Trong cuộc sống, phần lớn chúng
ta dành rất nhiều thời giờ để sống cho lý tưởng của mình, và xã hội này đã cung
cấp cho chúng ta rất nhiều lý tưởng để theo đuổi. Tự do là một trong những lý
tưởng đó. Nhưng nếu chỉ theo đuổi mà không hiểu với trí tuệ ý nghĩa thực sự của
lý tưởng đó thì không chóng thì chầy, chúng ta sẽ thất vọng, vì hình như cuộc
đời này không bao giờ cho chúng ta tất cả tự do mà chúng ta mong muốn hay nghĩ
là mình đáng được thọ hưởng.
Chúng ta có thể mãi mãi thất vọng
với cuộc đời, không phải vì cuộc đời này là xấu xa và đáng chán, mà chính vì
cuộc đời sẽ không cho chúng ta những gì chúng ta muốn hay nghĩ là chúng ta đáng
được thọ hưởng. Chúng ta thường nghe chính bản thân chúng ta than phiền,
"Cuộc đời này thật là không hợp lý và công bằng chút nào". Chúng ta
cho rằng những gì xảy ra trong cuộc sống phải luôn công bằng và hợp lý. Tuy
nhiên, khi nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy trên đời này, có người thì sinh ra với
tất cả những gì tốt đẹp nhất, có người thì vô cùng khổ sở và bất hạnh.
Quá nhiều bất công làm cho cuộc
đời này thật là phi lý, phải không các bạn? Tại sao nước Mỹ không chịu giải trừ
vũ khí? Tại sao người dân các nước Trung Đông cứ luôn đánh nhau, bỏ bom và phá
hoại thành phố xinh đẹp như Beirut ?
Tại sao châu Phi bị nạn đói? Tại sao các nước Trung Mỹ luôn sống trong cảnh bất
công và nghèo đói? Thật là không công bằng chút nào phải không các bạn? Đời
sống quả thật là vô lý nếu nó cứ tiếp diễn như thế, và chúng ta muốn nó phải
thay đổi. Tự do là cái mà chúng ta nhắm đến, nhưng chúng ta lại bị giới hạn và
kiềm chế bởi những định chế xã hội và điều kiện vật chất của tấm thân làm người
này.
Xuyên qua tất cả vấn đề trên,
chúng ta thấy một nghịch lý bao trùm. Đó là tự do hành động theo bản năng, dục
vọng, và tham ái hình như không mang lại tự do thực sự. Đây là điều mà tôi học
được từ chính kinh nghiệm của đời tôi. Khi tôi nghĩ là tôi đang được tự do theo
đuổi những gì mình muốn thì thật ra lúc ấy, tôi lại càng cảm thấy bấn loạn, mất
phương hướng, và trở thành nô lệ của dục vọng. Trên đời này, những lựa chọn,
những sự vật để lựa chọn, và những khả năng để lựa chọn là vô tận. Đây là xã
hội mà chúng ta gọi là "xã hội tự do". Nhưng nếu chúng ta cứ chạy
theo tất cả những lựa chọn và khả năng lựa chọn này, hình như chúng ta chỉ
chuốc thêm rối rắm và hỗn loạn.
Trái lại, ở những xã hội có ít
khả năng lựa chọn, đời sống rất đơn giản. Thí dụ, đời sống ở các tu viện rất là
đơn giản vì ở đó bạn không có nhiều lựa chọn. Buổi sáng khi thức dậy, tôi không
cần phải tự hỏi, "Sáng nay mình sẽ mặc áo gì?", "Mình sẽ chải
tóc kiểu nào?". Đời sống tu viện quả thật không có nhiều lựa chọn. Vì thế,
nhiều người xem cuộc sống giản đơn này là một loại hình phạt vì ở đó, mọi việc
đều bị cấm đoán: bạn không thể làm việc này, và bạn không thể làm việc nọ.
Nhưng giới luật nhằm đơn giản hóa đời sống tu viện là để giúp bạn phát triển
đời sống tâm linh. Bạn không phải bận tâm quyết định và lựa chọn những kinh
nghiệm sống liên quan đến ngũ dục. Khi đã từ bỏ tất cả để vào sống ở tu viện, chấp
nhận nó, và không còn mong muốn những cơ hội để thực hiện những gì mình mơ ước,
đời sống của bạn dĩ nhiên sẽ đơn giản. Nó sẽ trực tiếp, thẳng tắp và rõ ràng.
