Chuyện cổ tích và tâm lý trẻ em

Trẻ em bất kỳ nước nào cũng ham thích truyện cổ tích, mà truyện cổ tích của bất kỳ nước nào đều không phải là người thật việc thật, mà toàn là chuyện “hoang đường”, nào là tiên là bụt, khổng lồ và phù thủy; lại còn những câu chuyện thoạt xem như là tàn nhẫn, giết nhau là chuyện thường, oán thù khốc liệt, chết chóc không thiếu. Tại sao trẻ em lại thích thú những câu chuyện như vậy, tại sao những chuyện như vậy được truyền từ đời này sang đời khác, từ nước này sang nước khác, và cho đến nay trong văn học thiếu nhi vẫn không có gì thay thế được.

Câu trả lời của ông Bruno Bettelheim[BB] là do những chuyện cổ tích đáp ứng những mối tâm tư sâu sắc của trẻ em: trong các chuyện cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau, thường gặp những chủ đề khác nhau, và vì xoay quanh những chủ đề ấy, các chuyện cổ tích đáp ứng được một cách sâu sắc những nguyện vọng hoài niệm của trẻ em. Ông BB - Là một bác sĩ tâm thần chuyên quan sát và chăm chữa trẻ em trong mấy chục năm đã vận dụng những khái niệm phân tâm học để tìm hiểu chuyện cổ tích từ góc độ tâm lý học trẻ em. Cho nên để giúp bạn đọc dễ hiểu quyển sách này, chúng tôi xin sơ lược giới thiệu những những khái niệm ấy.

Đối với phân tâm học, cái “tâm” của trẻ em tức là trí khôn, tính tình nhân cách, được hình thành qua một quá trình phát triển nhiều năm với nhiều giai đoạn; quá trình ấy không đơn giản như người ta thường tưởng, mà rất phức tạp, đầy mâu thuẫn. Cuộc sống trẻ em không êm ả vui chơi, chỉ biết ăn chơi như người ta thường nghĩ, mà đầy rẫy những tấm kịch và tâm tư trẻ em cũng đầy rẫy những thắc mắc trăn trở, dằn vặt. Chỉ có một điều là trẻ em khác với người lớn, không nói lên được những mối tâm tư của mình; người lớn phải biết thông qua một vài biểu hiện, suy đoán những điều thắc mắc trăn trở ấy. Chính những tác giả thường là vô danh của các chuyện cổ tích là những nhà tâm lý học tài tình đã đoán trúng, cho nên các chuyện cổ tích được truyền lại lâu đời và mãi mãi được trẻ em ham chuộng. Theo B.B những tác giả truyện cổ tích đã phát hiện những điều mà trường phái phân tâm học sau gần một trăm năm nghiên cứu đã dần dần hệ thống hóa. Ngày nay, nói đến tâm lý trẻ em, có thể đồng ý hay không đồng ý về điểm này hay điểm khác, nhưng không thể biết đến phân tâm học xuất phát từ mấy điểm:

Cái tâm của con người gồm hai khu vực, có thể gọi là hai “cõi lòng”, một bên là hữu thức, hữu ý, một bên là vô thức. Tình cảm và hành vi của con người do phần vô thức quyết định một phần lớn, có hiểu được cái vô thức mới hiểu được con người.

Con người sinh ra mang sẵn những bản năng, những nhu cầu sinh lý cần được thỏa mãn; đó là những xung lực thôi thúc con người có những ứng xử hành vi nhất định. Được thỏa mãn, thì tạo ra những khoái cảm, không được thỏa mãn thì gây ra khó chịu, hẫng hụt ấm ức, như được ăn no hay phải nhịn đói, bị lạnh hay nóng, được vuốt ve hay không, được thỏa mãn tính dục hay không; có một điểm mà người ta ít nghĩ đến nhưng phân tâm học phát hiện ra, là việc tiểu tiện đại tiện được thoải mái hay không thoải mái cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý con người.

