
Bất cứ nơi nào có những điều kiện và dấu hiệu của sự giam cầm, ngay ở đó có sự đau khổ (dukkha). Quý vị nên quan sát những hình thức và những thứ đau khổ đều có tính chất giam cầm trong đó. Bị bắt giữ, giam hãm, kìm chế và phải chịu những sự khó khăn, quấy nhiễu là những đặc tính của đau khổ. Nếu hiểu được điều này, rồi bạn sẽ thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa của điều chúng tôi gọi là “upadana” (clinging: dính mắc, attachment: ràng buộc, quyến luyến). Ở đâu có sự ràng buộc, ở đó có nhà tù. Sự dính mắc buộc ràng này tự nó đem lại những điều kiện của sự giam cầm.
Ở đâu có sự dính mắc là ở đó có sự trói buộc. Sự trói buộc này có thể tích cực hay tiêu cực, nhưng cả hai đều ràng buộc như nhau. Đối với những việc này và sự chấp vào cái “tôi” và “của tôi”cũng sinh ra ràng buộc. Khi đã bị cột vào việc nào đó, chúng ta bị mắc kẹt vào nó giống như bị bỏ tù vậy.
Tất cả nguyên tắc cơ bản của Phật giáo có thể tóm tắt: Tham chấp là nguyên nhân của đau khổ, đau khổ là do tham chấp, Chúng ta phải hiểu rõ sự tham chấp. Để hiểu nó dễ dàng, chúng ta phải thấy rõ ràng nó giống như là nhà tù- một sự giam cầm trí óc hay tinh thần. Chúng ta đến đây để học Phật pháp, phát triển trí tuệ và an tịnh (samadhi = thiền định), phát triển (vipassana = thiền minh sát) khả năng sáng suốt thông hiểu mọi sự vật để có thể diệt trừ sự tham chấp. Hoặc là chúng ta nói một cách ẩn dụ rằng học Phật pháp mở mang trí tuệ để phá bỏ ngục tù đang giam giữ chúng ta.
Chúng ta đang nói về một nhà tù trí óc hay tinh thần, nhưng nó cũng có nghĩa như một nhà tù thật sự. Nó giống như những nhà tù vật chất giam cầm con người ở khắp nơi. Bây giờ chúng ta chỉ nói về cái nhà tù tinh thần. Nhà tù này hơi lạ và khác thường, chúng ta không thể thấy nó bằng mắt. Bất thường hơn nữa là con người tự nguyện bị giam trong nhà tù này. Thực sự người ta thích vào và bị giam trong nhà tù này. Đây là một điều quái lạ của nhà tù tinh thần.
Tự do là thoát khỏi nhà tù.
Các bạn nên nhớ lại danh từ “cứu rỗi” (salvation) và “tự do” (liberation) thường dùng trong các tôn giáo. Mục đích cuối cùng của mọi tôn giáo là cứu rỗi hay giải thoát, hoặc là danh từ nào thích hợp nhất trong mỗi ngôn ngữ. Nhưng tất cả những danh từ này đều có nghĩa là - được cứu vớt.
Tất cả tôn giáo đều dạy cứu rỗi. Tuy nhiên, được cứu khỏi cái gì? Chúng ta được cứu ra khỏi ngục tù tinh thần. Điều mà tất cả các bạn muốn và cần ngay trong lúc này là “tự do” hay “tự quyết”, điều này đơn giản là ra khỏi nhà tù. Hoặc nhà tù vật chất hay nhà tù tinh thần, ý nghĩa cũng như nhau. Trong mọi trường hợp chúng ta đều cần tự do.
Những người thiếu trí chỉ có thể thấy và sợ nhà tù vật chất. Nhưng những ai có trí tuệ quan sát sâu sắc sẽ thấy ngục tù tinh thần thật là đáng sợ và rất nguy hiểm. Quả thật chúng ta thấy ít có người bị giam trong những nhà tù bình thường, trong khi mọi người trên thế giới đều bị giam giữ trong ngục tù tinh thần. Thí dụ, mọi người ngồi đây đều thoát khỏi nhà tù bình thường, nhưng tất cả đều bị giam trong nhà tù tinh thần. Nó khiến chúng ta thích Phật pháp, đến học Phật pháp và thực tập phát triển tâm linh, nó là sự áp bức và sức mạnh cầm giữ chúng ta trong nhà tù tinh thần này. Các bạn có cảm thấy hay không, điều đó chẳng quan trọng. Bất kể thế nào, nó buộc chúng ta phải chống lại và tìm cách thoát ra khỏi sự giam hãm tinh thần. Tuy nhiên, nó đang thúc bách các bạn dù bạn có biết hay không, phải tìm kiếm tự do tinh thần. Vì vậy các bạn đến đây hay những nơi như thế này để tìm kiếm nó.
Mặc dù cái ràng buộc chúng ta tự nó chỉ có một tên là Tham luyến (upadana), mà nhà tù này lại có nhiều hình thức khác nhau. Có hàng chục kiểu, loại nhà tù. Nếu chúng ta dùng thời gian để nghiên cứu mỗi loại nhà tù, nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hiện tượng này hơn.
Rồi chúng ta cũng hiểu rõ về sự ràng buộc cũng như tham dục và sự ô nhiễm, theo lời Phật dạy đó là nguyên nhân của đau khổ (dukkha). Nếu hiểu thấu một cách rõ ràng nguyên nhân của sự giam cầm, chúng ta sẽ hiểu được nguyên nhân của sự đau khổ.
