Chúng ta được sinh ra cõi đời này
đương nhiên phải sống và cần được sống, hay nói cách khác sự sống là quí giá
hơn hết, ai cũng ưa thích và sống như là một qui luật tất yếu, không có gì phải
bàn ở đây. Nhưng cách sống thì không phải bất cứ ai và bất cứ lúc nào con người
cũng ưa thích; có những cách sống xứng đáng và tốt đẹp, ngược lại cũng có những
cách sống rất vô ích và chẳng ai ưa.
Cũng có những cách sống mà chính
họ không muốn dù vẫn biết “chết vinh hơn sống nhục” nhưng nhục cũng là cách
sống... Hơn nữa, cách sống đối với người này là tốt nhưng đối với người khác
lại không tốt, trong khi đó cái tốt và cái xấu rất đa dạng, thật khó xác định
thế nào là tốt, thế nào là không tốt, và cách sống lại muôn màu muôn vẻ, không
có ai sống giống ai, mỗi người có một cách sống khác nhau, một cách nhìn khác
nhau. Bên cạnh đó, bản thân cách sống không phải lúc nào cũng toàn là tốt hoặc
toàn là xấu, thậm chí có nhiều cách sống mà tốt và xấu lại đan xen vào nhau
hoặc có khi mâu thuẫn đối kháng lẫn nhau đều tồn tại trong một con người.
Có thể do quán tính rập khuôn
theo sự thay đổi của hiện tượng giới (vọng ngoại) nên cách sống nó trình hiện
ra như vậy. Thật sự đời sống bây giờ đã đổi khác rất nhiều, những việc thiện
hay ác, tốt hay xấu, hợp luân thường hay trái đạo lý đang vụt lướt qua mà chẳng
có ai quan tâm đến làm gì. Cứ tiếp tục như vậy nên cuộc sống của con người trở
nên gấp gáp hơn, làm việc trong hối hả, nghỉ ngơi trong rộn ràng, thần kinh
luôn luôn căng thẳng vì lo tính, nóng nảy và vội vàng nên quyết định hời hợt,
thiếu thận trọng.
Cách sống của chúng ta hôm nay cứ
như vậy mà quyện chặt cùng với những điều kiện khách quan bên ngoài, mọi quy
luật thiên nhiên đều bị đóng khung và dần dần con người trở thành quen thói với
nhịp sống ấy tự bao giờ mà chẳng hề hay biết, thậm chí hiện tại chúng ta rất sợ
sự yên vắng, đơn độc và nhất là lúc phải tự đối diện với chính mình – tất cả
những cách sống đó đều là hậu quả của cuộc sống hiện đại. Nếu chúng ta cho rằng
mình đang đứng trước một thời đại tiến bộ, thường được mệnh danh là đỉnh cao
văn minh của nhân loại thì “cách sống” cần phải được xem xét lại.
Do đó, người viết nghĩ rằng: lẽ
sống cao quí nhất con người đang cần là phải thành thật đối diện với nội tâm
của chính mình và cách sống cần phải được đúc kết từ chất liệu tinh thần trong
tự thân mỗi người. Dĩ nhiên giá trị vật chất cũng rất cần thiết nhưng đòi hỏi
con người phải biết cách sử dụng vật chất mới là điều quan trọng, nếu không như
vậy thì vật chất hoàn toàn mất hết ý nghĩa hoặc bị lạm dụng bởi lòng tham của
con người. Will Durant nhận định: “Không phải ta muốn một điều gì bởi vì ta đã
tìm ra lý lẽ cho điều ấy, trái lại, ta tìm lý lẽ cho nó vì ta muốn nó; chúng ta
lại còn thiết lập, khai triển ra những nền triết học và thần học để khoát ra
ngoài dục vọng của mình.” (Câu chuyện triết học, tr. 384).
Do vậy, để đảm bảo tư tưởng trong
suốt quá trình khảo sát và thực hiện giải pháp cho vấn đề này, người viết có
thể đưa ra những cách sống của chúng ta hiện nay:
– Phần lớn chúng ta không dám
đương đầu với thực tại bên trong nội tâm của chính mình, do đó hành động thân,
khẩu, ý của ta luôn bám víu với những hiện tượng bên ngoài hơn là sống đúng như
thật mình đang là. Điều này khiến cho cách tư duy cũng như cảm giác của ta trở
nên rối loạn và ích kỷ hơn. Mọi vấn đề khủng hoảng xã hội, chiến tranh và phá
sản văn hoá bắt đầu từ cách sống này.
