Không nên lầm lẫn hiểu rằng Ðức
Phật muốn cho tất cả hàng tín đồ phải từ bỏ mọi lạc thú trần gian và rút vào
rừng sâu vắng vẻ mà không thọ hưởng đời sống. Ngài chỉ nhắc nhở rằng thú vui
vật chất quả thật là ngắn ngủi và tạm bợ, chớ nên để mình đắm chìm trong dục
lạc.
Phần lớn các dân tộc Phương Ðông
chú trọng về đời sống tinh thần hơn là vật chất. Người Tây Phương có phần thiên
về vật chất hơn tinh thần.
Người Việt chúng ta từ ngàn xưa,
vẫn đặt trọng tâm vào giá trị tinh thần, mặc dầu phải trải qua cả một thế kỷ
chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Phương. Thế rồi, vì hoàn cảnh đất nước, một
số chúng ta đành phải chịu gửi thân nơi đất khách quê người, và hội nhập vào
một xã hội mà đời sống vật chất được xem là đứng hàng đầu trên thế giới. Do sự
khác biệt giữa hai nền văn hóa, đôi khi chúng ta ngỡ ngàng, không biết chọn
đường lối nào cho thích hợp.
Bài này nhằm trình bày quan điểm
của Phật Giáo về kiếp nhân sinh, và tìm một đường hướng cho cuộc sống.
* * * * *
Có người kia, hôm nọ đi lỡ đằng
mà túi rỗng không, đành ghé lại nằm dưới một cội cây để nghỉ qua đêm. Trời càng
khuya càng lạnh. Bụng thì nghe đói, trên đầu muỗi mồng ve vãn, dưới lưng mặt
đất ghồ ghề, thỉnh thoảng kiến, mối bò rạo rạc. Mặc dầu đã quá mệt mỏi và buồn
ngủ, anh chàng không thể nào ngon giấc.
Người nọ, giàu có sang trọng, nhà
cao cửa rộng, giường ấm nệm êm, phòng trang bị máy điều hòa không khí và đầy đủ
mọi tiện nghi tân tiến. Nhưng chiều hôm ấy anh nhận được tin buồn. Mẹ anh ở
phương xa vừa thất lộc. Trong tình trạng không thể về lo việc nhà, lòng nhớ mẹ
nay đã ra người thiên cổ, thương cha già quạnh quẽ hẩm hiu mà phải đảm đang mọi
việc, nghĩ lại hoàn cảnh mình không thể làm gì để giúp đỡ cha mẹ, anh buồn rầu,
thao thức suốt đêm.
Hai trường hợp. Một đằng thiếu
vật chất. Ðàng khác thiếu tinh thần. Cả hai đều cảm nghe đau khổ, phiền não,
kém thoải mái, bất toại nguyện, bất ổn định, bất an toàn.
Con người gồm hai thành phần, vật
chất và tinh thần, nhà Phật gọi là "sắc" và "danh", hay nói
cách khác, phần cơ thể vật chất và phần tâm linh. Hai phần này liên quan với
nhau rất mật thiết và cần phải được gìn giữ điều hòa. Ngoại trừ những trường
hợp đặc biệt, khi vật chất bị đau đớn thì tinh thần nghe phiền muộn. Khi tinh
thần bị đau khổ thì vật chất mất thoải mái. Trái lại, khi cơ thể vật chất có
đầy đủ tiện nghi thì tâm thần thoải mái dễ chịu, và khi tâm được an vui hạnh
phúc thân cũng cảm nghe khoan khoái, Vì lẽ ấy cả hai phần đều quan trọng và ta
không thể chỉ chú trọng vào riêng một phần nào mà quên lãng phần kia.
