Đề tài nói chuyện là “Giải Thoát
Tri Kiến”, tức giải thoát những cái thấy, cái biết theo sự mê mờ trói buộc, trả
về cho cái thấy biết tự tại đúnh như thật.
Trước tiên, nói về tri kiến mê
lầm, tri kiến bị trói buộc hay còn gọi là ngã kiến.
Tri kiến của con người lâu nay
luôn mang theo cái tôi, lồng cái tôi vào trong đó. Cho nên thấy biết luôn bóp
méo sự thật theo cái tôi, nhìn sự vật không đúng như thật. Thí dụ như khi nhìn
một bình hoa.
Người thích thì nói bình hoa này
đẹp, người không thích thì nói xấu. Cũng là một bình hoa nhưng hai người nhìn
thì thấy khác nhau, đó là nhìn theo cái tôi. Vậy là cái bình hoa không còn đúng
như thật của nó mà đã thành cái bình hoa của tôi, của anh hoặc của chị, là bóp
méo nó theo cái ngã kiến riêng, trái với tính như thật của nó.
Cũng vậy, cùng là chiếc xe hay
cùng là cô gái nhưng mỗi người nhìn thấy đẹp xấu khác nhau. Rõ ràng, cứ nhìn
theo cái tôi thành ra sai biệt.
Hay núi, sông thì chúng ta cũng
nhìn thấy cao-thấp; sâu-cạn nhưng sự thật núi có cao-thấp, sông có sâu-cạn hay
không? Sở dĩ chúng ta thấy nó cao là bởi trước kia đã thấy những ngọn núi thấp
hơn ngọn núi này. Còn những người khác thì thấy núi này thấp vì trước đó họ đã
thấy những ngọn núi cao hơn. Như vậy, cao thấp là do tùy người nhìn, đặt ra chứ
ngọn núi đâu có nói nó cao hay thấp; có khi người thấy cao, người thấy thấp,
thành ra cãi nhau. Nhưng sự thật thì núi không cố định cao-thấp, mà tùy theo
cái nhìn. Sông có cạn-sâu cũng theo cái nhìn. Theo từng cái nhìn mà mỗi cái có
khác nhau. Thành ra cãi nhau. Cãi nhau là do ngã kiến mang cái “tôi” trong đó,
là bóp méo sự thật của ngọn núi, con sông v.v... chứ sự thật núi vẫn là núi,
sông vẫn là sông, không có cao-thấp, cạn-sâu.
Từ đó suy ra, có ra chân lý của
tôi, của anh, của chị v.v... nhiều thứ chân lý sai biệt khác nhau. Ai cũng nghĩ
cái thấy của mình là chân lý rồi cãi nhau, vậy đâu còn là chân lý nữa. Cái đó
là theo ngã kiến riêng, nếu thật là chân lý thì ai cũng có thể thấy, còn chúng
ta thấy chân lý ở nơi mình mà không có ở nơi người thì đó chưa phải thật là
chân lý. Đó là cái lầm theo ngã kiến.
Ông Tô Đông Pha khi hiểu đạo,
được một chút vị thiền thì có làm bài kệ nói về đạo lý thiền đó. Bài kệ tên “Lô
sơn chân diện mục” tức là “Bộ mặt thật của núi Lô”:
Hoành khán thành lãnh, trắc thành phong
Viễn cận cao đê giai bất đồng
Bất thức Lô sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.
Dịch:
Nhìn ngang thành dãy, xéo thành non
Cao, thấp, xa, gần thảy chẳng đồng
Chẳng biết Lô sơn mày mặt thật
Bởi tại núi này thân ở trong.
Tức là ngọn núi Lô sơn nhìn ngang
sẽ thấy thành một dãy dài, đứng xéo nhìn lại thì sẽ thấy thành một ngọn núi
cao, đứng xa thì thấy thấp, đứng gần thì thấy cao. Tùy theo chỗ đứng mà thấy
núi sai biệt theo nên không thể biết được bộ mặt của Lô sơn. Vì sao? Là bởi
thân đang ở trong núi, còn tìm biết làm sao được.
Qua đó thấy rằng cùng một ngọn
núi Lô nhưng do chỗ đứng của mỗi người, mà thấy có mỗi ngọn núi theo ngã kiến
của mỗi người, bóp méo sự thật của ngọn núi Lô.