– Chúng ta luôn bận rộn về cái gì
đó ở ngoài mình để làm mục đích cho sự sống. Nếu không phải là đang truy tìm
các lãnh vực cụ thể thì cũng hướng đến thế giới trừu tượng:
a) cụ thể là những điều kiện vật
chất kể cả những thứ giàu sang, danh tiếng, địa vị trong xã hội;
b) trừu tượng là những điều kiện
tinh thần như nhất thần, đa thần, phiến thần, thần bí, thần linh đang liên hệ
với hiện tượng mặc khải, linh hồn, cứu rỗi, mê tín, cuồng tín...
“Ý niệm chủ trương rằng cần phải
có ai khác nâng đỡ từ thấp lên một tầng lớp cao hơn và cứu rỗi ta, có chiều
hướng làm cho con người ương hèn và yếu kém. Suy tư như vậy là tự hạ thấp phẩm
giá con người. Tuỳ thuộc nơi một quyền năng ngoại lai thông thường có nghĩa là
qui hàng, đem nỗ lực của mình ra đầu phục. Do đó, đức Phật kêu gọi hàng tín đồ
nên tự mình nương tựa nơi mình. Ngoại trừ chính ta, không ai ban cho ta trạng
thái thanh bình an lạc thật sự.” (“Phật Giáo Nhìn Toàn Diện”, Phạm Kim Khánh
dịch, tr.157).
– Thế giới đang gặt hái những
thành quả về khoa học, kỹ thuật hiện đại và đã tạo cho con người có thói quen
nương tựa đời sống thể xác lẫn tinh thần vào những thành phẩm ấy, do đó con
người có khuynh hướng tìm hạnh phúc nơi vật chất. Có lẽ thấy được tính nguy
hiểm này nên Matthiew đã nói: “Khối kiến thức khoa học đã trở thành một đóng
góp lớn lao cho những nhu cầu nhỏ nhặt của con người.” (Thiền sư và Triết gia,
tr.37).
– Những nhà tôn giáo và các nhà
khoa học hiện tại đang tránh né trách nhiệm lẫn nhau, một bên tôn giáo không
giúp con người tìm ra phương pháp khử trừ tính quen nhiễm tham, sân, si của họ;
một bên khoa học lại chế tạo mọi sản phẩm thích nghi với các nhu cầu của con
người. Trong khi đó, nhu cầu của con người không cùng tận nên mọi tài nguyên
thiên nhiên bị xúc phạm quá mức, môi trường sinh thái càng trở nên ô nhiễm
nghiêm trọng.
Nếu những gì đề cập ở trên là
đúng thì cách sống hiện tại của chúng ta thật sự không có gì để đảm bảo hạnh
phúc, như vậy cũng có nghĩa là thế giới hiện đại hôm nay vẫn còn đang dò dẫm
tìm kiếm một con đường sống cho nhân loại. Đây không phải là vấn đề khó và cũng
không phải do con người bất lực mà vì họ không dám nhìn nhận tâm tham, sân, si
đang có mặt trong chính họ. Có thể họ nghĩ rằng ba tâm lý tham, sân, si đang
tồn tại cùng với sự sống của họ như một thực thể không rời xa nhau, nếu thiếu
chúng con người sẽ chết hoặc không chết thì cũng không còn là con người. Họ cho
rằng: con người mà không tham sống, cũng không tham vọng một điều gì cả, không
mong muốn hoặc ao ướt bất cứ thứ gì, lại không cảm nhận vui, buồn, hờn, giận
chi cả thì thử hỏi con người ấy có còn sức sống hay không?
Thật sự không phải như vậy, chính
vì khát vọng này đã trở thành cái sở thích riêng (dục ái) vô cùng tinh tế, bám
sâu vào tâm thức và đồng hoá sự sống của con người giống như quy luật tự nhiên,
nghĩa là cố chấp vào định kiến rằng: sự sống không thể bỏ ra ngoài khái niệm
chủ quan mà có thể có tác dụng nhận thức. Do đó, chúng ta thường tạo một niềm
tin rằng ta phải có cái bản ngã, cái cảm tình muôn thuở của ta và như vậy cái
ta với các pháp thuận ứng hay nghịch ứng ngày càng thêm nảy nở, tăng trưởng,
phát triển và trở thành bản năng chấp ngã mãnh liệt nhất. Chừng nào mà tham,
sân, si chưa được kiểm soát bởi chính con người thì tâm chấp thủ tham đắm theo
các hiện tượng bên ngoài sẽ tác động lên cách sống của chúng ta, cách sống như
vậy là đồng nghĩa với khổ đau, không có hạnh phúc. Bởi vì bất cứ cái gì (kể cả
hiện tượng cụ thể và trừu tượng) mà ta muốn có được cho mình đều phải thoát ra
khỏi ta và cái còn lại trong ta chính là sự tham lam, ích kỷ và khổ đau.
