Tôi chợt thức dậy trong đêm. Nhìn không gian im lặng mà không hiểu mình thức hay ngủ, tỉnh hay mơ, những bóng người vật vờ vì đói cứ lởn vởn quanh tôi. Chẳng là, đêm qua tôi đọc lại mấy truyện ngắn của Thạch Lam và Nam Cao viết về Cái đói nên vận luôn vào đầu làm cho giấc ngủ nặng nề quá.
Xưa, cha ông ta đã coi lúa gạo là Ngọc thực một cách trân quí, vì không có nó con người khó tồn tại. Chính vì muốn tìm hiểu giá trị của Ngọc thực tôi mới xem lại những tác phẩm văn học viết về những vấn đề có liên quan đến cách ăn, ở, nghĩ suy của con người khi thiếu Ngọc thực. Hình ảnh dân ta chết đói gần 2 triệu người năm 1945 khiến cho ta muôn đời ghi hận chế độ thực dân. Những tác phẩm văn học viết vào trước năm 1945, ví như “Đói” của Thạch Lam và “ Một bữa no” của Nam Cao làm rõ hơn nỗi thống khổ của con người khi đói khát, hai truyện rất buồn, đớn đau và sâu sắc. Tôi hiểu, nghèo, đói, bệnh tật, già nua, rủi ro, bất hạnh, chết chóc… luôn là những người bạn đồng hành. Khi nào ta lâm vào các hoàn cảnh đó mới thấu hiểu và cảm thông thực sự. Với cái đói, từ anh trí thức đến người nông dân cùng khổ đều có những thèm khát giống nhau là mong có miếng ăn và tìm kiếm nó bằng mọi giá, vì đó là bản năng sinh tồn của con người, ai cũng như ai.
Khi đọc truyện ngắn Đói của Thạch Lam và Một bữa no của Nam Cao mới thấy cái giá của Ngọc thực.
Trong truyện ngắn Đói, Thạch Lam nhẹ nhàng nhưng sâu lắng đi dần vào tâm trạng của nhân vật Sinh khi đói như sau :
“Một cơn gió đến làm cho Sinh thấy lạnh buốt tới xương. Chàng thấy đói, một sự đói vô cùng như trong đời chàng chưa thấy bao giờ. Đói như cào ruột, làm người chàng mệt lả đi, mắt hoa lên, trông vật gì cũng lờ mờ như lay động. Khi còn đủ ăn, đủ mặc, chàng không hề để ý đến cái đói, không bao giờ nghĩ đến. Bây giờ chàng mới được hiểu biết cái đói như thế nào. Chàng rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói, chàng cảm thấy sự cần dùng của thân thể trấn áp được hết cả những lệ luật của tinh thần. Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới sân nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng. Sinh cúi đầu trên bao lơn nhìn xuống xem họ làm bữa cơm chiều. Các thức ăn tuy tầm thường, nhưng Sinh lấy làm lạ rằng chàng chưa bao giờ thèm muốn những cái đó như chàng thèm muốn bây giờ. Mấy miếng đậu vàng trong chảo mỡ phồng dần trên ngọn lửa, mấy con cá rán bắt đầu cong lại làm cho chàng ao ước đến rung động cả người...Không bao giờ chàng thèm muốn như bây giờ cái miếng ăn kia.
Trước kia, khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong cái phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào.Và chàng, trước kia phong lưu trưởng giả, trước kia khi đi qua đám bình dân bẩn thỉu và nghèo nàn này, chàng vẫn khinh và tự hỏi không biết họ sống để làm gì, sống để mà khổ sở, để mà đói rét, không biết sống đối với họ có ý nghĩa gì mà còn ham mê quyến luyến. Bây giờ chàng lại ao ước được một miếng ăn như họ để sống qua cái rét mướt bây giờ...”