Tôi muốn khuyên các bạn dùng chữ upadana thay vì chữ “attachment” tham luyến dính mắc hay một tiếng Anh nào khác để dịch ra. Vì những tiếng Anh này thường bị hiểu lầm. Có thể bạn không hiểu đầy đủ vào lúc này, nhưng cố gắng dùng chữ upadana cho miệng, trí óc và ý tưởng của bạn quen với nó. Chúng ta phải hiểu rằng trọng tâm của Phật giáo là tận trừ, dứt bỏ hay cắt đứt upadana cho hết sạch đi. Như vậy mới không có nhà tù và không có đau khổ (dukkha).
Các bạn phải dùng ý nghĩa của những tiếng Anh là quyến luyến, tham lam và bám chặt, gom lại để có nghĩa của chữ upadana (tham chấp). Tốt hơn là chúng ta nên dùng chữ upadana. Ý nghĩa nó rộng hơn làm cho chúng ta có thể quán sát vấn đề một cách sâu sắc và bao quát hơn.
Điểm cốt yếu duy nhất của Phật giáo.
Có thể nó chỉ là một từ đơn giản thôi, nhưng upadana là điều quan trọng nhất. Trọng tâm của đạo Phật là nhổ tận gốc rễ hay là chặt đứt upadana (tham chấp), rồi dukkha (đau khổ) sẽ chấm dứt. Xin vui lòng hiểu rằng đây là điểm cốt yếu của đạo Phật, nó được thấy trong mọi môn phái. Phật giáo nguyên thủy, Đại thừa, Phật giáo Tây Tạng, bất cứ tông phái Phật giáo nào bạn thích, chỉ khác nhau về danh từ, hay về những nghi lễ, hình thức thực hành bên ngoài. Nhưng bên trong tất cả đều giống nhau là dứt trừ upadana (tham chấp).
Không nên buồn rầu, chớ thất vọng hay lo lắng, đừng tự làm cho mình phải lo nghĩ rằng bạn đã không thể học tập tất cả mọi tông phái đạo Phật. Chớ lo lắng nếu bạn đã không thể học Phật pháp ở Tây Tạng, Tích Lan, Miến điện, Trung Hoa hay ở bất cứ nơi nào khác. Điều ấy chỉ phí thời giờ thôi. Chỉ có một điều cốt tủy đơn giản hay trọng tâm của tất cả, ấy là tận trừ upadana (tham chấp). Những nhãn hiệu Nguyên Thủy, Đại thừa, Thiền, Tây Tạng hay Trung Hoa, chỉ phản chiếu cái mặt ngoài của những điều hình như là những tông phái khác nhau của đạo Phật mà thôi. Nếu có vài điều khác nhau đó chỉ là cái bên ngoài nông cạn, chỉ là những nghi thức, lễ lạc được gom góp lại. Trung tâm đích thực của vấn đề, trọng tâm của Phật giáo là giống nhau ở mọi nơi: nhổ gốc rễ và chặt đứt upadana. Bởi thế chỉ cần học một điều này. Đừng phí thời gian mà buồn rầu và nghĩ rằng mình đã không được học tất cả những pháp môn khác nhau của đạo Phật. Hãy học một việc đơn giản là cắt đứt upadana, thế là đủ.
Nếu anh thực sự có nguyện vọng muốn học Phật giáo Đại thừa, thì anh sẽ phải đi và học chữ Sanskrit (tiếng phạn, Ấn Độ). Anh có thể dùng hầu hết cuộc đời cố gắng học Sanskrit mà thật sự vẫn chưa hiểu gì cả. Nếu anh muốn hiểu biết về thiền, anh phải học tiếng Trung Hoa. Trải qua suốt cả cuộc đời để học tiếng Hoa và cuối cùnh anh vẫn không hiểu được thiền. Để hiểu mật tông của Phật giáo Tây Tạng, anh phải học tiếng Tây Tạng. Chỉ học tiếng Tây Tạng thôi cũng mất hết cả đời, tuy nhiên anh vẫn chưa học được cái gì hết. Anh vẫn không đạt được trọng tâm đạo Phật. Đây chỉ là những bề mặt cần có như là những sự phát triển mới. Hiểu được trọng tâm của tất cả và chỉ học một điều thôi là - chặt đứt upadana. Rồi bạn sẽ hiểu được cốt tủy của Phật giáo, cho dù nó mang nhãn hiệu nào Đại thừa, Nguyên thủy, Thiền hay mật tông. Dù nó từ Trung Hoa, Nhật Bản hay Triều Tiên, hay một nơi nào khác, tất cả chỉ có một điểm – chặt đứt upadana.
Ngay trong một tông phái nguyên thủy thôi cũng có nhiều hình thức khác nhau. Cũng có nhiều cách khác nhau để rèn luyện tâm trí. Có cách tu thiền của Miến Điện, họ quan sát sự phồng lên và dẹp xuống của bụng. Có những cách dùng các câu thần chú “Samma Araham” và “Buddho Buddho”, cũng như những thứ khác nhau. Nhưng nếu nó là đúng đắn, thì trọng tâm của mỗi thứ luôn luôn chính xác là cùng một điểm: Sự cần thiết là tận trừ upadana. Nếu không đạt được sự dứt trừ upadana thì nó chưa phải là pháp chân chính. Nó sẽ không có giá trị và không lợi ích gì. Tại sao không quan tâm đến vấn đề chặt đứt upadana, hay nói chúng ta nói cách thí dụ là phá hủy ngục tù? Như thế tốt nhất là chúng ta nói thêm về cái nhà tù này.
Khám phá nó ở bên trong.
Nói một cách chính xác, thực sự chúng ta không thể học từ kinh sách, phương pháp hay những lời dạy khác nhau, nếu chúng ta muốn thật sự được thành công. Để gặt hái thành công bất cứ ích lợi nào, chúng ta phải học chính điều đó, gọi là cái nhà tù thật sự. Nghiên cứu ngay chính cái dukkha thực sự, chính là nhà tù. Bởi vậy, tốt hơn là chúng ta tìm cho thấy cái ngục thất này.
