hãi

Hỏi: Làm thế nào tôi giải trừ được sợ hãi đang tác động trên mọi sinh hoạt của tôi?

Krishnamurti: Đối với chúng ta, sợ hãi có nghĩa là gì? Sợ cái gì? Có nhiều loại sợ hãi và chúng ta không cần phải phân tích đủ mọi loại sợ hãi. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rằng nỗi sợ hãi chỉ xuất hiện, mỗi khi sự lý hội của chúng ta về mối tương quan ở đời sống không được trọn vẹn toàn diện.

Sự tương quan không phải chỉ là giữa người đời mà còn là giữa chúng ta và thiên nhiên, giữa chúng ta và tài sản, giữa chúng ta và những ý tưởng; khi mà tương quan kia không được hiểu trọn vẹn thì sự sợ hãi phải xuất hiện. Đời sống là tương quan. Hiện thể là liên thể, không có tương quan thì không có đời sống. Không có gì có thể hiện hữu trong sự biệt lập; khi mà tâm trí vẫn tìm kiếm sự cô lập thì sự sợ hãi phải xuất hiện. Sự sợ hãi không phải là một điều trừu tượng; sự sợ hãi chỉ hiện hữu trong liên hệ với một sự thể.

Vấn đề là làm thế nào để tiêu trừ sự sợ hãi? Trước tiên, mình phải hiểu rằng bất cứ điều gì đã được chế ngự rồi thì lại phải được khắc phục, chinh phục thường xuyên lý tưởng. Không có vấn đề nào có thể được chế ngự, khắc phục rốt ráo! Mình có thể hiểu vấn đề, chứ không thể khắc phục vấn đề. Đó là hai tiến trình hoàn toàn khác nhau, và tiến trình chinh phục, khắc phục chỉ đưa dẫn đến cơn hỗn loạn, nỗi sợ hãi trầm trọng hơn nữa.

Muốn chống chế, thống ngự, tranh chấp với một vấn đề, hoặc muốn xây tường thành phòng thủ đối trị vấn đề chỉ là tạo thêm xung đột trầm trọng hơn nữa, trái lại, nếu chúng ta có thể hiểu được sự sợ hãi, đi sâu vào sự sợ hãi từng bước một, thám hiểm khai phá trọn vẹn nội dung của sự sợ hãi thì lúc ấy sự sợ hãi sẽ không trở về dưới bất cứ hình thức nào.

Như tôi đã trình bày, sự sợ hãi không phải là một điều trừu tượng; sự sợ hãi chỉ hiện hữu trong tương giao. Đối với chúng ta, sự sợ hãi có nghĩa là gì? Rốt ráo rồi chúng ta đều sợ hãi, phải thế không? Sợ hãi rằng mình không là gì cả, sợ hãi rằng mình không trở thành cái gì hết. Vậy, mỗi khi xuất hiện nỗi sợ hãi về việc không là gì cả, về việc không tiến thân, hoặc sợ hãi về thế giới xa lạ, về sự chết thì mình có thể nào khắc phục được nỗi sợ hãi kia bằng lòng quyết đoán, bằng một sự kết luận, bằng bất cứ sự lựa chọn nào?

Cố nhiên là không. Sự đàn áp, sự cao thượng hóa, hoặc sự tráo trở đổi thay chỉ tạo ra thêm nhiều sự chống đối, phải thế không? Do đó, mình không bao giờ có thể chiến thắng sự sợ hãi bằng bất cứ hình thức kỷ luật nào, bằng bất cứ hình thức chống đối cầm cự nào. Mình phải nhìn suốt sự kiện, cảm nhận và thể nghiệm sự kiện một cách minh bạch; sự sợ hãi không thể nào được khắc phục qua bất cứ hình thức phòng vệ hoặc đối kháng nào, cũng không thể nào giải thoát khỏi sự sợ hãi bằng cách tìm kiếm câu trả lời hoặc bằng lối giải thích có tính cách trí thức hoặc ngôn từ.

Vậy thì chúng ta sợ cái gì? Có phải chúng ta sợ một sự kiện hoặc sợ một ý tưởng về sự kiện? Có phải chúng ta sợ sự thể như là thế, hoặc có phải chúng ta sợ về những gì chúng ta nghĩ về sự thể ấy? Lấy thí dụ về cái chết chẳng hạn. Có phải chúng ta sợ sự chết hoặc sợ ý tưởng về cái chết. Sự kiện là một việc và ý tưởng về sự kiện lại là một việc khác. Có phải tôi sợ chữ ‘chết’ hoặc sợ chính sự chết?

Bởi vì tôi sợ tiếng, sợ chữ, sợ ý tưởng, cho nên tôi không bao giờ hiểu được sự kiện, hiểu được sự chết, tôi không bao giờ nhìn thẳng vào sự kiện, tôi không bao giờ trực tiếp liên hệ với sự kiện. Chỉ khi nào tôi được hoàn toàn cảm thông với sự kiện thì mới không có sự sợ hãi. Nếu tôi không cảm thông với sự kiện, lúc ấy sự sợ hãi mới hiện hữu, và tôi không thể nào có giao cảm tiếp thông với sự kiện khi mà tôi vẫn có một ý tưởng, một ý kiến, một lý thuyết về sự kiện, vì thế tôi phải minh bạch sáng suốt tìm hiểu xem có phải tôi sợ tiếng, sợ chữ, sợ ý tưởng hay là tôi sợ sự kiện.

