Xác chết ở đâu, diều hâu tụ đó

Ngày nay, với sự phát triển cách nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ Internet đã trở thành cầu nối kết mọi người khắp năm châu lại với nhau. Giờ đây, một người xa lạ có thể trở thành thâm giao qua những mạng xã hội, điển hình như Facebook. Qua Facebook, người ta có thể găp nhau không chỉ về phương diện bề ngoài, mà còn gặp đến tận tâm khảm của người mình quan tâm qua những tâm sự, tự sự, và những trạng thái cảm xúc khác nhau được đưa lên (Post) mỗi giây mỗi phút của cuộc sống.

Trong ảo có thật, và trong thật có ảo. Đó chính là điều mà Facebook đã cuốn hút nay trở nên hấp dẫn hơn với nhiều người, nhất là những người trẻ trong thế giới vốn đang đánh mất tình yêu chân thành, sự quan tâm, và chỉ còn lại là những sợ hãi, đe doạ, bất ổn, bất an, và cô độc. Và một trong những điều khiếp hãi nhất mà người dùng Facebook không hình dung được là cái ảo đã hoá thật (The illusive unreality becomes true reality), nên để biết một con người chỉ cần xem điều họ cập nhật lên trạng thái, điều họ thích (Likes) và điều họ bày tỏ quan điểm (Comments).

Càng sử dụng lâu giờ trên Facebook, người ta càng cảm thấy cuộc sống của mình tệ hại hơn (The worse they felt about their own lives) là phần kết luận của một nghiên cứu khoa học của Đại Học Utah Valley – Mỹ về việc các sinh viên dùng nhiều thời gian cho Facebook. Ta cần biết một nguyên tắc về cuộc sống, trên quan điểm về hệ tư tưởng của bản thân mình, đó là “Tư tưởng là những gì hiện hữu” – (Thoughts are things). Ta chỉ đơn giản nghĩ Facebook là ảo, nên ta thích (like) hay nói gì tuỳ ý chả ảnh hưởng gì đến con người thật và cuộc sống của ta, nhưng ta đã lầm to. Bởi cứ theo nguyên tắc này, ta không thể làm một điều mà lòng trí ta không nghĩ đến.

Và vì thế cuộc sống sẽ trở nên tệ hại hơn khi ngày càng có nhiều người xa lánh ta và không muốn tiếp cận với một con người như ta chỉ đơn giản bởi những gì ta “Like”, “Comment”, “Post” và “Share”. Hãy quan sát bản thân, hoặc một người bạn thân mà hay có thói quen làm chuyện tầm phào trên Facebook chỉ để câu khách, thì sau này người ấy càng ngày càng bị xa tránh và trở nên cô độc, đó là chưa kể bị thất nghiệp (vì nhà tuyển dụng ngày nay dùng Facebook như một kênh hữu hiệu để biết ứng viên), bị người thân hiểu lầm và xa tránh (cha mẹ và vợ chồng con cái, bạn bè, đối tác dùng Facebook để biết ta).

Người ta thể hiện một hình ảnh tích cực về bản thân trên Facebook, điều này sẽ dẫn đến gia tăng lòng tự trọng và giảm sự tự chủ trong cuộc sống” – Keith Wilcox ĐH Columbia và Andrew Stephens ĐH Pittspurgh. “Gia tăng lòng tự trọng” ở đây nghĩa là lòng tự trọng ảo mà ta tạo ra do có quá nhiều người Like và Comment điều ta đưa lên trên mạng. Ta thấy mình có giá trị, có trọng lượng với cộng đồng, và vì thế càng dấn sâu hơn vào con đường “nghiện ngập” mất kiểm soát.  Điều này khiến ta phải suy nghĩ về động cơ thật sự của mình khi quyết định nói một điều gì đó trên Facebook.

Liệu ta có làm chỉ để câu Like và Comment, hay ta làm vì phần ích của anh chị em và cộng đồng mạng xã hội. Ta thấy, nhiều vị lãnh đạo tinh thần trên thế giới hiện đang dùng Facebook và Twitter để đưa thông điệp của mình đến với thế giới, vậy thì ta biết chắc, các vị đã suy nghĩ rất kĩ trước khi quyết định sử dụng trang ảo mà thật này như phương tiện. Và vấn đề là “PHƯƠNG TIỆN”. Còn ta dễ coi đó là “CÙNG ĐÍCH” để rồi bị ngã gục khi ra đời chả ai thèm ỏ ê, quan tâm, hay nhận ra ta như ở trên mạng, nên ta bị “MẤT TỰ CHỦ” cách dễ dàng vì sự tự trọng ảo của ta. Đối với các vị ấy, việc ai Like hay Comment và với số lượng bao nhiêu không quan trọng, không khiến các vị vui hay phấn chấn, cũng không khiến các vị thất vọng hay buồn khi con số ít đi. Còn ta, ta làm điều ngược lại, và như thế ta đang mang mầm bệnh Tâm Thần ở trong việc lên Facebook. Vậy hãy tỉnh táo để biện phân giữa “PHƯƠNG TIỆN” và “CÙNG ĐÍCH” để không lầm lạc và lãnh hậu quả nghiêm trọng.

Xác chết ở đâu, diều hâu tụ đó” – (Mt 24, 8) là lời minh xác của Chúa Giêsu khi nói về việc người ta dễ dàng bận tâm về nơi này nơi kia khi phải đối diện với ngày cánh chung của thế giới và của đời mình. Điều đó có nghĩa là khi ta còn sống cách tỉnh táo, ta quan tâm và nghĩ điều gì thì đến ngày ta lìa đời ta sẽ đi về nơi ấy. “Kẻ thờ các thần khác sẽ trở về với các thần của họ. Kẻ thờ tổ tiên sẽ trở về với tổ tiên của họ. Kẻ thờ các quyền lực và tinh thần khác sẽ trở về với quyền lực và tinh thần ấy. Cũng vậy, những ai phục thờ Ta sẽ trở về với Ta” – (Prabhavananda  9:20,21,24,25 – Bhavaga Gita). “Con chính là biểu hiện của chung cuộc đời con ngay từ bây giờ. Con đang sống trong sự hiện diện của Vua Sự Chết” – (Đức Phật trong Dhammapada 237,238).

Chúng ta, dù tin hay không, dù hiểu hay không, dù chấp nhận hay không, và dù muốn hay không thì ta sẽ phải trả lời cho những điều ta đang nghĩ và hành động ngay trong hiện tại này, dù ta tưởng tượng hay giả vờ đó là một việc làm trong thế giới ảo hay thật. Thế nên, đừng để phải trả giá quá đắt cho đến khi bị phát hiện, bị loại trừ, bị tẩy chay, và bị phải chịu muôn điều đau khổ và tủi hổ. Hãy tỉnh thức để biết việc mình nói, thích, và bình luận ngay trong cuộc sống thật và ngay trong thế giới ảo là Facebook. Mỗi một chọn lựa ta thực hiện là bậc thang đưa ta lên cao hay xuống tận đáy sâu của hạnh phúc, tuỳ thuộc vào ta ý thức thế nào khi thực hiện nó.

Previous Post
Next Post