Tâm sự của người trí thức khi đói là như vậy. Đói và cùng quẫn, không có gì ăn thì người ta không còn nhân cách nữa, chỉ còn đối phó để sinh tồn, để giữ sự sống. Ai cũng vậy thôi, từ người cùng đinh cho đến người giàu có, cao siêu khi lâm vào tận cùng của sự đói vì thất cơ, lỡ vận đều có khát vọng giống nhau là được ăn. Nhân vật Sinh vật vã với nhân cách nhỏ nhoi cuối cùng để giữ thể diện, khi phát hiện vợ bán mình để có miếng ăn cho chồng:
. “ Nàng quay lưng đi, Sinh chợt trông thấy trên mặt đất một mảnh giấy gấp rơi xuống đất. Chàng vô tình cúi xuống nhặt lên mở ra đọc:
- Em Mai,
Đây, anh đưa em số tiền anh đã hẹn. Em muốn lấy nữa, anh sẽ cho em nốt, nhưng thế nào tối nay em cũng phải đúng hẹn đến đấy, anh đợi...
Sinh tưởng có thể chết ngay trong lúc ấy. Cái đau đớn chàng cảm thấy thấm thía, và sâu xa quá.…Chàng hất cả mấy gói đồ ăn xuống đất, những mẩu bánh, miếng thịt bắn tung tóe dưới bàn...
-“ Không ai thèm ăn những thứ khốn nạn này!”, Sinh nói với vợ.
Nhưng cuối cùng thì cái đói đã hạ gục anh ta, Sinh đầu hàng: “Cơn đói lại nổi dậy như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lan ra cả khắp người như nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi ngậy béo của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan, như thấm nhuần vào xương tủy”.
Không còn ranh giới giữa con người và động vật, khi đói, cả hai đều tìm con đường sống của mình bằng mọi cách : “Sinh cúi xuống nhìn gói đồ ăn tung tóe dưới bàn, chàng lấm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng đấy nữa... Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào. Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt. Chàng nắm chặt miếng thịt trong tay, nhây nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì, luôn luôn đưa vào miệng...Trong gói giấy, đồ ăn đã hết, chỉ còn những cái vụn nhỏ dính trên mặt giấy bóng mỡ”.
Có một nhà văn lớn đã nói, khi người ta quá nghèo khổ và đói khát thì tìm đâu ra nhân cách nữa, vì cái đích của họ chỉ là miếng ăn thôi. Thạch Lam đã viết, đã cảm nhận những đớn đau khi con người lâm vào tình trạng bi đát nhất là đói. Càng đọc truyện ngắn trên càng thấy, Ngọc thực là cái cần thiết cho con người, thiếu nó đâu còn được sống như con người, với những lý thuyết cao siêu. Khi đói thì “ đầu gối phải bò ” bằng mọi cách, và lúc ấy các giá trị tinh thần hầu như bị lãng quên.
Tìm hiểu cái đói của con người cùng khổ nhất, tôi tìm đọc lại “Một bữa no” của Nam Cao. Và thấy được một con người bị đẩy đến tận cùng khi già nua, đói khổ, bệnh tật và cô đơn. Nam Cao vẽ lại một bà già, con chết, phải nuôi cháu, khi cháu 12 tuổi phải đi ở đợ vì bà không nuôi nổi nữa, sức khỏe của bà đã suy kiệt. Bà bị đói, đói triền miên, phải đi ăn xin. Bà lão đói đi tìm ăn, được ăn no một bữa sau những ngày dài bị đói, rồi chết thật thê thảm, chết vì bị bội thực, chết vì ăn nhiều quá. Nhà văn viết: “Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn đuợc ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn đói.”
Khi cháu hỏi: “ Bà đi đâu đấy?”
Bà trả lời: “ Bà đến xin bà phó một bữa cơm ăn đây! Bà đói lắm.
- Da bà xấu quá! Sao bà gầy thế?
- Chỉ đói đấy thôi, cháu ạ. Chẳng sao hết.
- Lớp này bà ở cho nhà ai?
- Chẳng ở với nhà ai.
- Thế lại đi buôn à?
