Đồng nhất với đồ vật

Trong ngành quảng cáo, người ta biết rất rõ rằng để bán được những sản phẩm mà bạn – người tiêu thụ – không thực sự cần phải mua, họ phải thuyết phục bạn rằng món hàng đó sẽ làm tăng thêm một giá trị nào đó cho bạn, hay sẽ làm tăng thêm giá trị của bạn khi người khác nhìn vào bạn.

Nói một cách khác là món hàng sẽ củng cố thêm cảm nhận về một “cái Tôi” ở trong bạn. Ví dụ họ sẽ nói với bạn rằng “bạn sẽ nổi bật trong một đám đông” khi dùng sản phẩm này, rằng bạn sẽ làm cho chính mình được hoàn thiện hơn. Cũng có thể họ sẽ tạo một mối liên kết giữa sản phẩm của họ với một người nổi tiếng, hay một người trẻ trung, duyên dáng, vui tươi,...

Ngay cả hình ảnh thuở thanh xuân của những người đã thành danh, dù bây giờ họ đã già hay đã chết, vẫn phục vụ tốt cho mục đích quảng cáo này. Ở đây có một sự hiểu ngầm rằng khi bạn mua món đồ ấy, qua một phép lạ nào đấy, bạn sẽ trở nên như những người đấy, hay nói cho chính xác hơn, ít ra bạn sẽ trở thành một biểu tượng nào đấy như những người đấy.

Vì thế trong nhiều trường hợp, không phải là bạn đang mua giá trị sử dụng thực sự của một món đồ, mà là mua “cái làm tăng thêm giá trị cho bạn” như khi bạn mua cái nhãn hiệu của các nhà thiết kế thời trang. Chúng thường rất đắt giá, vì thế có tính chất “dành riêng, hay ưu tiên hơn”. Vì nếu mọi người ai cũng đều mua được món hàng ấy thì giá trị tâm lý của nó sẽ giảm đi và còn lại chỉ là giá trị vật chất thực sự của món hàng; và giá trị này thường chỉ bằng một phần nhỏ của số tiền mà bạn phải trả.

Những đồ vật mà bạn thường tự đồng nhất với mình thì tùy vào từng người, tùy lứa tuổi, giới tính, mức thu nhập, giai cấp trong xã hội, thời trang, điều kiện văn hóa, v. v... Cái gì bạn tự đồng nhất mình vào thì thuộc về những vật sở hữu của bản ngã, trong khi sự ham muốn trong vô thức của bạn để tự đồng nhất mình với những vật ấy thì thuộc về cấu trúc của bản ngã. Đó là một trong những phương thức hoạt động cơ bản nhất của bản ngã ở trong bạn.

Ngược đời thay, bạn không thể đi tìm chính mình qua những thứ mà bạn sở hữu: Vì nếu có thỏa mãn chăng thì bản ngã của bạn cũng chỉ cảm thấy thỏa mãn vật ấy trong nhất thời rồi sau đó bạn không còn hứng thú gì nữa khi nhìn vật đó; và thế là bạn cứ tìm thêm, mua thêm, tiêu thụ thêm để tìm lại cảm giác thỏa mãn mong manh, chóng tàn đó. Chính điều đó đã làm cho xã hội tiêu dùng tiếp tục phát triển.

Dĩ nhiên trong thế giới vật chất mà cái “Tôi” bên ngoài của chúng ta đang sinh sống thì đồ vật là thứ cần thiết. Chúng ta cần nhà ở, áo quần, bàn ghế, vật dụng, xe cộ,... Ngoài ra còn có những vật khác trong đời sống mà chúng ta trân quý vì vẻ đẹp và chất lượng hiển nhiên của chúng.

