Mục đích

Một võ sư lừng danh hỏi người đệ tử mới nhập môn:

- Con muốn học võ à?

- Vâng, con  muốn học võ để chiến  thắng kẻ địch.

- Con ạ, còn nghĩ đến chiến thắng và kẻ địch thì chưa học võ được đâu vì còn hiếu thắng.

- Vậy con chỉ học võ để tự vệ thôi.

- Còn đề kháng tự vệ cũng chưa học võ được vì còn vị kỷ.

- Nếu vậy con học võ để làm gì?

- Lại để làm gì! Chung quy con vẫn còn vướng vào một mục đích.

Võ sinh ngạc nhiên:

- Nhưng làm thế nào có thể học võ mà không có mục đích?

Võ sư ung dung bước ra giữa võ đường múa một bài quyền và nói:

- Ngươi cứ thế mà làm không được sao?

Lời góp ý:

Hình như con người không thể sống mà không có mục đích. Nhưng mục đích thì hầu như luôn ở tương lai phía trước: tôi sẽ là, tôi sẽ có, tôi sẽ được, tôi sẽ hơn, tôi sẽ thành công, tôi sẽ chiến thắng v.v... và v.v... Vì vậy người ta phải mong ước, đợi chờ và hy vọng. Hạnh phúc của con người tiếc thay lại đặt hầu hết trên niềm hy vọng mà hậu quả của nó là: “Vị đạo sanh bình hận bất tiêu”, hoặc “Đạo đắc hoàn lai vô biệt sự”. Rốt rồi cả hai cũng chỉ là... thất vọng. Vì vậy William Faulkner có lý khi nói: “Con người là tổng số của những nỗi thống khổ, nhưng khi bạn hy vọng một ngày kia những nỗi thống khổ ấy sẽ vơi đi, lúc bấy giờ thời gian chính là nỗi thống khổ của bạn.”

Ngày mai, hy vọng và thời gian chính là nội dung của tư tưởng và bản ngã. Chúng khởi lên cùng một lúc với phiền muộn, khổ đau và thất vọng. Nói một cách khác, khi bản ngã đề ra một mục đích thì ngay lập tức nó mời gọi tư tưởng, thời gian, đợi chờ và đau khổ cùng hiện hữu.

Nhưng khi một mục đích “tốt hơn” được phóng hiện qua thời gian và tư tưởng thì có nghĩa là bản ngã đang bất mãn với chính nó trong điều kiện hiện thời. Cho nên ta có thể có công thức:

Bất mãn hiện tại + ảo vọng tương lai = chuỗi dài đau khổ.

Cũng cần phải mở ngoặc rằng, có hai loại mục đích: một mục đích có tính kỹ thuật và một mục đích có tính tâm lý. Thí dụ, khi đói bụng ta nấu ăn để mà ăn, khi mệt ta nghỉ cho khỏe v.v... Đó là những mục đích có tính kỹ thuật rất cần cho đời sống con người. Ở đây chúng ta đang nói đến mục đích có tính tâm lý, hoang tưởng, ảo tưởng, ảo vọng,..., con đẻ của bản ngã vô minh ái dục. Chính những mục đích này mới là nguyên nhân của phiền não khổ đau.

Nhưng cho dù là mục đích nào, khi con người quá chú trọng đến tương lai mà bỏ quên thực tại thì có nghĩa là họ đang đánh mất cái hạnh phúc sẵn có để mong cầu một thứ hạnh phúc chưa có. Ở khoảng giữa thời gian sự vắng mặt của hai thứ hạnh phúc này, ắt hẳn chỉ là đau khổ!

Người ta không biết rằng, hạnh phúc, chân lý và sự toàn hảo vốn đã đầy đủ trong thực tại hiện tiền, nên người ta cứ loay hoay đi tìm ảo ảnh như là mục đích lý tưởng của cuộc đời. Vì vậy Chúa nói: “Tiếc thay mùa màng thì phong phú mà chẳng có người gặt” và Ngài Huệ Năng nói: “Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc”. Còn một triết gia Tây phương thì nói rằng: “Hạnh phúc là cái khi bạn đuổi bắt thì nó vuột khỏi tầm tay. Nhưng khi bạn dừng lại  thì nó ở cùng với bạn.”

Nghệ thuật sống hạnh phúc chính là ở chỗ biết dừng lại như thế. Bạn có thể nào làm tất cả mọi việc, kể cả hoạch định một kế hoạch tương lai, mà vẫn không đánh mất thực tại hiện tiền hay không? Được, miễn là bạn làm mọi việc trong sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Đó chính là mục đích không mục đích của sự sống muôn đời...

Previous Post
Next Post