Liên hệ tới vấn đề này, đức Phật
thường nêu ra hai con đường:
1) Đây là con đường thiện và nếu
ai đi trên con đường này sẽ được dẫn tới kết quả hạnh phúc;
2) Kia là con đường ác và nếu ai
đi trên con đường đó sẽ dẫn tới kết quả khổ đau.
Việc chọn lựa nên đi theo con
đường nào đều hoàn toàn tuỳ thuộc vào chúng ta mà không bị cưỡng bức hay bắt
buột, đức Phật tuyên bố: “Như lai giống như Người chỉ đường, chỉ rồi mà người
đi đường không đi thì đó không phải lỗi của Người chỉ đường.” Lời tuyên bố này
rõ ràng đức Phật luôn luôn tôn trọng sự hiểu biết của con người. Ngài thấy được
sự hiểu biết của con người có khả năng chuyển thành trí tuệ siêu việt, và chính
điều này đã làm cho Phật giáo trở thành đạo tự do tuyệt đối để con người chọn
lựa cách sống cho bản thân họ. Như vậy thế nào là ‘thiện’, ‘ác’, ‘hạnh phúc’ và
‘đau khổ’ theo quan điểm Phật giáo? Trong phạm vi bài này:
a) Thiện nghĩa là bất cứ hành
động nào của thân, khẩu, ý đều có lợi cho mình, có lợi cho người và có lợi cho
cả hai thì hành động ấy được xác định là thiện.
b) Bất cứ hành động nào của thân,
khẩu, ý ngược lại với thiện là ác.
c) Hạnh phúc nghĩa là bất cứ ai
mà thân và tâm của người ấy luôn trong trạng thái an lạc, sáng suốt và mọi hành
động đều vắng mặt tham, sân, si thì đó gọi là người hạnh phúc.
d) Đau khổ tức là người sống theo
đường lối ác, ngược lại với người hạnh phúc.
Từ những quan điểm vừa được trình
bày ở trên, có lẽ nên đề nghị một vài phương pháp có thể giải quyết vấn đề, tức
là làm thế nào để con người tự nhận ra chính họ thật đúng như họ đang là hạnh
phúc hay đau khổ, tự họ chứng nghiệm, tự họ giải quyết và tự họ giác ngộ. Nếu
họ chấp nhận cách sống là để hạnh phúc thì không thể phủ nhận hai mặt của đời
sống là tinh thần và vật chất. Nếu ai cho rằng đời sống hạnh phúc chỉ thuần tuý
tuỳ thuộc vào vật chất hoặc chỉ có tinh thần thì đó là mẫu người đau khổ, điều
đó chúng ta đã từng nghe thấy hằng ngày trên thế giới.
Vậy thì đời sống tinh thần và vật
chất cần phải được hiểu như thế nào? Tinh thần là những hoạt động của ‘tâm’ bao
gồm các tâm lý ‘thọ, tưởng, hành và thức’; vật chất là những gì thuộc đất,
nước, lửa, gió và các sản phẩm của chúng, ví dụ: cơ thể vật lý của chúng ta là
sản phẩm của đất, nước, lửa, gió tạo thành. Tuy nhiên, nếu thiếu một trong
những duyên của thọ, tưởng, hành và thức thì cơ thể ấy ngừng hoạt động, nói
cách khác cơ thể vật lý tồn tại ngay trong tâm và tâm có mặt ngay trong thân
vật lý. Điều đáng nói là chúng ta muốn điều chỉnh cách sống của cá nhân, xã
hội, quốc gia và thế giới thì phải điều chỉnh từ tâm của mỗi người. Phương pháp
được đề nghị như sau:
1. Cách sống thiện:
Trong quá khứ cũng như hiện tại,
đời sống hiền thiện, chân chất bao giờ cũng được con người tôn trọng. Tuy
nhiên, không phải ai ai cũng có được diễm phúc sống theo điều thiện như vậy, có
người ưa sống thiện nhưng hoàn cảnh không cho phép, có người gặp hoàn cảnh rất
thuận lợi nhưng cá tính không thích, có người do tư tưởng lệch lạc nên cố ý
sống với điều ác... Đức Phật đã từng chỉ con đường thiện cho chúng sinh nhưng
không phải ai cũng ưa đi trên con đường ấy, và đức Phật kết luận: ‘đó là vì vô
minh’, vô minh tức là sự thấy biết không đúng như thật. Vì thấy biết không đúng
như thật nên các pháp là vô thường thì thấy là thường, các pháp là vô ngã thì
thấy chúng có ngã, do vậy khổ đau; vì khổ đau luôn tương ứng với các vọng kiến
điên đảo nên cách sống ác phát sinh; vì sống với điều ác như vậy nên khổ đau
của con người tăng thêm. Khi khổ đau càng nhiều thì vô minh càng lớn và vô minh
càng lớn thì dục vọng càng tăng, cứ như vậy ngày tháng qua lại lại qua, hết năm
cũ đến năm mới, hết kiếp này đến kiếp khác con người chỉ lo để sống và sống với
vô minh. Đức Phật gọi người ấy là người sống mà chưa thấy lối đi, hoặc có lối
đi mà chẳng chịu đi, và cũng gọi là người chưa tìm thấy cách sống.