Những nhu cầu và bản năng về ăn uống, tính dục, tiểu tiện và nói chung về “xác thịt”, mỗi loại khác nhau, nhưng cùng chung một gốc là thể chất con người, và theo phân tâm học cũng dễ chuyển hoán từ cái này sang cái khác nếu về mặt này không được thỏa mãn thì có thể tìm lối thoát về phía khác. Theo phân tâm học thì bản năng tính dục chiếm ưu thế, chi phối cuộc sống tình cảm của con người. Vì vậy, dù có phân biệt bản năng này bản năng khác phân tâm học tập hợp lại thành một xung lực bản năng chung lấy tên latinh là libido, ta có thể gọi là dục vọng, và sát hơn là nhục dục. Từ bé đến lớn, từ những hành vi hàng ngày đến những tội ác hay những sự nghiệp lớn lao, tất cả đều bắt nguồn từ cội nguồn nhục dục, biến thiên biến dạng muôn hình muôn vẻ.

Thỏa mãn những nhu cầu bản năng này phải vượt qua “thực tế”. Thực tế có hai mặt, một bên là thế giới tự nhiên, một bên là những ràng buộc của xã hội. Trẻ em sinh ra hoàn toàn bất lực, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn, không phải lúc nào đòi hỏi gì cũng thỏa mãn ngay. Có những đòi hỏi phải trì hoãn, nhiều khi bị cấm đoán, có những tình cảm, ý nghĩ không được phép bộc lộ, tóm lại nhiều tâm tư phải dồn nén xuống, biến thành vô thức. Nhưng vô thức không có nghĩa là vô hiệu, như một dòng nước bị chậm lại, mối tâm tư ấy chóng chầy cũng tìm ra lối thoát dưới nhiều hình thức nhiều khi khá xa lạ. Những nhà phân tâm học đã cố gắng tìm hiểu những cơ cấu và cơ chế tâm lý được hình thành trong vô thức qua quá trình phát triển từ bé đến lớn, trong cuộc sống bình thường cũng như trong trường hợp bệnh lý.

Nhân cách con người khi đã hình thành thì gồm có ba ngôi: cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi. Cái ấy gồm tất cả những xung lực bản năng thôi thúc đứa bé đòi hỏi được thỏa mãn để tìm khoái cảm; hoạt động của cái ấy hoàn toàn vô thức, chạy theo khoái cảm, không cần biết đến thực tế vật chất hay xã hội. Mới sinh ra, em bé được bố mẹ đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng dần dần bố mẹ buộc em bé tuân theo một số ràng buộc. Mâu thuẫn giữa em bé và thực tế dần dần tạo ra cái tôi, em bé cảm nhận về bản chất của mình đối lập với các đồ vật và những người khác, tức cảm nhận được thực tế. Đó là nguồn gốc của cái tôi, sau này chính là cái ý thức của con người, biết suy nghĩ và hành động đòi hỏi của thực tế, chứ không phải theo dục vọng của bản thân. Những cấm đoán, mệnh lệnh, khuyên bảo của người lớn dần dần được nhập tâm, cũng biến thành vô thức chi phối hành vi của đứa bé đó, là cái siêu tôi; lúc này không còn là mệnh lệnh của bố mẹ nữa mà những quy tắc trừu tượng ẩn náu trong vô thức, như là xuất phát tự đáy lòng của đứa trẻ. Không lạ gì, thường xảy ra xung đột mâu thuẫn giữa ba ngôi này, giữa cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi.

Một điểm phân tâm học nêu ra đã gây ra nhiều tranh luận gay gắt là dục vọng, nhục dục của trẻ em ngay từ đầu đã mang màu sắc tình dục. Theo lẽ thường, phải đợi đến tuổi dậy thì, có khả năng sinh đẻ con cái, thì tính dục mới xuất hiện; nói đến tình dục của trẻ em là nói “bậy” là phi luân lý. Các nhà phân tâm học cho rằng nếu phải đợi đến tuổi dậy thì mới xuất hiện tính dục, thì rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống bình thường hay trong bệnh lý không thể lý giải được. Vấn đề không phải là “bậy” hay không mà là có thực hay không có thực; đó là vấn đề khoa học. Còn nếu có thực thì phù hợp hay không với luân lý đạo đức là do cách xử lý, chứ không phải do bản chất sự việc. Không thể đồng nhất tính dục với sinh dục, không phải đợi đến tuổi dậy thì thì mới xuất hiện những khoái cảm tính dục, không phải chỉ có những bộ phận sinh dục mới tạo ra những khoái cảm tính dục, theo phân tâm học ngay từ thời tấm bé những khoái cảm xuất phát từ những bộ phận khác nhau đã mang sắc thái tính dục.