Vài người cố tình không nhìn xa
hơn kiếp sống. Ðối với họ, mỗi người chỉ sống một kiếp, và tất cả mọi năng lực -
tinh thần cũng như vật chất - đều chấm dứt khi đời sống này chấm dứt. Trước khi
được sinh ra là hư vô, không có gì, và chết là hết. Sau khi chết con người bỏ
lại tất cả mọi năng lực phát nguyên trong đời sống và trở thành hư vô, hoàn
toàn tiêu diệt, và bất luận hành động nào cũng không đem lại hậu quả gì. Không
nhân, không quả, không nghiệp báo, không tái sinh.
Vì quan niệm như vậy về kiếp nhân
sinh, lý tưởng của họ là cứ ăn, uống, và tận hưởng mọi lạc thú trên đời, vì cái
chết sẽ đến với tất cả mọi người. Họ thấy không cần phải kiểm soát khát vọng,
không cần phải chế ngự thú tính, không ích lợi gì phải thu thúc lục căn, vì
hưởng thụ dục lạc hầu như là phần di sản thiên nhiên của con người. Họ chủ
trương rằng chỉ có khoái lạc vật chất là thực tiễn. Ðời sống đạo đức thanh cao
chẳng qua là một thác loạn tinh thần, một ảo tưởng. Họ ngờ vực tất cả những gì
tốt đẹp, cao cả, trong sạch, và bi mẫn, cho đó là vô ích.
Ðó là những người chạy theo đời
sống vật chất mà không quan tâm đến giá trị tinh thần.
Cũng có những người chỉ chú trọng
vào đời sống tinh thần mà không màng để ý đến phần vật chất, chỉ lo trau giồi
đức hạnh mà không chút lưu tâm đến việc chăm sóc thân. Họ chủ trương rằng chỉ
lối sống khắc khe khổ hạnh mới có thể đưa con người đến mục tiêu giải thoát.
Càng ép xác, càng hành hạ thân thể, thì càng dễ dàng phát triển cao đẹp tâm
tính, vì họ quan niệm rằng nhục dục ngũ trần làm cho con người trở nên ô nhiễm,
và chỉ có lối sống khắc kỷ thuần túy đạo đức, mới có thể gội rửa mọi bợn nhơ
tinh thần và làm cho tâm trí trở nên thanh tịnh.
Hai hạng người. Hai quan niệm về
kiếp nhân sinh. Hai lối sống.
Chính Ðức Phật xưa kia đã trải
qua cả hai lối sống ấy đến mức độ cùng tột và kinh nghiệm rằng cả hai đều không
đem lại lợi ích nào.
Là một hoàng tử của một quốc gia
cường thịnh, Ngài đã trải qua cuộc đời cùng xa cực xỉ trên nhung lụa của cung
vàng điện ngọc. Ðến khi ra đi sống đời tu sĩ, trong cuộc chiến đấu phi thường
để thành đạt Ðạo Quả kéo dài sáu năm trường, Ngài tự khép mình vào nếp sống cực
kỳ kham khổ. Ðến một ngày kia, thân hình tráng kiện của Ngài thuở xưa chỉ còn
da bộc xương.
Ngài mô tả lối sống lợi dưỡng
(kāma-sukh'allika anuyoga, sự liên tục luyến ái theo nhục dục ngũ trần) là thấp
hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân và vô bổ, và lối
tu khổ hạnh (atta-kilamatha anuyoga, hạnh kiên trì chuyên cần trong lối tu khổ
hạnh) là phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân và vô bổ.
Hai lối sống, một làm trở ngại tiến bộ tinh thần đạo đức, và một làm suy nhược
thân thể và do đó giảm mất khả năng trí thức.
Ngày kia có người từ làng xa trở
về hầu Phật. Vì rất nóng lòng muốn nghe Giáo Pháp nên chưa kịp ăn uống, ông vội
vã đến chờ nghe Ðức Phật thuyết giảng.