Ở các nền văn hóa cổ, người ta tin rằng mọi vật, kể cả những vật mà chúng ta gọi là vô tri đều có một linh hồn. Về khía cạnh này, họ tiếp cận với chân lý hơn chúng ta ngày nay. Khi sống trong một thế giới có lối suy nghĩ, lập luận sâu nặng về lý trí như xã hội hiện đại, chúng ta không còn cảm nhận được vẻ sống động của đời sống. Hầu hết mọi người bây giờ không còn khả năng tiếp xúc trực tiếp với nét sinh động của đời sống mà chỉ tiếp xúc với một khái niệm khô khan ở trong đầu của họ về đời sống.

Nhưng chúng ta không thể thực sự trân quý đồ vật nếu ta đang sử dụng chúng như một phương tiện để củng cố cho bản ngã hạn hẹp của mình, hay nói một cách khác là chỉ để cố tìm mình qua những thứ đó. Đây quả đúng là những điều bản ngã bạn luôn làm. Tự đồng nhất mình một cách ích kỷ với đồ vật tạo ra sự tham đắm với đồ vật, tạo ra nỗi ám ảnh với những đồ vật ấy, tất yếu sẽ tạo ra một xã hội tiêu dùng.

Và thước đo cho sự tiến bộ của thứ cấu trúc kinh tế này luôn luôn là “phải có nhiều hơn nữa”. Cuộc đua không thể tự chủ được ở trong bạn để có nhiều hơn nữa vật chất, đồ đạc,... để xây đắp nên một nền kinh tế luôn tăng trưởng vô cùng tận này là một sự tha hóa, một căn bệnh của thời đại này.

Sự tha hóa này cũng tương tự như sự đột biến gen sinh ra các tế bào ung thư phát triển không bình thường, có xu hướng tăng sinh nhanh chóng về mặt số lượng một cách không thể kiểm soát nổi trong cơ thể bạn. Vì chúng chỉ biết độc nhất một khuynh hướng là sinh sôi nảy nở không ngừng, không biết rằng chúng đang đi đến chỗ tự hủy diệt mình khi tàn phá chính cơ thể đang nuôi dưỡng chúng. Có những nhà kinh tế quá bị trói buộc với khái niệm phát triển đến nỗi họ không thể nào buông bỏ được khái niệm đó, nên khi nền kinh tế đang đi vào chu kỳ suy thoái, họ gọi đó là thời kỳ của “sự phát triển âm”.

Phần lớn cuộc đời của nhiều người chỉ bận tâm đến chuyện sở hữu vật chất. Điều này giải thích tại sao một trong những căn bệnh của thời đại chính là sự phát triển ồ ạt của đồ vật. Khi chúng ta không còn cảm nhận được mình chính là sự sống đích thực, thênh thang đang xảy ra khắp mọi nơi trong vũ trụ, rất có thể chúng ta sẽ cố gắng lấp đầy đời sống của mình bằng việc thâu tóm và sở hữu đồ vật.

Hãy khám phá mối quan hệ của bạn với thế giới của đồ vật bằng phương pháp tự quan sát mình, đặc biệt là qua những thứ bạn cho là “của bạn”. Bạn phải tỉnh táo và trung thực với chính mình để đánh giá xem là cảm nhận về giá trị của con người mình có bị ràng buộc bởi những thứ mà mình sở hữu không?

Những thứ đó có gợi lên một cảm giác mơ hồ nào làm cho bạn cảm thấy rằng bạn quan trọng hay cao siêu hơn người khác? Nếu thiếu những đồ vật ấy thì bạn có cảm thấy mình thua kém những người có nhiều thứ hơn mình? Bạn có thích khoe khoang với người khác những thứ mà mình sở hữu, hay phô trương cho người khác thấy rằng bạn có giá trị hơn hoặc ngược lại? Bạn có cảm thấy ganh ghét, giận dữ, hay cảm thấy như giá trị của mình bị giảm sút đi khi bạn biết một người nào đó đang sở hữu được nhiều của cải hơn mình, hoặc khi bạn vừa ánh mất đi một thứ gì quý giá?

Nguyễn Văn Hạnh dịch
Previous Post
Next Post