1.1. Thời gian là chất liệu tạo ra ham muốn. Bạn muốn có tương lai. Đó là lý do tại sao một người sống trong hàng triệu ham muốn thì luôn sợ chết. Vì sao họ lại sợ chết? Bởi vì cái chết sẽ cắt đứt thời gian ngay lập tức.
Cái chết chặn đứng ham muốn, đó là điều kinh khủng đối với bạn. Khi bạn không ham muốn, ngay tức khắc bạn sẽ thoát khỏi sự ám ảnh của thời gian, của cái chết. Lúc đó tương lai dừng lại, qúa khứ dừng lại, chỉ có giây phút hiện tại. Một khi ham muốn dừng lại thì bạn sẽ sống như một chiếc đồng hồ đang chạy mà kim của nó bị tháo bỏ. Trong cơ thể còn sống, chiếc đồng hồ sinh học vẫn còn chạy. Nó vẫn cảm thấy đói, thấy cần ăn, nó thấy khát, cần uống, thấy buồn ngủ và đòi ngủ.
Cái chết chặn đứng ham muốn, đó là điều kinh khủng đối với bạn. Khi bạn không ham muốn, ngay tức khắc bạn sẽ thoát khỏi sự ám ảnh của thời gian, của cái chết. Lúc đó tương lai dừng lại, qúa khứ dừng lại, chỉ có giây phút hiện tại. Một khi ham muốn dừng lại thì bạn sẽ sống như một chiếc đồng hồ đang chạy mà kim của nó bị tháo bỏ. Trong cơ thể còn sống, chiếc đồng hồ sinh học vẫn còn chạy. Nó vẫn cảm thấy đói, thấy cần ăn, nó thấy khát, cần uống, thấy buồn ngủ và đòi ngủ.
Ham muốn và nhu cầu là hai thứ khác hẳn nhau. Ham muốn thuộc về tư tưởng. Nhu cầu thuộc về cơ thể. Và cả khi ngay cả nhu cầu cũng mất đi thì bạn vượt qua được bờ bên kia của thời gian, nó là vĩnh hằng, vĩnh cửu. Và khi không thấy có thời gian thì nó thấy không có cái sinh cái diệt. Trong sự tồn tại hiện diện thì không có thời gian. Thời gian chỉ đến với ký ức về quá khứ và sự tưởng tượng về tương lai. Nếu con người cảm thấy mình không có trên trái đất này, trong không gian này thì thời gian tự biến mất ngay tức khắc. Nếu bạn phân biệt được ham muốn và nhu cầu thì bạn đã đạt được một điều mấu chốt của sự tồn tại.
Nhu cầu là tươi đẹp; còn ham muốn là xấu xa. Bạn đang bị nô lệ và bạn sẽ còn bị nô lệ trừ khi bạn ngưng các ham muốn lại. Hãy cắt bỏ mọi ham muốn vì chúng không phải là sự tự nhiên. Còn nhu cầu là tự nhiên. Nhu cầu là rất đơn giản. Chỉ có ăn, uống, ở và yêu thương thôi. Một người đã đạt tới không ham muốn thì sớm muộn gì rồi cũng vượt qua những nhu cầu bởi vì cơ thể không còn cần thiết nữa. Cơ thể là phương tiện của tâm trí. Nếu tâm trí đã không còn tồn tại thì cơ thể không còn cần thiết phải có những nhu cầu nữa. Hiện tại là đang ở đây và bây giờ. Hiện tại là sự tồn tại. Chỉ có thời điểm này là có thật. Khi ham muốn và suy nghĩ biến mất, bỗng nhiên bạn rơi vào thời điểm sống hiện tại này và từ đây sẽ mở ra cánh cửa đi tới điểm mãi mãi.
