Vốn liếng ít ỏi mà chúng ta có sẽ
bị tiêu đi mất, và nếu ta không tích tập công đức nào mới thì giống như ta tiêu
hết tiền để dành mà không có tiền mới gửi vào. Nếu chúng ta chỉ làm cạn kiệt sự
tích lũy công đức của mình thì sớm muộn gì chúng ta sẽ bị đắm chìm vào một đời
sau còn đau khổ ghê gớm hơn nữa.
Người ta nói rằng nếu không có
một sự tỉnh giác đúng đắn về cái chết thì chúng ta sẽ chết trong sự áp chế của
sợ hãi và hối tiếc. Mối xúc cảm đó có thể đưa chúng ta đi vào các cõi thấp.
Nhiều người tránh đề cập tới cái chết. Họ tránh né nghĩ tới điều tồi tệ nhất,
vì vậy khi nó thực sự xảy tới họ bị bất ngờ và hoàn toàn không sẵn sàng. Sự
thực hành Phật giáo khuyên chúng ta đừng nên không biết tới các bất hạnh và
phải hiểu biết và đối mặt với chúng, chuẩn bị cho chúng ngay từ lúc bắt đầu.
Nhờ đó, khi chúng ta thực sự kinh nghiệm nỗi đau khổ thì nó không phải là cái
gì hoàn toàn không chịu đựng được.
Chỉ né tránh một vấn đề sẽ không
giúp giải quyết nó mà thực ra có thể làm vấn đề tệ hại hơn. Một số người nhận
xét rằng thực hành Phật giáo dường như nhấn mạnh tới sự đau khổ và tính chất bi
quan. Tôi cho rằng điều này thật sai lầm. Thực hành Phật giáo thực sự cố gắng
để chúng ta có được một sự an lạc vĩnh cửu – là điều không thể suy lường nổi
đối với một tâm trí bình thường – và
tiệt trừ những đau khổ một lần cho mãi mãi. Các Phật tử không hài lòng với sự
thành đạt chỉ duy trong đời này hay triển vọng của sự thành đạt trong những đời
sau, mà thay vào đó, họ tìm kiếm một hạnh phúc tối hậu. Vì đau khổ là một thực
tại do đó quan điểm căn bản của Phật giáo cho rằng sẽ không giải quyết được vấn
đề nếu ta chỉ tránh né nó qua quýt. Điều nên làm là đối mặt với đau khổ, nhìn
vào nó và phân tích, khảo sát nó, xác định các nguyên nhân của nó và tìm ra
phương cách tốt nhất để có thể đối phó với nó.
Những người né tránh nghĩ tới
điều bất hạnh thực ra lại bị nó tấn công, họ không được chuẩn bị và sẽ đau khổ
hơn những người bản thân họ đã làm quen với những đau khổ, nguồn gốc của chúng
và cách chúng phát khởi.
Một hành giả của Pháp nghĩ tưởng
mỗi ngày về cái chết, quán chiếu về những nỗi khổ của con người, nỗi khổ của
lúc sinh ra, nỗi khổ của sự già đi, nỗi khổ của bệnh tật, và nỗi khổ của sự
chết. Mỗi ngày, các hành giả Mật thừa trải nghiệm quá trình sự chết trong sự
quán tưởng. Điều ấy giống như trải qua cái chết về mặt tâm thức mỗi ngày một
lần. Vì quen thuộc với nó, họ hoàn toàn sẵn sàng khi thực sự gặp gỡ cái chết.
Nếu bạn phải đi qua một vùng rất nguy hiểm và ghê sợ, bạn nên tìm hiểu về những
sự nguy hiểm và cách xử sự với chúng trước đó. Không tiên liệu về chúng là ngu
dại. Dù có thích hay không bạn cũng phải đi tới đó, vì thế tốt nhất là chuẩn bị
sẵn sàng để biết cách xử sự khi những khó khăn xuất hiện. Nếu bạn có một sự
tỉnh thức hoàn hảo về sự chết thì bạn sẽ cảm thấy chắc chắn rằng bạn sắp chết
một ngày gần đây.
Như vậy nếu khám phá ra rằng mình
sắp chết trong ngày hôm nay hay ngày mai, nhờ sự thực hành tâm linh, bạn sẽ nỗ
lực tự tháo gỡ mình ra khỏi các đối tượng trói buộc bằng cách vất bỏ những thứ
sở hữu và coi mọi sự thành công thế tục như không có bất kỳ bản chất hay ý
nghĩa nào.