Đến đây chúng ta đứng trước hai sự chọn lựa: Các bạn sẽ học từ bên ngoài hay từ bên trong? Sự phân biệt thật quan trọng. Đức Phật dạy rằng chúng ta phải học từ bên trong. Việc học bên ngoài là từ sách vở, lễ nghi, rèn luyện hay những thứ khác như vậy. Những việc mà chúng ta phải học, Đức Như Lai đã dạy trong lúc thân thể đang còn sống. Có nghĩa là một thân xác còn sống và một tâm trí còn sống, không phải là một vật đã chết. Đó là nơi mà việc học thật sự xảy ra, vậy hãy học ở đó. Học từ bên trong, nghĩa là học trong chính bản thân bạn lúc còn sống, trước khi bạn chết. Những nghiên cứu bên ngoài, học từ sách vở và những nghi lễ và tập tục khác nhau, thật sự không có giá trị gì cả. Bởi vậy, chúng ta hãy học từ bên trong. Xin vui lòng nhớ những chữ này “Hãy học từ bên trong”.
Tập luyện samadhi và vipassana (thiền định và trí tuệ), ấy là phát triển ý thức về hơi thở, làm như vậy là việc học từ bên trong. Thực hành việc học nội tâm này cần phải có sự kiên nhẫn và chịu đựng, nhưng không nên quá sức. Thật sự đem so sánh với một vài việc người ta đang luyện tập như những môn thể dục, thể thao và môn nhào lộn đu bay, thì việc tập luyện thiền định và phát triển trí tuệ là ít khó khăn hơn. Tuy nhiên người ta có đủ sức chịu đựng và kiên tâm để có thể làm những việc đó. Trong khi chỉ cần có sự kiên nhẫn bình thường là chúng ta có thể luyện tập thiền định và trí tuệ, qua sự tỉnh thức về hơi thở. Một số người không thể làm được và hoàn toàn tránh xa. Chúng ta có đủ kiên tâm để tiến xa hơn, nếu tiếp tục thêm nữa, rồi chúng ta sẽ có thể thực hành và sẽ nhận được những ích lợi xứng đáng. Bởi vậy, xin vui lòng tự mình áp dụng việc tu tập với đầy đủ kiên nhẫn và chịu đựng.
Đời sống chính là nhà tù.
Dùng phép ẩn dụ (metaphors) để làm cho vấn đề chúng ta đang thảo luận dễ hiểu hơn. Chúng ta sẽ áp dụng hôm nay tại đây. Nhà tù đầu tiên mà bạn phải tìm thấy là chính đời sống này. Nếu bạn nhìn cuộc đời như là một nhà tù và thấy nhà tù chính là nó, như thế chúng ta phải nói rằng bạn hoàn toàn hiểu sự thật của bản chất tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết mọi người nhìn cuộc đời là thú vị và cơ hội để có sự vui vẻ. Họ muốn sống để hưởng sự vui thú ở đời. Rồi họ trở nên mê mờ và ràng buộc vào cuộc sống, điều này biến cuộc đời thành nhà tù.
Nếu chúng ta thấy đời là nhà tù, chúng ta phải thấy sự tham chấp ở đời. Nếu không thấy sự tham chấp thì chúng ta sẽ không thấy rằng cuộc đời là nơi giam cầm và chúng ta hài lòng nghĩ rằng đời sống là thiên đường. Bởi vì có rất nhiều thứ ở đời làm thỏa mãn chúng ta, nó đánh lừa và làm chúng ta mê muội; tuy nhiên đối với bất cứ điều gì mà chúng ta thấy hài lòng, dễ chịu, hấp dẫn và ham mê thì cũng sẽ có upadana. Điều này trở thành nhà tù. Cho nên những điều mà chúng ta yêu thích càng nhiều thì bị giam cầm càng nhiều bởi vì upadana. Ngay khi chúng ta ghét hay không thích điều gì thì nó trở nên sự tham chấp tiêu cực, nó cũng là một nhà tù. Bị đánh lừa và mê hoặc bởi sự tích cực hay tiêu cực, cả hai đều là nhà tù. Những loại nhà tù ấy biến đời sống thành dukkha.
Thêm vào đó, người ta sẽ có khả năng nhìn thấy rằng khi nào có upadana trong cuộc đời, thì cuộc đời trở thành nhà tù. Cũng như thế, khi không có tham chấp, thì cuộc đời không còn là nhà tù. Các bạn có thể thấy điều này ở đây, ngay bây giờ. Hoặc có hay không có upadana trong đời sống của bạn. “Đời tôi có phải là một nhà tù hay không? Tôi có đang sống trong nhà tù của upadana hay không?” Mỗi bạn phải nhìn thật kỹ vào trong tâm mình và thấy một cách rõ ràng tuyệt đối cuộc đời phải là một nhà tù đối với bạn hay không? Các bạn có phải đang sống trong nhà tù hay không? Nói cách khác, tại sao chúng ta đến đây để tu thiền, để phát triển trí tuệ?
Thực chất của mục đích thật sự và chủ tâm của sự phát triển trí tuệ là để tiêu trừ những nhà tù của chúng ta. Hoặc là việc học và thực hành của các bạn có kết quả, hoặc là bạn có thể phá hủy được nhà tù hay không, đó là câu hỏi khác. Tuy nhiên, mục đích và chủ tâm thật sự của chúng ta là phá bỏ cái nhà tù của cuộc đời.
Hãy xem xét vấn đề này một cách cẩn thận. Nếu không nhận thức được upadana, chúng ta bị bắt vào tù cho dù không chấp nhận đó là nhà tù. Chúng ta bị mắc bẫy vào nhà tù mà chẳng hiểu gì là nhà tù. Hơn nữa, chúng ta còn hài lòng và mê đắm nhà tù, như là chúng ta đã say mê và thỏa mãn với cuộc sống. Chúng ta bị giam cầm trong nhà tù cuộc sống. Chúng ta sẽ làm gì để không bị cầm tù? Đây là một câu hỏi mà chúng ta phải trả lời một cách cẩn trọng và đúng đắn.