Chúng ta không thể tìm tự do
trong tham ái và dục vọng mà chỉ có thể thấy được tự do trong giáo pháp. Trong
giáo pháp, đời sống không dựa trên những lựa chọn đặt trên cơ sở yêu ghét,
luyến ái và dính mắc. Khi chúng ta không còn bận tâm với vô số những lựa chọn
về quan điểm, cơ hội, và tư tưởng mà chúng ta thường gặp trong các xã hội phức
tạp thì sự đơn giản tự nhiên sẽ đến. Chính nhờ sự đơn giản và phương hướng đạo
đức này mà tâm chúng ta được giải thoát. Chúng ta có thể đáp ứng và mở rộng với
cuộc đời theo cách mà chúng ta không thể nào làm được khi đời sống bị ràng buộc
bởi ái dục, bởi những lựa chọn dựa trên sự yêu ghét, và dính mắc cá nhân. Khi
tâm đã mở rộng với cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra rằng sự tự do của tâm không
tùy thuộc vào việc chúng ta có được tự do làm tất cả những gì chúng ta muốn.
Bất cứ sự tham ái nào xuất phát
từ vô minh sẽ dẫn chúng ta đến một hành động hay một kinh nghiệm bất thiện. Với
tâm tham ái này, chúng ta luôn muốn chiếm giữ, muốn xua đuổi, muốn loại bỏ, hay
muốn bám chặt vào một cái gì đó, vì đây là bản chất của tham ái. Ngay lúc mà
tham ái đã đạt được những gì nó mong muốn, nó sẽ bắt đầu mong muốn những thứ
khác. Tôi chưa bao giờ thấy một lòng tham được thỏa mãn vì công năng của tham
ái là chiếm hữu và chỉ bằng cách chiếm hữu, tham ái mới đem lại hạnh phúc và
thỏa mãn nhất thời. Bạn có thể hài lòng và toại nguyện trong một khoảnh khắc
nào đó khi bạn đạt được những gì bạn muốn, nhưng rồi tham ái lại bắt đầu làm
việc, lo tìm kiếm và hướng về một cái gì khác để chiếm hữu và tiếp tục thỏa mãn
bạn. Vì thế, bạn không thể nào thực sự toại nguyện ngay cả sau khi bạn đã có
những gì bạn muốn như tài sản, của cải, quyền lực, danh vọng, và tất cả những
gì tốt đẹp nhất trên đời. Thí dụ, nếu bạn làm ra được nhiều tiền thì liền ngay
lúc ấy, bạn sẽ bắt đầu lo sợ bị mất tất cả tiền bạc và tài sản của mình. Nỗi lo
sợ bị mất mát và lòng tham muốn được lợi lạc của con người là vô tận.
Ngày nào mà chúng ta còn sống với
những ảo tưởng trong đó ái dục xuất phát từ vô minh vận hành và và chi phối,
thì thế giới của chúng ta sẽ là thế giới huyễn ảo. Vì thế, tham ái không bao
giờ mang lại tự do cho tâm của chúng ta; tham ái cho chúng ta hy vọng là mình
sẽ có tự do trong tương lai. Nhưng nỗ lực tìm tự do qua con đường tham ái chỉ
tạo thêm trói buộc và ảo tưởng mà thôi.
2. Mở rộng tâm để tiếp cận với pháp
Đức Phật thấy được những ảo tưởng
đang kiềm chế và giam hãm chúng ta bằng cách xem xét và quán sát chính bản chất
của tham ái, của những đau khổ do tham ái mang lại, và sự chấm dứt của tham ái.
Khi quan sát tham ái, chúng ta thấy rằng nó không có gì khác hơn một luồng tâm
thức đang di động hay một luồng năng lượng tâm lý đang chi phối thân và tâm
chúng ta. Nó không phải là một người, hay một cái gì tuyệt đối, thường hằng,
bất biến; nó sinh ra rồi diệt đi, đến rồi đi chính là luồng năng lượng tham ái.
Nếu chúng ta không để cho luồng năng lượng tham ái tự ra đi, hay nói cách khác,
nếu chúng ta không buông bỏ nó, thì nó sẽ tạo ra luồng tham ái thứ hai, luồng
tham ái thứ hai này sẽ tạo ra luồng tham ái thứ ba, và tiến trình tham ái cứ
thế mà tiếp tục nhân lên, sinh sôi nảy nở đến vô cùng.