Lợi lạc của sự tỉnh thức về cái
chết là nó làm cho cuộc đời có ý nghĩa và nhờ cảm thấy hoan hỉ khi giờ chết tới
gần, bạn sẽ chết không chút hối tiếc. Khi bạn quán chiếu về sự chắc chắn của
cái chết nói chung và sự bất định của giờ chết, bạn sẽ làm mọi nỗ lực để tự
chuẩn bị cho tương lai. Bạn sẽ nhận ra rằng sự thành đạt và những hoạt động của
đời này không có bản chất và không quan trọng. Như vậy, sự làm việc cho lợi lạc
lâu dài của bản thân bạn và những người khác sẽ có vẻ quan trọng nhiều hơn nữa,
và cuộc đời bạn sẽ được dẫn dắt bởi nhận thức đó. Như Đức Milarepa đã nói, bởi
chẳng sớm thì muộn bạn phải bỏ lại mọi sự sau lưng, thì tại sao không từ bỏ nó
ngay bây giờ?
Mặc dù mọi nỗ lực của chúng ta,
kể cả việc dùng thuốc men hay việc cử hành những lễ trường thọ, không ai có thể
hứa hẹn sẽ sống quá một trăm năm. Có một vài trường hợp ngoại lệ, nhưng sau sáu
mươi hay bảy mươi năm nữa, hầu hết những người đọc quyển sách này sẽ không còn
sống. Sau một trăm năm, người ta sẽ nghĩ về thời đại chúng ta chỉ như một phần
của lịch sử. Khi cái chết đến, điều duy nhất có thể giúp ích là lòng bi mẫn và
sự thấu suốt về bản tánh của thực tại mà người ta đã đạt tới. Về lãnh vực này,
khảo sát xem có một đời sống sau khi chết hay không là điều hết sức quan trọng.
Những đời quá khứ và tương lai
hiện hữu vì những lý lẽ sau đây.
Những kiểu suy nghĩ nào đó từ năm
ngoái, từ năm trước nữa, và ngay cả từ thời thơ ấu có thể được nhớ lại vào lúc
này. Điều này chỉ rõ cho ta thấy là một cái biết đã hiện hữu trước cái biết
hiện tại. Khoảnh khắc ý thức đầu tiên trong đời này không được sinh khởi mà
không có một nguyên nhân, cũng không được sinh ra từ cái gì thường hằng hay vô
tri. Một khoảnh khắc của tâm là cái gì trong sáng và thấu biết. Bởi thế cái có
trước nó phải là cái gì đó trong sáng và thấu biết, là khoảnh khắc trước của
tâm (tiền niệm). Chỉ có thể tin được rằng khoảnh khắc đầu tiên của tâm trong
đời này đến từ không cái gì khác hơn là một đời trước.
Mặc dù thân xác vật lý có thể
hành xử như một nguyên nhân thứ yếu của những biến đổi vi tế trong tâm, nhưng
nó không thể là nguyên nhân chính yếu. Vật chất không bao giờ chuyển hóa thành
tâm thức, và tâm thức không thể chuyển hóa thành vật chất. Vì thế, tâm thức
phải đến từ tâm thức. Tâm thức của cuộc đời hiện tại này đến từ tâm thức của
đời trước và là nguyên nhân của tâm thức trong đời sau. Khi bạn quán chiếu về
sự chết và thường xuyên tỉnh thức về nó, đời bạn sẽ trở nên có ý nghĩa. Nhận ra
những bất lợi to lớn của việc bám chấp có tính cách bản năng của chúng ta vào
sự thường hằng, ta phải chống trả lại nó và tỉnh thức miên mật trước cái chết
để ta sẽ được thúc đẩy thực hành Pháp nghiêm cẩn hơn nữa. Ngài Tsong-kha-pa nói
rằng tầm quan trọng của sự tỉnh thức về cái chết không chỉ hạn chế ở giai đoạn
bắt đầu.
Nó quan trọng suốt mọi giai đoạn
của con đường; nó quan trọng ở lúc bắt đầu, ở giai đoạn giữa và cả ở giai đoạn
cuối. Sự tỉnh thức về cái chết mà chúng ta phải nuôi dưỡng không phải là nỗi sợ
hãi thông thường, bất lực về việc phải chia ly với những người thân và tài sản
của chúng ta. Đúng đắn hơn, chúng ta phải học sợ hãi rằng ta sẽ chết mà chưa
chấm dứt được các nguyên nhân của sự tái sinh trong các cõi thấp của luân hồi
và sẽ chết mà không tích tập những nguyên nhân và điều kiện cần thiết cho sự
tái sinh thuận lợi trong tương lai. Nếu chúng ta chưa hoàn thành được hai mục
đích này, thì vào lúc chết, chúng ta sẽ bị áp chế bởi nỗi sợ hãi và ân hận ghê
gớm.