Chúng ta sống thế nào để đời sống không phải là một nhà tù? Câu hỏi này hàm ý rằng bình thường và tự nhiên, cuộc đời không phải là một nhà tù, mà chỉ vì chúng ta làm cho nó thành nhà tù qua upadana. Bởi vì chính sự ngu si, dại dột, sự thiếu hiểu biết đúng đắn, chúng ta có upadana trong đời sống. Cho nên cuộc đời trở thành tù ngục đối với chúng ta. Ở Thái Lan có một câu vừa thô thiển vừa nghiêm túc “som nam na man”, có nghĩa là “thật đáng đời anh”. Đời không phải là nhà tù hay là một thứ nào như thế, nhưng vì do sự ngu mê chúng ta tạo ra upadana, bởi vô minh nên mới có nhà tù. Chúng ta không thể nói gì khác hơn là “som nam na man, thật đáng đời anh”.
Nếu anh thực hành thiền minh sát (anapanasati-bhavana) có kết quả tốt, anh sẽ hiểu rõ cuộc đời hơn. Anh sẽ hiểu rõ upadana và anh sẽ không có bất cứ tham chấp nào trong “cuộc sống”. Rồi bất cứ nhà tù nào hiện ra, cũng tan rã và biến mất, những nhà tù mới không nảy sinh ra nữa. Lối sống này có giá trị nhất, nhưng ai có được nó hay không lại là một vấn đề khác. Bạn hãy vui lòng cố gắng hiểu rõ vấn đề này. Điều này thúc đẩy bạn tự mình áp dụng với năng lực và kiên nhẫn để có thể phá tan ngục tù.
Có một cách để xem xét những sự kiện này là quán sát cuộc đời phải diễn tiến theo luật tự nhiên, hoặc chính chúng ta phải sống theo quy luật thiên nhiên. Chúng ta phải tìm kiếm thực phẩm, phải hoạt động, phải nghỉ ngơi và thư giản, phải làm việc để giữ gìn và bảo vệ cuộc sống của chúng ta: chúng ta phải làm những điều này và tất cả những việc khác mà bạn biết rõ. Không làm những việc đó là không thể được. Chúng ta bắt buộc phải làm. Đây cũng là một nhà tù. Vấn đề là chúng ta phải luôn luôn tuân theo luật tự nhiên là một thứ nhà tù. Làm sao chúng ta thoát khỏi nhà tù đặc biệt này được?
Tại sao chúng ta bị bắt vào tù phải sống theo luật tự nhiên? Nhà tù này đến từ upadana của chúng ta về chính mình, hay là đối với cuộc đời của chúng ta. Khi có sự tham chấp đối với mình, thì cái “Tôi”, cái bản ngã sinh ra. Cái “Tôi” này lo âu, sợ hãi, những bổn phận tự nhiên này, chúng tạo ra sự bất hạnh. Những điều khó khăn này đến từ tham chấp. Nếu chúng ta không có tham chấp đối với cái Tôi, thì những bổn phận cần thiết này sẽ không giống như một nhà tù. Chúng ta sẽ tìm kiếm những nhu cầu, có được đời sống, sử dụng và săn sóc thân thể, không bị khổ sở, nếu chúng ta không có tham chấp đối với đời sống. Điều này rất vi tế, nó là một điều bí mật đối với hầu hết mọi người. Đây là điều huyền bí của chân lý tự nhiên. Chúng ta phải sống thế nào để không có upadana liên hệ với sự kiện mà mọi vật trong đời sống này phải diễn biến theo luật tự nhiên.
Bản năng là nhà tù.
Xem xét đến nhà tù tiếp theo là chúng ta sống theo ảnh hưởng của những bản năng. Chúng ta ở trong quyền lực của bản năng. Tất cả mọi sinh vật, hoặc là con người, thú vật hay cây cỏ đều có bản năng. Những bản năng này thường xuyên áp lực chúng ta đi theo những lợi ích và nhu cầu của chúng. Đây là một sự thật đặc biệt đối với bản năng giới tính hay sinh sản. Nó điều khiển, làm phiền, tạo thành và làm phức tạp đời sống chúng ta rất nhiều. Cảm giác về ái dục và sinh sản thúc ép, áp lực và quấy rầy chúng ta quá nhiều, chúng bắt ép chúng ta trải qua tất cả mọi sự khó khăn. Nhưng chúng ta không thể dừng lại được! Đôi khi chúng ta còn thích thú nữa. Trẻ em lớn lên đến tuổi trưởng thành lúc bản năng giới tính đã đầy đủ, rồi chúng cũng bị bắt vào nhà tù của bản năng tính dục.
Cuối cùng, ngay cả bản năng của sự phô trương cũng điều khiển đời sống của chúng ta. Nhiều người không nghĩ đây là một bản năng, nhưng tất cả mọi loài vật đều có nó. Sự cần thiết phô trương, khoác lác, biểu lộ bản ngã là một bản năng. Ngay cả thú vật cũng có căn bệnh muốn khoe khoang rằng chúng là đẹp, khỏe mạnh hay lanh lợi. Dù đây là bản năng điên khùng nhất, lố lăng nhất, nó là một nhà tù.