Trong đạo Phật, từ
"mindfulness" (tiếng Pali là sati) hay chánh niệm có nghĩa là
"quán sát, cho phép các sự vật hiện ra trong thân và tâm rồi ý thức về nó,
để cho các pháp tự xảy diễn ra trong thân và tâm như chính nó". Giờ đây để
có chánh niệm, bạn phải cố gắng sống với thực tại, ngoại trừ khi có cái gì cực
kỳ nguy hiểm và khẩn trương trước mắt mà bản năng sinh tồn bắt bạn phải chú ý
đến nó. Trong điều kiện bình thường, bạn phải nỗ lực quan sát một cách khách
quan, không thành kiến và phán đoán, những gì đang xảy ra. Chúng ta tập quan
sát mà không phán xét, thay vì tự tạo ra một cái gì đó rồi tìm cách biện minh
hay bảo vệ nó. Khi có chánh niệm và trí tuệ thì năng lực ghi nhận, khả năng cởi
mở tiếp thu của tâm sẽ tự phát sinh. Chúng ta sẽ nhạy cảm khi tiếp nhận được cách
thức vận hành của các sự vật. Nói tóm lại, chúng ta sẽ tiếp cận với Pháp, thấy
Pháp, và sống với Pháp.
"Pháp" là một từ có ý
nghĩa rất bao trùm. Pháp có nghĩa là "cách thức các sự vật thực sự tồn
tại, không bị nhìn méo mó bởi bất cứ thành kiến nào". Pháp cũng có nghĩa
là "quy luật tự nhiên". Khi quán Pháp, chúng ta không mang trong đầu
ý niệm về Pháp như một cái gì đó. Nếu chúng ta định nghĩa Pháp là cái này hoặc
là cái nọ, thì lúc đó chúng ta đang tìm kiếm Pháp, chứ không phải quan sát Pháp
như nó đang xảy ra, phải không các bạn? Đó không phải là cách tiếp cận với Pháp
hay chánh niệm về Pháp. Chánh niệm là mở rộng tâm để thấy và biết được Pháp như
nó đang xảy ra tại đây và ngay bây giờ.
Chúng ta thường không để ý đến
không gian và thời gian. Thân chúng ta có thể ở đây mà tâm chúng ta lại để ở
chỗ khác. Thời gian là bây giờ, nhưng chúng ta ít khi thực sự sống với cái bây
giờ; chúng ta phí nhiều thời gian trong đời để xây dựng những dự định về tương
lai và hồi tưởng về quá khứ, nhưng chúng ta không bao giờ ghi nhận Pháp và
những gì đang xảy ra tại đây và ngay bây giờ. Vì thế, chúng ta tiếp tục bị năng
lực tham ái chi phối. Nếu chúng ta quán tưởng về điều kiện sống làm người của
chúng ta tại đây và ngay bây giờ thì chúng ta sẽ thấy, biết và hiểu được tại
sao các sự việc trên thế gian diễn ra như nó đang diễn ra trong hiện tại.
3. Ước nguyện của tâm
Trong xã hội hiện đại, chúng ta
thấy con người tìm mọi cách để đấu tranh cho công bằng xã hội, xóa bỏ hay ngăn
chặn những bất công tàn tệ. Đây là một việc làm cao thượng và trượng nghĩa mà
con người luôn ca ngợi và ngưỡng mộ. Nhưng làm như thế vẫn không đủ. Nó chẳng
khác nào việc dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, ngăn nắp. Khi phòng này vừa dọn sạch
thì phòng kia lại dơ bẩn và bề bộn. Việc làm đó cũng giống như dùng bàn chải
đánh răng để chà sạch thành phố Luân Đôn vậy. Đây là điều không thể làm được.
Bạn sẽ không bao giờ hoàn thiện được cơ cấu xã hội để bảo đảm sự công bằng,
bình đẳng, vì những cái xấu xa và bất thiện vẫn hiện ra.
Xã hội chỉ có thể trật tự, ngăn
nắp, và công bằng khi tâm của những công dân trong xã hội ấy được trong sạch.
Ngày nào mà tâm con người còn đầy ắp những tham ái, vô minh thì điều tối ưu mà
chúng ta có thể làm được là dùng luật lệ để bảo đảm một số tiêu chuẩn nào đó về
công bằng xã hội. Rồi thì, nếu một ai đó không đáp ứng những đòi hỏi tiêu chuẩn
này, họ sẽ bị luật pháp trừng trị. Đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm. Chúng
ta sẽ không bao giờ có được bình đẳng hay công bằng và lòng vị tha trong cõi
Dục giới, vì những đức tính này chỉ có thể đến từ thế giới của Tâm, chúng không
đến từ mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân: chỉ có ở thế giới của tâm, mọi việc mới
trở nên công bằng, bình đẳng, từ đó, tác động đến công lý, bình đẳng, lòng vị
tha trong xã hội.