Phân tâm học đã mô tả quá trình phát triển dục vọng của con người từ bé đến lớn, xác định những giai đoạn chủ yếu, ở mỗi giai đoạn thì những khoái cảm “xác thịt”, tức có sắc thái tính dục xuất phát từ một bộ phận đặc biệt.

Trong năm đầu, môi miệng là bộ phận tạo ra những khoái cảm sâu sắc nhất; đây không chỉ có vì được thỏa mãn nhu cầu đói no, mà còn là khoái cảm đặc biệt do môi miệng bị kích thích. Một hiện tượng thường gặp là trẻ em bú no rồi nhiều khi vẫn mút tay hay mút một cái gì khác chính là để tìm khoái cảm ấy: đó là một hành vi mà phân tâm học gọi là kích dục, tức là tự kích thích bản thân để gây khoái cảm, lúc nào ấm ức hẫng hụt (autoérotisme). Ở thời kỳ này về tâm lý, trẻ em còn hòa mình với đối tượng, tức là đồ vật nào hay người nào tiếp xúc với mình. Đặc biệt trẻ em hòa mình với mẹ, cái cặp mẹ con tuy hai nhưng chỉ là một.

Đến cuối năm đầu, bộ phận gây khoái cảm mạnh mẽ nhất là hậu môn, khi đẩy phân ra ngoài. Đây là một cảm giác mới lạ đối với em bé: nếu lúc bú là thụ động tiếp nhận sữa hay thức ăn nào khác, thì đại tiện lại mang tính chủ động, và cục phân chính là sản phẩm đầu tiên của bé. Tất cả những cảm giác này xuất hiện vào lúc hệ thần kinh thành thục đến mức bắt đầu chỉ đạo được các cơ ở hậu môn. Lúc này cũng xuất hiện một yếu tố mới trong quan hệ mẹ-con: khác với trước đó, bố mẹ bắt đầu ép buộc con đi vào kỷ luật, ngồi bô, chứ không thể đại tiện bất kỳ lúc nào nơi nào, không được sờ mó đến phân (trẻ em rất thích chơi với phân), nói tóm lại bắt buộc phải ở sạch. Nếu trước kia mẹ cho bú, con thụ động tiếp nhận, thì nay xuất hiện mâu thuẫn giữa mẹ và con. Bắt đầu đứa trẻ không còn hòa mình với mẹ nữa, mà cảm nhận thấy mình là một cá thể riêng biệt, đó là quá trình cá biệt hóa. Cũng bắt đầu tình cảm giữa bố mẹ và con mang tính hai chiều, thương yêu quyện với chống đối, bực tức.

Không thể hiểu tâm lý trẻ con nếu không thấy rõ tính hai chiều ấy, nếu đơn giản cho rằng giữa bố mẹ và con cái chỉ có tình thương yêu. Song nếu những biểu hiện của tình yêu đối với bố mẹ và người lớn nói chung được xã hội dễ dàng chấp nhận, trái lại biểu lộ sự chống đối tức giận vấp phải sự cấm đoán trừng phạt có khi khắc nghiệt. Vì vậy phải dồn nén vào cõi vô thức. Và lúc cái siêu tôi chớm nở, đứa bé khi thấy mình tức giận bố mẹ là có mặc cảm tội lỗi, mặc cảm này dẫn đến những hành vi “chuộc tội”. Khi nói đến giai đoạn hậu môn là nói đến tất cả những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này.