Nếu tôi đối mặt với sự kiện thì không có gì cần phải hiểu về sự kiện ấy: sự kiện hiện ra ở đó và tôi có thể tiếp xúc đối đầu với sự kiện. Đằng này, nếu tôi sợ chữ, sợ tiếng, tôi phải hiểu tiếng, hiểu chữ, đi vào trọn vẹn tiến trình ẩn nghĩa của tiếng chữ, danh tự.

Chẳng hạn, mình sợ nỗi cô đơn hiu quạnh, sợ đau đớn, sợ cơn quằn quại da diết của nỗi cô đơn. Nhất định là sự sợ hãi hiện hữu bởi vì mình chưa bao giờ thực sự ngó thẳng vào nỗi cô đơn, mình chưa bao giờ giao cảm tiếp thông trọn vẹn với sự cô đơn. Lúc nào mình thực sự cởi mở lộ bày đón tiếp trọn vẹn sự cô đơn kia thì mình có thể hiểu được thực chất của sự cô đơn ấy, tuy nhiên, mình vẫn luôn luôn có một ý tưởng, một ý kiến nào đó về sự cô đơn kia, ý kiến hoặc ý tưởng ấy được đặt trên kiến thức có sẵn trước; và chính ý tưởng này, ý kiến này, kiến thức có sẵn trước về sự kiện, chính những thứ này đã tạo ra sự sợ hãi.

Sự sợ hãi hiển nhiên là kết quả của sự định danh, gọi tên, của sự phóng hiện một biểu tượng để diễn đạt sự kiện; nghĩa là sự sợ hãi không phải biệt lập với ngôn từ, chữ, tiếng, danh tự.

Giả thử tôi có một phản ứng nào đó với sự cô đơn; nghĩa là tôi cho rằng tôi sợ mình không là gì cả. Có phải tôi sợ chính sự kiện hay là sự sợ hãi ấy được khơi dậy là bởi tôi đã có sẵn trước kiến thức về sự kiện, kiến thức chính là tiếng, chữ, biểu tượng, hình ảnh? Làm thế nào có sự sợ hãi về một sự kiện? Khi tôi đối mặt với một sự kiện, giao cảm trực tiếp với sự kiện thì tôi có thể nhìn thẳng sự kiện, quan sát nó, do đó, không còn sự sợ hãi nào về sự kiện cả. Lý do của sự sợ hãi là sự lo sợ của tôi về sự kiện, về những gì mà sự kiện có thể là thế nào đó hoặc làm sao đó.

Chính ý kiến của tôi, ý tưởng của tôi, kinh nghiệm của tôi, kiến thức của tôi về sự kiện đã tạo ra sự sợ hãi. Khi nào hãy còn sự diễn đạt sự kiện thành ra ngôn từ, đặt tên cho sự kiện, rồi đồng hóa hoặc kết án sự kiện, khi nào tư tưởng hãy còn là phán đoán sự kiện với tư cách là quan sát viên thì lúc đó nhất định phải có sự sợ hãi. Tư tưởng là sản phẩm của quá khứ, tư tưởng chỉ có thể hiện hữu qua sự diễn đạt ngôn từ, qua những biểu tượng, qua những hình ảnh; khi nào tư tưởng hãy còn đối phó hoặc diễn dịch sự kiện thì lúc ấy sự sợ hãi vẫn phải còn đó.

Đấy, chính tâm trí đã tạo ra sự sợ hãi, vì tâm trí là tiến trình của tư duy. Tư duy là ngôn hóa sự thể. Các bạn không thể suy tư mà không dùng đến chữ, tiếng, biểu tượng, hình ảnh; những hình ảnh này, tức là những thành kiến, kiến thức có sẵn trước, mối lo sợ của tâm trí, tất cả những thứ này đã được phóng ảnh trên sự kiện, và từ đó mới phát khởi sự sợ hãi. Chỉ được tự do thoát khỏi sự sợ hãi khi nào tâm trí có khả năng nhìn thẳng vào sự kiện mà không phải diễn dịch sự kiện, mà không phải gọi tên, đặt một nhãn hiệu cho sự kiện.

Điều này thực vô cùng khó khăn, bởi vì những cảm giác, những phản ứng, những mối lo âu xao xuyến của chúng ta đều bị tâm trí đồng hóa và đặt tên ngay lập tức. Mình đồng hóa cảm giác ghen tuông bằng ngôn từ gọi tên cho cảm giác. Có thể nào không đồng hóa một cảm giác, không gọi danh một cảm giác, mà nhìn thẳng vào cảm giác và không gọi tên đặt danh cho cảm giác ấy?

Chính sự đặt tên cho cảm giác đã làm thành sự liên tục tiếp diễn cho cảm giác, tăng trưởng cường độ của cảm giác. Lúc mình đặt tên, gọi tên cho cái mà mình gọi là sợ hãi thì ngay lúc ấy mình đã tăng trưởng cảm giác, nhưng nếu bạn có thể nhìn thẳng vào cảm giác ấy, mà không đặt tên nó, bạn sẽ thấy rằng cảm giác ấy sẽ tan đi. Do đó, nếu mình muốn hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi, điều quan yếu là hiểu được trọn vẹn tiến trình gọi danh, tiến trình phóng ngoại những biểu tượng, những hình ảnh, tiến trình đặt tên cho những sự kiện. Chỉ có thể thoát được sợ hãi khi nào mình tự hiểu mình. Sự tự hiểu bản thân là sự bắt đầu của minh đức, tức là chấm dứt sự sợ hãi.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 11: Về sự sợ hãi
Previous Post
Next Post