Ý nghĩa thực sự của Tâm là gì? Tâm
dùng để chỉ trái tim, một bộ phận sinh học của cơ thể. Nó cũng có nghĩa là chất
liệu tình cảm của con người. Trái tim thường hàm ý về cảm thọ. Thí dụ, khi thất
vọng nặng nề, chúng ta nói "tim tôi bị vỡ (broken heart)". Chúng ta
lại có thêm từ "Trí", để chỉ cái gì đó ít tình cảm hơn. Trí bao gồm
quá trình làm việc bằng trí óc, tri thức, khả năng lý luận và tư duy của chúng
ta. Tuy nhiên, khi nói về khả năng cảm nhận và đáp ứng với tình thương, chúng
ta dùng chữ Tâm nhiều hơn chữ Trí.
Tất cả chúng ta ai cũng muốn có
tự do, bằng cách này hay cách khác. Chúng ta hy vọng một người nào đó sẽ đến
với chúng ta, thỏa mãn tất cả những nhu cầu của chúng ta, làm cho chúng ta vui
sướng, như cô bé lọ lem mơ về vị hoàng tử duyên dáng lý tưởng của mình. Có thể
chúng ta đang mong chờ một Đấng Cứu thế, hay là Phật tử, chúng ta sẽ hướng về
Đức Phật Di Lặc tương lai, còn nếu là người công dân bình thường, chúng ta sẽ
mong đợi một vị Thủ tướng hay Tổng thống có thể lãnh đạo và đưa đất nước đi
trên con đường đúng đắn. Chúng ta luôn mong chờ một thế lực nào đó ở bên ngoài
mà chúng ta chưa hề gặp và tin rằng thế lực đó có thể thỏa mãn những nhu cầu
của chúng ta. Trên bình diện văn hóa, đức tin tôn giáo hay một đời sống tâm
linh hướng thượng sẽ đáp ứng khát vọng tự do của con người. Những dục lạc của
thế gian không bao giờ thực sự thỏa mãn được nhu cầu tự do của chúng ta, vì thế
chúng ta tìm đến tôn giáo. Tôn giáo hướng về sự thánh thiện, hay cái gì đó cao
hơn mà chúng ta phải vươn lên. Khi một cái gì đó làm bạn hưng phấn và mẫn cảm, thay
vì sa đọa, tinh thần của bạn sẽ hướng thượng. Khi sa đọa, chúng ta sẽ chìm đắm
trong sầu não, tuyệt vọng, cảm thấy mình xuống dốc và không còn giá trị. Chúng
ta gọi hiện tượng này là "bị đọa địa ngục" (going to hell). Tim chúng
ta vỡ nát, tinh thần chúng ta suy sụp, và bạn sẽ không còn mơ ước vươn đến cái
gì đó cao hơn mình nữa.
Sự sinh và các thức sinh khởi khi
lục căn tác động với lục trần, nó luôn củng cố, duy trì cảm giác bị chia cách
và cô độc giữa con người. Các thức dựa trên các căn và trần cảnh, nó là cái gì
đó độc lập, khác biệt, làm cho chúng ta cảm thấy xa lạ với môi trường chung
quanh. Ở Dục giới, chúng ta luôn luôn có cảm giác bị cô lập, chia cách, căng
thẳng và xung đột với cuộc sống chung quanh. Chúng ta có thể mơ ước và vươn đến
những mục tiêu thế gian như sự giàu sang và danh vọng, nhưng điều này vẫn không
đủ, cho dù chúng ta cố gắng đạt được một địa vị nào đó. Nhưng nếu suy nghĩ thật
kỹ, chúng ta sẽ thấy địa vị thế gian này cũng không phải là những gì chúng ta
thật sự mong muốn. Chúng ta có một khát vọng tự nhiên muốn vươn đến một cái gì
cao hơn cuộc đời này, đó là mơ ước được hòa làm một, được đoàn tụ, thể nhập với
tất cả, không còn bị chia cắt và cô lập nữa. Trong đạo Phật, đây là khát vọng
hướng về Pháp, tiếp cận với Pháp và chân lý. Vì thế, với mơ ước này, chúng ta
sẽ vươn lên cao thay vì bị ràng buộc và chìm đắm trong những đòi hỏi, ham muốn
dục lạc của mình.