Bước vào năm thứ ba đối với đại đa số trẻ em thì đại tiện xem như đã đi vào nề nếp. Lúc này bộ máy thần kinh chỉ đạo những cơ khuyên được vận dụng trong tiểu tiện bắt đầu thành thục: một bên là em bé có những khoái cảm đặc biệt xuất phát từ bộ phận đi tiểu, một bên là bà mẹ cũng bắt đầu ép con vào kỷ luật, cả hai bên đều tập trung chú ý vào bộ phận tiểu tiện. Nhưng bộ phận này cũng là cơ quan sinh dục, ở con trai là dương vật (tức con chim), ở con gái là âm vật, nhỏ bé hơn nhiều nhưng không thấy rõ như chim của con trai. Một bên là em bé hay sờ mó vào để tìm khoái cảm. Một bên là xã hội cấm kỵ nghiêm khắc, bất kỳ hành vi nào liên quan đến bộ phận sinh dục, thêm vào là xã hội thường trọng nam khinh nữ, hay đề cao con chim của đứa con trai, và bố mẹ cũng bắt đầu đối xử khác biệt với con trai hay con gái, cho nên cảm nhận của đứa bé về giới tính của mình bắt đầu rõ nét. Theo phân tâm học tâm lý vào lứa tuổi này nhuốm màu sắc tính dục rõ rệt. Trong sự yêu và ghét của đứa bé, định hướng giới tính rõ nét: con trai thì yêu mẹ và ghen tị với bố. Dĩ nhiên tình cảm yêu ghét ghen tị này thường là vô thức, nhưng vẫn chi phối mọi hành vi của em bé. Đây là điều mà phân tâm học gọi là mặc cảm Oedipe, là cơ cấu tâm lý đặc thù của lứa tuổi từ ba đến sáu.

Phân tâm học gọi đây là giai đoạn dương vật. Mặc cảm Oedipe đi đôi với mặc cảm bị thiến (complexode castration): cậu con trai tự hào bao nhiêu về cái chim của mình, càng lo sợ bị cắt mất, và người lớn cũng thường đe dọa như vậy, còn con gái thì ngờ rằng chim của mình đã bị cắt cụt. Từ những tình cảm trái ngược, từ những thắc mắc, thường là tất cả là vô thức, trong tâm tư cũng vô thức của em bé hình thành những hình ảnh ý nghĩa phức tạp, phân tâm học gọi đó là những huyễn tưởng (fantasme, huyễn có nghĩa gần giống với ảo). Cũng vào lứa tuổi ấy, trẻ em bắt đầu thắc mắc về những vấn đề như làm sao mẹ đã sinh ra mình và em mình, về cái sống cái chết, các em sống trong một cái biển ngôn ngữ, hình ảnh, nghe thấy rất nhiều nhưng hiểu biết lại rất ít cho nên trong mọi quan hệ xã hội gặp rất nhiều tình huống không biết thực hư thế nào, dễ sinh ra lo sợ.

Phân tâm học nêu lên một điểm thắc mắc rất lớn của trẻ em vào tuổi này: có những lúc bố mẹ tưởng con đã ngủ say, nhưng thực ra con chứng kiến bố mẹ ăn nằm với nhau, không hiểu được việc này, thường tưởng đây là một hành động hung bạo của bố đối với mẹ, nhưng không dám nói ra, phân tâm học gọi đó là “kịch cảnh nguyên thủy” (Scène primitive). Không lạ gì trong các trò chơi của trẻ em thường thấy chơi làm vợ chồng, làm bố làm mẹ làm con, có sống có chết, có thiện có ác, có thần tiên ma quỷ v.v… chứ không phải những sự việc hàng ngày kiểu “người thật việc thật”

Trong cuộc sống gia đình ngoài quan hệ giữa bố mẹ và con cái, còn có quan hệ giữa anh chị em với nhau, cũng mang tính hai chiều: anh em như thể tay chân, nhưng gà cùng chuồng cũng hay đá nhau. Nhất là lúc một đứa em sinh ra mà anh chị em mới hai ba tuổi, còn được bố mẹ tập trung chiều chuộng, còn chưa thoát tính duy kỷ ngây thơ thì đứa em mới sinh ra là một đối thủ đáng ghét chiếm hết sự chăm sóc của bố mẹ. Ganh tị giữa anh chị em có khi kéo suốt cả đời. Trong trường hợp dì ghẻ bố dượng, con nuôi, ly hôn thì những mâu thuẫn và chấn thương tình cảm càng sâu sắc dễ gây ra rối nhiễu.