Nhà thiền có câu chuyện: ngài Quế
Sâm, ngài Trường Khánh, ngài Bảo Phước là ba vị Thiền sư ngộ đạo. Một hôm, ba
vị cùng đi vào Châu Thành thấy một đóa hoa mẫu đơn. Ngài Bảo Phước nói: “Một
đóa hoa mẫu đơn đẹp”. Ngài Trường Khánh bảo: “Chớ để con mắt sinh hoa”. Tức là
đã thấy đẹp, thấy xấu. Ngài Quế Sâm liền bảo: “Đáng tiếc một đóa hoa”. Như vậy
một đóa hoa, chỉ là một đóa hoa, không nói năng gì nhưng chỉ do người gán cho
nó thế nào thì nó thế đó. Nó không còn đúng như thật là nó nữa mà nó đã theo
mỗi cái thấy của từng người.
Nhà thiền có câu “Đất bằng dậy
sóng” là vậy. Đóa hoa thì không có việc gì, nhưng ba vị đã làm dậy sóng khiến
những người ngoài nghe vậy cũng dễ bị gạt. Bàn rằng Ngài Bảo Phước nói đóa hoa
đẹp là không được; Ngài Trường Khánh nói chớ để con mắt sinh hoa thì cũng chưa
hay, còn phân biệt; Ngài Quế Sâm nói đáng tiếc cho đóa hoa thì có vẻ hay hơn.
Đó là theo cái nhìn của chúng ta. Nhưng đúng theo cái nhìn của nhà thiền thì ba
vị đều có chỗ thấy đạo, sự biểu lộ trình bày là cách của mỗi người. Ba vị đều
thấy đóa hoa nhưng đều không bị đóa hoa làm mê mờ như người thế gian, nhưng qua
cách trình bày trên ngôn ngữ thì thấy như ba vị đó tương đối chưa được rốt ráo.
Cho nên, nếu phân biệt thì thấy
vị này hay, vị kia dở, là chúng ta cũng không thấy được ba vị đó mà phải thấy
đến chỗ ba vị kia thấy như nhau. Đó mới là cái thấy của nhà Thiền, nếu còn thấy
vị này hay, vị kia dở là thấy theo cái thấy của mình. Học thiền là phải khéo
như vậy!
2. Tri kiến như thật
Lâu nay khi nhìn sự vật, chúng ta
thấy sự vật là thấy theo cái tôi. Đó là tri kiến mê lầm, trói buộc, không thấy
đúng như thật của các pháp. Những hiểu biết lâu nay ta thấy là những hiểu biết
vay mượn, thấy theo sự huân tập của cái tôi sai biệt nên không đúng như thật.
Lúc mới sinh ra ta không có tri
kiến gì; lớn lên cha mẹ dạy những kiến thức về đạo đức gia đình hiếu thảo
v.v... Đi học ở trường thì cô giáo, thầy giáo huân tập thêm một số kiến thức về
học đường. Lớn nữa ra sống ở xã hội thì học thêm những kiến thức ngoài xã hội.
Những cái đó là những cái ta học được sau này, vay mượn của gia đình, trường
học v.v... Chứ ngay lúc sinh ra ta không biết. Ngay cả kiến thức về tôn giáo
cũng vậy, mới huân tập sau này. Khi ta huân tập thì liền chấp cái đó là của
mình. Mà đã là của mình thì cái thấy của mình là trên hết, nên khi có những tri
kiến khác đối lại thì cãi. Hiểu như vậy thì bớt chấp vào những kiến thức, tri
kiến huân tập sau này.
Cũng vậy, trước khi chúng ta khởi
tâm động niệm thì không có tri kiến gì, khi mình khởi thì mới có. Cho nên, nếu
khéo quán để trả về tri kiến nguyên thuỷ ban đầu, chưa có mang cái tôi. Đó là
trả về tri kiến như thật.
Giống như khi ta mang kiếng màu,
mang màu hồng thì thấy cảnh vật màu hồng, mang màu xanh thì thấy cảnh xanh
theo, mang màu xám thì thấy nó xám. Khi gỡ kiếng, nhìn bằng mắt chân thật thì
thấy đúng sự vật như nó là nó. Cái nhìn đó mới thật sự là trong sáng, không có
màu. Nếu nó có màu thì nhìn đúng như màu của nó.