Chúng ta muốn khoe khoang và khoác lác. Nếu nó không phải là nơi giam cầm thì nó sẽ không cưỡng bức và đàn áp chúng ta tí nào cả. Tuy nhiên, bây giờ nó ép chúng ta mua áo quần tốt, châu báu đẹp, giày dép xinh xắn, và mua thật nhiều nữa! Tại sao chúng ta phải mua nhiều áo tốt và nhiều đôi giày đẹp? Tại sao chúng ta cần hết thảy chúng nó? (Xin lỗi, ở đây chúng tôi phải đặc biệt đề cập đến phụ nữ). Có bản năng muốn phô trương này, và nó là một loại nhà tù. Bởi vì người ta không thể chịu đựng nó được, họ bị buộc phải theo bản năng nấy, tiêu xài tất cả tiền bạc vào đủ thứ việc. Cái bản năng khoe khoang thật là buồn cười và lố lăng hơn hết. Nó thật sự là một nhà tù. Người ta không bao giờ có đủ tiền bạc là do cái nhà tù này. Xin vui lòng xem xét và phản tỉnh một cách thận trọng về những thí dụ của những bản năng mà chúng tôi đã nêu ra. Chúng nó cũng là những nhà tù.
Nếu chúng ta suy nghĩ về điều này, nếu chúng ta làm một bảng thống kê về tất cả những tiêu pha của chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng một số người tiêu xài nhiều tiền cho quần áo, châu báu, và giữ gìn cho chính họ luôn luôn xinh đẹp hơn là họ dùng cho thực phẩm. Hơn nữa, họ nhất định phải trang hoàng và làm đẹp nhà cửa việc này làm gia tăng sự tiêu pha của họ. Cả hai thứ này họp lại phí tổn nhiều hơn họ dùng để mua thức ăn là thứ cần thiết cho đời sống. Chúng ta đã dùng nhiều tiền bạc vào những việc không cần thiết cho đời sống hơn là dùng vào những thứ cấn thiết cho đời sống như là thực phẩm. Đây là một con đường nữa dẫn đến sự giam cầm trong hệ thống nhà tù.
Những giác quan là nhà tù.
Tiếp theo đây, chúng ta đến một nhà tù vui thú nhất, nhà tù gần nhất với chúng ta. Đây là sáu căn (six senses)(aytaana): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sáu giác quan trung gian hay môi giới. Chúng nó cũng là những nhà tù. Hãy từ từ, cẩn thận nhận xét chúng nó. Hãy lắng nghe thận trọng để hiểu những mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của chúng ta - tất cả sáu giác quan - trở thành những nhà tù như thế nào.
Trong tiếng Pali chúng ta gọi chúng nó là “ayatana” lục căn. Nguồn gốc của chữ này trong văn chương có nghĩa là “những dụng cụ hay phương tiện để giao thông với thế giới bên ngoài”. Chúng ta gọi là lục căn “ayatana”. Nếu các bạn muốn, thì dùng chữ Pali này “ayatana”. Chúng tôi không chắc chắn gọi chúng là gì trong Anh ngữ, có thể là “giác quan trung gian” hay “những vật môi giới”. Tất cả sáu giác quan này là những nhà tù.
Chúng ta có tham chấp “upadana” đối với cuộc đời, đối với tự thân chúng ta, thì có sáu trung gian để cảm giác, kinh nghiệm, truyền thông, hay để cảm xúc, và tiếp nhận ngoại vật. Khi có tham chấp đối với sáu giác quan này, chúng ta phục vụ và trở nên nô lệ của chúng nó. Chúng ta phục vụ làm hài lòng cho đôi mắt. Chúng ta phục vụ làm hài lòng đôi tai. Chúng ta phục vụ làm cho mũi hài lòng. Chúng ta phục vụ làm cho lưỡi hài lòng. Chúng ta phục vụ làm cho da thịt và cơ thể dễ chịu. Chúng ta phục vụ cho tâm ý, giác quan trí óc, để cho làm nó yêm dịu và thoải mái. Đây có nghĩa là tất cả hành vi của chúng ta chỉ để giải trí cho sáu giác quan. Mọi việc chúng ta làm là vì sáu giác quan này. Chúng ta đầu hàng và trở thành nô lệ chúng nó. Rồi chúng nó nắm chặt và điều khiển chúng ta, không thể nào trốn thoát được. Chúng ta gọi đây là “bị giam vào tù của sáu giác quan”.
Giả thử hoặc người nào, hoặc có ai trong các bạn, chưa từng nô lệ cho sáu giác quan. Và các bạn tự nguyện phục vụ chúng, có phải không? Bạn chịu đựng những sự khó nhọc và cúi mình để phục vụ chúng, luôn luôn tìm những cách làm cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý hài lòng và vui vẻ trong tư cách của một người nô lệ. Vì thế chúng ta phải tự nhận là những kẻ nô lệ. Những người thiếu thông minh sẽ chắc chắn làm nô lệ cho sáu giác quan, sẽ tiếp tục bị giam vào nhà tù của giác quan. Nhờ sự tập luyện đúng và có kết quả của thiền minh sát, chúng ta có thể thoát khỏi cái nhà tù này. Nếu chúng ta tập thiền minh sát không đúng cách và không hoàn hảo, chúng ta sẽ bị giữ trong nhà tù của giác quan không biết đến bao lâu.
Mê tín là nhà tù
Đối với nhà tù sau đây, chúng tôi muốn kể đến chuyện bị lừa đảo bởi một việc gọi là “saiyàsatr”. Saiyà là ngủ. Sàtr là khoa học. Kết lại có nghĩa là “sleepy science” khoa học ru ngủ. Tất cả các hình thức mê tín và tín ngưỡng là saiyàsatr. Càng có nhiều ngu dốt, càng thiếu sự hiểu biết đúng đắn, thì càng bị lún sâu vào bẫy của những nhà tù mê tín. Bây giờ giáo dục và khoa học đã tiến bộ, đưa đến sự hiểu biết những sự thật của tự nhiên và tất cả mọi việc. Vẫn còn quá nhiều cạm bẫy trong những nhà tù mê tín. Đó là vấn đề cá nhân, một số người bị mắc kẹt rất nhiều, một số khác ít hơn. Con người bị mắc kẹt theo nhiều mức độ và cách thức khác nhau, nhưng chúng ta có thể nói rằng vẫn còn người bị mắc vào nhà tù của khoa ru ngủ, bị sập bẫy bởi mê tín.