Có thể nói trẻ em thường sống ở một cung bậc tình cảm cao hơn so với người lớn, buồn vui yêu ghét mang tính tuyệt đối và cũng thường xuyên phải tìm cách giải tỏa những ấm ức vướng mắc. Không phải lúc nào cũng giải tỏa được trong thực tế. May mà ngoài cuộc sống thực tế với thế giới vật chất và xã hội, trẻ em (và người lớn nói chung) còn có thể sống trong một thế giới mơ tưởng. Trong thế giới này không còn bị những qui luật tự nhiên hay qui tắc xã hội ràng buộc, mà có thể bay lên trời, đi trên nước, dùng đủ phù phép, có thể bé tí mà thắng những kẻ thù to lớn, khổng lồ phù thủy cũng không làm gì được, vấp váp thì có bụt có tiên giúp đỡ chết đi vẫn sống lại, và cuối cùng những kẻ ác, những ma quỉ – tức là tượng trưng của những người lớn thường hay cấm đoán, trừng phạt, đe dọa – cuối cùng bao giờ cũng chịu thua. Xa rời bố mẹ, rời bỏ gia đình là một cuộc phiêu lưu đáng sợ, nhưng cuối cùng chú bé tí hon thông minh và dũng cảm cũng vượt qua mọi khó khăn và trở nên những con người thành đạt.

Em bé không chỉ có thưởng thức câu chuyện, mà nhập vai, tự đồng nhất với nhân vật chính; tự đồng nhất (indentification) với một nhân vật nào đó được mình mến phục là một cơ chế tâm lý thường gặp ở trẻ em, giúp cho vượt qua những trở ngại trên con đường trưởng thành. Khác với bắt chước, đây là một cơ chế vô thức làm cho em bé nhập vai một cách toàn diện, chứ không phải bắt chước từng cách ứng xử.

Cuộc sống trong thế giới mơ tưởng diễn ra ngoài khung khổ không gian và thời gian, và mấy chữ “ngày xửa ngày xưa” (tiếng Pháp thì nói “il était une fois”) không phải chỉ một thời gian xa xưa nào, ở một địa điểm nào mà đưa ngay tâm trí em bé vào thế giới mơ tưởng, không còn là thế giới thực tế hàng ngày nữa. Nhờ vậy giải tỏa các ấm ức bị dồn nén trong vô thức, giúp cho tính tình ổn định để tập trung trí khôn và sức lực học tập những điều cần thiết và thích nghi với những đòi hỏi của xã hội.

Đến sáu bảy tuổi những mặc cảm các giai đoạn trước – môi miệng, hậu môn, dương vật – dần dần được giải tỏa, tính tình trẻ em ổn định hơn. Bắt đầu đi học phổ thông, cuộc sống vươn ra khỏi phạm vi gia đình, các em bước vào một môi trường mới với những hứng thú và đòi hỏi mới. Bắt đầu có hứng thú tiếp nhận những hiểu biết mới, hứng thú kết bè kết bạn ngoài anh chị em, và có quan hệ đặc biệt với một người lớn không phải là bố mẹ mà là thầy cô giáo. Tình cảm của em bé với bố mẹ không còn mang tính tập trung gay gắt như trong các giai đoạn trước. Đặc biệt mặc cảm Oedipe được giải tỏa dần: con trai không còn bám lấy mẹ, không còn ghen tuông với bố, và con gái thì ngược lại, mà một bên thì tự đồng nhất với bố, một bên với mẹ, cố gắng học tập tuân theo qui tắc của gia đình và nhà trường. Đây là giai đoạn phân tâm học gọi là ẩn tàng (période de latence), tình cảm trẻ em ít sôi động, kéo dài từ 6-7 tuổi đến 12-13, giai đoạn học tập dễ dàng, ít mâu thuẫn với người lớn, nên không vấp váp quá nhiều, xã hội không đòi hỏi quá mức.

