Khen và chê là hai phạm trù thuộc
cảm xúc tương phản, luôn luôn làm dao động nội tâm chúng ta, kích thích sự hưng
phấn hay ức chế, đem lại sự an lạc hay phiền não, có lợi hay bất lợi, là tuỳ
thuộc cả hai đối tượng “trao và nhận”. Hãy coi lời khen ngợi và chỉ trích là
như nhau.
Học theo hạnh của đất
Kiêu căng thì mất phước
Đã là con người không ai muốn
mình là trò hề, là con rối trong mắt người khác. Một lời chỉ trích không có gì
để lên án, nếu nó được góp ý với thái độ chân thành và không gian phù hợp. Nhưng
vì cái tôi, cái ngã của chúng ta quá lớn nên khó chấp nhận lời góp ý từ người
xung quanh. Nếu được khen hẳn nhiên chúng ta sẽ đón nhận với thái độ vui mừng,
hớn hở, sung sướng tuy nhiên không phải lời khen nào cũng đúng và đáng để hãnh
diện nếu nó không kèm theo một hành động cụ thể tương thích.
Tâm lý chung của con người là
thích được khen hơn là chê, vì nghe những lời khen dễ hơn, lọt tai hơn, cảm xúc
thăng hoa hơn, v. v… nhưng sống ở cõi Ta bà này, làm sao ta có thể luôn luôn
đúng, vì thế nó phải có đúng có sai, có công bằng và thiếu công bằng, có ưu thì
phải có khuyết, có khen ắt phải có chê.
Nhưng chê thế nào, cách chê người
khác ra sao đó là một điều khó. Khen chê cũng là một nghệ thuật. Người chê được
ví von như một nghệ sĩ biểu diễn trong bóng đêm nhưng bắt buộc phải truyền tải
được cái hồn cho khán giả, như vậy có nghĩa là gì? Người chê phải có một trải
nghiệm sâu sắc, kiến thức uyên thâm, giao tiếp tốt, hiểu lòng người, đặc biệt
phải có cái tâm “thẳng” không cong quẹo. Có như vậy thì mới chê đúng, khen đúng
đối tượng. Còn người bị phê phán giống như một người thợ mới vào nghề, làm thế
nào để chứng tỏ khả năng, năng lực làm việc, bản lĩnh trong mọi tình huống, để
đón nhận tất cả những gì đang diễn ra bên ngoài với vô vàn những điều không như
ý muốn.
Chúng ta cùng nhau quay lại thời
Đức Phật còn tại thế. Một hôm, Đức Phật và chúng Tỳ kheo đi trên con đường giữa
Ratãgahã và Nalandã. Ði sau là tu sĩ ngoại đạo Suppiyo và một đệ tử là
Brahmadatta. Suppiyo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy
báng Tăng. Trái lại, thanh niên Brahmadatta dùng vô số phương tiện tán thán
Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng.
Khi đêm vừa tàn, chúng Tỳ kheo
đem sự việc trên bàn luận với nhau. Ðức Phật đi đến, sau khi biết tự sự Ngài
dạy rằng:
“Này các Tỳ kheo, nếu có người
hủy báng ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ngươi chớ vì vậy sinh lòng căm
phẩn, tức tối, tâm sinh phiền muộn…”
“Này các Tỳ kheo, nếu có người
tán thán ta, tán thán Pháp, tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ,
khoái trá, tâm không nên thích thú…”
Tại sao Đức Phật lại dạy chúng Tỳ
kheo như thế, vì Ngài cho rằng khi bị chê trách thì tức giận, buồn phiền, khi
được khen ngợi thì vui sướng tột độ, như vậy đều có hại, và không biết chính
xác được lời nói của những kẻ ấy đúng hay sai sự thật.
Theo phản xạ tự nhiên của con
người, nếu như bị tấn công thì phải chống trả bằng mọi cách, coi đó là kẻ thù
không đội trời chung. Có như vậy mới chứng tỏ được bản lĩnh của mình, không yếu
thế, không hèn mọn, không nhu nhược và ngu dốt. Cái tâm háo thắng nó sinh ra
suy nghĩ ấy.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương,
Đức Phật có dạy: “Khi bị kẻ xấu quấy phá, nhục mạ hãy cố nín lặng như người đem
lễ vật biếu người khác, họ không nhận, thì lễ vật ấy được trả lại. Cũng như
người ngửa mặt nhổ bọt lên trời, bọt chẳng tới trời, trái lại rơi vào mặt
mình…”.
