Tâm lý thích đánh trống ghi tên của người Việt

Trong vài năm qua, Việt Nam mới nổi lên thị trường chứng khoán, ngay đó các chuyên gia kinh tế đã xác định nhiều lần: người tham gia chứng khoán Việt đa số là lướt sóng ăn liền, không tính toán lâu dài, tâm lý bầy đàn, ào ào theo đuôi nhau theo kiểu nghe hơi nồi chõ…

Tại sao có tâm lý bầy đàn? Chữ “bầy đàn” là biểu hiện của đám đông, trong thiên nhiên còn gọi là các động vật ăn cỏ. Thử xem chúa sơn lâm làm sao có bầy, đại bàng cũng không có bầy, chỉ có đàn cừu cũng như chim sẻ mới có bầy. Khi người ta có tâm lý bầy đàn, bởi vì người ta chưa có khả năng tư duy độc lập, chưa trưởng thành, vì thế mới cần phải tụ hội thành đám đông để tự vệ lẫn nhau. Tâm lý bầy đàn cũng chính là con đẻ của nền sản xuất tiểu nông mà cho đến nay dân tộc ta vẫn còn 80%, hơn cả tỉ lệ đó là sự rây rớt trong tâm lý. Đã là tiểu nông thì trình độ hạn chế, vì thế người ta mới quần tụ thành làng “phép vua thua lệ làng” hay “xấu đều hơn tốt lỏi”.

Có không ít cuộc tranh luận, có người nói “không hiểu vào Hội Nhà văn là cái gì, có được gì thêm cho tác phẩm cũng như tầm vóc của mình, mà biết bao người chạy chọt lao vào như thiêu thân?”

Người trong Hội Nhà văn thường nói: “Chúng tôi có được cái gì đâu!”

Ai nghe cũng không tin, vì không được gì sao lắm kẻ lại lao vào đến khốn khổ như vậy? Thậm chí ngay cả nhiều thành viên của Hội kêu la, chúng tôi được nhuận bút ít quá, nhưng ngay cả cái nhuận bút ít đó người ta cũng không muốn cho ai khác hưởng, thế có phải vừa được ăn vừa được nói không?

Thích vào hội để làm gì ư? Câu hỏi rất dễ trả lời: vì người ta thích được ưu tiên! Hãy nhìn vào cuộc đời: kẻ yếu thì luôn phải đòi ưu tiên! Còn kẻ mạnh thì phải “có cứng mới đứng đầu gió”, hoặc như người xưa dạy “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” nghĩa là người quân tử vì nước vì dân thì phải: lo trước cái lo của thiên hạ, hưởng thụ cái vui sau thiên hạ. Hoặc người có đạo đức thì “cắn răng chịu thiệt, đứng vững gót để làm người”.

Còn người yếu thì sao? Trẻ con phải có ngày 1/6 tết thiếu nhi, phụ nữ có ngày 8/3 tết phái yếu, còn đàn ông hùng mạnh sao có ngày của mình. Người ta có các hội đồng hương tỉnh lẻ để gặp gỡ tụ tập lẫn nhau, làm gì có hội đồng hương thủ đô?! Người phương Tây dạy đàn ông: ra đường thì trước hết phải nhường trẻ con bé bỏng, sau đó phải nhường phụ nữ chân yếu tay mềm bộ não ít hơn đàn ông 20%, sau đó phải nhường chó… rồi mới đến đàn ông. Nhưng đàn ông phương Tây không tủi hổ mà kiêu hãnh về điều đó, điều đó chứng tỏ họ là phái mạnh nhất mới không cần ưu tiên, và chính thế họ cũng là hoàng đế, bởi vì trong các đám rước trẻ con bao giờ cũng đi trước, đàn bà đi sau, và cuối cùng mới là ngai vua.

Vào Hội được gì ư? Ít nhất được đăng bài trên báo, thậm chí được đăng đi đăng lại. Về tỉnh nghiễm nhiên xếp bậc trung ương trên trướng mấy người khác, thậm chí có uy tín khắp tỉnh, may hơn có thể còn được cấp nhà, vòi đất. Sự ưu tiên đem lại cho người ta những gì? Càng được ưu tiên người ta càng yếu đuối. Yếu đến mức, vài năm gần đây, báo Văn Nghệ còn kêu la bị thụt ti-ra bởi vì “các nhà văn, nhà thơ nhớn không chịu gửi bài”. Nói thế là sai. Mà nói thế này mới đúng: các nhà văn, nhà thơ nhớn bị dùng quá lâu ngày thành bã mía cả rồi, thậm chí các nhà văn đã gọi nhau bằng “bộ hài cốt”, nhà thơ Lê Đạt khi còn sống đã ví “những tài năng đã chết lâu ngày không được đem chôn làm mất vệ sinh của cộng đồng”. Có nhà văn còn bảo: “nhiều cây bút mậu dịch như thuốc bắc được cất khoảng dăm bảy chục nước, thành cái gì thum thủm không bổ bằng nước lã”.