Đến tuổi dậy thì, với những biến động sinh lý, tâm tư xao xuyến, tình dục lại khơi dậy lên ở mức cao, những mặc cảm thời trước, đặc biệt là Oedipe, trỗi dậy một lần nữa; nhưng lần này, tình dục định hướng về một con người khác giới, ở ngoài gia đình, và quan hệ với đối tượng này đầy đủ cả hai mặt xác thịt và tâm lý xã hội. Lúc ấy con người đã thật trưởng thành, những mặc cảm của những thời trước được giải tỏa. Quan hệ với bố mẹ không còn nhuốm màu tình dục nữa, vì tình dục này đã đầu tư vào người yêu.

Ngoài bản năng tình dục, phân tâm học và tập tính học (éthologie) cho rằng con người bẩm sinh còn mang theo những xung lực bản năng hung bạo, có thể dẫn đến những hành vi tấn công, hành hạ các đồ vật hoặc người khác, đặc biệt khi hẫng hụt ấm ức hoặc bị xâm phạm. Biểu hiện của hung tính (agressivité) bắt đầu rõ nét khi mọc răng: lúc này cắn vào vú mẹ, và cũng bị mẹ phản ứng. Đến giai đoạn hậu môn thì hung tính càng rõ nét; về sau hung tính dễ biểu hiện bằng những hành động phá phách hoặc những lời nói bẩn thỉu tục tĩu. Hung tính về sau được Freud hòa nhập vào một bản năng chung của loài người, đã sinh ra là song song với bản năng bảo tồn sự sống, tạo khoái cảm lạc thú, tồn tại bản năng đưa đến cái chết, hủy hoại cuộc sống. Freud dùng hai danh từ Hy Lạp: Eros để gọi bản năng bảo tồn cuộc sống và Thanatos để chỉ bản năng dẫn tới cái chết. Đến đây tư duy của Freud đã thoát ra ngoài phạm vi tâm lý học, đã trở thành triết lý.

Với những xung lực bản năng thôi thúc con người, và tùy theo sự thành thục của cơ thể, mà diễn biến khác nhau ở từng thời kỳ, thêm vào là tác động của môi trường, của những người lớn, của những giá trị văn hóa xã hội tạo nên những cơ cấu tâm lý thường xuyên biến động. Thông thường các mâu thuẫn xung đột được giải tỏa dần, thông qua hành động và ngôn ngữ, hoặc qua mơ tưởng; trong hoàn cảnh thuận lợi nhất, thì những xung lực bản năng bị dồn nén được chuyển hóa đầu tư vào những hành động, sự nghiệp mang tính văn hóa, nghệ thuật, xã hội, lý tưởng. Đó là cơ chế thăng hoa (sublimation). Phân tâm học cho rằng văn minh của loài người chính bắt nguồn ở những dục vọng xác thịt trong đó tính dục giữ vai trò chủ đạo.

Nhưng bất kỳ ai trên con đường trưởng thành cũng vấp ít hay nhiều, cũng bao nhiêu lần hẫng hụt ấm ức mà không được giải tỏa; thêm vào là nhiều hành vi ở một lứa tuổi nào đó mang tính tự nhiên, nhưng bị xã hội lên án. Như một em bé lên ba bốn tuổi hay sờ vào bộ phận sinh dục, vì vào tuổi ấy, con chim hay âm vật của bé gái dễ tạo khoái cảm, thì bố mẹ thầy cô liền phản ứng gay gắt; em bé không hiểu gì hết, chỉ thấy bố mẹ xem đây là một điều hết sức hệ trọng, càng quan tâm đến, và tìm cách giấu giếm cùng với bè bạn chơi đi chơi lại những trò mà người lớn lớn là “thủ dâm”, với tất cả màu sắc tội lỗi của danh từ ấy.