4. Hãy chấp nhận thân mạng thế gian này của chúng ta
Thân thể con người do tứ đại cấu
tạo thành, đó là đất, nước, lửa, và gió. Chúng ta phải sống nhờ vào thực phẩm
được trồng trọt và lớn lên từ quả đất này. Chúng ta cần nước, sức nóng của mặt
trời, và không khí để thở. Khi chúng ta lìa bỏ cõi đời, những yếu tố này không
bay lên thiên đường mà trở về với lòng đất. Vì thế, khi còn nương vào tấm thân
này để sống trong thế giới ngũ dục, chúng ta phải chấp nhận những giới hạn của
nó, thay vì mong muốn thoát ra khỏi nó và quay lưng lại với nó. Chối bỏ tấm thân
này là ước mong hoang tưởng và ích kỷ. Chúng ta tuyên bố, "Tôi không thích
thế gian này nữa. Tôi đã quá chán ngán tấm thân này. Tôi muốn được sống trong
cảnh giới huyền diệu nằm ngoài thế gian này". Tư tưởng này xuất phát từ
cái nhìn sai lầm về sự hiện diện của một cái ngã độc lập, từ tình cảm ghê tởm
và chán ghét cái tự ngã cô lập đó, và khát vọng muốn có một cuộc sống tốt đẹp
hơn, vi tế hơn. Như vậy, nó xuất phát từ tâm tham ái chứ không phải là ước mơ
hướng đến một lý tưởng cao đẹp.
Trong khi hành thiền, một trong
những bài học quan trọng là tập chấp nhận trái đất và tấm thân mà chúng ta
nương nhờ vào đó để sống. Chúng ta tập quán thân rất nhiều, trong giai đoạn
đầu, công phu hành thiền chủ yếu là quán sát thân thể vật lý. Chúng ta tập điều
phục, an tịnh thân và tập xem trọng những nhu cầu của thân thể và không ép uổng
thân thể phải chiều theo những dục vọng. Nếu không hiểu được sự vận hành của
thân, chúng ta có thể rất tàn nhẫn, bỏ bê, coi thường những nhu cầu của nó. Thí
dụ như khi thân bị đau nhức trong lúc hành thiền, chúng ta có thể ép thân thể
ngừng hoạt động, đè nén sự đau nhức và tìm cách đi vào trạng thái xuất thần để
quên đi cơ thể. Khi đói khát hay khi làm vệ sinh cá nhân, chúng ta lại ghê tởm
và chán ngán cơ thể này. Làm như thế có công bằng và hợp lý không các bạn? Chúng
ta vừa đi vào một trạng thái khinh an, phỉ lạc, bất thình lình, chúng ta lại
phải đi nhà vệ sinh. Làm như vậy thật là phi lý!
Khi hành thiền, mục đích của việc
quán thân không phải để tiến đến một thái độ chiều chuộng hay chống đối cơ thể,
mà chính là để thấy, biết, và hiểu được cơ thể. Cơ thể là như thế đó. Không
nghĩ về cơ thể như một cái gì của riêng mình, cho dù nó có đẹp đẽ hay xấu xí,
chúng ta chỉ cần quán thân thể như là thân thể, thế thôi. Chúng ta không nhìn
thân thể của tôi để so sánh với thân thể của anh. Chỉ có tấm thân vật lý, nó
mới cảm thọ như thế này; nó là như thế này; và nó vận hành như thế này.
Khi chấp nhận thân thể như là
thân thể, thì nó sẽ không còn là vấn đề khó khăn cho chúng ta nữa. Thân thể sẽ
gây khó khăn nếu chúng ta không chấp nhận nó, chối bỏ nó, ca tụng và chiều
chuộng nó, hay làm điều không phải đạo với nó. Nếu không chấp nhận nó, cơ thể
có thể sẽ đầy ắp những khó chịu và đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng. Nhưng cơ
thể tự nó sẽ không là trở ngại khi chúng ta chấp nhận nó, hiểu biết nó. Đây
chính là điều mà tôi muốn nói khi khuyên các bạn hãy chấp nhận thân mạng thế
gian này, với tất cả những gì đến với nó: đó là quá trình sinh, già, bệnh, và
chết của cơ thể. Mọi việc đều phải xảy ra như thế. Khi chúng ta thấy được sinh,
già, bệnh, chết như là sự vận hành của Pháp, thì quá trình sanh tử không còn là
vấn đề nữa. Nó chỉ là Pháp thế thôi.
5. Hướng đến sự thánh thiện
Thân thể tự nó không phải là cứu
cánh. Cho dù đẹp đẽ hay xấu xa, thân thể này thực sự không phải là chúng ta, vì
thế, chúng ta không dễ gì hài lòng và toại nguyện với nó. Vì thân thể không
phải là chúng ta, nên chúng ta sẽ không bao giờ thực sự cảm thấy nó hay trái
đất này là mái ấm, là nơi nương tựa đáng tin cậy của mình. Trong chúng ta, luôn
có ước vọng hướng về một cái gì đó cao thượng, vi tế và thoanh thoát hơn.