Trước khi bắt đầu thời Pháp, Ðức
Thế Tôn bảo đưa ông ấy vào trai đường, dọn cho ông ăn uống đầy đủ rồi sẽ ra
nghe giảng bởi vì, Ngài dạy, người bụng đói không thể lĩnh hội đầy đủ Giáo
Pháp.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của hai
thành phần - tinh thần và vật chất - trong con người, phải được nhận định đúng
mức, và phải được giữ thăng bằng. Phần tâm linh ví như chiếc thuyền, phần vật
chất như nước. Thuyền phải nhờ nước nâng đỡ, và nếu không có nước thuyền sẽ trở
thành vô dụng. Cùng thế ấy, phần tâm linh phải nương tựa nơi cơ thể vật chất,
như thuyền phải nhờ nước nâng đỡ. Nhưng nếu để nước tràn ngập vào thuyền thì
thuyền sẽ chìm đắm giữa dòng. Nước phải ở ngoài thì thuyền mới hữu dụng. Cùng
thế ấy, chúng ta cần phải dưỡng nuôi thân thể để được khoẻ mạnh, và nhờ thân
hình khoẻ mạnh, tâm trí mới nương vào đó để phát triển. Nhưng không nên để cho
đời sống vật chất lấn áp, tràn ngập vào đời sống tinh thần.
Không nên lầm lẫn hiểu rằng Ðức
Phật muốn cho tất cả hàng tín đồ phải từ bỏ mọi lạc thú trần gian và rút vào
rừng sâu vắng vẻ mà không thọ hưởng đời sống. Ngài chỉ nhắc nhở rằng thú vui
vật chất quả thật là ngắn ngủi và tạm bợ, chớ nên để mình đắm chìm trong dục
lạc.
Trong sách Milinda Pañha, Milinda
Vấn Ðạo, có đoạn như sau:
"Vua Milinda hỏi Ðại Ðức
Nagasena:
- Kính Bạch Ðại Ðức, đối với bậc
xuất gia, cơ thể vật chất này có được quý chuộng không?
- Tâu Ðại Vương, thân này không
được người tu hành quý chuộng.
- Như vậy, Bạch Ðại Ðức, tại sao
các Ngài còn dưỡng nuôi chăm sóc nó?
- Tâu Ðại Vương, khi lâm trận,
thỉnh thoảng Ngài hay các binh sĩ Ngài có từng bị thương không?
- Bạch Ngài, có.
- Tâu Ðại Vương, lúc bị thương
như vậy, Ngài có chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu, rồi dùng vải mịn băng bó vết
thương lại không?
- Ðúng vậy, khi bị thương thì
chúng tôi làm như vậy.
- Như thế, Tâu Ðại Vương, cái vết
thương ấy có được Ngài hay binh sĩ Ngài quý chuộng không, khi quý vị chăm sóc,
xức thuốc, thoa dầu và dùng vải mịn băng bó nó lại?
- Kính Bạch Ðại Ðức, chúng tôi
không quý chuộng vết thương ấy. Sở dĩ chúng tôi chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu,
và dùng vải mịn băng bó nó lại là để cho da thịt sớm mọc lên và làm lành vết
thương.
- Cùng thế ấy, Tâu Ðại Vương,
hàng xuất gia chúng tôi cũng không quý chuộng tấm thân này. Tuy nhiên, mặc dầu
không luyến ái, bám níu, và tâng tiu quý trọng thân, chúng tôi vẫn chăm sóc,
nuôi dưỡng nó, và nương nhờ nơi nó để trau giồi nếp sống thanh cao đạo hạnh.
Lại nữa, Tâu Ðại Vương, Ðức Thế
Tôn hằng so sánh thân này như cái ung nhọt. Vì lẽ ấy, người đã xuất gia để thực
hành Giáo Pháp mà Ngài truyền dạy không còn bám níu, luyến ái, thân này.
Và sau đây, Tâu Ðại Vương, chính
là lời dạy của Ðức Bản Sư:
"Cơ thể của chúng sinh -
được một lớp da mềm mại bao bọc - có chín cái cửa gọi là cửu khiếu (tức hai
mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng, và hai đường, đại và tiểu tiện) một ung
nhọt to lớn từ trong đó tiết ra đủ mùi hôi thúi, đủ thứ nhơ bẩn."
