Tại sao?

Trong tất cả những quyển sách viết về nghệ thuật sống tôi đã từng đọc qua, thấy luôn luôn vấp phải khuyết điểm này: chỉ nói về nghệ thuật sống trong quan hệ với xã hội mà rất hiếm khi nói về nghệ thuật sống trong quan hệ với gia đình.

Sống trong gia đình, giữa những người thân, không có, không cần nghệ thuật ư? Nó dễ quá ư? Nó là điều tự nhiên mà ai cũng biết hết ư?

Đâu phải. Thống kê thử coi, chỉ riêng về phương diện cách sống, giữa hai môi trường, gia đình và xã hội, ở đâu có nhiều kẻ dốt nát hơn?

Tôi thấy có vô số người, có học thức hẳn hoi, có lịch duyệt hẳn hoi, ra ngoài xã hội, giữa những người xa lạ thì vô cùng tế nhị, nhã thiệp, dễ thương nhưng hễ về tới nhà, với anh em, vợ con thì lại luôn ngạo mạn, quạu quọ, cộc cằn, thô lỗ, ích kỷ, gây đau khổ vô bờ cho những người thân của mình. Điều khá hiển nhiên không phải ngoài xã hội mà chính ngay trong gia đình chúng ta dễ để lộ cái thú tính khả ố của mình ra nhất.

Tại sao? Rất đơn giản: ở ngoài xã hội, bất cứ hành động sai lầm nào của chúng ta cũng đều bị trừng phạt tức khắc. Một kẻ buôn bán nếu cứ cáu kỉnh, lỗ mãng hắn sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm khi thấy hàng của mình ngày một ế ẩm hơn so với bạn bè. Thế là phải tự sửa đổi. Còn trong gia đình, chúng ta dễ được tha thứ quá. Chúng ta không bị trừng phạt, do đó chúng ta chậm rút ra bài học...

Do đó, cần biết bao nhiêu một quyển sách, một chương sách, một bài báo viết về nghệ thuật sống trong gia đình với cha mẹ, vợ con, họ hàng, anh em...

Ở đây, không có thì giờ bàn rộng, chỉ tóm tắt thành mấy nguyên tắc chính:

Thứ nhất, trong ý thức, cần nhớ, hơn nữa cần luôn luôn tâm niệm rằng, hạnh phúc đích thực của chúng ta tùy thuộc ở không khí gia đình nhiều hơn ở ngoài xã hội. Đừng dại dột phá vỡ cái tổ ấm áp của mình để ẩn náu dưới mấy tàn lá thưa thớt, mỏng manh không che được nắng, không cản được mưa. Tất cả những vinh quang ngoài xã hội đều không đủ bù đắp sự thiếu hạnh phúc trong gia đình. Bạn có thể giả tảng trước một viên chỉ huy xấu nết nhưng không bao giờ có thể quên hay lờ đi được trước những sự cằn nhằn chì chiết của người vợ. Bạn có thể điềm nhiên trước một thuộc hạ ương dở nhưng không bao giờ có thể yên ổn tâm hồn trước một đứa con hư hỏng. Người ta luôn luôn khôn ngoan khi lựa chọn: thà đi dưới mưa còn hơn ngủ dưới mưa. Vậy bạn cần nhớ, đừng ngu xuẩn chọc lên mái nhà mình, đừng để nhà mình bị dột. Ngoài trời không bao giờ ấm áp hơn đâu.

Thứ hai, trong tâm hồn, luôn luôn trân trọng và biết ơn tất cả mọi tình cảm, mọi hy sinh của người thân đối với mình. Do quán tính, chúng ta hay coi là bình thường, hiển nhiên cái việc cha mẹ chìu chuộng mình, anh em giúp đỡ mình, vợ con hy sinh miếng ăn ngon cho mình. Nhưng có tình thương nào là bổn phận đâu. Tình thương luôn luôn là điều tự nguyện. Sẽ là một kẻ vô ơn, bội bạc và ngu xuẩn, độc ác nếu chúng ta vô tình trước những tấm lòng bao dung cao cả như thế. Có hằng hà những kẻ dễ dàng xúc động khi được bạn bè mời đi uống một ly cafe hay bao một chầu nhậu nhưng lại cứ dửng dưng trước sự hy sinh nhẫn nhục của vợ mình, không phải một lần, một ngày, mà là suốt đời, đến còm cỏi. Thế có phải là ngu xuẩn lắm không?

Thứ ba, trong nghị lực, cần biết kìm chế bản năng và thú tính của mình. Khó đấy! Bản năng và thú tính rất dễ lộ ra ở những nơi thân mật, vì ở đó, nó không bị hăm dọa, không bị trừng phạt. Đừng nổi nóng. Đừng cục tính. Đừng thù hận. Giữa tất cả mọi người, những người thân của ta luôn luôn xứng đáng được bao dung và tha thứ nhất. Cũng đừng bần tiện. Đừng ích kỷ. Trước những kẻ đã từng hy sinh cho mình, bất cứ sự tính toán nào cũng đáng nguyển rủa.

Thứ tư, trong sinh hoạt, cần nhất là phải biết kính trọng lẫn nhau. Không có tình cảm tốt đẹp nào có thể tồn tại dưới sự khinh miệt. Người ta không thể yêu một người lại đồng thời phủ nhận nhân cách của người ấy. Tình yêu luôn luôn đòi hỏi sự bình đẳng. Phải tập ăn nói đối xử với người thân của mình một cách hòa nhã, lịch thiệp, tế nhị như khi ăn nói, đối xử với người ngoài. Nếu mục tiêu của phép xã giao là tạo nên hòa khí và niềm vui thì người thân của chúng ta vẫn là những kẻ đáng được hưởng trước nhất. Miễn là đừng quá đáng đến thành giả dối và kiểu cách.

Previous Post
Next Post