Có một số người thường cho rằng
đời người được bao lăm mà phải gò bó sống theo điều thiện cho khổ cái thân;
sinh con người ra là để hưởng thụ cuộc đời chứ đâu phải để trả nợ trần gian mà
cứ hở một tí là sợ tội, làm điều gì dù lớn hay nhỏ cũng sợ khổ cho người nọ kẻ
kia... Những người có quan điểm như vậy đều do vô minh, dục vọng sai sử nên
cách sống hưởng thụ của họ cũng chính là đang thụ hưởng khổ đau. Ví như người
đang lên cơn nghiện ma tuý, nếu có chất cần sa để họ hút vào thì họ cảm thấy
sung sướng và chỉ có khi nào có hút thì đời họ mới có sự sống.
Vì sao? Vì sống là để hưởng thụ
cần sa hoặc khao khát cần sa nhưng cần sa luôn trong tính vô thường nên cái giờ
phút hưởng thụ sung sướng ấy cũng là lúc cảm nghe đau khổ đang phủ kín đời
mình. Cũng vậy, khi ta khởi lên quan điểm sai lầm rằng ‘sinh con người ra là để
hưởng thụ’ thì chắc chắn sự hưởng thụ ấy sẽ không bao giờ được thoả mãn. Sống
mà không bao giờ thoả mãn là đồng nghĩa với khổ đau. Phật dạy: “Các hành là
khổ” (sabhe sankhr dukkha) cũng có nghĩa là các tâm hành đều không bao giờ thoả
mãn, không thoả mãn là khổ vì các hiện tượng giới (hữu hình hay vô hình) đều
phải chịu sự biến hoại, vô thường, cái mà ta vừa mới có tức liền không thì làm
sao thoả mãn được!
Tiếc rằng phần lớn nhân loại hôm
nay đang rơi vào cơn nghiện vật chất đến nỗi họ tưởng rằng vật chất đem lại cho
họ hạnh phúc, cứ như vậy đời sống tâm linh của họ trở thành thụ động, cuối cùng
dẫn đến tình trạng mất quân bình trong sự sống, nghĩa là tâm thức chúng ta chất
chứa hàng vạn, hàng tỷ những suy nghĩ liên hệ về vật chất, trói buộc với vật
chất. Có thể nói rằng hạnh phúc vật chất không phải là không có nhưng nó hết
sức mong manh, giả tạm và một khi vật chất đổi thay, biến hoại thì nguồn sống
tâm linh trở nên hụt hẫng và nếu không điên loạn thì cũng rất đau khổ. Ở đây là
chưa đề cập đến các tác động của cơ thể vật lý và hậu quả tác động của nó, về
khía cạnh này rất phức tạp và nguy hiểm cho sự sống vô cùng.
Ví như: khi một hiện tượng hạnh
phúc vật chất vừa có mặt tức là lúc tự nó thoát ra khỏi ta nên ta cố bám giữ nó
lại, càng cố níu hạnh phúc ấy bao nhiêu thì càng làm cho ta thất vọng bấy
nhiêu, vì nó luôn biến dịch vô thường. Cùng với tâm lý ấy, lượng dưỡng khí rất
khó tuần hoàn vào máu và thán khí không thể đưa hết ra ngoài, do đó các tế bào
máu rất dễ bị phân huỷ trước khi các hồng huyết cầu nhả ô-xy vào hợp chất...
