Ảnh hưởng của xem ti-vi

Xem ti-vi là một hoạt động lúc bạn rảnh rỗi hay đúng hơn là hoạt động mà như không-có-hoạt-động-gì-cả đối với hàng triệu người trên thế giới. Trung bình một người Mỹ khi đến tuổi 60 đã trải qua 15 năm ngồi trước màn hình ti-vi. Ở nhiều nước khác, con số cũng tương tự như thế. Nhiều người cảm thấy xem ti-vi là được “thư giãn”.

Nhưng khi quan sát kỹ chính mình, bạn sẽ nhận thấy nếu màn hình ti-vi thu hút sự chú ý của bạn càng lâu thì hoạt động suy tư của bạn càng trở nên đình trệ. Trong một quãng thời gian dài bạn xem các buổi trình diễn, các cuộc nói chuyện, chơi trò chơi điện tử hay xem phim, xem quảng cáo, lúc đó đầu óc bạn không tạo ra thêm một ý nghĩ nào. Không những là bạn không còn nhớ đến những vấn đề của mình đang có, mà bạn còn tạm thời thoát khỏi gánh nặng của chính bản thân mình, vậy còn điều gì thư giãn hơn thế nữa?

Nhưng xem ti-vi có thể tạo ra một khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong không? Nó có làm cho bạn có mặt hơn không? Quả thực là không, dù trong một thời gian dài trí óc bạn không bị rơi vào thói quen suy nghĩ, nhưng nó cũng làm cho bạn bị nhiễm cách suy nghĩ theo thứ trí năng tập thể của những người ghiền xem ti-vi. Tuy trí năng của bạn không hoạt động theo nghĩa là nó không tạo thêm ý nghĩ, nhưng bù lại thì nó liên tục tiếp thu những ý nghĩ và hình ảnh từ màn hình máy vô tuyến.

Đây là một trạng thái nhạy cảm cao độ đầy tính thụ động như một người đang bị rơi vào trạng thái lên đồng, lại có phần giống như là đang bị thôi miên. Điều này giải thích tại sao ti-vi lại phù hợp trong việc lôi kéo “công luận”. Các nhà chính trị, các tập đoàn kinh tế mưu cầu lợi nhuận, các nhà quảng cáo biết rất rõ điều này và họ sẵn sàng trả rất nhiều tiền để cuốn hút bạn khi bạn đang ở trong trạng thái mất nhận thức có tính chất thụ động như thế.

Họ muốn những suy nghĩ của họ trở thành những suy nghĩ của bạn, và thường thì họ rất dễ thành công. Vì thế khi xem ti-vi thì tâm thức bạn có xu hướng rơi xuống dưới mức độ của suy nghĩ hơn là vượt lên trên. Trong khía cạnh này thì ti-vi cũng giống như rượu bia và các chất gây nghiện khác. Trong lúc xem ti-vi, trí óc bạn như được nghỉ ngơi phần nào nhưng ngược lại thì bạn phải trả một giá rất cao: Đánh mất nhận thức.

Cũng giống như thuốc phiện, khi bạn xem ti-vi càng nhiều thì bạn càng bị nghiện. Khi đưa tay với lấy cái dụng cụ điều khiển ti-vi từ xa với chủ ý là để tắt máy thì bạn lại thấy tay mình đang đảo khắp các kênh. Cái nút “tắt” dường như là cái nút duy nhất mà tay bạn không thể bấm được. Và mắt bạn cứ dán chặt vào màn ảnh của chiếc ti-vi không phải vì trên ti-vi đang có một chương trình gì hấp dẫn, đáng xem, mà chỉ vì những gì bạn đang xem thực ra không có gì hay ho để đáng cho bạn xem tiếp.

