Xin nghĩ lại

Giọng chị cứng ngắt: Con không nghe lời một người không đủ đức độ. Anh ấy cứ nói: Tôi biết bà chỉ nghe lời Quý thượng tọa, Quý ni sư mà thôi. Nhưng đâu phải vậy, con chỉ nghe lời những ai, con thấy nói được làm được.

Vì sống gần nhau, chị khám phá anh có tính tật mà trước kia chị không biết. Những tính tật đó chị vốn không chấp nhận. Còn quý thầy quý cô ở xa, chị chỉ gặp trong những buổi giảng, nhiều nữa là những lần thưa hỏi ý kiến nơi phòng khách. Tăng phòng hay nhà chúng chị đâu được bước vào. Lúc nào gặp, chị cũng thấy Quý thầy Quý cô vui vẻ cởi mở, ôn tồn phân giải những gút mắc của chị. Những gút mắc mà khi chị hỏi anh, anh chỉ lắc đầu bảo chị cố chấp với những chuyện nhỏ nhặt. Nhỏ nhặt với anh, nhưng lớn với chị. Chị cho rằng anh hay cười chế nhạo những suy nghĩ khi chị phân tích vấn đề đang sôi động trên ti vi.

Ban đầu chị cũng nghe anh, cũng mến phục anh, và chọn anh bởi những tính tốt anh đang biểu hiện - như những người trong đạo tràng đang khen anh và quý mến tư cách điềm đạm nơi anh. Sống gần chị bắt gặp những điều chị không chấp nhận nơi anh, và bắt đầu không còn nghe theo lời anh nói, chị luôn phản bác ý kiến anh.

Người ta chịu đựng nhau, khi sống cạnh nhau, điều này gần như một định luật tất yếu. Cuộc sống xoay vần đắp đổi, những gì mới lạ hôm nay sẽ quen cũ ở ngày mai. Rồi xuất hiện những điều mà khi mới gặp không biết được. Và bạn hay tôi cũng chọn lựa thay đổi để tâm ổn định những điều mình cảm thấy không còn dễ chịu.

Trách nhau vì sao người chóng thay đổi cũng không giải quyết được gì, khi mọi thứ đã biến chất và thay đổi vì điều kiện khách quan tác động lên. Như khung sắt hoen rỉ qua tác động mưa nắng, nó không còn là khung cửa sắt ngày mới đem về thơm mùi sơn vừa phủ lên, ngắm nghía không chán.

Nhưng vì tâm chông chênh dễ thay đổi bởi sự tác động bên ngoài, nên sau khi nghe phân giải, tâm trở lại ổn định hòa hoãn.

“Tôi mong bạn nghĩ lại”, “Tôi xin bạn nghĩ lại”… Nhờ sự nghĩ lại này, giềng mối còn giữ được. Nhờ sự nghĩ lại mà dừng chân kịp bên bờ vực thẳm.

Nghị lực, quyết tâm và lời động viên khuyên giải, tâm dần ổn định. Chánh kiến ban đầu cần yếu để chọn con đường mình đi. Sau đó dù gặp những tác động bên ngoài làm lung lay, vẫn có thể đủ duyên lành vượt qua. Cuộc sống là chằng chịt mối tương giao, không thể trong phút mê mờ của khổ đau và thất vọng, có thể xô đổ hết được.

Cuối cùng, sau những giây phút của đấu tranh, những người đứng lại bên vực thẳm của sa ngã, của bỏ cuộc, của ý muốn hủy hoại đã nói:

- “Tôi cảm thấy mình chỉ là người đóng tuồng, không có gì thực trong vai diễn này. Khi màn hạ tôi lại tưởng mình là nhân vật trong vở kịch đó, bây giờ tôi mới hiểu mình chính là diễn viên, đừng đồng hóa mình với vở kịch, khi vở kịch đã hạ màn”.

- “Con thì coi như mọi việc đã qua là một lớp học, và đây là kỳ thi. Lỡ rớt rồi, học thi lại vậy”.

- “Kể như mình thua ván cờ này đi. Không dè họ đi nước đó ngoài dự tính”.

- “Bây giờ mới hiểu câu trong kinh Hoa Nghiêm. Bồ Tát coi thế gian như điện chớp, như huyễn như hóa như giấc mộng, nên độ chúng sanh không ngán. Mình thấy thật quá, nên mới ra nông nỗi này”.

Trích Từ Bước Chân xa
Nguồn: hoalinhthoai.com
Previous Post
Next Post