Kinh Pháp Cú có những câu:
"Hãy nhìn cái thân đẹp đẽ
này, một khối đau đớn, một đống bệnh tật, được người ta bận tâm đến nhiều,
nhưng không chứa đựng gì bền vững, không có gì tồn tại lâu dài." (Câu 147)
"Những que xương trắng bạc,
giống như trái mướp nhăn da khô héo mà người ta vứt đi thì có gì thích thú mà
nhìn nó." (Câu 149)
Vào thời Ðức Phật có một bà ni-cô
rất đẹp tên Rupānandā, và rất hãnh diện với sắc đẹp của bà. Ni-cô không thích
đến nghe Ðức Phật thuyết giảng Giáo Pháp vì Ngài luôn luôn nhắc nhở đến tính
cách vô thường của vạn pháp mà không hề tán dương sắc đẹp của hình thể vật
chất.
Ngày nọ duyên lành đưa đẩy bà vào
giảng đường, nhưng lòng vẫn bảo lòng hãy lẫn lộn trong đám đông ni chúng, không
để cho Ðức Phật trông thấy. Ðức Phật biết như vậy. Vì lợi ích của bà
tỳ-khưu-ni, Ngài tạo ra hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, đứng sau
lưng Ngài, cầm quạt quạt, và chỉ có Ni-cô Rupānandā nhìn thấy. Bà mãi mê nhìn,
say đắm vẻ đẹp của thiếu nữ, và hết lòng ước muốn cũng được như vậy.
Khi ấy Ðức Phật làm cho bà thấy
cô gái xinh đẹp kia trưởng thành dần dần đến cỡ trung niên, rồi già cỗi. Bà
Rupānandā theo dõi từng giai đoạn của tiến trình biến đổi, thấy hết vẻ đẹp này
đến vẻ đẹp khác của thiếu nữ nối tiếp nhau tàn tạ. Bây giờ thiếu nữ xinh đẹp
bao nhiêu lúc nãy chỉ còn là một bà lão lụm cụm, tóc bạc, răng long, xương nhô,
gầy yếu, lưng còm gối mỏi, tay chân rung rẩy lập cập. Rồi Ðức Phật cho bà thấy
lão bà bị một cơn bệnh đau siết, rên la thảm thiết và té ngã lăn xuống đất. Rồi
bà lão chết. Rồi thi thể sình lên. Rồi nước vàng từ cửu khiếu tuông chảy ra.
Rồi giòi tửa trào ra, loi nhoi, lóc nhóc v.v...
Trước cảnh tượng ghê tởm ấy, Chân
Lý bừng sáng đến Ni-cô. Sự biến đổi - phản ảnh cảnh tàn phá của tuổi già và cái
chết trên cơ thể vô cùng đẹp đẽ thời nào - làm cho Ni-cô Rupānandā suy gẫm,
"Chính tại nơi đây thiếu nữ trẻ đẹp kia đã nhanh chóng đi vào trạng thái
già nua, bệnh hoạn, và hoại diệt. Cùng thế ấy, thân hình mỹ miều của ta sẽ
không thể tránh khỏi con đường đau khổ đáng chán, đáng ghê sợ ấy."
Do sự quán xét sáng suốt về tính
cách vô thường của cơ thể vật chất, ni-cô nhận thức rằng "sắc" này
chỉ đem lại đau khổ. Lúc ấy Ðức Thế Tôn biết tâm bà đã sẵn sàng để lĩnh hội
Giáo Pháp nên Ngài mở lời khuyên dạy:
"Thành trì này được dựng lên
bằng xương, có thịt và máu đắp lên và có da bọc bên ngoài, chỉ là một nơi tích
trữ bệnh tật và chết chóc ..."
Ðúng theo tinh thần Phật Giáo
chúng ta không nên hủy hoại hay bỏ liều thân thể, vì ta cần phải dùng nó làm
phương tiện để phát huy tâm trí. Nhưng cũng không nên để tâm phải làm nô lệ cho
cơ thể vật chất.
