
Chúng ta chắc đã phải từng thấy rõ những chuyện than phiền về một tình huống kẹt xe, về một chính khách, về những kẻ giàu sụ “mà vẫn còn đầy lòng tham”, hay những kẻ lười biếng, ăn không ngồi rồi, hay về những người đồng sự, người tình cũ, người hôn phối của bạn, hoặc ông này, bà kia …, có thể cho ta cảm giác rằng mình cao vượt hơn những kẻ ấy. Nhưng khi rõ ràng bạn than phiền về họ, bạn kín đáo hàm ý là bạn đúng, còn người khác thì sai.
Chẳng có gì củng cố cho bản ngã của bạn hơn việc cho rằng bạn luôn luôn đúng. Cho rằng mình luôn luôn đúng là tự đồng nhất mình với một quan điểm, một cách suy tư ở trong bạn: có thể đó là một quan điểm, một ý kiến, một câu chuyện hay một phán xét nào đó. Để thấy rằng mình đúng thì người khác chắc chắn là phải sai, vì bản ngã bạn thích biến cái gì đó thành sai để nó được đúng.
Nói cách khác: Bạn cần người khác hay một tình huống nào đó sai, để bạn có thể cảm nhận mạnh hơn về một con người, một tư cách nào đó ở trong mình. Khi bạn tỏ ra than phiền hay phản ứng về một tình huống “sai trái” nào đó nghĩa là bạn ngụ ý rằng: “Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra”. Khi bạn tự cho rằng mình đúng thì bạn tự đặt mình vào một vị thế ảo tưởng, rằng bạn có đức hạnh hơn người khác. Chính cái cảm giác vượt trội đó là thứ bản ngã bạn khát khao vì nhờ đó mà bản ngã tự củng cố chính nó.
Trích ‘Thức tỉnh mục đích sống’
Nguyễn Văn Hạnh dịch