Giả thử bố mẹ biết đấy là mộ hành vi bình thường, không la mắng nhưng cũng không khuyến khích, và nhẹ nhàng tạo cho con chơi nhiều thứ chơi khác, thì cái tật “xấu” ấy sẽ không thành vấn đề. Nhưng biểu hiện của tính dục là một điều bình thường trong cuộc sống, mà đại đa số đều xem như là “xấu”, là “bậy”, là “hư”, là “dâm ô”. Phải biết tùy theo lứa tuổi, tùy theo mức độ mà xét “dâm” hay không “dâm”, là “chính dâm” hay “tà dâm”.
Freud và nhiều nhà tâm lý học quan sát trẻ em thấy rõ trẻ em vào lúc nào đó thường có những hành vi mà hiện ra ở người lớn thì được xếp vào loại “tà dâm” như thủ dâm, tìm dòm ngó bộ phận sinh dục của người khác, phô trương con chim của mình, mơ tưởng lấy mẹ làm vợ, ghen bố đòi giết bố… Freud gọi trẻ em là những đứa “dâm dục đa dạng” (pervers polymorphe), để mô tả những hiện tượng ấy, nhưng tất cả đều là nhất thời, sẽ dần dần biến mất theo sự trưởng thành, không nên hiểu như ở người lớn.
*****

Mỗi lần xung lực bản thân bị dồn nén vào vô thức, là tất yếu tìm lối thoát bằng những cơ chế tâm lý mà phân tâm học đã phanh phui một cách có hệ thống. Mỗi hành vi hữu thức bắt đầu với một ý định, ý đồ của chủ thể, và nhằm tác động lên một mục tiêu nhất định, hoặc là một tín hiệu cho người khác, tức mang một ý nghĩa, và diễn ra theo những lý do nhất định, tóm lại là có ý, có nghĩa, có lý. Nhưng không ít hành vi thật là vô ý, vô nghĩa, vô lý, mà con người không cưỡng lại được. Chính đó là những biểu hiện của vô thức, mà những hành vi mà ta cho là vô lý, lỡ tay, lỡ lời, dở chứng, điên khùng, càn quấy, lập dị, nếu theo lẽ thường không có ý nghĩa gì cả, thực ra cũng hàm ngụ một lôgic nhất định, lôgic của vô thức. Nghiên cứu những giấc mộng, những chứng bệnh, và cả những trường hợp sáng tác, Freud đã vạch ra một số cơ chế tâm lý chi phối hoạt động của vô thức.

Những cơ chế ấy được Freud phát hiện trong lúc nghiên cứu những chứng bệnh nhiễu tâm (nevroses) và những câu chuyện chiêm bao mộng mị; tóm lại là những cách chuyển hóa của cảm xúc tình cảm bắt nguồn từ những nhu cầu sinh lý cơ bản, những xung lực bản năng, rồi biến hóa muôn màu muôn vẻ. Đầu tiên là chuyển di (déplacement) từ đối tượng này sang đối tượng khác, nói kiểu dân gian là giận cá chém thớt, râu ông nọ cắm cằm bà kia, yêu ghét điều này người này, nhưng không biểu hiện được chuyển sang yêu ghét điều khác, kẻ khác.

Nhiều khi cô đúc (condensation) nhiều đối tượng, nhiều mối tình cảm thành một; hay chuyển dịch (transfert) toàn bộ tình cảm đối với một con người sang một người khác; hay từ một căn nguyên tâm lý chuyển sang thành một triệu chứng về cơ thể, đó là cơ chể chuyển hoán (conversion) thường gặp trong những căn bệnh hystêri (tê liệt thần kinh, cấm khẩu, đau dạ dày, đau đầu…). Trong mọi chuyển hóa đều thông qua một cơ chế tượng trưng hóa (symbolisation), tức dùng hình tượng sự vật này để nói lên chuyện khác: (bài thơ quả mít của Hồ Xuân Hương), và thường mang theo kịch tính sự việc tình cảm diễn ra theo nhịp độ nhanh buồn vui rõ nét, thời gian, không gian chồng chất lên nhau, bất chấp điều này mâu thuẫn với điều khác.

