Hình như chưa bao giờ cuộc sống
vật chất của người Việt Nam
lại cao như hiện nay. Lẽ dĩ nhiên tôi biết về khoảng cách giàu nghèo trong xã
hội còn rất lớn và nó đang tạo thêm căng thẳng cho một xã hội, vốn đang phải
đối mặt với quá nhiều vấn đề. Thế nhưng mức sống vật chất cao hơn những thời kỳ
trước đây của người Việt Nam
cũng vẫn là một thực tại khó phủ nhận.
Ấy vậy mà những người có cuộc
sống vật chất sung túc hình như lại chẳng cảm thấy bình an trong tâm hồn nhiều
hơn, so với thời kỳ thiếu thốn vật chất trước đây. Có lẽ cũng không cần phải
viện dẫn nhiều bằng chứng cho điều khẳng định này. Nhiều người thành đạt về vật
chất có vẻ như đang bối rối về ý nghĩa cuộc đời mà họ vẫn lờ mờ cảm thấy cần
phải có.
Các triết gia và các nhà tâm lý
học đều khẳng định nhu cầu về một định hướng chung và về một mục tiêu để dấn
thân, như là một nhu cầu đã ăn sâu vào điều kiện hiện hữu của con người. Con
người muốn tự nhận thức mình từ trên xuống và từ dưới lên. Con người có thể làm
được điều này "bởi vì nó là một hữu thể lưỡng phân và đầy mâu thuẫn, một
hữu thể phân cực ở mức độ cao nhất, mang tính thánh thiện và mang tính thú vật,
cao cả và thấp hèn, tự do và nô lệ, có khả năng vươn cao và sa đọa, có khả năng
yêu thương và hy sinh thật vĩ đại và cũng có khả năng tàn nhẫn ghê gớm và vị kỷ
vô biên." Triết gia Nga N. Berdyaev đã nói như vậy.
Ông còn nhận xét rằng, con người
do bị thúc đẩy bởi những khởi nguyên tự phát thấp hèn, nên có thể bị sa đọa,
nhưng con người lại biết đau khổ vì sa đọa ấy và mong muốn vượt qua nó. Tính
nhân bản của con người thể hiện trong ý hướng muốn vượt qua tình trạng sa đọa,
chống lại tính lưỡng phân trong hiện hữu của mình, không phải chỉ trong suy
nghĩ, mà còn trong các cảm xúc và hành động nữa. Nhà phân tâm học Erich Fromm
đã nhận xét rằng, mỗi con người đều là "một kẻ không thực tế", phấn
đấu vì một điều gì đó vượt lên trên việc thỏa mãn vật chất. Họ khác nhau về
kiểu cách lý tưởng mà họ tin vào.
Erich Fromm đưa ra hai kiểu mẫu
định hướng lý tưởng:
1. Kiểu định hướng mang tính độc
đoán, đức hạnh chủ yếu là tuân phục, tội lỗi chủ yếu là không tuân phục. Quy
phục trước một quyền năng mạnh mẽ là một phương tiện để con người thoát khỏi
tình trạng cô đơn và bất lực của bản thân. Thông qua việc tuân phục, con người
mất đi tính độc lập và tự chủ, nhưng bù lại, sẽ có được cảm giác an toàn, được
bảo vệ bởi một quyền lực lớn lao mà mình cảm thấy là một phần của nó. Có thể
nói đây là định hướng của tình trạng nô lệ.
2. Kiểu định hướng mang tính nhân
bản cho rằng con người phải phát triển năng lực lý trí để tự hiểu mình và hiểu
được mối quan hệ của mình với những người khác. Con người phải nhận biết được
cả những hạn chế lẫn tiềm năng của bản thân, phải phát triển tình yêu thương
đối với tha nhân, phải xây dựng những định hướng tinh thần dẫn dắt mình đến mục
đích này. Niềm tin được hình thành dựa trên quá trình suy nghĩ và nhận thức của
chủ thể, chứ không thể bằng lòng với những gợi ý của người bảo trợ. Có thể nói
đây là định hướng của tự do.
