Chữ Tu nguyên nghĩa trong Hán tự là sửa chữa. Hiện nay chúng ta vẫn dùng nghĩa này khi nói đến việc sửa chữa xe máy như trung tu, đại tu xe ô tô. Và mãi đến khi ra khỏi cửa thiền, Thiền viện Liễu Quán 1 ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cây số 54 trên đường đi Vũng Tàu, tôi mới thực sự hiểu tu tức là sửa mình nghĩa là như thế nào.
Và đây là câu chuyện, tôi thấy nó hoàn toàn không khác mấy với một chuyến phiêu lưu đến một vùng đất lạ, gian khó còn hơn cả leo lên đỉnh Phanxipăng, thậm chí là Everest hoặc đến Bắc cực, Nam cực. Nó hoàn toàn đáng để kể lại như một bài ký sự đường xa mặc dù nó chẳng xa một chút nào, ngay chính trong đầu mình chứ chẳng phải đâu khác.
Ở đây một ngày bắt đầu lúc 3 rưỡi sáng, và kết thúc lúc 9 rưỡi đêm với 4 lần công phu, 8 tiếng ngồi thiền. Cứ 30 phút ngồi lại đứng dậy đi vòng vòng trong chánh điện 30 phút, rồi lại ngồi, rồi lại đi. Không có ti vi, không có báo chí, không có cả kinh kệ! Ngày nối ngày chỉ có chừng đó việc. Trời đất! Đó là một sự tra tấn còn hơn đi tù chứ đâu phải là sống! Chỗ này đâu có phải dành cho tôi, một người mà lấy sự suy nghĩ, sự tưởng tượng làm nghề nghiệp kiếm cơm!
Sự suy nghĩ, liên tưởng và tưởng tượng vốn là một sức mạnh của con người qua câu nói nổi tiếng của Descartes: “COGITO ERGO SUM – I think therefore I am – Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại”, thế nhưng trong Thiền tông, và đạo Phật nói chung, lại cho rằng “Tư là nghiệp”, sự tư duy là nghiệp chướng! Đây là một khái niệm phức tạp cần nhiều giải thích và chiêm nghiệm trước khi công nhận, riêng ở góc độ thực hành thiền định thì có thể nói ngắn gọn rằng ngồi thiền chính là tập dừng các ý nghĩ lại.
Thật kỳ lạ, với tư duy con người có thể làm đủ thứ chuyện, với tư duy con người có thể sánh ngang với Thượng Đế, hiểu cả vũ trụ, thế nhưng thử một lần ngồi không nghĩ gì hết lại cam go như leo lên tận đỉnh Everest! Các ý nghĩ cứ tuôn ra như thác lũ, có cái kéo ta đi rồi dìm vào các cảm xúc, khi thì lâng lâng, khi thì bừng bừng, nhưng qua rồi ngoái nhìn lại mới thấy chẳng để làm gì. Thường vẫn vậy, ngoài những lúc làm việc ra ta thường để ý nghĩ của mình lang thang không đầu không cuối, hết chuyện này đến chuyện khác. Nhà thiền gọi đó là vọng tưởng không phải là không có lý ở góc độ vô bổ, vô nghĩa.
Hai ngày đầu tiên là vậy. Tôi cố bảo cái đầu mình hãy thôi các ý nghĩ nhưng không tài nào làm được. Tôi cố bịt những suy nghĩ của mình lại bằng cách tự nhủ: “Có giỏi thì nghĩ bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Ma Rốc đi!”, cũng chẳng khá hơn, các niệm cứ chực lúc tôi nghĩ câu tiếng Anh chưa ra thì nó chen vào rồi chiếm toàn bộ tâm trí của mình.
Cái đầu con người ta thật kỳ lạ, sau mấy ngày ngồi tôi mới nghiệm ra rằng có thể chia ra làm ba tầng hoạt động. Tầng trên cùng là ý thức, tầng này luôn lao xao như một bầy chó con cắn nhau ỏm tỏi suốt ngày. Cứ nhắm mắt lại là tầng này hoạt động, ta cứ nghĩ đó là chuyện bình thường nhưng thật ra nó chỉ phản ánh nhưng sự vật chung quanh tác động đến ta gần nhất, mới nhất. Mới xem xong một phim, mới đọc xong một cuốn sách, mới qua một cuộc họp kiểm điểm nhau… thì cả ngày cứ lởn vởn ý nghĩ về nó.
Bạn hãy thử hỏi, cuộc phim năm kia, cuốn sách năm ngoái, cuộc họp cách nay 10 năm đã từng chiếm tâm trí cả tháng không hết giờ tại sao không “quậy” ta nữa, sẽ thấy rằng quả thật cái mà ta cho là bình thường ấy nó thật ra chỉ là lớp “váng bọt” trên bề mặt ý thức; sau một thời gian nó sẽ chìm xuống và dần trở thành tiềm thức rồi vô thức. Và đó chính là tầng thứ hai, tầng vô thức. Tầng này S. Freud đã phân tích khá kỹ và nó vẫn thường quyết định các hành vi của ta hàng ngày mà ta không tự biết. Bằng tự vấn, bằng thôi miên, Freud đã lôi các ký ức chìm sâu trong vô thức ấy ra ánh sáng và đã chữa được khá nhiều bệnh tâm thần. Thì ra con người bị điều khiển rất nhiều bởi vô thức mà không tự biết. Tại sao ta ứng xử thế này mà không phải thế kia phần nhiều là bởi do hoàn cảnh, môi trường ta đã lớn lên từ bé quyết định.