Mặc dù tổng quát mê tín đã có giảm bớt nhiều nhờ tiến bộ khoa học, nhưng vẫn còn một ít khoa ru ngủ trong các nơi thờ cúng (temples), và trong những nơi thuộc loại như thế. Cho dù sự mê tín có giảm đi một cách tổng quát, vẫn có một số tồn tại trong những nơi như thế. Bất cứ ở đâu có những bàn thờ (altars), có người lễ lạy và tôn thờ, được gọi là nơi huyền bí (sacred) và thiêng liêng (holy), đó là nơi hiện hữu “học thuật của người mê ngủ” (science of the sleeper).
Mê tín là khoa học ru ngủ dành cho người đang muốn ngủ, cho những người không hiểu biết đúng đắn, họ là những kẻ si mê. Chúng ta được dạy những điều này khi còn nhỏ, trước khi có trí khôn và khả năng để suy luận về việc này. Trẻ em tin tưởng vào những gì chúng được dạy bảo, và “người lớn” dạy chúng nhiều điều mê tín. Nếu bạn còn tin rằng số 13 là một con số xui xẻo, đó là khoa học ru ngủ. Bạn vẫn còn đang mê ngủ. Có nhiều thí dụ về mê tín khác nữa nhưng chúng ta không nên nêu tên ra ở đây. Một số người có thể bực mình khó chịu! Những thứ này đều là nhà tù. Tại sao không xem xét cẩn thận để thấy chúng thật sự như vậy. Ngay cả con số 13 cũng trở thành một nhà tù, khi chúng ta dại dột!
Những nơi thiêng liêng là nhà tù.
Chúng ta có nên tiếp tục với những nơi mà được mệnh danh là thiêng liêng và huyền bí, hay danh tiếng và được ca tụng tôn vinh, hay được đồn đãi là rất tuyệt vời và có uy tín mà bất cứ ai trở thành hội viên cũng có thanh thế không? Có một số nơi như vậy và những chi nhánh chung quanh. Ngay khi có vài người ghi tên làm hội viên của đoàn thể hay tổ chức này, của chi nhánh hay cơ sở kia, họ bắt đầu có tư tường và ý nghĩ về nó. Họ cảm thấy rằng “Chúng ta tốt hơn những người khác” hoặc là “Chúng ta là đúng, còn những người khác là ngu dốt”. Họ bám chặt và dính mắc vào mà không có một chút suy xét hay suy nghĩ phê phán.
Theo cách này, cơ sở này hay ngay cả nơi thờ phụng (church) ấy – chúng tôi không thể nói khác được - trở thành một nhà tù. Chúng tôi xin lỗi các bạn, đừng nghĩ rằng tu viện Suan Mokk là nơi thiêng liêng huyền diệu, nếu không thì Suan Mokk sẽ trở thành một nhà tù. Xin đừng biến Suan Mokk thành nhà tù của bạn. Bạn phải suy nghĩ tự do, xem xét cẩn thận và đánh giá chính xác. Hiểu biết và tin tưởng những gì thật sự có ích lợi. Chớ để bị cầm tù trong bất cứ cơ sở nổi tiếng hay có thanh thế nào cả.
Đạo sư là những nhà tù
Bây giờ chúng ta đến với nhà tù gọi là “ajahn” thầy giáo, giáo sư hay đạo sư. Ở Miến Điện có “Sayadaw This” nhà Sư này, ở Tích Lan có “Bhante That” vị Sư kia, ở Tây Tạng có “Lama So and So” đức Lạt Ma nọ, ở Trung Hoa có “Master Whoever” vị Pháp Sư nào đó. Mỗi nơi có vị thầy nổi tiếng của họ tên tuổi được loan truyền ra khắp nơi. Hoặc là một nước, một vùng, một tỉnh hay một địa phương, mỗi nơi đều có vị đạo sư lớn của họ.
Rồi người ta bị dính mắc và lôi cuốn bởi những vị thầy của họ dường như chỉ có vị thầy này là đúng đắn; thầy của họ mới phải và tất cả những vị thầy khác đều hoàn toàn sai lầm. Họ từ chối lắng nghe những vị thầy của người khác. Họ không suy nghĩ hay xem xét lại những lời dạy của thầy họ. Họ bị giam vào “nhà tù sư phụ”- “Teacher Prison”. Họ biến ông thầy thành nhà tù, rồi bị giam vào trong đó. Nó là một sự ràng buộc phi lý thật buồn cười. Một vị thầy hoặc lớn hay nhỏ cũng chỉ là sự tham chấp như nhau. Họ tiếp tục xây dựng những nhà tù bên ngoài các vị thầy và các bậc đạo sư của họ. Xin chớ nên bị giam vào chính cái nhà tù này.
Những vật thiêng liêng là những nhà tù.
Nhà tù tiếp theo là những kinh sách thiêng liêng, chúng ta có thể tìm thấy khắp nơi. Trong số những người ít trí tuệ, càng bám chặt vào những vật này lại càng “linh thiêng” (holy). Chúng có thể trở nên vật đại diện hay thay thế cho Thượng Đế (God). Dường như chỉ mang vào mình những kinh điển linh thiêng là giống như nhận được sự gia hộ thật sự. Điều này khiến sinh ra nhiều thứ những vật linh thiêng như: những xá lợi thiêng liêng, nước thánh, và những loại thiêng liêng như thế. Hãy rất cẩn thận với danh từ “linh thiêng” (holy) này. Nó sẽ trở thành nhà tù trước khi bạn hiểu được nó. Vật gì càng thiêng liêng nó càng giam hãm nhiều bấy nhiêu. Hãy coi chừng cái gọi là “linh thiêng” hay “thánh thiện”.