Khi quan sát cuộc sống trên trái
đất, chúng ta thấy những gì? Nếu nói về thú vật, chúng ta sẽ thấy thú vật chỉ
lo làm sao để sống còn: chúng phải lớn mạnh, khôn ngoan, gian xảo hay dựa vào
số đông để tồn tại. Thú vật không thể thỏa thuận với nhau về bất cứ điều gì, vì
thế, không thể nói chuyện luật lệ với thú vật. Thí dụ thú vật không thể đồng ý
với nhau là chúng sẽ không giết hại lẫn nhau. Ngay cả con người còn chưa đạt
được thỏa thuận đó, huống hồ là loài thú phải không các bạn? Con người là những
sinh vật rất độc ác, sẵn sàng giết hại lẫn nhau, và tàn sát các sinh vật khác,
nhưng con người vẫn có thể vưọt lên thú tính đó. Nếu chỉ là thú vật thì con
người không thể nào nghĩ được điều gì tốt đẹp hơn cả. Sẽ chỉ có luật rừng xanh,
và sự tồn tại của kẻ mạnh; con người sẽ không thể hình dung được cái gì cao hơn
cảnh giới của loài thú, nhưng con người có thể vượt lên được. Tâm trí con người
có thể nghĩ đến công lý và bình đẳng. Đó chính là ước vọng tâm linh hướng về
một cảnh giới cao thượng, hơn là chỉ biết đến sự tồn tại và sống còn của con
người.
Một tâm hồn sa đọa và hạ tiện sẽ
lý luận rằng con người cơ bản chỉ là một con thú; sẽ chỉ có sự tồn tại của kẻ
mạnh nhất, đó là quy luật tự nhiên. Lý luận này cho rằng con người không hơn
con vật, và chúng ta phải chấp nhận điều này. Chúng ta phải cố hết sức tranh
sống để giành giật cho chính mình hầu tồn tại. Một tâm hồn hạ tiện và sa đọa sẽ
biện minh rằng: "Tôi đã giành được phần của tôi. Nếu bạn ngu si và yếu ớt,
không thể giành phần cho bạn, thì phải ráng mà sống với số phận hẩm hiu của
bạn; đây là điều đáng buồn nhưng cuộc đời là như thế". Đây là cách suy
nghĩ bi quan dựa vào thuyết định mệnh của một tâm hồn thấp hèn. Nhưng từ tận
đáy lòng của tôi, tôi biết rằng tôi muốn vươn lên và hướng về một cái gì cao
thượng hơn là cái nhìn bi quan trên, và tôi thấy chung quanh tôi cũng có những
người đang suy nghĩ theo chiều hướng ấy. Con người là chúng sinh có thể hướng
về sự thánh thiện.
Chúng ta nên hiểu chữ hai chữ
thánh thiện như thế nào? Đạo Phật không nói nhiều về sự "thánh thiện"
hay cảnh giới "thánh thiện". Nhiều người tìm đến đạo Phật sau khi họ
đã thất vọng ê chề với những điều thiêng liêng và thánh thiện mà người đời
thường ca ngợi. Tất cả những gì mà người đời nói về Thượng đế và những gì xảy
ra sau khi chết đã làm cho họ chán ngấy. Họ hoàn toàn mất tin tưởng vào sự
thiêng liêng và thánh thiện. Họ muốn tìm một cái gì đó thực tế hơn. Họ không
muốn tìm một cái gì đó sau khi chết hay trong kiếp sau, vì đó là những gì mà họ
không thể thấy, biết, và sờ mó được. Nhưng nếu quả thực không có sự thiêng
liêng và thánh thiện thực sự, thì làm sao con người có thể nghĩ đến hay hình
dung ra được khái niệm này. Con người chỉ có thể suy nghĩ về sự thánh thiện khi
nào họ đã thực sự biết được và có kinh nghiệm với sự thánh thiện, dù chỉ trong
chớp mắt hay trong một phút giây phù du ngắn ngủi nào đó.
6. Sống thánh thiện với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, và tâm xả
Tâm từ của một bà mẹ đối với đứa
con thân yêu của mình là biểu hiện của sự thiêng liêng và thánh thiện phải
không các bạn? Đó là một kinh nghiệm thiêng liêng và thánh thiện. Đối với tôi,
quên mình để hiến dâng, chỉ vì một người nào đó cần đến. Hy sinh những đặc ân
và tiện nghi cá nhân để phục vụ người khác là biểu hiện của sự thánh thiện. Khi
chúng ta thực sự ứng xử với cuộc đời một cách công bằng và chân thật; khi không
còn bị thành kiến và thiên vị chi phối, khi có sự hoan hỷ, quân bình, và xả bỏ
trong tâm, khi tâm thanh tịnh không bị những phiền não chi phối, lúc ấy, chúng
ta sẽ tiếp cận với sự thiêng liêng và thánh thiện.