Thiền sư Duy Tín có nói: “Trước
ba mươi năm khi chưa học đạo thì thấy núi sông là núi sông. Sau khi học đạo,
hiểu đạo lý thì thấy núi sông chẳng phải là núi sông. Sau ba mươi năm thấy núi
sông trở lại là núi sông”. Nghĩa là trước khi học đạo, chưa hiểu đạo lý thì
thấy cái gì cũng thật, cảnh thật, người thật, cho nên thấy núi sông thật là núi
sông. Khi học đạo, hiểu rõ thì thấy tất cả đều giả, là không thật, thấy núi
sông không phải là núi sông vì không thật nữa.
Khi học đạo, tu hành, sáng tỏ, mở
được mắt trí tuệ thì tâm mình hết lầm chấp. Lúc đó nhìn trở lại cảnh vật, núi
sông, thấy rõ đúng như thật của nó, núi sông là núi sông. Không còn nói có nói
không. Nếu còn nói có, nói không thì cũng còn theo phương tiện. Nói không để
phá cái lầm chấp có, để chỉ cái lý, cái tự tánh của nó. Ngược lại, nói có để
dừng chấp không. Khi chúng ta không còn chấp, trí tuệ sáng thì thấy rõ bình hoa
là bình hoa. Nhưng cái nhìn sáng suốt khác hơn lúc chưa học đạo. Lúc trước ta
cho nó là thật, phân biệt đẹp xấu, giờ thấy đúng như nó là nó, bình hoa là bình
hoa, núi sông là núi sông, không thêm gì!
Thiền Sư Đức Sơn dạy chúng nói:
“Này các ông, khoảng này không có một pháp cho các ông giải hội, tự mình cũng
chẳng hội Thiền. Ta cũng chẳng phải là thiện tri thức, mọi việc đều không hiểu,
chỉ biết đi ỉa, đi đái, ăn cơm, mặc áo thôi còn có việc gì nữa”. Tức là Ngài
muốn nhắc người, học Thiền cuối cùng là trả về tri kiến như thật, không thêm
vào những thứ hiểu biết vay mượn, trả về bình thường như ăn cơm, mặc áo không
thêm những hiểu biết tri kiến khác.
Khi học, hiểu Phật Pháp, nếu biết
ứng dụng thì tốt, nếu không thì có khi hiểu Phật Pháp quá thành bệnh. Mới học
đạo do chưa biết nên còn khiêm tốn, học nhiều quá thấy mình hiểu nhiều thì
thành bệnh. Chẳng hạn chúng ta đi chùa học đạo rất lâu, hôm nay vào chùa vị Trụ
trì lỡ sắp chúng ta đứng tuốt phía sau thì buồn liền. Vậy là nhiều tri kiến,
nhiều cái tôi quá! Phải biết đó chỉ là phương tiện học đạo để gạn lọc nội tâm
chính mình, không phải học đạo để thêm bệnh. Nên Ngài nhắc phải thấy rõ đó là
những thứ vay mượn, không phải của chính mình, hãy trả về cho nó để nhận trí
tuệ nguyên sơ của chính mình.
Nhà thiền có cư sĩ Bàng Uẩn, dù
còn sống ở ngoài đời nhưng ông ngộ đạo và có đời sống rất tự tại. Khi chết, ông
rất tự tại, làm chủ được sinh tử. Ông có câu nói: “Chỉ cần bỏ hết các thứ hiện
có, đừng đem vào những cái mình không có”. Mỗi người thực hành được hai câu này
một cách đầy đủ thì đời tu học coi như đã xong.
Nếu không khéo thì những cái
trước khi đem vào nó không phải là của mình, nhưng đem vào rồi thì chấp là của
mình. Ví dụ Phật Pháp trước khi học là của ông thầy, sau khi học là của mình.
Chớ nên lầm như vậy.
Thiền sư Vân Môn thượng đường đưa
cây gậy lên bảo chúng “Cây gậy này phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích
nói nó là không, Duyên giác thì gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì thấy đương thể
tức không, Thiền gia thì thấy cậy gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi
không được đụng đến”.
Tức là phàm phu chưa học gì thì
thấy cây gậy là thật. Nhị thừa thì phân tích cây gậy là vô thường, tuy có nhưng
một lúc thì hư, hoại thành không. Duyên giác thấy nó là do duyên hợp, tạm có.