1.2. Khi vứt bỏ bản ngã, bạn là một với tự nhiên như một dòng chảy ra biển cả, như một làn gió thoảng qua một rặng tùng, hay một đám mây nhởn nhơ trên bầu trời. Không có bản ngã, bạn trở thành một phần của thiên nhiên hoang dã, thoáng đãng và tự nhiên. Có bản ngã, bạn bị căng thẳng, bị tách biệt, bị cắt đứt tất cả mọi quan hệ. Bản ngã không cho phép bạn chuyển động tự do toàn bộ trong bất cứ cái gì. Nó luôn kìm hãm bản thân bạn. Nó là sự ràng buộc lớn nhất. Nó chỉ tồn tại khi bạn đang còn trong trạng thái ngủ. Khi bạn tỉnh dậy, bạn sẽ thấy bạn biến mất. Và Thượng đế xuất hiện. Đó là sự tồn tại này. Khi bạn đạt tới vô ngã, bạn sẽ thấy sự tức giận sẽ không còn nữa, sự mất cân bằng, sự điên rồ cũng không còn nữa. Bạn bỗng nhiên cảm thấy bạn chỉ là cái hư không.
1.3. Con đường tự nhiên của con người thì rất đơn giản nhưng bạn trông như rất phức tạp bởi vì bản ngã luôn là cái gì khó để chứng tỏ, để thách thức. Nếu bạn không làm gì, chỉ ngồi và im lặng, để mặc cho cái gì trôi cứ trôi, cái gì đứng cứ đứng, cái gì đi cứ đi, thì bản ngã không thể tồn tại. Chúa Jesu có bảo: “Hãy yêu lấy kẻ thù của mình”. Đây không phải vấn đề yêu kẻ thù, mà là hãy quên mình đi, hãy trở thành sự yêu thương cả khi có kẻ thù. Căm thù chỉ tồn tại khi bạn còn bản ngã. Nó làm đau bạn và đau những người khác. Đây là một trò ngu xuẩn vì làm hại người khác chính là làm hại bạn. Nó sẽ quay trở lại bạn vào một thời gian sau. Bạn sẽ bị nó hành hạ. Tất cả những kẻ phạm tội đều do ngu ngốc. Bản ngã biến mọi thứ thành chất độc.
Nếu bạn đau khổ, không bao giờ bạn nghĩ là do bạn nhận thức sai lầm mà do một ai khác đã gây ra cho bạn. Bản ngã luôn ném trách nhiệm cho người khác. Bản ngã làm cho bạn nghĩ là bạn tồn tại, ý tưởng về bản thân làm cho bạn đau khổ. Nếu bạn làm cho cuộc đời vui tươi, giản dị, không tỏ ra nghiêm trang, không quan trọng hóa vấn đề thì bản ngã của bạn biến mất. Nghiêm nghị là biểu hiện bệnh lý của bản ngã. Cuộc sống chân thành, cởi mở là biểu hiện của trái tim. Một người sống sâu xa đến mức anh ta không biết đến cái chết thì không có năng lượng nào bị rời bỏ, bị xác nhận là cái chết. Cái chết chỉ đến khi bạn sống bề mặt. Khi bạn sống sâu sắc thì cái chết trở thành sự sống. Khi bạn sống hời hợt thì sự sống thành cái chết.
1.4. Tham vọng, ham muốn chính là con đường dẫn đến địa ngục. Nó chỉ còn tồn tại trong con người đang mơ ngủ. Khi bạn thức tỉnh, ham muốn không còn có thể đánh lừa bạn được nữa. Lúc đó đồng tiền không thể lừa bạn rằng hãy có nhiều tiền thì bạn sẽ sung sướng, hạnh phúc. Hãy nhìn vào những người giàu có, họ cũng đang ở trong địa ngục. Có thể là một cái địa ngục bằng vàng, nhưng nó thậm chí còn khủng khiếp hơn cái địa ngục nghèo nàn. Một người nghèo thì còn sợ hãi vì lý do nào đó và sự sợ hãi đó còn có thể được giải quyết. Còn người giàu có thì luôn ở trạng thái lo sợ. Lo sợ không vì một lý do nào cả! Anh ta có mọi thứ. Nhưng khi mọi ham muốn đã được thỏa mãn thì chỉ còn lại sự chán chường vô nghĩa ở đời. Không còn gì để khao khát, chúng không còn dẫn anh ta đi tiếp trên nẻo đường đời nữa. Và anh ta dừng lại gần như đã chết.