Các bạn nên biết rằng không có gì linh thiêng hơn Luật Nhân Duyên “Law of Idappaccayata”, là sự thiêng liêng tối thượng, cao hơn tất cả mọi thứ.
Bất kể một thứ linh thiêng nào bởi tập quán hay do người ta bịa đặt ra, đều là do tham chấp. Bất cứ nơi nào có sự linh thiêng do tham chấp (upadana), thì linh thiêng ấy là một nhà tù. Luật Nhân Duyên tự nó là thiêng liêng không cần một sự ràng buộc nào. Không cần có tham chấp. Nó sẵn sàng điều hành mọi thứ và chính tự nó là thật sự linh thiêng. Xin chớ để bị giam cầm vào nhà tù của những vật thiêng liêng. Đừng làm những vật thiêng liêng thành nhà tù của bạn.
Việc thiện là nhà tù.
Một nhà tù khác nữa rất quan trọng, nó là nguyên nhân của các vấn đề khó khăn. Nhà tù này được gọi là “việc thiện” (goodness). Mọi người thích điều “thiện” và dạy bảo nhau làm thiện. Rồi họ sùng bái điều thiện. Nhưng ngay khi có sự tham chấp xen lẫn vào điều mà họ gọi là thiện, thì điều thiện ấy trở thành nhà tù. Bạn phải có lòng thiện, có tính tốt, không có lòng tham chấp. Như thế điều thiện không thành nhà tù. Nếu có tham chấp (upadana) thì nó thành nhà tù. Như chúng tôi đã nói, người ta quá say mê điều thiện, họ say sưa và tan biến trong điều thiện, cho đến khi nó biến thành vấn đề khó khăn. Bởi vậy nên tuyệt đối cẩn thận đừng biến điều thiện thành nhà tù. Nhưng giờ đây chúng tôi không thể làm gì để giúp đỡ cả, mọi người đều bị giam trong nhà tù việc thiện, hiển nhiên bị sập bẫy một cách mù quáng trong nhà tù từ thiện.
Nếu bạn là người theo đạo Cơ Đốc (Christian), chúng tôi đề nghị các bạn hãy suy nghĩ cẩn thận và cân nhắc nhiều về lời dạy trong sách Sáng Thế (Genesis) ở đó điều thiện ngăn cấm Adam và Eva ăn trái Cây Hiểu Biết về Thiện và Ác (The Tree of the Knowledge of Good and Evil). Đừng đi đến và ăn nó, hay là sẽ dẫn đến việc hiểu biết để phân biệt giữa thiện và ác. Rồi nó sẽ ràng buộc với sự tham chấp đối với điều thiện và ác. Rồi thì thiện và ác trở thành những nhà tù. Lời dạy này rất sâu xa và tốt lành, thông minh và khôn ngoan nhất, nhưng hình như không có ai hiểu. Người ta không chứng tỏ sự quan tâm nhiều về việc này và như vậy không thể là những người Cơ Đốc đúng đắn. Nếu họ đích thực là những người Cơ Đốc thì không nên dính mắc với tham chấp đối với thiện hay ác. Chúng ta không nên làm cho thiện hay ác trở thành những nhà tù. Đây có nghĩa là không bị bắt nhốt vào nhà tù của điều thiện.
Chúng ta đã nuốt trái cấm và trở nên biết điều thiện ác, rồi bị bắt giữ và mắc kẹt vào điều thiện và ác. Chúng ta gặp phải khó khăn liên tục từ đó, thế nên nó được gọi là “tội tổ tông” hay đôi khi gọi là “tội vĩnh hằng”. Nó trở thành nhà ngục căn nguyên, một nhà tù vĩnh viễn. Xin hãy coi chừng: hãy cẩn thận đừng để bị giam vào ngục căn nguyên, cái nhà tù vĩnh viễn này. Đừng bao giờ để tự mình bị nhốt vào nhà tù này.
Bị giam giữ vào trong việc thiện, hay điều lành, ngay lúc người ta bị bắt vào nó tiếp tục kéo đi xa hơn, suốt cả con đường đến chỗ tốt lành nhất, đến nơi tối thiện. Rồi điều tối thiện sẽ biến thành nhà tù tối cao. Nếu phát triển theo lối này, Thượng Đế sẽ trở thành cái nhà tù tối thượng. Mong các bạn hiểu và nhớ rằng sự tham chấp xây dựng nhà tù theo cách này.
Tri kiến là nhà tù.
Nhà tù sau đây là tri kiến của chính chúng ta. Tiếng Pali ditthi thật khó phiên dịch. Ditthi là tất cả những kiến thức, tư tưởng, ý niệm, học thuyết, quan điểm, đức tin và sự hiểu biết. Ditthi nghĩa là tất cả những tư tưởng, quan điểm, học thuyết và đức tin của cá nhân chúng ta. Nó không phải chỉ là một số quan điểm và một ít đức tin, nó là tất cả mọi tri kiến. Mọi thứ chúng ta dùng để quan sát và kinh nghiệm gọi là “ditthi” tri kiến.
Chúng ta bị giam vào nhà tù tri kiến của chúng ta. Chúng ta không nghe lời bất cứ ai ngoại trừ tri kiến của mình. Đây là nhà tù đáng sợ nhất, bởi vì chúng ta tiến hành theo tri kiến riêng của chúng ta một cách mạnh mẽ, vội vàng và nóng nảy. Chúng ta quay lưng lại và đánh mất những điều có lợi cho chúng ta, bởi vì đầu óc chúng ta khép kín trước mọi sự trừ những ý kiến, tin tưởng và tri kiến của mình. Bởi thế, những tri kiến trở nên cái nhà tù kinh khủng nó bắt giữ và khóa chúng ta vào trong sự hiểu biết chỉ một chiều. Hãy đề phòng nhà tù tri kiến của ta.