Bồ-tát thì ngay đó thấy nó là tánh không, không phân tích. Nhưng nói vậy vẫn
còn trên lý thuyết, nhà Thiền thấy cây gậy chỉ là cây gậy, không thêm một niệm
gì nữa, không tri kiến gì, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi không được đụng đến. Đụng
đến là có động niệm mà có động niệm thì sẽ bị ăn gậy. Nhà Thiền vượt qua hết
tất cả những tri kiến sai biệt, thấy đúng như thật, nó thế nào thì thấy nó như
vậy.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Pháp
Nhãn: “Thế nào là giọt nước ở nguồn Tào?”. Ngài Pháp Nhãn đáp: “Là giọt nước ở
nguồn Tào”. Như vậy, giọt nước nguồn Tào chỉ là giọt nước nguồn Tào, rất đơn
giản. Nếu là chúng ta thì giải thích thế này thế kia thành ra nó là văn tự, chữ
nghĩa. Cuối cùng không thấy được đâu là giọt nước nguồn Tào. Cũng như hỏi: “Thế
nào là Phật?”. Đúng nhà Thiền thì Phật là Phật, còn giải thích Phật thế này,
thế kia thì cuối cùng không có thấy Phật ở đâu. Hoặc người giải thích thế này,
giải thích thế kia v.v... rồi cãi nhau. Lúc đó, không thấy Phật mà chỉ thấy
chúng sinh. Đó là Phật chữ nghĩa, Phật văn tự. Đúng ra Phật là Phật thôi!
Tinh thần này đưa chúng ta trực
tiếp giáp mặt với sự thật, không thêm những tri kiến khác. Đó là trả về cái
thấy như thật.
3. Phương tiện trở về
Tất cả hiểu rồi thì tu tập để trở
về cái thấy như thật chứ không phải để nói lý. Phương tiện để trở về là sao? Từ
lâu chúng ta lầm mê theo những tri kiến vay mượn, giờ được nghe được đánh thức
thì phải buông những cái thấy phân biệt theo duyên bên ngoài để thấy đúng như
thật. Thấy nghe thì vẫn thấy nghe nhưng thấy nghe phải trả về trọn vẹn là thấy
nghe, không xen lẫn các trần vào đó. Để tâm vô trụ, thấy nghe nhưng không trụ
vào cái trần nào. Lúc đó tâm sẽ trong sáng.
Trong kinh Kim Cang, Phật bảo
ngài Tu-bồ-đề: “Bồ-tát muốn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Bồ-tát
nên lìa tất cả tưởng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ
sắc sinh tâm, chẳng nên trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Nên sinh tâm
không có chỗ trụ”. Tức là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì không
nên trụ chỗ nào, sinh tâm không có chỗ trụ. Chính đó là tâm Vô thượng Bồ-đề.
Tâm không trụ vào trần nào thì nó luôn luôn sáng ngời. Nó thấy nhưng nó không
trụ, nó vẫn là nó thì nó sáng ngời. Nếu nó trụ vào đâu thì bị cái đó che.
Ví dụ nó thấy bình hoa rồi trụ
vào bình hoa thì bị bình hoa che, trộn lẫn với bình hoa, không còn là chính nó,
mất sự trong sáng. Còn thấy tất cả mà không trụ thì vẫn còn nguyên vẹn là nó.
Đó mới thật là trong sáng, trả về cái thấy nghe nguyên vẹn. Chính phát tâm Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác là tâm vô trụ. Còn chúng ta trụ cái nào thì bị cái
đó che. Thí dụ, đi ra chợ nghe ai đó nói tới tên mình thì liền trụ ngay đó, hay
nghe hát thì trụ ở đó. Mà trụ đó thì quên mất hiện tại. Cho nên tâm không trụ,
không bị cái gì che hết thì luôn sáng ngời.
Chúng ta khéo thực tập tâm vô trụ
thì sống trở về thực tại sáng ngời, còn tâm trụ thì liền quên mất thực tại, mất
bản tâm của mình. Thiền sư Bá Trượng có bài kệ:
Linh quang riêng chiếu, vượt khỏi căn trần
Thể bày chân thường, chẳng kẹt văn tự
Tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành
Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật.