Cơ thể chúng ta có những thích
thú, đòi hỏi chúng ta thỏa mãn. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp. Tai muốn nghe âm
thanh êm dịu. Mũi muốn hửi mùi thơm. Lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ. Thân muốn
có cảm giác dịu dàng. Từ lâu rồi giác quan ta đòi hỏi được thỏa mãn. Ðã lâu rồi
giác quan ta được phụng sự đầy đủ, và sẽ còn được phụng sự cho đến khi ta thức
tỉnh. Cái gì phụng sự giác quan? - Chính cái tâm phải phục vụ giác quan như
người nô lệ phục vụ cùng một lúc năm vị hoàng đế khó tính, thay vì đáng lý ra
tâm phải là vị hoàng đế, và năm giác quan phải phục vụ tâm như năm vị đại thần.
Trong sự thỏa mãn nhục dục chắc
chắn là có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại
thú vui. Tuy nhiên, cái thú vui ấy quả thật là tạm bợ và ảo huyền, không khi
nào được thỏa mãn trọn vẹn.
Trong bài kinh số 54 của bộ
Majjhima Nikāya, Trung A Hàm, tựa đề Potaliya Sutta, Ðức Phật dạy ông Potaliya
rằng khoái lạc vật chất mà phần đông người thế gian ham muốn chỉ giống như:
* Khúc xương không còn dính chút
thịt mà người đồ tể vứt cho con chó đói. Chó tuy có gậm xương nhưng đói vẫn còn
đói. Cùng thế ấy, chúng sinh đeo níu theo nhục dục ngũ trần nhưng không bao giờ
được thỏa mãn hoàn toàn.
* Một miếng thịt mà những loài
chim như kên kên, quạ, ó, cắn đá nhau để tranh giành miếng ăn. Nếu có một con
gặm được và giành lấy một mình thì những con kia bu lại vừa mổ, vừa đá, không
chết thì cũng sứt lông trầy vảy. Lòng tham dục cũng đưa chúng sinh vào những
cuộc tranh chấp huynh đệ tương tàn như vậy, thật vô cùng nguy hiểm.
* Một cây đuốc cháy để phía trên
gió. Nếu không thận trọng chạy tránh thì ắt bị tàn đuốc bay đến làm phỏng da.
Cũng dường thế ấy, tham dục đốt cháy những ai kém thận trọng không chịu suy
gẫm, cứ nhắm mắt lao mình đắm chìm trong dục lạc, tưởng chừng rằng nó sẽ đem
lại hạnh phúc mong mỏi.
* Một hầm lửa đỏ. Chúng sinh tham
dục như người kia bị một đám người khác kéo lôi đến hầm lửa. Nếu không mau chân
chạy thoát đám người hung tợn nọ thì ắt bị xô đẩy vào lửa. Tham dục không khác
nào một biển lửa khổng lồ (mahābhitaba) và nạn nhân là những ai bị lục trần lôi
cuốn. Thí dụ này hàm ý rằng tham dục lôi cuốn chúng sinh vào bốn đường ác đạo.
* Một giấc mộng đẹp. Nằm mơ thấy
phong cảnh đẹp đẽ hữu tình, lòng nghe nhẹ nhàng khoan khoái. Nhưng khi tỉnh
giấc thì cảnh đẹp tan biến đâu mất. Cùng một thế ấy, tham dục là một ảo kiến
ngắn ngủi không khác nào giấc mộng. Khi tỉnh giấc trở về với thực tế, với những
lo âu phiền muộn thường ngày, nạn nhân lấy làm thất vọng và đau khổ.
* Một món đồ vay mượn mà người
cuồng si lấy làm hãnh diện khoe khoang với hàng xóm láng giềng. Khi món đồ bị
đòi lại thì người hàng xóm chỉ coi anh là người nói khoác. Tham dục là lòng ham
muốn những thú vui tạm bợ ảo huyền.