Khi đã bị mắc kẹt vào trạng thái đó, những gì đang được trình chiếu trên ti-vi càng tầm thường vô nghĩa thì bạn lại càng dễ nghiện và không thể tự mình dứt ra được. Nếu quả thực ti-vi là một điều thú vị và làm cho bạn phải suy gẫm thì hẳn ti-vi đã kích thích làm cho bạn suy gẫm thêm, tức là làm cho bạn trở nên có nhận thức hơn và sự chú ý của bạn vì thế mà không còn hoàn toàn bị chi phối bởi những hình ảnh trên màn hình. Nhưng không may, xem ti-vi chỉ làm cho bạn đi vào trạng thái mê mẩn, bạn sẽ như một người đã bị hớp hồn khi bạn xem ti-vi quá nhiều.

Để nội dung các chương trình ti-vi có chất lượng cao thì nhà sản xuất phải giảm thiểu và hóa giải tác động thôi miên, làm tê liệt đầu óc của phương tiện truyền thông độc hại này. Tuy vậy, cũng có một số chương trình truyền hình có lợi ích thiết thực. Những chương trình đó đã giúp con người thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tốt đẹp hơn, mở rộng lòng họ, làm họ có nhiều nhận thức hơn.

Ngay cả một số phim hài, dù thoạt nhìn thì chúng chẳng đặc biệt đề cập đến cái gì, nhưng lại có thể trở thành những bài học về tâm linh bằng cách nêu lên một bức biếm họa về sự thiếu khôn ngoan của con người và bản ngã ở trong họ. Chúng dạy ta đừng quá nghiêm trọng, dạy ta tiếp cận đời sống một cách nhẹ nhàng hơn, và trên hết, chúng dạy ta biết mỉm cười.

Tiếng cười rất có tác dụng trị liệu và giải thoát. Tuy nhiên, hầu hết các đài truyền hình đều bị kiểm soát bởi những người đang bị chi phối hoàn toàn bởi bản ngã của họ, vì thế mà động cơ bên trong của các chương trình truyền hình là để kiểm soát bạn bằng cách ru ngủ bạn, tức là làm cho bạn trở nên mất nhận thức hơn. Hiện tại vẫn còn các tiềm năng lớn mà phần nhiều chưa được khám phá ra trong lĩnh vực vô tuyến truyền hình.

Bạn nên tránh xem các chương trình và quảng cáo có các chuỗi hình ảnh thay đổi quá nhanh sau mỗi hai hoặc ba giây, hoặc nhanh hơn. Việc xem ti-vi quá độ và đặc biệt là các chương trình kiểu như thế này chịu phần lớn trách nhiệm cho căn bệnh thiếu tập trung, một chứng bệnh đang ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới.

Sự thiếu chú tâm làm cho tất cả các cảm nhận và các quan hệ của bạn trở nên nông cạn và không được thỏa mãn. Dù có làm điều gì, hoặc hành động gì trong trạng thái thiếu chú tâm đó, thì chúng đều thiếu chất lượng vì chất lượng đòi hỏi sự chú tâm cao.

Xem ti-vi nhiều giờ, hoặc xem nhiều lần, không những làm bạn trở nên mất nhận thức mà nó còn tạo ra sự thụ động và làm cạn kiệt nguồn năng lượng ở trong bạn. Vì thế, thay vì xem một cách ngẫu nhiên bất kỳ một chương trình nào đang trình chiếu, bạn hãy chọn một hay hai chương trình hữu ích mà bạn muốn xem. Khi làm được như thế, bạn sẽ cảm nhận một cảm giác sống động ở trong mình trong khi xem, nhớ chú ý đến hơi thở của mình.

Trong khi xem, thỉnh thoảng bạn nên đưa mắt mình ra khỏi màn hình để cảm giác cái nhìn của bạn không bị thu hút hoàn toàn vào ti-vi. Cũng đừng nên vặn âm lượng cao hơn mức cần thiết để tai của bạn không bị chi phối quá nhiều vì phải luôn nghe âm thanh phát ra từ ti-vi. Dùng nút câm khi đang có quảng cáo và nhớ đừng đi ngủ ngay sau khi tắt máy, hoặc tệ hơn là ngủ trong khi ti-vi vẫn còn bật.

Nguyễn Văn Hạnh dịch
Previous Post
Next Post