Cứ thử nghĩ thế này là rõ nhất: Nếu hồi xưa loạn lạc chiến tranh thế nào đó, ta bị lạc gia đình và một tên lính lê dương nào đó nhặt đem về Ma Rốc nuôi thì bây giờ ta đã khác với ta bây giờ như thế nào? Không nói tiếng Việt, không ăn được nước mắm, theo Hồi Giáo và có thể sẵn sàng tử vì đạo theo Bin Laden! Vậy thì ngồi thiền chính là lột bỏ đi những thứ mà cả đời mình đã cố công bồi đắp nên, như lột củ hành vậy, suy nghĩ này, tình cảm ấy là do kinh nghiệm ấy mà có, do học cái lớp đó mà thành, do sống trong môi trường kia, đọc cuốn sách ấy mà tạo nên mình; từng lớp một lột bỏ thử xem. Liệu chăng có một cái lõi nào đó mà nhà Phật hay nói Bản lai diện mục, khuôn mặt gốc của mình, cái mẫu số chung của tất cả mọi người không kể văn hóa, dân tộc, tôn giáo?
Ngồi lặng im để những suy nghĩ biến mất đã là một kỳ công, huống hồ là làm cho cả những ký ức hình thành từ hồi thơ bé cũng biến mất là một kỳ công hơn nữa. Vẫn chưa xong, cuộc sống của mỗi người trong từng giây phút hàng ngày vẫn còn bị chi phối rất mạnh bởi những bản năng đã hình thành từ thời con người còn là những động vật mông muội. Nói thì ngon lắm, nào là ý thức cao cấp này kia thế nhưng con người vẫn không thể trả lời được tại sao mình lại sợ rắn, gián, đỉa, chuột… Các công trình nghiên cứu khoa học mới cho thấy các bản năng gốc của con người như bản năng sinh tồn, giận dữ, sợ hãi, tính dục đến hôm nay vẫn chẳng khác mấy với tổ tiên của họ là con khỉ.
Thế mà nhìn lại xem, sự sợ hãi, giận dữ, tính dục vẫn thường chi phối và quyết định mỗi hành vi của ta hàng ngày như thế nào? Sợ sếp, sợ đám đông, sợ đèn đỏ, sợ bóng đêm; giận dữ thì xem phim thấy đánh nhau cũng nghiến răng nắm tay, đọc một bài báo cũng thấy bừng bừng theo những chuyện vô lý bất công ở tận đâu; còn tính dục thì thôi khỏi bàn, nó ám ảnh con người ta trong từng cái nhìn, trong từng thái độ. Những bản năng này vẫn thường quyết định hành vi ta khi mà ta chưa kịp ý thức. Nhiều khi sợ hoặc giận dữ mà chưa kịp hiểu tại sao lại sợ và giận dữ. Dĩ nhiên, sống ở đời mà không có những điều ấy thì thật là đáng chán, thế nhưng cứ bị nó cuốn đi trong từng hành vi thì cũng không ra con người. Cứ thử một lần thả tất cả điều đó xuống xem? Thả thực sự, kinh Kim cang bảo đó là Ưng vô sở trụ, tri giác và nhận thức không trụ, không đứng trên bất cứ chuẩn mực nào. Cứ thử xem!
Liệu có thể lôi tất cả những điều tăm tối ấy, tức bản năng, ra ánh sáng? Quả thật những chuyện như thế này khoa học chưa nói đến mấy. Đời sống tinh thần của con người ta vẫn còn lắm bí ẩn, tất cả mới chỉ hé lộ ra chút ít kể từ khi quan sát được hoạt động sống của bộ não bằng máy chụp cắt lớp cộng hưởng từ (Magnetic Resonace Imaging – viết tắt là MRI) và phát hiện ra rằng hạch Amygdala nằm sâu trong giữa não, bé bằng đầu ngón tay cái lại chứa trong nó toàn bộ các bản năng của con người. Lý thú là qua các bức ảnh chụp được người ta đã nhìn thấy nó chi phối phần vỏ não, tức phần lý trí, ý thức mạnh như thế nào.
Như vậy là con người thông minh tài trí tuyệt vời lại vẫn thường bị chi phối bởi những bản năng chẳng khác con khỉ, con chó là mấy! Phải chăng câu nói nhà Phật: “Hãy nhìn vào hầm sâu đen tối vô thỉ, vô minh” chính là để nói chuyện này, lôi cái phần tăm tối có từ xa xưa ấy trong con người ra với ánh sáng của ý thức?
Không biết! Chưa thấy ai nói đến chuyện này, tôi chỉ đồ chừng như vậy và quyết thử ngồi xem liệu có thể đến đó, cái hầm sâu đen tối ấy, bằng con đường thiền định xem thế nào.