- Vốn đâu mà đi buôn? Với lại có vốn cũng không đi được. Người nhọc lắm.
- Thế thì lấy gì ăn?
- Chỉ nhịn thôi chứ lấy gì mà ăn!”
Khi được ăn, “…thì bà cứ ăn. Ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật… Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. ..Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!…
Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng nào cũng không đã khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch. Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy. Rồi bà chết…”.
Thật là xót xa và cảm thương với số phận con người khi không thể tự làm lụng để nuôi được mình, không có gì để ăn, để tồn tại.
Người Việt chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, làm ra thóc, gạo, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên khi hạn hán, lụt lội, mất mùa rất dễ bị đói. Cái đói hình như ăn sâu, bén rễ vào tâm khảm con người từ ngàn năm, nên tâm lý sợ đói vẫn thường trực ở chính những người làm ra lúa gạo. Các cụ ngày xưa đã ví lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng là “Ngọc thực”, trân quí hạt gạo và dạy con cháu không được phung phí ngọc thực, nếu không trân quí hạt gạo thì khi chết đi, xuống âm phủ sẽ bị trừng phạt như bà mẹ của Mục Kiền Liên (Mục Kiền Liên là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) nặng tội ở trần gian bị đầy xuống địa ngục của Diêm vương, khi bưng bát cơm ăn thì thức ăn lại biến thành lửa không ăn được (sau này Phật thấy Mục Kiền Liên có hiếu quá, tìm mọi đường cứu mẹ nên đã giúp ông tìm được cách gặp mẹ vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm - ngày Rằm xá tội vong nhân).
Những câu chuyện cổ tích truyền lại, làm cho hậu thế rất đau lòng như truyện sự tích chim “Hít cô”. Câu chuyện kể, năm mất mùa, có hai cô cháu nhà nọ chỉ còn một hạt gạo để thay nhau hít cho đỡ đói. Không may, người cô đói quá, hít mất hạt gạo. Mấy ngày sau cháu chết đói, biến thành con chim suốt ngày kêu “ Hít cô! Hít cô!”. Tiếng chim da diết vào những ngày giáp hạt nghe thật não nề.
Cho đến bây giờ, khi Việt Nam đứng thứ hai, sau Thái Lan về xuất khẩu gạo mà nhiều nhà nông vẫn ăn độn, vẫn lâm vào đói kém khi mất mùa, nhất là những vùng cao, vùng sâu, vùng xa, mùa giáp hạt nhà nước vẫn phải gửi gạo lên cứu đói.
Thiên tai, địch họa, rủi ro…luôn tồn tại trong bất cứ xã hội nào. Vì thế, muốn nước yên, lòng dân ổn định thì vấn đề lương thực luôn phải được chú ý hàng đầu. Hiện tại, người Việt còn lãng phí lắm, “người ăn không hết, kẻ lần không ra”, vẫn có người đói, nhưng vẫn có những người tiệc tùng không dứt, vứt bỏ Ngọc thực không thương tiếc.
Hãy nâng niu hạt gạo như cha ông xưa đã làm, đã coi nó là vật quí báu nhất của muôn đời, rất linh thiêng và được trân trọng. Câu ca dao:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
là lời tâm tình của người làm ra lúa gạo với người dùng nó.
Cho dù của cải trong xã hội ngày nay có dư dật, thừa mứa, nhưng ai biết được “ Vật đổi, sao rời” với qui luật muôn đời, CÓ THỊNH, CÓ SUY. Chẳng bao giờ thừa khi ta biết quí trọng những của cải của thiên nhiên ban tặng, trong đó có lúa gạo và những cây lương thực nuôi sống con người. Xưa đã có câu “ Nhất sĩ , nhì nông” khi no đủ và câu: “Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” khi thiếu đói, để thấy được Ngọc thực và người nông dân làm ra nó quí giá biết chừng nào. Biết trân quí Ngọc thực, biết trọng thị nghề nông và nhà nông thì con người và xã hội mới phát triển bền vững được ./.