Các chức năng tiêu hoá, hô hấp, tuần hoàn đều bị ảnh hưởng và khi ấy trung tâm
thần kinh trở nên căng thẳng, dẫn đến tình trạng tự mình cáu ghét, buồn bực
hoặc khổ đau với chính mình. Đây là một cách sống khá phổ biến và rất nguy hiểm
trong thời hiện đại của chúng ta.
Do đó, cách sống thiện hay con
đường thiện mà đức Phật đã chỉ dạy cho chúng sinh là con đường sống duy nhất
không thể không chấp nhận được, sớm hay muộn con người cũng phải chọn lựa, nếu
họ muốn sống hạnh phúc. Dựa vào cơ sở nào mà khẳng định như vậy? Trước hết,
chúng ta phải dùng cái tâm để nhìn điều thiện (nói ở trên) thì rõ ràng không có
gì là thiện cả, chẳng qua đó chỉ là cách nói để nhắc con người sống đúng thật
như con người, nghĩa là sống có thơm hương vị tình người, nhân bản và nhân
tính, không phải sống theo cách sống của thú vật và thú tính. Đức Phật không
xúi dục con người nên hưởng thụ hay ép xác khổ hạnh mà chỉ khuyên đi trên con
đường thiện, sống với thiện chứ đừng có sống với ác.
Thực sự, cách sống thiện là để
con người sống thích hợp với thực tại hơn, dễ sống hơn và hạnh phúc hơn, vì
chân lý nó thực sự là vậy. Bất cứ ai sống ngược lại với sự thật này, đương
nhiên phải chịu khổ đau. Không tin thì bạn hãy tự hỏi: Có hành động nào (của
thân, khẩu, ý) đem đến sự tai hại cho mình, hoặc cho người, hoặc cho cả hai mà
hành động ấy gọi là cách sống hạnh phúc hay không? Nếu bạn trả lời có hạnh phúc
thì hành động ấy của bạn chứng minh bạn là thú vật sống với thú tính. Nếu bạn
trả lời không có hạnh phúc thì phải thực hành và tôn trọng cách sống thiện theo
nhịp sống đúng như thật nó là vậy, hay nói cách khác chân lý sống là hạnh phúc.
Chừng nào cách sống con người có hạnh phúc tức có an lạc và có giác ngộ.
2. Tâm linh và vật chất:
Khi đề cập đến vấn đề này, phạm
vi bài viết chỉ cho phép bàn về những gì liên hệ giữa vật chất và tâm linh với
cách sống của con người thời nay mà không bàn tới các khía cạnh khác.
Theo Phật giáo, bất kỳ sự sống
nào của con người cũng bao gồm cả hai lĩnh vực vật chất và tinh thần, cả hai
đều liên hệ tương quan với nhau để tồn tại. Nếu sự sống của con người chỉ chú
trọng đến vật chất thì cách sống, tư duy và suy nghĩ chỉ lo tập trung cho vấn
đề mưu cầu vật chất. Tuy nhiên, đặc tính của vật chất luôn có giới hạn, vì nó
biến dịch vô thường; trong khi đó những giá trị đời sống tinh thần và đạo đức
bị lãng quên, khiến cho lòng tham và tính ích kỷ của từng cá nhân sẽ tăng cao
và xã hội sẽ dẫn đến sự cạnh tranh, chiếm hữu và sở hữu vật chất ngày càng gay
gắt. Như vậy sự sống sẽ dẫm đạp lên nhau giữa người và người trong gia đình,
nơi học đường và các tổ chức lớn nhỏ cũng như nhiều thành phần trong xã hội.
Nếu xã hội ấy không giải quyết được các vấn đề xã hội thì phải tổ chức chiến
tranh với xã hội khác, dẫm chân lên sự sống của con người ở nhiều nước khác để
đáp ứng nhu cầu vật chất đối với lòng tham vô tận của con người.
Có phải nhân loại đang quằn quại
đau thương để tranh giành vật chất như cố giành giật sự sống riêng cho mình
được hay sao? Không! Như vậy sự sống con người sẽ mất hết ý nghĩa. Hoặc đó là
cách sống duy nhất của con người chăng? Không thể như vậy được, bởi vì con
người có bộ óc để hiểu biết, có trí não để thấy rõ và suy luận rằng: vật chất
chỉ là công cụ trợ giúp cho sự sống con người hoạt động, chứ không phải để nó
biến con người thành kẻ nô lệ vật chất. Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận giá
trị vật chất đối với sự sống con người nhưng rõ ràng vật chất chỉ là thứ yếu.