“Linh quang riêng chiếu, vượt
khỏi căn trần”: Linh quang tức là ánh sáng linh diệu nơi chính mình, nó “riêng
chiếu” một mình, không trụ vào đâu hết nên nó “vượt khỏi căn trần”.
“Thể bày chân thường, chẳng kẹt
văn tự”: Thể của nó luôn luôn bày cái chân thật hiện hữu, lúc nào cũng sáng
ngời không mắc kẹt trong văn tự, không dính vào chữ nghĩa. Cái tâm chân thật,
sáng suốt của chúng ta không thuộc vào bất kỳ chữ nghĩa, kinh sách nào mà ở
ngay nơi chính mình. Cho nên:
“Tâm tánh không nhiễm, vốn tự
viên thành”: Tâm tánh nếu nó không nhiễm với trần bên ngoài thì tự nó tròn đủ,
không thiếu.
“Chỉ lìa vọng duyên, tức như như
Phật”: Khéo lìa vọng duyên bên ngoài thì ngay đó là Phật như như. Phật như như
thì lúc nào cũng sáng suốt, không thêm bớt gì nữa. Là tri kiến giải thoát tự
tại. Thấy đúng như thật các pháp, chính đó là tâm vô thượng Bồ-đề.
4. Tóm kết
Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật dạy:
“Tánh giác tức minh vọng vi minh giác”. Tức là cái giác ở trong tự tánh của
mình tự nó vốn là sáng suốt nhưng người mê không rõ, lại vọng sinh ra một cái
sáng khác để soi sáng trở lại cái giác đó, lập thêm một cái sáng ở trên cái
giác, biến cái giác sẵn có đó thành cái giác thứ hai để mình soi sáng. Thí dụ
khi nghe nói mỗi người đều có Phật tánh, Phật tánh vốn sáng suốt không có mê,
liền cố suy tìm, quán sát để soi sáng trở lại nó.
Chúng ta nghĩ hiện giờ Phật tánh
còn mê, nên phải soi cho nó sáng lên. Mà soi sáng để cho nó sáng lên tức là
hiện nó còn đang tối, mà nếu nó tối thì đâu phải Phật tánh. Như vậy là biến
Phật tánh thành đối tượng thứ hai để soi sáng, tức là nó thành cái bóng rồi.
Chúng ta soi nó để cho nó sáng lên, gọi là thêm một cái sáng để mà soi sáng lại
cái Phật tánh. Như vậy thành ra Phật tánh lu mờ, chứ đúng là Phật tánh vốn tự
sáng suốt, nhưng do chúng ta mê nên không nhận ra.
Tu là bỏ bớt những cái mê, những
cái thêm vào đó. Thí dụ, như cái gương, thường cái gương bị bụi đóng thì chúng
ta phải chùi, mà chùi cái đó là chùi cái gì? Người ta hay nói là chùi gương,
lau gương. Là do lâu ngày dùng danh từ như vậy thành ra quen, nói đúng là lau
bụi chứ đâu phải lau gương. Nếu cái gương lau được thì bị tối trở lại. Cho nên
bản chất của cái gương là sáng, bụi chỉ đóng ở lớp bên ngoài. Chúng ta lau đó
là lau bụi, hết lớp bụi này thì gương nó tự sáng, chứ không phải do lau mà nó
thành sáng.
Nhận định cho kỹ lại thì thấy rõ
chúng ta dùng danh từ chưa chính xác. Thì đây cũng vậy, Phật tánh là tánh giác,
tánh giác là tự nó sáng rồi. Nhưng do chúng ta mê, mê tức là những thứ vọng
tưởng phiền não nhiều nên che. Nó che cho nên không nhận ra được Phật tánh, giờ
tu để bỏ bớt những cái này chỉ còn lại Phật tánh sáng suốt. Đừng hiểu lầm,
tưởng đâu là nó không sáng rồi cố soi sáng thì đã biến nó thành đối tượng thứ
hai cho chúng ta soi nó, vậy thì thêm cái gì để soi lại nó nữa, thành ra có hai
cái Phật tánh, một cái Phật tánh thì bị soi sáng, một cái Phật tánh thì hay soi
sáng lại nó, vậy thì cái nào là thật? Ở đây, khi hiểu rồi thì biết tu là loại
ra những cái không phải nó, những cái thêm vào nó, thì tự nó sáng mà không lầm
lẫn.