Trong sạch là nhà tù tối cao.
Tiếp theo, chúng ta đến với một nhà tù thật sự lạ lùng và kì diệu; bạn có thể gọi nó là “nhà tù tối cao”. Nhà tù tối cao được người ta gọi là “không có tội” hay “trong sạch”. Thật khó mà hiểu chính xác ý nghĩa của nó qua danh từ này. Chúng ta nghe đủ loại chuyện trò về vô tội và trong sạch, nhưng hình như người ta không hiểu họ đang nói về cái gì.
Sự trong sạch bám chặt và ràng buộc, được đánh giá như thế này thế nọ, được tôn thờ, dùng để phô trương và tranh giành, để khoác lác “Tôi là” trong sạch như thế nào. Nhưng nếu có sự “tham chấp” (upadana), tất cả chỉ là trong sạch trong tham chấp, không thật sự là trong sạch. Có nhiều hình thức trong sạch được chấp nhận ngoài sự dính mắc, như là cần tắm rửa. Niệm bùa chú, xức dầu thánh, rưới nước hay tẩy tịnh với người biết nghi thức; hay bất cứ vô số nghi thức và lễ lạc nào được thực hành để làm cho “trong sạch.” Loại trong sạch này chỉ là tham chấp, và trong sạch có sự ràng buộc là nhà tù. Xin đừng đi lạc đến nơi mà được gọi là nhà tù “trong sạch”.
Thấy thật đáng thương. Sự bám chặt vào bản ngã quá nhiều, rồi ràng buộc với sự trong sạch cũng nhiều như vậy. Một số tín điều tôn giáo còn đi xa hơn dạy về sự trong sạch suốt đời như một số linh hồn bất diệt sống trong cõi vĩnh hằng. Toàn thể việc này do sự bám chặt và dính mắc vào sự trong sạch qua tham chấp cho đến khi người ta bị giam vào nhà tù vĩnh viễn. Nó chỉ đưa đến nhà tù vĩnh viễn này.
Trống rỗng không phải là nhà tù.
Tôi có thể bảo với các bạn đây là cái cuối cùng, nhà tù cuối cùng. Thoát khỏi nhà tù trong sạch tối cao, ra khỏi nhà tù trong sạch nhất, vào nơi trống rỗng giải thoát khỏi linh hồn và bản ngã. Không có một chút Ta nào, sống thoát khỏi cái Ta, sự trống rỗng của cái Ta- của bất cứ cảm giác nào về cái Ta, không có tất cả tư tưởng, ý niệm về Ta- ấy mới là trong sạch thật sự. Bất cứ sự trong sạch nào thật sự vĩnh hằng không thể là một nhà tù trong bất cứ sự ngưỡng mộ nào, trừ phi người ta hiểu lầm và bám chặt vào nó như là bản ngã hay linh hồn, trường hợp này nó lại trở thành nhà tù. Hãy dứt khoát, hoàn toàn thoát khỏi bản ngã - đó là trong sạch thật sự. Đó không phải là nhà tù. Trống không là trong sạch, nó không phải nhà tù.
Sưu tầm tất cả những thứ nhà tù chúng ta đã đề cập đến, như vậy cái nhà tù đích thực là cái người ta gọi là “atta” (theo tiếng Pali) Ngã, “bản ngã” hay “linh hồn”. Tự ngã là nhà tù. Ở đây ngã là nhà tù. Mọi thứ nhà tù đều chứa đựng và bao gồm chữ “bản thân” và “chính tôi”. Chấp chặt vào cái Tôi như là bản ngã, rồi lệ thuộc theo nó, trói buộc vào cái “Ta” và “của Ta”, đây là nhà tù thực sự, trung tâm và linh hồn của tất cả các nhà tù. Tất cả nhà tù đều tập trung trong chữ “ Ngã” (Atta). Loại bỏ sự ngu xuẩn tạo ra cái Ngã, cùng với chính cái ngã đó, và tất cả những nhà tù sẽ không còn. Nếu bạn thực hành thiền minh sát (anapanasati) một cách đúng đắn cho đến lúc có kết quả thật sự, bạn sẽ tiêu diệt hoàn toàn mọi nhà tù. Đó chính là tiêu diệt Ngã (atta), rồi tất cả nhà tù chấm dứt và bạn sẽ không còn xây dựng thêm nhà tù nào nữa. Mong tất cả các bạn thực nghiệm được sự thành công trong việc tiêu trừ những nhà tù, đó là cái Ta hay bản ngã.
Mục đích của thiền minh sát là gột bỏ mọi dấu vết của sự tham chấp xem như bản ngã. Dứt bỏ hoàn toàn sự ràng buộc đối với bản ngã là đích cuối cùng và dập tắt hoàn toàn đau khổ, nó mang lại ý nghĩa của tự do và giải thoát. Mục tiêu tối thượng của mọi tôn giáo là sự giải thoát, giá trị và ích lợi của nó ở ngoài ngôn từ. Vì vậy xin vui lòng thử tập thiền minh sát, khi thực hành đúng, nó đưa đến sự giải thoát khỏi cái Ngã (atta). Tôi đã cố gắng hết mình trong nhiều năm và tôi luôn luôn làm bất cứ điều gì tôi có thể giúp đỡ mọi người hiểu thiền minh sát, để tất cả chúng ta có thể thoát khỏi mọi hình thức nhà tù của nhân loại. Mong các bạn thực tập khéo léo cho đến lúc tất cả mọi nhà tù đều tan biến. (May you practice skillfully until all the prisons disappear).
Buddhadasa Bhikkhu
Tâm Không dịch
Nguồn: quangduc.com