Có nhiều lý do như đã đề cập ở trên và lý do chủ yếu nhất là tiềm năng tinh
thần hoặc nội tâm con người có thể điều chỉnh hay làm chủ vật chất.
Chính vì cách sống hiện đại đã tô
dày lớp sơn tham vọng lên nhận thức phân biệt và chấp ngã, vì thế, con người cứ
nhân danh chủ nghĩa này hoặc chủ nghĩa kia để tìm kiếm một con đường sống tốt
đẹp nhất, hạnh phúc nhất cho nhân loại. Chắc chắn điều này sẽ không bao giờ tìm
thấy được, vì càng đi tìm chừng nào thì tham vọng sẽ rẽ nhánh chia đường, dẫn
con người đi theo nhiều ý thức hệ khác nhau và càng làm khổ cho nhau nhiều hơn
nữa. Đối diện với khổ đau do con người tạo ra thì phương pháp giải quyết cũng
phải bắt đầu từ con người.
Như chúng ta đã biết, thế giới
hôm nay đã, đang lo làm sạch đất đai, nước uống; làm sạch thực phẩm, thức ăn;
làm sạch không khí và nước biển; làm sạch môi trường sinh thái; làm sạch đường
sá, nhà ở cũng như các nơi công cộng... nhưng không lo làm sạch tâm tham, sân,
si trong mỗi con người thì đó là một sai lầm trầm trọng. Chừng nào mà thế giới
chưa giáo dục con người làm sạch tâm thức của họ thì sự sống con người vẫn
không có hạnh phúc, và mọi vấn đề tệ nạn xã hội cũng như những khủng hoảng thế
giới không thể giải quyết. Muốn thế giới này an lạc và hạnh phúc, cách sống con
người phải thực sự giảm đến mức tối thiểu các hành động dính líu với tham, sân,
si trong tâm của chúng ta, khi ấy đời sống tinh thần và vật chất hoàn toàn được
giải thoát khỏi mọi trói buộc, sự sống như vậy mới thật sự có ý nghĩa hạnh
phúc.
3. Kiến thức và trí tuệ:
Kiến thức và trí tuệ là hai danh
từ dùng để chỉ hai khái niện nhận thức khác nhau:
a) Kiến thức là sự hiểu biết do
tìm hiểu, học tập tích luỹ nhiều ngày, nhiều kiếp mà có, nó hoàn toàn thuộc
pháp hữu lậu một khi cách sống của người thiếu sự tu tập tâm (nói ở trên) thì
nó lại chuyển thành sự chướng ngại về hiểu biết (ngã mạn hay chướng sở tri) rất
nguy hiểm. Thời nay gọi là cách sống tri thức, thậm chí có một vài nhà tôn giáo
học, khoa học, triết học, đạo đức học cũng rơi vào cách sống này.
b) Trí tuệ là sự hiểu biết do
thực hành ‘tam vô lậu học tức giới, định, tuệ’ mà có, nó hoàn toàn thuộc pháp
vô lậu nên khi cách sống của người biết tu tập tâm thì nó chuyển thành cách
sống hạnh phúc, tức tuệ giải thoát cũng còn gọi trí tuệ chặt đứt phiền não, khổ
đau. Nói chung, kiến thức là phản nghĩa với ngu dốt và đồng nghĩa với tri thức;
ngu dốt không đồng nghĩa với vô minh và vô minh là phản nghĩa với trí tuệ. Hẳn
nhiên trí tuệ không phải là kiến thức và cũng không phải là tri thức; trí tuệ
là gôt sạch vô minh, vắng mặt khổ đau, nghĩa là hạnh phúc.
Từ nhận thức luận Phật giáo ở
trên, chúng ta thấy rằng cách sống thời hiện đại chỉ nhằm đáp ứng những nhu cầu
về kiến thức mà không đáp ứng nhu cầu trí tuệ cho con người. Một sự thật không
thể phủ nhận là hệ thống giáo dục hiện nay trên toàn cầu đã chưa giúp cho con
người nhận ra rằng: ‘học là để biết cách sống hạnh phúc’. Rõ ràng, giáo dục
hiện tại không những đã không chứa đựng nội dung giáo dục con người chính họ,
mà còn dạy cho con người phương pháp tích luỹ kiến thức cho thật nhiều; hoặc
dạy cách nghiên cứu, phân tích một hiện tượng gì đó (ngoài mình) một cách cụ
thể, chi ly và tường tận, nói nôm na là cái học để biết cách chẻ sợi tóc ra làm
mười, hai mươi, đến trăm càng tốt hoặc dựa vào cơ sở của sợi tóc chẻ được mà
sáng tạo ra sợi gì đó rất mới, vừa bền lại tốt và đẹp. Như vậy sẽ được thế giới
tung hô và nhân loại chịu ơn ngoại trừ người có trí tuệ.