Thực tế thì sao? Các nhà văn, đặc biệt nhà thơ mậu dịch suốt ngày lo mua vui cầu thực, nên tài năng cạn kiệt ngay mép con số không. Thử nhìn, họ đưa cả văng tục, chửi thề, phân gio vào thơ, nhưng vẫn có kẻ cùng hội biện hộ rằng “văng như thế không tục mà thơ mới tự nhiên”. Tại sao người đời lại xếp hạng vàng 99 hơn vàng 98 và hơn vàng cốm? Bởi nồng độ vàng của nó. Nếu văng tục là thước đo “tự nhiên” của mỹ học, thì liệu người khác văng tục nhiều hơn có được xếp cao hơn? Và nhà thơ liệu có văng tục nhiều bằng đám đầu đường xó chợ? Vì sống ưu tiên quá lâu nên trình độ của nhà thơ ta vô cùng yếu ớt. Họ không đủ bản lĩnh để nghe một lời chê. Có rất nhiều vụ đụng độ chỉ vì bị chê một câu đã ném mắm tôm, hắt chậu nước, đánh chửi nhau. Mới giải thưởng văn học năm ngoái thôi (2012), khi tôi đã chỉ ra tập thơ “Giờ thứ 25” là đạo tên “đầu đề – tức chứng minh thư” 100%, nhưng Hội Nhà văn vẫn trao giải thưởng. Đó là một sự trắng trợn hiếm thấy, cậy quyền, cậy chức, cậy đông, cho rằng mình muốn làm gì cũng được, hoặc giả đã nuốt tiền chạy giải rồi khó nôn ra? Sự việc này còn tố giác một điều quan trọng hơn, có người nói: trình độ nhà thơ ta thấp lắm, toàn đọc mấy tập thơ vần vèo không có gáy của nhau, có mấy khi đọc sách có gáy đâu. Trời ơi một cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới như vậy mà cả hội đồng sơ khảo và chung khảo không ai biết, thì quả thật văn hóa đọc của nhà thơ ta quả là không bén mảng sách có gáy?! Trình độ của họ thấp đáng ngạc nhiên! Nhưng trình độ bịt cửa đố kỵ của họ cũng gây ngạc nhiên không kém. Họ đóng cửa báo chỉ đăng cho cánh hẩu đến mức có ngày họ bảo “các nhà văn, nhà thơ lớn không chịu gửi bài”. Chỉ có trong nhà hết mẹ hát lại đến con hát, micro tranh nhau dù chỉ vài người trong nhóm lợi ích, thì làm sao biết đến những giọng ca tươi mát của cuộc đời. Chính cái tâm lý tiểu nông đã làm cho lịch sử văn hóa Việt Nam sau bao nhiêu thế kỷ không tươi mới hơn mấy vở chèo?!

Người Việt 90% vô thần, nhưng mới đây họ cũng ào ào đi dự lễ No-en cùng thế giới. Nhiều đám mới lớn chen bằng được vào nhà thờ để cảm thấy mình không mất phần, vào được rồi họ chiếm ghế và nhắm mắt ngủ khì vì đâu có nhập tâm những bài giảng đạo không hề biết. Đó là cái tâm lý sợ mất phần, sợ bị cô lập, sợ thua chị kém em, hay nói thẳng tưng “kém miếng khó chịu”…

Nhưng làm chính trị người ta cần quần chúng, đắp đê cần đông người, hát hợp xướng cần đoàn lũ, nhưng nhà văn cần hát đơn ca thì càng tham gia đám đông tài năng càng xuống cấp. Có nhà thơ kia rất tự hào về vốn tiếng Anh của mình, tôi bảo, “anh xem trên thế giới có bao nhiêu người nói tiếng Anh? Nước Anh có khoảng 100 triệu, nước Pháp có khoảng 20 triệu, nước Nhật có khoảng 100 triệu, nước Mỹ có 300 triệu, Canada có 20 triệu, Ấn Độ thuộc địa cũ của Anh có khoảng 100 triệu, các nước khác có khoảng 100 triệu… tóm lại thế giới có ngót một tỉ người biết tiếng Anh. Bạn muốn làm người vĩ đại mà chỉ là một trong hàng tỉ người thì có vĩ đại được không? Có nhà thơ vừa vào Hội đã cong cớn hỏi không nói gọi không thưa. Tôi hỏi: anh muốn lên chức, chức hội viên của anh có bằng chức của gần hai trăm ủy viên trung ương không? Tất nhiên không! Anh ta trả lời. Tôi lại hỏi thơ anh làng nhàng trong hàng nghìn người, ở trình độ Việt Nam có ngót triệu nông dân có thể nghê nga bẻ vần làm như vậy, liệu anh có phải số độc đáo để làm người vĩ đại không?