1.5. Ham muốn chỉ sinh ra ở con người chưa tỉnh và còn đang ngủ trong lúc tỉnh và có ý thức. Còn nhu cầu thuộc về vô thức. Ham muốn thuộc về một tư tưởng có ý thức. Vô thức không biết tới ham muốn. Nó chỉ quan tâm làm sao thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Hãy thực hiện các nhu cầu và đừng bận tâm về ham muốn, nếu ham muốn có niềm hạnh phúc thực sự. Ý thức chỉ thuộc về một kiếp sống này, nhưng vô thức tàng chứa tất cả các kinh nghiệm từ khi bạn còn là hòn đá, cái cây, còn là động vật. Trong khi vô thức là một nguồn to lớn của minh triết. Hãy lắng nghe nó.
1.6. Sự thư giãn hoàn toàn là siêu nhiên. Đó là khoảnh khắc khi con người trở thành một vị phật. Bạn không thể thư giãn toàn phần ngay bây giờ được, ở sâu xa, cốt lõi bên trong vẫn còn sự ngần ngại. Hãy thư giãn từ phần ngoại vi trước. Đầu tiên hãy thư giãn phần cơ thể bạn, trong sự cư xử và hành động của bạn. Hãy đi theo kiểu thư giãn, ăn theo kiểu thư giãn, nói và nghe theo kiểu thư giãn. Hãy làm chậm lại tất cả mọi tiến trình, đừng có vội vàng, hấp tấp. Hãy đi và cảm thấy như sự vĩnh cửu đang thâm nhập vào bạn và thực tế đã là vậy. Chúng ta luôn ở đây và mãi ở đây. Chỉ có hình dáng là thay đổi, nhưng không có sự thay đổi về nội dung. Chỉ có thể xác thay đổi, chứ tâm hồn thì không.
Sau đó bước thứ hai, sâu hơn một chút, hãy báo cho tư tưởng thư giãn và nếu cơ thể đã biết lắng nghe thì tư tưởng cũng vậy. Khi tư tưởng thư giãn thì bạn bắt đầu thư giãn từ trái tim. Đó là thế giới cảm xúc, cảm nhận của bạn, nó phức tạp hơn tư tưởng. Tiếp theo là bước thứ tư, bạn đi vào cốt lõi sâu xa nhất của bạn. Điều này vượt qua thể xác, tư tưởng và trái tim. Nó là trọng điểm sự tồn tại của bạn. Rồi sự thư giãn này chắc chắn sẽ mang bạn tới một niềm vui bất tận, sự an lạc chân phúc vô biên. Toàn bộ sự tồn tại có phẩm chất một bài ca, một điệu vũ, kể cả bạn. Toàn bộ sự tồn tại trong một trạng thái nghỉ ngơi tối hậu: con chim, cành cây, sông núi đều ở trạng thái thanh tịnh, không vội vàng hấp tấp, không lo lắng, rạo rực, điên rồ. Sự thư giãn toàn bộ là vương quốc của Thượng đế.
1.7. Hãy chấp nhận bản thân bạn là một mình; sinh ra một mình và chết đi cũng một mình. Hãy chấp nhận bạn đang sống một mình giữa đám đông, dù đang sống với một người thân yêu trong gia đình. Bạn có thể sống với ai đó 20, 30, 40 năm nhưng cứ coi như là khách. Chúng ta là khách. Tôi không biết bạn là ai và tôi cũng không biết tôi là ai. Chúng ta là khách do duyên số gặp nhau và cùng nhau làm việc.
Nhưng sự một mình của chúng ta vẫn còn ở đây. Đừng chạy trốn khỏi bản thân bạn. Ném mình vào hút sách ma túy, vào các quan hệ chính trị, tôn giáo là trốn chạy khỏi bản thân, Nhưng khi chạy trốn như vậy thì bản ngã được thỏa mãn vì họ nghĩ rằng họ đang phụng sự nhân loại. Hãy ngừng việc đổ mọi vấn đề lên đầu người khác. Hãy đi vào bản thân bạn, trở về cái bản lai chân như của bạn. Bạn càng đi sâu vào nó thì những vấn đề rắc rối càng ít đi. Lúc đạt tới trung tâm con người bạn thì bạn đã về tới nhà.Từ đó bạn có thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ mọi người mà không đổ lên đầu họ nữa.