Tại sao những khoái lạc vật chất
chỉ là những thú vui nhất thời và không có thực chất?
- Vì những điều kiện tạo nên các
thú vui ấy luôn luôn biến đổi. Những yếu tố "nguyên nhân" đã không
bền vững thì làm sao cái hạnh phúc "hậu quả" do nó tạo nên, có thể
tồn tại vững bền. Tuổi trẻ tạo điều kiện cho ta được hạnh phúc. Sức khỏe, cảnh
sum hợp v.v... tạo điều kiện cho ta được hạnh phúc. Nhưng có ai sống mãi mãi
xuân xanh, sum hợp, và không bệnh hoạn?
Thú vui được có tài sản sự
nghiệp, thú vui được lợi lộc quyền thế, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được
vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v...
thật là thích thú, dễ chịu. Nhưng tất cả đều chuyển biến. Và cuối cùng, cái
chết phải đến, sẽ chia rẽ tất cả. Ðặc tính biến đổi luôn luôn tiềm tàng dính
liền với mọi sự vật trên thế gian. Chừng nào mà đặc tính này còn tồn tại thì
những lạc thú vật chất không thể ổn định, thường còn, vững bền, và châu toàn -
tức tạm bợ nhất thời.
Người tìm hạnh phúc trong nhục
dục ngũ trần luôn luôn chạy theo chụp lấy cho kỳ được, lo sợ nó mất đi. Vua
chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người tư bản lo sợ cho
trạng thái an toàn của cơ nghiệp mình. Người làm công, lo sợ cho sự an toàn của
công ăn việc làm của mình. Nhưng bản chất thiên nhiên của đời sống là không ngừng
biến chuyển. Vì lẽ ấy, thú vui vật chất không thể vĩnh cửu châu toàn.
Chẳng những sự vật tạo thú vui
phải biến đổi mà chính người thọ hưởng thú vui ấy cũng luôn luôn đổi thay. Như
vậy, chúng ta đang mục kích cảnh tượng buồn cười, những chúng sinh luôn luôn
biến đổi cố gắng rượt theo và bám lấy những vật cũng luôn luôn biến đổi - hình
ảnh một cái bóng chạy rượt theo và cố chụp bắt cho được một cái bóng khác -
trong lúc ấy ước mong rằng mình sẽ bắt được và nắm lấy một cái gì có thực chất,
một cái gì thật sự có, một cái gì vĩnh cửu trường tồn.
Ðức Phật dạy:
"Khoái lạc vật chất thật vô
số kể, vừa êm dịu, vừa ngọt ngào và quyến rũ. Dưới đủ hình thức, dục lạc làm
cho lòng người say đắm, Hãy nhận chân hiểm họa của nó ..." (Kinh
Khaggavisana Sutta, Tiểu A Hàm)
Quan niệm như vậy về kiếp nhân
sinh có phải là bi quan không? Có thể gán cho Ðức Phật nhãn hiệu yểm thế không?
Phật Giáo không phải là một giáo
lý bi quan. Phật Giáo cũng không lạc quan, mà chỉ trình bày một quan điểm thực
tiễn về đời sống.
Trong một ngôi nhà đang bừng
cháy, người lạc quan nghĩ rằng rồi đây lửa sẽ dịu dần và tắt hẳn, mọi việc sẽ
được an bày tốt đẹp. Nghĩ như vậy người ấy vui vẻ ăn uống no say rồi yên giấc,
vững bụng rằng ngày mai trời lại sáng, và đâu sẽ vào đó một cách an toàn, không
có gì cần phải bận tâm suy nghĩ. Người bi quan trái lại, vừa thấy lửa phát cháy
đã hoảng hốt lo sợ, rồi tuyệt vọng nghĩ rằng tất cả sắp thành tro bụi, mọi
người sắp bị hỏa thiêu, đời sống trở nên đen tối, và đâm ra âu sầu ủ dột, chán
nản và không làm gì tích cực để thoát nạn, cho đến khi ngọn lửa thật sự thiêu
đốt tất cả.