Nếu chúng ta tiêu phí toàn bộ đời
mình để miệt mài trong những hành động xấu xa phát sinh từ sự oán ghét và ham
muốn, thì chúng ta gây nên tai họa không chỉ nhất thời mà còn dài lâu. Đó là
bởi ta tích lũy và tàng trữ một khối lượng khổng lồ những nguyên nhân và điều
kiện (duyên) cho sự đọa lạc của chính chúng ta trong những đời sau. Nỗi sợ hãi
về điều đó sẽ kích động chúng ta để biến mỗi ngày trong cuộc đời mình thành cái
gì có ý nghĩa. Khi đã có sự thức tỉnh về cái chết, chúng ta sẽ thấy được sự
thành công và mọi sự của cuộc đời này thì không quan trọng, và sẽ làm việc cho
một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là mục đích của sự thiền định về cái chết. Giờ
đây, nếu chúng ta sợ hãi cái chết, chúng ta sẽ nỗ lực tìm kiếm một phương pháp
chiến thắng nỗi sợ hãi và hối tiếc của mình khi chết.
Còn ngay bây giờ, nếu ta cứ tránh
né nỗi sợ chết thì khi chết, chúng ta sẽ bị trói chặt bởi nỗi ân hận. Ngài
Tsong-kha-pa nói rằng khi sự tham thiền của chúng ta về lẽ vô thường trở nên
hết sức vững chắc và kiên cố thì mọi sự chúng ta gặp gỡ đều sẽ dạy chúng ta về
sự vô thường. Ngài nói rằng tiến trình đi đến cái chết bắt đầu ngay từ khi thụ
thai, và khi còn sống, cuộc đời chúng ta thường xuyên bị hành hạ bởi bệnh tật
và sự già yếu. Khi còn khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống, chúng ta không nên bị
lừa phỉnh khi nghĩ rằng mình sẽ không chết.
Chúng ta không nên vui thú trong
sự quên lãng khi chúng ta còn khoẻ; cách tốt nhất là chuẩn bị cho số phận tương
lai của ta. Ví dụ như người đang rơi từ một dốc đá thật cao sẽ không sung sướng
gì trước khi họ chạm đất. Ngay cả khi chúng ta còn sống, có rất ít thời gian
cho sự thực hành Pháp. Dù cho chúng ta quả quyết là mình có thể trường thọ, có
lẽ một trăm năm, nhưng ta đừng bao giờ nhượng bộ cái cảm tưởng là ta sẽ có thời
gian để thực hành Pháp sau này. Chúng ta không nên bị chi phối bởi sự lần lữa,
nó là một hình thức của tính lười biếng.
Một nửa đời người bị tiêu mất
trong việc ngủ, và phần lớn thời gian còn lại chúng ta bị phóng tâm bởi những
hoạt động thế gian. Khi ta già đi, sức mạnh thể chất và tinh thần giảm sút, và
mặc dù chúng ta có thể mong muốn thực hành, nhưng đã quá muộn bởi chúng ta sẽ
không có năng lực để thực hành Pháp. Đúng như một bản Kinh nói, nửa đời người tiêu
phí trong giấc ngủ, mất mười năm khi ta còn nhỏ và hai mươi năm khi ta già, và
thời gian ở khoảng giữa thì bị dày vò bởi những lo lắng, buồn phiền, đau khổ và
thất vọng, vì thế khó có thời gian nào để cho sự thực hành Pháp.
Nếu ta sống một cuộc đời sáu mươi
năm và suy nghĩ về tất cả thời gian ta trải qua khi còn bé, tất cả thời gian
dùng để ngủ, và thời gian khi ta quá già, thì ta sẽ nhận ra rằng chỉ còn khoảng
năm năm để ta có thể hiến mình cho sự thực hành nghiêm cẩn Phật Pháp.
Nếu chúng ta không dùng một nỗ
lực cẩn trọng để thực hành Giáo Pháp, mà cứ sống như ta sống đời thường, thì
chắc chắn là ta tiêu phí đời mình trong sự lười nhác không mục đích. Gung-thang
Rinpoche nói, có phần diễu cợt: “Tôi mất hai mươi năm không nghĩ gì về việc
thực hành Pháp, và sau đó mất hai mươi năm nữa để nghĩ về việc sẽ thực hành sau
này, và rồi mất mười năm nghĩ về việc đã bỏ lỡ cơ may thực hành Pháp như thế
nào”.
Trích bài
viết của Đạt Lai Lạt Ma về cái chết theo quan điểm Phật giáo