Sự đồng hóa của cái tôi

Khi chúng ta gọi tên lên là bắt đầu có xáo trộn, cái giả đánh tráo vào cái chân, cái danh chiếm chỗ cái thực.

Thật vậy, tên gọi là một phù hiệu dùng để chỉ sự vật. Sự vật một khi đã thông đạt rồi thì tên gọi quên luôn. Nhưng trên thực tế thì tên gọi càng ngày càng đồng hóa thành sự vật, thay thế luôn sự vật. Cái danh chôn vùi cái thực, như một nhãn hiệu dán lấp một món hàng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vui lòng với những nhãn hiệu ấy. Chúng ta suy luận, chọn lựa, đánh giá gì cũng đều nhắm vào những nhãn hiệu ấy. Cho đến ngay chúng ta cũng biến thành nhãn hiệu nốt. Con người là nhãn hiệu. Xã hội là nhãn hiệu. Chân lý là nhãn hiệu. Đó là thế giới ảo tưởng của danh từ: từ một "cơ" tâm, con người tạo ra một "cơ" giới múa máy bằng những "cơ" sự.

Cho nên, "Cùng một đóa hoa, thấy bằng mắt là một việc, còn thấy bằng danh từ lại là một việc khác nhau". Thấy bằng danh từ là thấy bằng cái tôi - cái tôi phóng ra ngoại giới làm đối tượng cho cái thấy.

Cái tôi, nhìn ở góc cạnh khác là thế này: Con người là một cái toàn thể, không phải lý mà cũng chẳng phải tình, không phải tâm mà cũng chẳng phải vật. Nhưng rồi bỗng dưng con người nổi lên một ý muốn kỳ cục: muốn tự mình nhìn thấy lại mình cho thỏa thích như chàng Narcisse thỏa thích ngắm bóng mình in trên dòng nước. Tự đó có phân tâm, và con người sa đọa vào vô minh và đau khổ.

Tự đó, cùng ở một người tách làm hai: có người sống và người nghĩ; có người hành đồng và người quan sát người hành động; có người hát và người nghe hát. Người nghe hát là một phân thân của người hát - là cái tôi vậy. Kết quả là con người tự đồng hóa hẳn với cái tôi. Nói rộng ra, tất cả những gì con người đồng hóa vào đó thì đó chính là cái tôi. Cái tôi của ông nhà giàu là tủ bạc. Cái tôi của thí sanh là mảnh bằng. Cái tôi của gã si tình là cô gái. Cái tôi của ông chính khách là kế hoạch bình trị. Cái tôi của ông tu sĩ là cảnh giới siêu hình nào đó, trong đó hoặc ông thành một cái gì, hoặc ông tự hủy trong hư vô.

Đặc biệt hơn, con người đồng hóa với tương lai để mong thành một ước nguyện: cái tôi là thời gian. Con người đồng hóa với tư tưởng mình: cái tôi là tư tưởng: "Cogito ergo sum" (Tôi "nghĩ", tức là "tôi" có thật). "Nếu không có người tư tưởng thì không có tư tưởng. Chính tư tưởng phát sanh ra người tư tưởng. Người tư tưởng sống nhờ kinh nghiệm, tạo ra thời gian, và chính đó là nguồn lo sợ". Vậy người ta tư tưởng vì người ta khát khao được hiện hữu, được trở thành một cái gì đó ở ngày mai vì ở hiện tại người ta sợ hư vô, sợ "không là gì hết".

"Các anh không là gì hết. Anh có thể có của cải, chức vị, tên tuổi, tiền bạc gởi nhà băng, có thế lực và danh vọng nhưng tất cả những thứ che chở ấy không che nổi cái không là gì hết của anh. Có thể anh không ngờ, hoặc không thèm biết đến cái không ấy, nhưng nó vẫn sờ sờ đó, dầu anh cố tránh... Anh không thể tiếp xúc với cái hư vô ấy. Anh với hư vô chỉ là một hiện tượng, không phải hai dòng diễn biến riêng rẽ".

Suy niệm là động tác riêng rẽ ấy nhằm giúp cái tôi trở thành một cái gì, hoặc không trở thành gì hết, vì hoặc tiêu cực hoặc tích cực, hoặc muốn thành tiên thánh, hoặc tự tiêu diệt đi, vẫn là muốn cả, vẫn là đặt cái tôi làm chủ đích. Cho nên nghĩ là nuôi dưỡng cái tôi: "suy niệm là bản năng tự vệ của tự ngã". Nguồn gốc của cái tôi là quá khứ, nên nghĩ là phủ nhận hiện tại, chối bỏ thực tại. Do đó có mâu thuẫn.

Nói một cách khác, mâu thuẫn sở dĩ có vì ta hiện giờ là thế này ta muốn trở thành thế khác, theo một hình tượng nào đó. Ta bóp chết con người hiện tại để dựng tượng cho con người ngày mai, hình dung theo một đường lối suy tư nào đó. Ngày mai đã không khi nào nắm được trong khi hiện tại lại thoát khỏi ta, ấy thế là có mâu thuẫn và xung đột. Cho nên khi con người nhân danh một ý thức hệ nào đó, cả đến ý thức hệ đạo giáo, mà rêu rao một kế hoạch hòa bình là đồng thời đặt luôn nền móng cho chiến tranh. Lấy "trị" mà trừ "loạn", đời càng thêm loạn. "Trị" không thể là một ý thức hệ. Ý thức hệ là loạn - loạn từ gốc, từ nội tâm.

Cũng vậy, vì nội tâm loạn nên ta ao ước ánh sáng. Ao ước ánh sáng tức là khép chặt kết cửa nẻo trước ánh sáng. Ánh sáng không thể là một niềm ao ước. Ánh sáng không có thời gian, không thể là một ý niệm, một lý tưởng, một mục tiêu, một mâu thuẫn. Ngược lại, nếu trước mắt ta không có mục tiêu thì làm gì có mâu thuẫn? Không mâu thuẫn thì sự thật hiện liền trước mắt. Trong sự thật không có thời gian, không có cái tôi. Sự thật không thể suy ra được.

Trúc Thiên
Previous Post
Next Post