Cùng trong một cảnh ngộ, người
thực tiễn nhận định rằng thật sự có hiểm nguy, và tận dụng khả năng và năng lực
mình, cố gắng tìm đường thoát ra khỏi nơi đó. Ðó là thái độ của người Phật Tử
hiểu biết. Giáo lý của Ðức Phật là một thông điệp phát huy niềm hân hoan và hy
vọng chớ không phải một triết lý bi quan chủ bại.
Nếu nhận định rằng mọi thú vui
trên đời đều huyền ảo tạm bợ rồi âu sầu, phiền muộn, ngày đêm chỉ biết van vái
nguyện cầu mà không tự mình cố gắng làm điều chi tích cực để vượt đến hạnh phúc
thật sự thì đó là bi quan. Trái lại, nếu lờ hẳn thực tế, cố thọ hưởng lạc thú
càng nhiều càng tốt, giống như trên bãi biển em bé nọ lấy cát xây cất lầu đài
và vui vẻ thành thật tin tưởng là thật sự như vậy, thì đó là lạc quan. Nơi đây,
nhận định rằng thỏa mãn dục vọng do cơ thể đòi hỏi không thể đem lại hạnh phúc
vững bền, người Phật tử không chạy theo nó nữa mà hướng về một lối thoát, cố
gắng vận dụng mọi nỗ lực vật chất và tinh thần để đạt đến hạnh phúc thật sự và
trường cửu. Ðó chỉ là lối sống thực tiễn.
Kiếp sống của chúng ta quả thật
là ngắn ngủi. Phật Giáo dạy chúng ta hãy sử dụng xứng đáng khoảng thời gian
ngắn ngủi của kiếp sống này, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình,
cho quê hương mình và cho toàn thể nhân loại.
Ðược sinh ra trong kiếp sống làm
người quả thật là một diễm phúc hy hữu.
Người Phật tử hằng được nhắc nhở
nên tận dụng duyên may hiếm hoi này, luôn luôn gia công tự trau giồi để trưởng
thành trong tinh thần phục vụ vị tha bất cầu lợi, để nghiêm trì giới đức, sống
đời thanh cao đạo hạnh, để phát triển tâm trí, hướng về lối sống phạm hạnh của
bậc thiện trí, và để sống như một chúng sinh thật sự văn minh, trong tình
thương, trong không khí thanh bình, trong sự hòa hợp và điều hòa với phần còn
lại của thế gian.
Câu châm ngôn của người Phật tử
là:
"Tấm thân bằng thịt bằng
xương mà chúng ta mang đây là để tạo an lành và phúc lợi cho người khác."
* * * * *
Như cái cây mang nặng trĩu bao
nhiêu trái trên cành, như dòng sông tải phù sa, đem mầu mỡ đến các vùng đất xa
lạ, như những giọt sữa từ vú bò chảy ra để dưỡng nuôi nhân loại, chúng ta hãy
tích cực hoạt động để phục vụ, luôn luôn làm việc, không ngừng, không biết mệt,
không chán. Không phải làm việc như người nô lệ, bị bắt buộc phải làm, mà làm
như một chủ nhân, làm vì muốn làm, muốn đem lợi ích cho kẻ khác, làm một cách
âm thầm lặng lẽ và bình thản.
Ai biết, ai không biết, điều ấy
không quan trọng. Chẳng màng được khen, không sợ bị chê, chúng ta hãy thản
nhiên "như sư tử, không run sợ trước tiếng động, như luồng gió, không dính
mắc trong màn lưới".
Hãy vui với ý nghĩ, "Ta đã
cố gắng hoàn thành nhiệm vụ." Chúng ta không bao giờ lãng quên lý tưởng
của đời sống: "Ði từ bóng tối vượt đến ánh sáng, từ mê lầm đến giác ngộ,
từ vòng sinh tử luân hồi thoát đến trạng thái Vô Sinh Bất Diệt".