1.8. Con đường của Đạo không phải là sự đột nhiên, nó không giống như Thiền. Thiền là đột nhiên giác ngộ. Đạo là phát triển có thứ bậc. Đạo thiết lập trên cơ sở hòa với sự tồn tại, cho phép mọi thứ xảy ra theo tự nhiên của nó, không can thiệp vào dòng chảy bằng bất cứ cách nào; bạn không cần phải vội vã bởi vì sự vĩnh cửu là thích hợp với bạn. Hãy gieo hạt và hãy đợi, mùa xuân sẽ đến, hoa sẽ nở, chỉ cần đợi mà không cần nóng lòng. Đừng bắt cái cây phải mọc nhanh. Hãy học cách chờ đợi vì tự nhiên chảy vô cùng chậm.
Đạo nói rằng mọi thứ xảy ra khi nó cần phải xảy ra. Hãy ở trong trạng thái thư giãn và tự cho phép mình hòa theo dòng chảy. Cần phải làm, nhưng không được là người làm. Phải học cách hành động thông qua phi hành động. Con người hãy hành động như công cụ của Thượng đế, hành động một cách vô ngã. Khi hành động xong, bạn hãy biến mất, hành động đáp ứng, nhưng đừng còn thừa mình lại. Làm việc gì hãy hòa hết mình vào nó, như vậy là một người hoàn thiện: tâm hồn anh ta được nghỉ ngơi, anh ta không làm, anh ta chỉ đáp ứng với sự sống, tâm của anh ta hài hòa, không từ bỏ thế gian, hành động trong cuộc đời, làm mọi thứ cần làm, nhưng vẫn còn lại siêu việt tách biệt ra khỏi chúng.
Lúc đó bạn sẽ thấy một bí mật: mọi sự diễn ra trong cuộc đời đều theo qui luật của riêng nó. Trong bạn sẽ có sự gặp gỡ giữa đàn ông và đàn bà, giữa cá nhân và tổng thể. Đó là sự vĩnh cửu. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ vượt qua cái chết.
1.9. Nguyên nhân của mọi căng thẳng (stress) là sự trở thành. Không ai cảm thấy thoải mái với con người hiện thực của mình. Thực tại hiện hữu không được chấp nhận, bị từ chối và một cái gì đó khác luôn chiếm hữu tâm trí con người như một lý tưởng để trở thành. Lý tưởng càng không thể thực hiện được, sự căng thẳng càng trở nên chắc chắn hơn. Khi bạn không mong muốn trở thành bất kỳ ai khác hơn là con người hiện thực của bạn thì tâm hồn sẽ được giải thoát ngay trong khoảnh khắc hiện tại.
Sự chấp nhận hoàn toàn này là một phép màu, một phép màu duy nhất. Khi sự căng thẳng đến, đầu tiên hãy chấp nhận nó, không cần phải chống lại nó. Stress đơn giản là một thông báo rằng cơ thể đã làm điều gì tranh chấp trong nó. Hãy đón chào nó. Và khi bạn đã bắt tay với nó, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng có một sự thư giãn lớn đến với bạn. Khi bạn chấp nhận nó, nó sẽ tự biến mất. Con người cần phải hiểu kiểu dạng của mình. Có hai loại người trên trái đất: Người vội vàng và người bình tĩnh. Khi đã hiểu kiểu người của mình thì không còn vấn đề nan giải.
1.10. Bạn có một ngoại cảnh. Và không có một ngoại cảnh nào có thể tồn tại mà không phản ánh tới nội tâm. Tất cả mọi sự tồn tại là do từ sự phóng chiếu của nội tâm. Thế giới bên trong có ba nấc thang: Suy nghĩ là lớp bao ngoài nhất; sau đó đến cảm giác, cảm xúc- một cái gì sâu xa hơn, và sau cùng là con người chân thật, tốt đẹp, vĩnh cửu của riêng từng người.
Chỉ có một phương pháp: đó là theo dõi, chứng kiến. Bạn sẽ vượt qua suy nghĩ, tư tưởng và trái tim. Bây giờ đến sự im lặng, bình an vô cùng, không còn gì chuyển động. Đó là con người bạn, là sự thật, là sự tồn tại. Bạn không còn tách biệt với sự tồn tại, mà hòa làm một với nó. Cái cây, mặt trăng, các vì sao, các ngọn núi, tất cả là một phần của một điều duy nhất. Bạn hãy là một phần của chính thể thống nhất này.