Hai kiểu định hướng khác nhau ở
trên là do con người đồng thời thuộc về hai thế giới khác nhau: thế giới tự
nhiên với bản năng bầy đàn và thế giới tinh thần đặc thù cho tính nhân bản. Con
người thuộc về thế giới tự nhiên, trong con người có toàn bộ thành phần của thế
giới tự nhiên, kể cả những quá trình hóa học-vật lý học. Thế nhưng trong con
người có yếu tố vượt ra khỏi thế giới tự nhiên. Bản thân sự kiện con người muốn
tự nhận thức bản thân mình cũng đã là một dấu hiệu của yếu tố vượt khỏi tự
nhiên.
Tình trạng lưỡng phân của con
người là cố hữu trong cuộc sống nội tâm. Ở đây đặt ra vấn đề con người cá nhân
phải bảo vệ tự do của bản ngã chống lại những cám dỗ ngoài xã hội để giữ được
định hướng nhân bản. Tự do ở đây không có ý nghĩa như một quyền cần phải giành
lấy, mà lại có ý nghĩa như một trách nhiệm trước bản thân mình, đòi hỏi con
người cá nhân phải có dũng khí nhận lấy trách nhiệm ấy. Cần phải có dũng khí bởi
vì tự do với cám dỗ thì rất khó khăn, còn chịu khuất phục làm nô lệ cho cám dỗ
thì dễ dàng hơn, ít đau đớn hơn nhiều. Con người thường không nhận ra tình
trạng nô lệ của mình và đôi khi còn yêu thích nó. Thế nhưng con người cũng cố
hướng về giải phóng. Tình yêu tự do, nỗ lực hướng về giải phóng là chỉ dấu cho
thấy một tầm cao nào đó của con người, chứng tỏ rằng con người trong nội tâm đã
không còn là nô lệ nữa.
Erich Fromm đưa ra một trường hợp
bệnh nhân cần trợ giúp phân tâm học, đã kể về cuộc đời của anh ta trước lúc lâm
bệnh: hai năm trước, như một nhà văn trẻ, anh ta nhận được một công việc có thu
nhập cao, có uy thế, triển vọng công việc lâu dài. Theo nhận thức thông thường
thì đây là một thành đạt xã hội. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi anh ta viết
ra những điều trái ngược với niềm tin và nhận thức của mình. Anh ta đã tốn
nhiều công sức để hòa hợp hành động của mình với lương tâm bằng những lý lẽ
biện minh phức tạp, để tự thuyết phục rằng tính trung thực của anh ta không bị
tác động bởi công việc đang làm. Thế là những cơn nhức đầu choáng váng bắt đầu
xuất hiện. Anh ta tìm đến các thầy thuốc phân tâm học.
Theo Erich Fromm, có thể có hai
cách chữa trị. Một là quan điểm thường nhật cho rằng quyết định nhận việc làm
của anh ta là hợp lý, anh ta sẽ được chữa lành nếu loại bỏ được những giày vò
nội tâm, để hài lòng với tình thế hiện nay của mình. Một nhà phân tâm học khác
có thể xuất phát từ quan điểm cho rằng, xâm hại đến tính toàn vẹn của lý trí và
đạo đức tất yếu sẽ gây tổn thương cho nhân cách. Sự khác biệt của người bệnh
với những người "khỏe mạnh" trong xã hội chỉ là tiếng gọi lương tâm
của người bệnh vẫn còn đủ mạnh để gây ra xung đột nội tâm, trong khi những
người "khỏe mạnh" khác đã không còn nghe được tiếng gọi lương tâm của
họ nữa. Quan điểm này xem việc chữa lành cho bệnh nhân là giúp cho anh ta gạt
bỏ tình thế hiện thời, để giành lấy một cuộc sống mà trong đó anh ta có thể tôn
trọng chính mình.
Trường hợp bệnh nhân nêu trên gợi
cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Phải chăng những dấu hiệu bất an nội tâm của nhiều
người trong xã hội hiện nay là những dấu hiệu đáng lạc quan, vì nó cho thấy
tiếng gọi lương tâm ở những người đó vẫn còn mạnh mẽ? Thế còn cái số đông lạc
quan đang ca hát "cuộc đời vẫn đẹp sao", họ là những người thế nào?