Có một câu chuyện của Phật giáo
Tây Tạng: Một vị tu sĩ tu bằng cách là thường đi nhiễu vòng quanh tu viện Linh
Thiêng. Tu viện này được truyền rất là linh thiêng, nếu ai đi vòng quanh tu
viện được bao nhiêu số vòng thì sẽ phát triển được tri kiến của bậc Thánh. Vị
tu sĩ này tu tập như vậy.
Một hôm, đang đi quanh thì vị
tăng bỗng gặp Thầy Viện chủ tu viện. Thấy vậy, Ngài mới vỗ lưng tu sĩ này bảo:
“Thật ra, đi vòng quanh một thánh địa như vậy thì cũng tốt đó! Nhưng nếu muốn
tốt hơn nữa thì thầy nên tu học về yếu tính của Phật pháp (những điều trọng yếu
trong Phật pháp)”. Vị tăng nghe xong liền chuyển qua đọc, tụng thuộc lòng kinh
điển. Không lâu lại gặp Thầy Viện chủ nữa, Ngài lại vỗ lưng vị tu sĩ nói: “Đọc
tụng kinh điển như vậy cũng hay quá đó nhưng nếu hay hơn nữa thì nên tu học
Phật pháp bao trùm rộng khắp”. Vị tăng nghe vậy mới suy nghĩ, tu học Phật pháp
mà bao trùm rộng khắp thì tu sao đây? Thầy chuyển qua tu thiền định, luôn
chuyên tâm thiền định ngồi không nhúc nhích.
Một hôm, đang ngồi thiền định
trong một góc của tu viện, im lìm cố giữ tâm không sinh nghĩ ngợi, thì Thầy
Viện chủ này bỗng đến, bảo: “Con đang thiền định đấy ư! Cũng rất hay đó! Nhưng
tu tập cho đúng Phật pháp đích thực thì tốt hơn”. Vị tăng không hiểu tu làm sao
mà gọi là Phật pháp đích thực. Thiền định như vậy mà Ngài còn bảo là phải tu
Phật pháp đúng đích thực, thầy không biết làm sao nữa, mà tâm cũng không còn
chỗ nào để suy nghĩ bám lấy, nên mới thưa: “Dạ, bạch thầy, con phải làm gì
đây?”. Thầy Viện chủ bảo: “À! Thì con hãy buông bỏ hết những gì mà con đang bám
giữ, lúc đó con chính là con và cái đơn giản này là bước khởi đầu mà cũng là
mục đích cuối cùng”.
Nghĩa là con hãy buông bỏ hết
những gì con đang bám giữ, tức buông hết những cái vay mượn. Khi những cái vay
mượn đã buông ra hết, còn lại cái không thể buông ra nữa, đó mới chính là con.
Vì có đem vào cho nên buông ra được, còn đến lúc không còn gì để buông nữa thì
còn lại cái đó mới là chân thật chính mình. Và cái đơn giản này là bước khởi
đầu cũng là mục đích cuối cùng chứ không gì khác.
Vậy là yếu chỉ để trở về nguồn
chân hay là trở về tri kiến chân thật rất là đơn giản, không thêm vào nhiều tri
kiến, hay cái hiểu biết cao siêu gì khác mà chỉ là bớt ra để không nhận những
thứ đem vào đó là ta, không lầm những cái đó, còn lại cái gì đó thì mới gọi là
tri kiến chân thật của chính mình. Chỉ cần một điểm này thôi, thì đủ cho tất cả
mọi người thành tựu được tri kiến giải thoát, không có vướng mắt, không kẹt vào
những tri kiến vay mượn. Nó không có vướng mắc cái gì thì đó gọi là tri kiến
giải thoát.
Vậy, vẫn thấy nghe biết hiểu
nhưng đừng có dán nhãn hiệu cái “tôi” vào thì nó sáng suốt không bóp méo sự
thật. Mong tất cả luôn có tri kiến giải thoát để có cái nhìn các pháp tự tại
sáng suốt, gỡ hết những cặp kiếng màu đi để nhìn đúng sự thật. Tức là hãy buông
bỏ những gì đang bám giữ, ngay cả những lời đang nói đây cũng buông, còn lại
chính mình mới chân thật.
Nguồn: thuongchieu.net