Tất nhiên là không rồi! Đặc biệt với cái các chen vai thích cánh vào Hội, trình độ ưu tiên khiến người ta chỉ cùn mòn đi chứ làm sao lớn lên được. Tôi xin dẫn ra câu của thi hào Tagore: “Hắn coi vũ khí của hắn như thần thánh, nhưng khi vũ khí của hắn thắng thì chính hắn là kẻ bại”. Vậy thì với Hội hè sẽ có câu: ai lấy hội đoàn làm sức mạnh, thì khi hội đoàn của nó càng thắng thì tài năng của nó càng chẳng có gì.

Hãy ra đại dương mà xem, các con tầu lớn đều phải tự hành. Và kìa trong ao số vô số những thuyền nan bé như lá tre đang quần tụ vỗ tay cả mừng vì vinh quang “bất hủ” tẻo teo làm bằng tre nứa!

Nguyễn Hoàng Đức



Một dân tộc sẽ không thể nào phát triển nếu không có đường xá giao thông đi lại. Điều này đã rất rõ ràng khi chủ nghĩa thực dân vào châu Á, Trung Quốc rồi Việt Nam, với đường hỏa xa được xây dựng đã tạo ra một sự phát triển nhảy vọt. Rồi đường quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện được nối liền đã tạo ra một khuôn mặt thông thương phát triển cho quốc gia từ thành phố đến thôn quê.

Con đường là của chung, bởi vì nó nối từ nơi nọ đến nơi kia thì mới là đường. Nhưng không chỉ có vậy, con đường chung đó còn là biểu hiện của công lý, vì người ta chỉ có thể lưu thông khi tuân thủ các qui tắc giao thông, chứ không thể ai muốn đi thế nào thì đi. Từ chuyện con đường là tất yếu, chúng ta buộc phải học một bài học tất yếu:

- Không có đường thì không thể lưu thông phát triển quốc gia.

- Không có công lý chung thì vạn sự không thể vận hành, đơn giản vì công lý là qui tắc chung để cùng lưu thông trên những con đường.

- Chỉ khi sống theo công lý, con người mới là chủ nhân tự do đi trên con đường của mình làm ra cũng như tham gia vào với mọi người. Đơn giản vì nếu là nô lệ thì bắt bò phải bò, cho đi mới được đi.

Đã có rất nhiều quốc gia sau khi giành độc lập nhưng không thể nào phát triển bởi lẽ người ta đã không sống tự giác với công lý, người ta vẫn chỉ coi quốc gia và hiến pháp quốc gia như một cái làng “phép vua thua lệ làng”. Có rất nhiều nơi, và nhiều hoàn cảnh, khi ông chủ giải phóng cho nô lệ, ít ngày sau, nhiều nô lệ quay lại và bảo “xin cho chúng tôi được quay lại làm người ở, vì khi được tự do chúng tôi chẳng biết làm gì. Giờ chúng tôi về đây để ông bà chủ nghĩ việc sai chúng tôi làm”.

Muốn sống tự do khó lắm, vì đó là một phẩm chất của tinh thần. Điều này đã được thánh Gandhi dạy dân tộc Ấn Độ vào thời điểm cuối của cuộc cách mạng “Bất bạo động”. Gandhi nói: “Vấn đề không phải ở chỗ giành độc lập cho Ấn Độ, mà là chúng ta phải có đủ phẩm chất để sống trong độc lập”. Vấn đề này cũng đã được lãnh tụ Tôn Trung Sơn dạy dân tộc Trung Quốc: “Người Trung Quốc chỉ biết đến tông tộc và gia tộc mà không biết đến Quốc tộc. 400 triệu nhân dân Trung Quốc (đầu thế kỷ 20) chỉ là một bãi cát rời rạc”. Một dân tộc chỉ biết đến gia tộc thì có khác nào chỉ có đường đi trong nhà. Lại không có Quốc tộc thì là không có đường quốc lộ cũng như công lý nên dù có đông thì cũng chỉ là bãi cát rời rạc.

Người Việt cũng xác định vai trò của ông chủ “một người lo bằng một kho người làm”. Người lo, tức là người nghĩ bằng óc đó. Còn người làm tức là tay chân. Nếu óc không có đủ phẩm chất để lo, thì chỉ có thể làm việc tay chân của nô bộc thôi. Người Việt cũng bảo:

Ông chủ ngồi trên sập vàng
Cả ăn cả mặc cả làm cả lo
Thằng bếp ngồi dưới xó tro
Ít ăn ít mặc ít lo ít làm

Thi sĩ Tản Đà thì nói toẹt ra, một dân tộc không có công lý của đường quốc lộ, không trưởng thành như bộ não thì chỉ là thứ tay chân nô bộc:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con

Đấy vẫn là nói xa, gần hơn, các chuyên gia nước ngoài nói “Xã hội của những kẻ nô lệ dù có được trả tự do vẫn là xã hội vô trật tự, hỗn loạn, và đổ nát”. Rồi người ta còn chỉ ra hàng loạt thí dụ về các nước được trả độc lập nhưng vẫn nghèo nàn lạc hậu. Tại sao vậy? Vì xã hội nô lệ không có thói quen chịu nghĩ bằng đầu.