1.11. Tất cả những điều gì bạn suy nghĩ đều xuất phát từ thức ăn. Cơ thể từ thức ăn mà ra, tư tưởng từ thức ăn mà ra, tâm hồn cũng từ thức ăn mà ra. Vượt qua bờ bên kia của tâm hồn thì mới không phụ thuộc vào thức ăn. Đó là vô ngã- Sự trống rỗng hoàn toàn- Tâm không. Nó là sự nhận thức không có nội dung. Thức ăn không chỉ biến đổi thể xác mà còn làm biến đổi tư tưởng của bạn. Nó làm cho tư tưởng của bạn hướng về một loại ham muốn nhất định, một ý tưởng có chiều hướng nhất định.
1.12. Bạn đang chạy theo đồng tiền, ai còn có thì giờ để ngắm hoa hồng, những bông hoa, những con chim sải cánh hay tính nhân đạo trong con người mình. Bạn có thể cảm thấy sung sướng lúc bạn có tiền, nhưng sau đó bạn trở thành bệnh nhân mù màu, mất cảm xúc trước các bông hoa, bạn không cảm thấy hay khi nghe nhạc, không thể nhảy múa, không thể thấm thía một bài thơ. Bạn chỉ hiểu từ đôla. Nhưng đôla không mang lại sự thoải mái. Đây là nguyên nhân của sự chán nản.
Một người chạy theo đồng tiền sẽ bỏ qua mọi cánh cửa hướng tới thánh thần. Sự giàu có bên ngoài là mảnh đất nuôi nấng cho sự thiếu thốn hẫng hụt ở bên trong. Chỉ khi nào bạn không còn mê giàu, say mê thế giới hào hoa bên ngoài thì mới có thể đi vào bên trong. Bạn chỉ có thể đi vào bên trong khi đã cực kỳ chán ngán và thất vọng với thế giới bên ngoài; như bạn đã thấy rõ trò đời, bạn đã sống chán chê ở đời, bạn đã từng trải nó và nhận ra nó chẳng có gì thi vị cả. Thế giới bên ngoài không cho bạn cái gì ngoài sự chết chóc tâm hồn. Sự sống phải tìm ở bên trong. Nguồn sự sống ở bên trong bạn.
1.13. Hôn nhân là một kiểu nhà tù. Con người không được phép sở hữu nhau. Con người sinh ra là để tự do, không phải làm vật sở hữu và tình yêu cần trở thành một tình yêu vui vẻ. Nếu bạn muốn đẻ con, đứa con sẽ thuộc về xã hội, nhưng bà mẹ không thể bị dán nhãn như một bà mẹ, một bà vợ hay một cô gái điếm. Tất cả mọi mác, nhãn cần phải bỏ đi.
1.14. Hãy để chính trị cho những người dốt nát, vô cùng dốt nát, những người không biết làm gì. Hãy cố gắng học hành để trở thành một nhà khoa học, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ, nhà văn, thợ mộc, đưa thư… trở thành người thông minh, trở thành người kiến tạo. Nếu bạn nhìn xung quanh thấy mình vô dụng, không thể kiến tạo thì hãy đi vào chính trị. Hãy để chính trị cho những người này. Nếu bạn không cho họ chính trị, họ sẽ trở thành tội phạm. Chỉ hãy nhận biết về bản thân mình, hãy tỉnh táo.
1.15. Con người cần trở thành một đơn nhân biết sống toàn bộ, sống không còn tham vọng và không còn sự sợ hãi, sống theo sự tự nhiên của mình. Khi con người bị phát triển lệch lạc, anh ta sẽ yêu khoa học, yêu tiền, yêu tâm linh, yêu vật chất, yêu quyền lực mà quên mất một điều yêu sự nhận thức và hiểu biết về mình và về thế giới bên ngoài. Cuộc sống, bản thân nó đã hoàn toàn đủ cho nó. Nó chấp nhận bạn như bạn hiện hữu. Nó không cần bạn phải ồn ào về việc bạn sẽ trở thành ai đấy. Cái đó thuộc về đám đông, những kẻ điên, những kẻ đang phạm tội. Hòn đá có thể phá hủy bông hồng, nhưng không có nghĩa là nó mạnh hơn bông hồn. Đơn giản là hòn đá vô hiểu biết về điều nó đang làm.
Osho
Nguồn: thienosho.wordpress.com