Giáo dục như vậy tức là vô tình
đã khuyên con người hướng ngoại và giải quyết các vấn đề không bao giờ giải
quyết được. Nếu muốn giải quyết thì các vấn đề bên ngoài như các điều kiện sống
bao gồm các vấn đề tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, khủng bố, bạo động, chiến
tranh... cần phải được giải quyết từ bên trong nội tâm của mỗi người. Thử hỏi,
các hiện tượng bên ngoài trên thế gian này đã có ai học và biết hết hay chưa?
Kiến thức của ai đã tích luỹ đầy đủ và có thể giải thích được mọi hiện tượng
xảy ra chung quanh ta không? Chắc chắn không thể, đó là chưa nói các hiện tượng
trong và ngoài thế giới này. Bởi vì “hễ có biết là có vô minh gắng liền theo
hành vi biết. Khi ta tưởng biết một việc gì thời vẫn có một việc gì khác mà ta
không biết. Cái không biết luôn luôn nằm sau cái biết.” (Thiền Luận I, Trúc
Thiên dịch, xb. 1998, tr.148).
Có thể nói rằng, hệ thống giáo
dục hiện tại đã biến cách sống của con người thành nhiều tham vọng và đau khổ
hơn, cũng có nghĩa là nhiều kiến thức và vô minh hơn. Nói như vậy không có
nghĩa lên án kiến thức hoặc đổ lỗi cho giáo dục, thật sự tự thân kiến thức và
giáo dục không có lỗi nhưng phương hướng giáo dục và cách thức sử dụng kiến
thức cần phải được xem xét lại, nghĩa là làm thế nào để giáo dục con người
chính họ. Khi con người nhận diện được họ chính là đang sống cùng với các hiện
tượng chung quanh, dĩ nhiên họ sẽ xử lý đúng thật như chúng là vậy, cách sống
cũng như điều kiện sống không bị lạm dụng bởi tâm tham của con người. Cách sống
mà vắng mặt tâm tham là cách sống trí tuệ, cách sống ấy cũng là cách sống hạnh
phúc.
Nói tóm lại, những gì vừa đề cập
ở trên đủ cho thấy rằng cách sống trong thời hiện đại này không thể giúp cho
con người có hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích cách sống hạnh phúc
mặc dù ai cũng ưa có hạnh phúc, đó mới rõ là sự ham muốn vô tận của cuộc đời.
Và điều này cũng rất dễ hiễu, vì lẽ thường ai cũng thích có được hoa trái mà
chắc gì họ ưa trồng và chăm bón cây, vì thế kinh Phật thường nhắc nhở: “Bồ tát
sợ nhân, chúng sinh sợ quả” chính là ý này vậy. Riêng Phật tử chúng ta là những
người con Phật trong thời đại này, đương nhiên phải chọn cách sống thiện mới có
sự sống an lạc và hạnh phúc được. Cách sống thiện tức là bất cứ hành động nào
của thân, khẩu, ý đều có lợi cho mình, có lợi cho người và có lợi cho cả hai,
đó là nói khái quát. Để trình bày chi tiết có tính cách cẩm nang, dễ áp dụng
vào sự sống hơn thì phải thực hành Bát chánh đạo qua tiến trình ‘Giới - Định -
Tuệ’, nghĩa là tám con đường chân chánh được thực hành theo ba phương pháp:
1. Cách sống đức hạnh (Giới học)
hay còn gọi cách rèn luyện tâm từ bi, nuôi dưỡng tâm linh trong sạch, không tà
tâm ô trược tức thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.
– Chánh ngữ tức lời nói chân
chính, gồm 4 loại: a) không nói dối; b) không nói những lời hung ác, cộc cằn,
thô bạo ức hiếp kẻ khác; c) không nói lời điêu ngoa, xảo trá, hận thù; d) không
nói lời ngọt ngào, dua nịnh làm hại người. Ngược lại dù trong bất cứ hoàn cảnh
hay tình huống nào cũng luôn nói lời chân thật, khéo léo và hiền từ.
– Chánh nghiệp tức ba nghiệp của
thân: a) không sát sinh; b) không trộm cướp; c) không tà dâm. Ngược lại thường
có hành động chân chánh cứu giúp, khuyên bảo mọi người sống chân chánh, thương
mến mọi loài.