Người Việt thì sao? Rõ ràng hiện nay trong bảng xếp hạng chúng ta đang ở cuối thế giới và cuối châu Á. Thậm chí, theo nhiều đánh giá phải mất cả thế kỷ nữa chúng ta mới có thể đuổi kịp nước trung bình khá ở châu Á. Lý do tại sao? Ở đời, người ta khôn hơn người, giầu hơn người, đẹp hơn người mới tự hào, đằng này rất nhiều người Việt có kiểu tự hào ngược, theo kiểu: “Bố mày đang ngồi bệt đất đây, có ngã cũng chỉ ngã xuống đất, bố đếch sợ thằng nào”. Trong này tôi gặp không ít người trí thức, cái gì họ cũng tham gia vào. Ở đời không ai giỏi mọi thứ, đó là điều chắc chắn. Người Việt nói “biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”. Có không ít người trí thức, chuyện gì họ cũng nhảy xổ vào, dùng mỗi một khẩu quyết “tôi đếch cần biết cho dù những vĩ nhân trên đời…” tóm lại người ta tìm cách chiến thắng bằng cơ bắp “cưỡng từ đoạt lý”. Xu hướng kêu căng nhờ sự thấp hèn còn được người Việt thể hiện qua phương ngôn “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Đã ngu dốt thì chỉ làm tớ cho đời, sao mà lắm tiền được? Việc này cũng chỉ thấy ở người Việt chăng? Còn có một ca dao chính thức hơn:

Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhì sĩ

Đây là câu chắc lấy ý của Trung Quốc “Dĩ thực vi thiên” – lấy gạo làm trời. Đem cái dạ dầy “giá áo túi cơm” đặt cao hơn não và chữ nghĩa thì bao gời mới khá? Việc nhờ cậy vào cái thấp, cái dốt khiến người châu Á cả mấy nghìn năm không phát triển được. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói: “Trung Quốc cả mấy nghìn năm chỉ có đánh nhau giàng đất, ngôi báu, và đàn bà, mà không có đấu tranh về tư tưởng, tự do và tôn giáo”. Cụ thể, trong triều đình mỗi khi có việc gấp, hỏi đám quan lại chỉ nghe thấy câu của nô lệ cao cấp “Bệ hạ sáng suốt, thần gan óc lầy đất không dám”. Tóm lại đó là cách đổ trách nhiệm cho bệ hạ mà mình ăn lộc bấy lâu lầu son gác tía quan lại oai phong đến khi được hỏi thì lại chỉ là nô tài tuyệt đối.

Một dân tộc trưởng thành là phải bằng óc. Óc sinh tư tưởng! Tư tưởng sinh lý luận! Một dân tộc chỉ có mấy câu thơ cảm xúc vần vèo thì chỉ yếu ớt và mãi mãi chịu kiếp nô tài. Trung Quốc là quốc gia thơ từ thời Đường mà họ còn bỏ thì mới mong gặt hai giải Nobel cho tiểu thuyết vừa qua. Còn Việt Nam có vài mẩu thơ vụn, trường ca thì không có nhân vật, hay hoặc dở tự mình không cách gì đánh giá nổi, mà có hay chăng nữa như các đại ca được giải lớn kia còn chỉ nhận là tép riu, hoặc hội chứng “một bài”, vậy thứ tép riu thật thì lượn chỗ nào trong ao tù nước đọng?

Người Việt có câu “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Cửa quan tức là công lý, có giỏi thì trình diễn trước mắt mọi người so đọ cao thấp, đàng hoàng, “án tại hồ sơ”, văn bản có chạy đi đâu mà lo?! Vậy mới là tư thế của ông chủ chứ! Còn khoe mẽ trong bếp làm gì để trở thành anh hùng xó bếp ư? Ngựa xích thố lại chạy trong sân, tùng bách lại mọc trong chậu, đã thế còn giấu vào xó kín nhà mình, xóm mình thì còn gì để bàn. Không bàn được lại văng “đếch biết!” “đếch cần!” sao? Là một người dân Việt, ngày nào tôi cũng muốn ngâm cả trăm lần câu thơ của thi sĩ Tản Đà mà thấy không chán và cũng không thấy đủ.

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post