Học cách nín lặng không có nghĩa
là ta đánh mất “mình”, sợ người khác đánh giá mình non kém, mà nín thinh để trả
lại món quà cho người đang phỉ báng ta. Sự háo thắng nó được thể hiện rất rõ
khi ta tìm mọi cách để trả thù cho những gì được gọi là “nợ”. Đó là cách suy
nghĩ không sáng suốt và thiếu tích cực. Cho dù được tán thán hay bị phê phán
thì chúng ta cũng hoan hỷ xem xét kỹ lưỡng, phân tích đúng sai, để từ đó rút ra
cho mình những điều phù hợp nhất cho bản thân.
Bởi lẽ người thầy vĩ đại nhất của
một con người không ai khác chính là bản thân mình. Không ai có thể yêu cầu,
bắt buộc chúng ta thay đổi nếu điều đó ta thấy không phù hợp và cần thiết. Vì vậy,
mỗi cá nhân phải tự học cách thay đổi, hoàn thiện, cải biên, làm mới mình, khi
được “soi” vào những tấm gương lớn hơn.
Trong cuốn “Chê và Bị Chê” tác
giả Trần Xuân Tuyết đã viết thế này: “Nếu vừa bị chê, chúng ta đã đỏ mặt tía
tai là bản lãnh chúng ta còn thật kém cỏi, không bao giờ có được “bạn hiền”. Vừa
bị chê, đã sợ sệt, là nhu nhược, khó lòng đi xa trên con đường sáng tạo cho đời
cũng như cho chính bản thân. Bị chê, nhưng lạnh lùng không tiếp thu, xem xét
lại mình, là khinh mạn, kiêu căng, là phản bội lại chính mình. Bị chê, vờ vịt
nhận thiếu sót cho đẹp lòng người chê là giả dối. Những người bảo thủ và tự
đại, những người hống hách và độc đoán, những người dốt nát mà hợm hĩnh, thường
ít có khả năng chịu đựng được lời chê”. Một quan điểm đúng đắn ở mọi thời đại.
Chê người khác đã là một việc khó
nhưng có đủ bản lĩnh, tầm vóc để đón nhận lời chê còn khó hơn. Hãy bình tĩnh
lắng nghe và đi vào chi tiết từng câu nói của người chê, trong lúc ấy gần như
tâm chúng ta bớt loạn và không thốt ra những lời vô nghĩa. Đừng để cảm xúc đưa
mình tới suy nghĩ rằng mình đang bị lấn át hay cảm giác bị ức chế, mà hãy tìm
trong mỗi câu chỉ trích một điều đúng mà bản thân chúng ta cần thay đổi. Cho dù
thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không nên lo lắng người khác đang nghĩ
gì về chúng ta. Nếu cứ chăm chăm như vậy, chúng ta sẽ bị người khác kiểm soát
xúc cảm và bị phụ thuộc vào lời nói cũng như hành động của họ.
Hãy dần từ bỏ những đánh giá bên
ngoài, chọn lọc thông tin cần thiết, tìm cho mình những người bạn chân thành,
vì chỉ có những người bạn chân thành mới cho ta sự tin cậy để ta lắng nghe và
sửa đổi. Từ đó, chúng ta sẽ nhìn nhận và đánh giá mọi việc, sẽ bớt quan tâm tới
những đánh giá từ bên ngoài. Đừng bao biến mình thành kẻ bất cần, không muốn
nghe lời chỉ trích, dù cho nó có giá trị thật sự.
Cho dù là vô tình hay hữu ý mà
chúng ta phải nghe những lời nhận xét thiếu căn nguyên thì cũng nhẹ nhàng bước
qua nó và từ bỏ ý định đi tìm lí do tại sao như vậy. Khi tâm an thì tất cả mọi
thứ đều an. Hãy nghĩ đến những gì viên mãn mà chúng ta đang có và hãy vui vì
điều ấy.
Ở đời này, việc giữ một tâm thế
bình ổn trước những lời khen chê, hay những lời nhận xét gay gắt, hoặc những
lời phê bình, v. v… không hề đơn giản. Tất cả đều cần có thời gian và sự kiên
trì, nhẫn nhịn và biết lắng nghe trong mọi tình huống của cuộc sống.
Nguồn: kienthuc.net.vn