Thật kinh khủng, đó là một cuộc hành trình gian nan đến không thể tưởng tượng được! Lúc ý nghĩ, sau mấy ngày sôi lên sùng sục bắt đầu mệt mỏi thì tôi bắt đầu rơi vào trạng thái vô niệm thật dễ chịu. Cái đầu thật rỗng rang, chẳng nghĩ điều gì, người cứ lâng lâng như kẻ thoát tục. Thế nhưng kinh sách dặn rất rõ rằng cái vô niệm ấy chính là cái ao nước chết, đó vẫn chưa phải là mục đích tối hậu! Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tổ đầu tiên của Thiền tông, bảo: “Tâm như tường bích. Khả dĩ nhập đạo”. Tâm như tường đá mới có thể nhập đạo! Thật vậy, bản năng, gọi là vô minh cho dễ hiểu, là tăm tối và không có ý thức, chỉ có thể đến đó bằng sự không biết. Bất cứ cái biết nào cũng là nằm trên bề mặt bọt bèo của ý thức.
Thử ngồi không biết gì hết một lần xem! Thử thôi mà, thử không nghĩ gì hết một lần xem, để cái đầu mình thật trống rỗng, trơ ra như cục đá xem! Nghĩ thì nhiều rồi, thử một lần không nghĩ xem. Chắc chả chết đâu mà sợ. Đứng dậy thì trở lại bình thường chứ có gỗ đá cả đời đâu mà sợ. Trong trạng thái tất cả trơ ra như gỗ đá ấy (kinh sách gọi là Ngũ uẩn giai không, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) biết đâu sẽ đến được cái chỗ nhìn thấu vô minh, soi sáng phần bản năng, thực sự xóa đi cái phần CON để trở thành một NGƯỜI thực sự, đúng nghĩa! Những ý nghĩ ấy là trúng hay trật? Không biết, tôi chưa từng đọc thấy hoặc nghe ai nói những điều tương tự như vậy. Tất cả chỉ là một cách hiểu khác những lời giảng trong kinh sách Phật giáo. Kệ, cứ thử xem!
Thật kinh khủng, đó là sự sợ hãi đến choáng ngợp trước một cái hầm sâu không đáy, không một chỗ để bám víu, để biết là mình tồn tại; đó là sự ngộp thở như chìm trong nước, như đá tảng đè trên ngực; đó là cái đầu đặc quánh lại như một súc gỗ hoặc một tảng đá. Sau vài lần như vậy tôi quen dần và cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi khi ngồi, đứng dậy ăn, nói như bình thường vẫn cảm thấy có một khoảng không nào đó rất lớn ở phía sau đầu mình. Và tôi đã thực sự hiểu được câu nói của tổ Cao Phong Diệu: Miên mật như viên gạch chìm dưới đầm sâu! Hiểu, có nghĩa là tôi chưa miên mật được cái gì cả!
Sau 15 ngày thì… tôi xin phép thầy trụ trì thiền viện ra về bởi biết cuộc thử sức như vậy là… nên thôi! Cái đích vẫn còn ở xa lắm như lời dạy của các tổ: Tuyệt tử tái tô, Giác ngộ chính là sự chết đi sống lại! Hãy nhảy vào cái hầm sâu, hố thẳm ấy bằng cái tâm dũng cảm của Vô sở sợ! Tôi biết mình chưa đủ lực, đủ duyên để làm vậy thì tạm bằng lòng với một chuyến phiêu lưu đến cái chỗ chưa ai biết ấy và tạm bằng lòng, như vậy là đủ. Mới mon men thôi nhưng quả thật có nhiều chuyện thật hay và không thể không kể ra được. Chẳng biết mọi chuyện như vậy là đúng hay sai nữa thế nhưng quả thật có rất là nhiều điều con người chưa hề biết tới ở cái nơi xa xôi mà gần gũi ấy, cái nơi ngay trong đầu mình nhưng là mặt bên kia của nhận thức, bên kia của tư duy và tôi đồ chừng rằng quả thật nơi ấy có rất nhiều điều để khám phá!
Hồ Trung Tú
Nguồn: 8phutthien.com
Xem thêm các bài viết của tác giả Hồ Trung Tú: ‘Freud và Phật giáo - Sự tương đồng đến kinh ngạc’; 'Trần Đức Thảo và Phật giáo điểm gặp nhau bất ngờ!'; 'Trần Đức Thảo và Phật Giáo - Phản biện của Phong Uyên và trả lời của Hồ Trung Tú'; 'Đối thoại Phật giáo 2'
Và xem thêm: 'Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo'
Và đặc biệt bạn có thể xem thêm video:
Bản Năng Con Người (Human Instinct) - Robert Winston: Click tại đây
Cơ Thể Con Người (The Human Body) - Robert Winston: Click tại đây
Và xem thêm: 'Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo'
Và đặc biệt bạn có thể xem thêm video:
Bản Năng Con Người (Human Instinct) - Robert Winston: Click tại đây
Cơ Thể Con Người (The Human Body) - Robert Winston: Click tại đây