– Chánh mạng tức không vì mạng
sống mà làm những nghề phi pháp, bất nhân, thiếu lương tâm như coi bói, đoán
số, buôn người, bán vật, lừa dối, tham ô và các nghề nhơ nhớp, mất phẩm chất cá
nhân, cộng đồng và xã hội.
2. Cách sống nội tâm (Định học)
hay còn gọi kỷ luật cá nhân, tức thường xuyên trau dồi, soi xét và tu tập theo
chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
– Chánh tinh tấn tức chuyên cần
thanh lọc ý xấu, không thiện, có 4 loại: a) thường xuyên ngăn chận điều xấu ác
chưa phát sinh; b) thường xuyên diệt trừ điều xấu ác đã sinh; c) thường xuyên
làm phát sinh điều thiện chưa phát sinh; d) thường xuyên phát triển điều thiện
đã phát sinh.
– Chánh niệm là luôn luôn chú ý,
nhớ nghĩ đến quang tuớng của đức Phật như Phật Thích-ca-mâu-ni hay đức Phật
A-di-đà, đầy đủ trí đức, quang minh vô lượng; hoặc quán sổ tức, quán bất tịnh,
hoặc thường tập trung nghĩ nhớ đến Tứ niệm-xứ: thân, thọ, tâm, pháp.
– Chánh định tức tập trung tâm
trí vào sự tu tập bốn thiền định và bốn không định , thành tựu 5 thiền chi
(tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm), dứt trừ mọi tạp nhiễm do vọng niệm.
3. Cách sống trí tuệ (Tuệ học)
hay còn gọi trí tuệ vô lậu, gồm có chánh kiến và chánh tư duy.
– Chánh kiến là thấy đúng các
pháp như thật nó là nó mà không bị ý thức chấp ngã can dự vào, nghĩa là các
pháp hữu vi đều vô thường, khổ, vô ngã, không tự tính thì người có chánh kiến
thấy các pháp đúng như nó là vô thường...
– Chánh tư duy tức suy tư những
gì cần suy tư như hưng khởi tâm từ thương xót chúng sinh và khéo sử dụng phương
tiện để cứu giúp. Tuy nhiên, những gì không cần suy tư thì không tác ý đến, thuật
ngữ Phật học gọi ‘như lý tác ý’ và ‘phi như lý tác ý’.
Tuy phạm vi yêu cầu của chủ đề
rất rộng nhưng người viết luôn tin rằng tám cách sống chân chánh này là con
đường duy nhất mà những ai có trí sẽ tán đồng và chấp nhận. Đã đến lúc hành
tinh của chúng ta càng ngày càng nóng lên, tầng ô-dôn (ozone) thủng càng to,
tia cực tím đang gây hại mọi sự sống trên hành tinh này, tài nguyên thiên nhiên
đang dần dần cạn kiệt, thiên tai xảy ra khắp nơi trên thế giới, môi trường sinh
thái đang ô nhiễm trầm trọng, tâm thức con người càng ô nhiễm gấp bội như chiến
tranh hoá học, chiến tranh vi trùng, chiến tranh hạt nhân, và đặc biệt chiến
tranh trong lòng người ngày đêm đang bùng nổ dữ dội...
Thiết nghĩ, ngoài cách sống nội
tâm, nhìn nhận lại con người thật nơi chính mình bằng cách áp dụng theo tám
cách sống chân chánh, chúng ta không còn cách sống nào khác để chọn lựa. Đức
Phật đã tuyên bố sự thật về cách sống này như Ngài chỉ ra con đường sống hạnh
phúc cho chúng sinh, chúng ta có nghe theo hay không nghe theo thì sự thật dòng
sống nó vẫn sống theo tám cách ấy. Và dẫu cho con người có thể chạy trốn khỏi
tất cả những người thân của mình, và cũng có thể chạy trốn mọi người mọi vật
trên trái đất này để ẩn núp nơi mặt trăng hay tận sâu dưới đáy biển, nhưng chắc
chắn người ấy không thể nào chạy trốn được những hành động từ thân, khẩu, ý của
chính họ đã tạo tác. Để gợi mở những điểm cần thiết cho chúng ta suy nghĩ, xin
được trích dẫn lời đức Phật về việc này:
* “Trong các pháp, tâm dẫn đầu,
tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm ô nhiễm, sự khổ
sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe.” (kệ 1)
* “Trong các pháp, tâm dẫn đầu,
tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm thanh tịnh, sự
vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.”(kệ 2).