Thay vì nói chúng tôi hướng về sự
thiêng liêng và thánh thiện, người Phật tử nói, "Chúng tôi muốn tiến đến
giải thoát và Niết bàn". Thế thì Niết bàn là gì? Niết bàn là trạng thái
trong đó chúng ta không còn bám víu, chấp chặt và quyến luyến vào bất cứ điều
gì. Khi ở trong trạng thái đó, chúng ta sẽ là một người vị tha đầy lòng từ, bi,
hỷ, xả. Chúng ta sẽ tiếp cận với một cái gì đó cao thượng, thánh thiện và thể
nghiệm được sự thoải mái, bình yên, khinh an thực sự.
Bạn chờ đợi những gì ở một vị
thánh nhân? Thí dụ, khi nghĩ đến Đức Chúa Jesus, có lẽ bạn sẽ nghĩ về lòng bi
mẫn bao la của Ngài. Do đó, nếu có một thánh nhân thì tâm bi mẫn phải là một
trong những đức tính của vị đó. Khi quán tâm, tôi thấy là khi tâm tham ái vắng
bóng thì tâm bi mẫn sẽ xuất hiện trong tôi. Tôi không cố ý tạo ra tâm bi mẫn;
nó đến một cách tự nhiên. Khi không có tâm tham lam, ích kỷ luôn muốn chiếm hữu
một cái gì đó thì tâm bi mẫn, trước những khổ đau và hỗn loạn của tất cả chúng
sinh sẽ xuất hiện. Tâm bi mẫn này không phải tình cảm xuất phát từ một khái
niệm đạo đức cho đây là việc cần phải làm; không phải như thế. Tâm bi mẫn đến
từ sự hiểu biết về sự vận hành của vạn pháp, về những đau khổ xuất phát từ vô
minh đang tồn tại trên thế gian này.
Trái lại, lòng thương hại bắt nguồn
từ nỗi lo sợ cho chính mình. Khi có ai đó mắc bệnh ung thư, chúng ta nghĩ:
"Ôi, tội nghiệp cho người ấy quá; tôi mừng vì đã không mắc phải bệnh ấy.
Hy vọng là tôi sẽ không bao giờ bị bệnh ung thư cả". Khi nói ra điều trên,
chúng ta đã áp đặt tư tưởng của mình lên người khác (chúng ta cho bệnh ung thư
là một điều bất hạnh và chúng ta là người may mắn vì đã không mắc bệnh ung
thư). Đó không phải là tâm bi mẫn. Tâm bi mẫn là tâm thực sự mở rộng để tiếp
cận với sự đau khổ của người khác, không phải để mong cầu lợi lạc mà là vì ước
nguyện sẵn sàng kiên nhẫn và chia sẻ nỗi đau khổ mà người khác đang chịu đựng. Chúng
ta sẵn sàng chia sẻ và chịu đựng những sự bất hạnh, đau buồn, khổ sở đang diễn
ra chung quanh chúng ta, mà không tìm cách trốn tránh, buộc tội và đổ lỗi cho
ai cả. Đó chính là tâm bi mẫn; tâm bi mẫn cũng là một phẩm chất của sự thánh
thiện.
Đối với tôi, tâm hoan hỷ xuất
hiện khi bạn tiếp xúc được với những gì Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống. Đó là
một tình cảm rất tích cực và không xuất phát từ tâm tham ái vì tâm hoan hỷ và
tâm tham ái đối nghịch và loại trừ lẫn nhau. Có tâm tham thì không có tâm hoan
hỷ và ngược lại. Tâm hoan hỷ là cái gì tự phát liên quan đến cái đẹp, cái
thiện, và cái chân thật có mặt trong con người và trong tất cả sự vật tồn tại
trên đời. Có tâm hoan hỷ thì tâm ganh tỵ và ghen ghét hoàn toàn vắng mặt vì
những tâm sở bất thiện này xuất phát từ lòng ham muốn cá nhân. Nếu chúng ta vẫn
còn mang cái nhìn chấp ngã, thì khi thấy một ai đó thực sự có sắc đẹp và đạo
đức toàn hảo, chúng ta sẽ khởi tâm ganh tỵ và nghĩ, "À, ông ta tốt và giỏi
hơn tôi". Rồi chúng ta lại tiếp tục suy nghĩ, "Ôi, ông ta có thể
giỏi, nhưng ông ta có thể...". Chúng ta đang tìm cách hạ thấp và dìm người
đó xuống, phải không các bạn? Với tâm tham ái, chúng ta chỉ lo chiếm hữu những
điều Chân-Thiện-Mỹ và chỉ khi nào chiếm hữu được chúng, chúng ta mới có thể
thưởng ngoạn chúng. Đó không phải là tâm hoan hỷ bởi đó chính là tâm tham ái.