Một cơ chế thường gặp là phóng những tình cảm không được biểu hiện nhằm vào một đối tượng (đồ vật hay con người) được phóng ra bắn vào đối tượng như mình ghét ai thì qui cho người kia ghét mình, hoặc thấy người kia có một biểu hiện nào thì qui vào là của mình: đó là cơ chế phóng chiếu (projection).

Những hoạt động tâm lý này diễn ra trên cơ sở nguyên tắc khoái cảm (principe de plaisir), chỉ tìm thỏa mãn dục vọng bất chấp thực tế: đó là phương thức vận động của vô thức mà Freud gọi là sơ cấp (primaire) dần dần mới biết thích nghi với thực tế, chuyển sang phương thức thứ cấp (secondaire) hoạt động tâm lý diễn theo những quy tắc nhất định, trong khuôn khổ không gian và thời gian, tránh mâu thuẫn, toàn bộ dựa trên nguyên tắc thực tế (principe de réalité). Tư duy sơ cấp hoàn toàn hướng về bản thân không có ta và vật, không có người ta, chỉ biết ta với ta mang tính duy kỷ tuyệt đối (egocentrisme). Về tình cảm cũng hướng về bản thân, chỉ biết yêu lấy mình; dựa trên một câu chuyện thần thoại Hy Lạp, Freud gọi đấy là tính narcissism, có thể dịch là ái kỷ, từ kỷ đối lập với tha, tức là cái ta còn ở giai đoạn vô thức.

Do sự dồn nén và hoàn cảnh phụ thuộc của trẻ em, mỗi hoạt động tâm lý thường diễn ra trên một cái nền lo hãi. Ranke cho rằng lọt lòng sinh ra là một thử thách đầy lo hãi đối với mọi người, vì từ cuộc sống êm ấm trong bụng mẹ, mọi nhu cầu đều được cơ thể mẹ bảo đảm tuyệt đối, nay phải chuyển sang sống tự lập, chịu sức ép những nhu cầu sinh lý cơ bản nay phải đảm nhận lấy: Ranke cho đây là cội nguồn của mọi sự sợ hãi suốt cuộc đời, cho nên: “Thảo nào khi mới chôn rau – Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Đa số các nhà phân tâm học không chấp nhận luận điểm này, và cho rằng nguồn gốc của mối lo hãi thường gặp ở trẻ em là những tình huống, những cảm nghĩ, những chấn thương trong cuộc sống, đặc biệt những tình huống phải tách rời mẹ, mối lo sợ bị thiến, lo sợ tội lỗi vì đã có những ý nghĩ căm ghét bố mẹ, vì sợ chết v.v… Những cơ chế tâm lý mô tả ở trên chính là để phòng vệ sự lo hãi ấy (mécanisme de défense), không để nó tràn ngập làm tan rã cái Tôi.

Như vậy trẻ em sống trong hai thế giới, một bên là thế giới thực tế phải thích nghi với mọi đồ vật và người khác, một bên là thế giới mơ tưởng do tình cảm chi phối. Cả hai thế giới đều “thực” cả. Những chuyện cổ tích chính là đáp ứng những nhu cầu tâm lý thuộc về thế giới mơ tưởng. Đối với trẻ em thì ranh giới giữa hai thế giới này không cố định như người lớn, các em rất dễ chuyển mình từ thế giới này sang thế giới khác. Muốn giáo dục trẻ em mà bỏ qua thế giới mơ tưởng này với tất cả những gì mà những con người chỉ biết thực tế gọi là hoang đường, không hiểu lôgic của thế giới vô thức thì quả là bỏ mất cả một phần nửa cuộc sống tâm tư của trẻ em (và cả người lớn).

Không có gì thay thế được những chuyện cổ tích “hoang đường” trong việc giáo dục con em.

Nguyễn Khắc Viện
Previous Post
Next Post