Tâm hoan hỷ chân thật là một phẩm chất của sự thánh thiện.
Tâm quân bình, an tịnh chỉ xuất
hiện khi chúng ta lắng dịu và mát mẻ. Tâm quân bình và xả bỏ có thể tiếp cận
với cuộc sống, với sự vận hành của các pháp mà không bị dính mắc. Lúc đó, tâm
sẽ quân bình, thấy biết, và chiếu sáng rạng rỡ. Đó cũng là một phẩm chất của sự
thánh thiện.
Tự do là Niết bàn, là sự chứng
ngộ được trạng thái xả bỏ tất cả, lúc đó chúng ta sẽ thực sự sống với tâm từ,
tâm bi, tâm hỷ, và tâm xả. Chúng ta có thể bàn về tự do dựa trên nguyên tắc
công lý và bình đẳng, nhưng nội dung chính mà tôi muốn nói đến ở đây là ước
vọng vươn lên, hướng về sự thánh thiện, sự đồng nhất và hòa hợp với đại thể của
con người.
Thế thì tự do của tâm là gì? Theo
tôi, đó là sự tự do lựa chọn hoặc đi vào con đường sa đọa hoặc hướng đến sự
thiêng liêng và thánh thiện. Bạn sẽ chọn hướng nào? Trong bất cứ giây phút nào
của cuộc sống, bạn cũng có thể làm sự lựa chọn này. Hoặc là bạn sẽ tiếp tục
than vãn về số phận của chúng ta, suy nghĩ về tất cả những gì chúng ta không
yêu thích và tất cả những gì sai trái trên thế gian này, hoặc là bạn sẽ chánh
niệm và quán tưởng về Pháp, cố gắng hiểu nó và nuôi dưỡng ý nguyện hướng về con
đường thánh thiện trong tâm của mình.
******
Câu hỏi: Khi nói đến tự do, tôi
thường nghĩ đến cái gì đó rất hồn nhiên và tự phát. Nếu phải luôn luôn chánh niệm,
quán sát và ghi nhận tất cả trước khi hành động, thì có phải điều đó sẽ làm mất
đi sự hồn nhiên và tự phát trong chúng ta hay không?
Không, nhưng bạn vừa nêu ra một
vấn đề về ngôn từ. Khi bạn nói "quán sát và ghi nhận", điều này hình
như hàm ý là có một ai đó đang bận bịu làm một cái gì đó. Tuy nhiên, chánh niệm
không có nghĩa là bạn sẽ trở thành một người nào đó bận bịu với việc quán sát
đến nỗi bạn không thể ứng xử với hoàn cảnh chung quanh. Sự hồn nhiên và tự phát
phải đến từ tâm tín thành, phải không các bạn? Bạn không thể dựa vào một khái
niệm hay một tư tưởng nào đó về cuộc đời rồi cố gắng trở nên hồn nhiên và tự
phát.
Để trở nên tự phát và hồn nhiên,
bạn phải có đức tin, trong đạo Phật, nền tảng của đức tin là Tam bảo
(Phật-Pháp-Tăng). Khi đã tin tưởng vững chắc nơi Tam bảo, chúng ta không cần
phải nghi ngờ hay lo âu về cuộc đời. Sự tự phát và hồn nhiên xuất phát từ niềm
tin đó, niềm tin đó không dựa trên nhân sinh quan chấp ngã. Chỉ thuần quán sát
hay chánh niệm sẽ cho giúp chúng ta ứng xử với cuộc đời một cách hồn nhiên, vì
chúng ta đặt niềm tin nơi Phật-Pháp-Tăng. Chúng ta trở nên hồn nhiên, vì chúng
ta không còn ảo tưởng về cái tôi cần phải được bảo vệ. Toàn bộ tư tưởng sai lầm
cho rằng: "Tôi là một con người, tôi phải luôn luôn cảnh giác để bảo vệ
tôi khỏi những thế lực xấu ác, nếu không tôi sẽ bị chúng áp đảo và chế
ngự" sẽ hoàn toàn tan biến. Chỉ có sự nhận thấy, sự hiểu biết, sự thanh
tịnh của tâm mới là nơi mà chúng ta có thể tin tưởng và nương tựa. Những gì còn
lại của cuộc sống tự nó sẽ vận hành theo quy luật của nó và chúng ta không cần
phải can thiệp vào.
Tổ phiên dịch Trúc Lâm chuyển ngữ