Nếu ai đã từng đứng trước một
dòng thác lũ sẽ tưởng tượng ra được sự hung hãn của nó, cuồn cuộn cuốn phăng đi
và nhận chìm tất cả. Sự sống chết của con người nói riêng, của muôn loài chúng
sanh trong lục đạo nói chung, cũng được ví như dòng thác lũ ấy.
Ngôn ngữ biểu tượng dùng để so
sánh này, trong nhân loại, có thể nói, chỉ người trí mới nhận ra. Trong khi đó,
chư Thiên đã nhận ra điều ấy rất sớm, và họ cảm thấy rất đau khổ vì phải buông
xuôi mặc tình cho dòng thác lũ đẩy đưa, như những người nông dân yếu đuối bị
cuốn trôi đi nhà cửa, của cải và cả sự sống con người khi mùa nước lũ tràn về
mà đành bất lực.
Lần nọ, khi đức Phật đang ở tại
vườn Anàthapindika, trong tu viện Jetavana, một vị Thiên từ cõi trời bay xuống
chỗ Thế Tôn và hỏi: “Làm thế nào để vượt thoát bộc lưu?”. Bộc lưu, dòng thác
lũ, từ đó được dùng để chỉ cho dòng hữu vi, dòng tham ái, dòng vô minh, chấp
thủ hay dòng sinh tử luaân hồi.
Sinh tử như một dòng thác lũ cuồn
cuồn cuốn phăng đi bao kiếp sống của chúng sanh, trong Phật giáo, đó là nỗi khổ
đau lớn nhất trong những khổ đau của kiếp người. Lẽ hẳn nhiên trong dòng thác
lũ của cuộc đời vẫn có những khúc sông bình lặng, hiền hoà. Song nếu bình tâm
nhận diện thật khách quan thì ai cũng nhận ra rằng có quá nhiều sóng gió bão
bùng trong dòng chảy của kiếp người, mà bi thương nhất là phải chảy qua cửa tử
sinh. Vậy có cách nào để vượt qua dòng thác ấy? Đức Phật trả lời vị Thiên:
“Không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.
Hình như vẫn chưa hiểu ý đức Thế
Tôn, vị Thiên lại hỏi: “Thưa tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới,
Ngài vượt khỏi bộc lưu”. “Này hiền giả, khi đứng lại, thời Ta chìm xuống; khi
bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt
khỏi bộc lưu”.
Trong dòng thác sinh tử luân hồi,
đứng lại có nghĩa là chấp ngã, là bám víu vào cái ta, cái của ta; còn bước tới
là chạy theo ngoại cảnh, chạy theo những thứ sắc dục, tiền tài, danh vọng,
quyền lực... Tất cả đều là nguyên nhân của khổ đau sinh tử luân hồi. Thực ra,
bản chất của cuộc đời vốn bất sinh, bất diệt, vốn không có khổ đau. Khổ đau là
do chấp ngã, do nhầm tưởng, do nhận thức sai lầm về bản chất của thế giới và
con người. Bản chất của cuộc đời vốn Duyên sinh, Vô ngã mà chúng sinh cứ cho là
thường hằng, hữu ngã (đứng lại), rồi khởi tâm tham đắm, chấp thủ, thành ra bị
chìm đắm trong khổ đau, trong hận thù, trong chiến tranh. Vì lầm chấp thế giới
là thường hằng, hữu ngã cho nên suốt một đời bon chen danh lợi, chạy theo ngoại
cảnh, tiền tài, sắc dục (bước tới)... đến nỗi thân tàn ma dại mà mấy ai tỉnh
ra!
Người có trí tuệ nhận ra sự thật
của cuộc đời và không đành lòng để cho dòng thác sinh tử nhấn chìm hay cuốn
trôi đi kiếp sống vốn thật hiếm hoi mới nhặt được này. Người có trí tuệ càng
không thể bằng lòng để bị nhấn chìm hay bị cuốn trôi đi khi biết rằng dòng thác
loạn sinh tử ấy do chính mình tạo ra. Nhưng bi kịch của kiếp người là không ai
tự nhận mình là kẻ ngu dốt. Đó là một hình thức đứng lại. Ôm ấp những tri kiến,
những nhận thức nào đó rồi cho là chân lý là một cách đứng lại khác.
Tất cả đều là gốc rễ của khổ đau,
của những chướng ngại cho chân lý tràn về, như gã thương buôn nọ ôm nắm tro tàn
và tự cho là tro cốt của đứa con mình, trong khi đứa con đích thực của y chưa
chết và đã trở về gõ cửa tìm y, nhưng y nhất định không mở cửa, vì đã cất chứa
trong lòng một nhận thức sai lầm mà y tin là sự thật, và vì vậy y đã mất thật
đứa con. Cũng vậy, chân lý đang ở xung quanh ta, đã bao lần đến gõ cửa tìm ta,
nhưng chúng ta không bao giờ mở cửa trái tim ra để đón nhận nó, vì chúng ta đã
trót chất chứa trong đó qúa nhiều tri thức mà ta cho là chân lý, như ly nước đã
đầy. Đó là một hình thức đứng lại tệ hại nhất!
Mặt mặt khác, chúng ta thường
nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở tương lai, ở một ngày mai kia ta có nhiều tiền, có
địa vị cao trong xã hội, được nhiều người kính nễ… và vì vậy ta chạy theo những
thứ ấy, tiền tài, danh vọng… Đó là bước tới. Là bước tới hay bị cuốn trôi.
Trong khi đó, hạnh phúc có mặt ngay đây, trong giờ phút hiện tại này, khi ta
biết buông bỏ và dừng lại. Buông bỏ là không đứng lại. Dừng lại không chạy theo
ngoại cảnh là không bước tới. Ngay khi ấy chúng ta đạt được giải thoát, vượt
thoát bộc lưu.
Vấn đề chỉ có vậy, tưởng chừng
như rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được, bởi vì chẳng
ai nhận ra rằng mình đang bị nhận chìm hay bị cuốn trôi đi trong dòng thác sinh
tử, như dòng nước cuốn trôi cành củi mục. Cho nên, vấn đề quan trọng chưa phải
ở chỗ “làm thế nào để vượt thoát bộc lưu”, mà là có thấy rằng mình đang sống
trong sự nguy hiểm của dòng thác lũ ấy hay không? Nếu như quả thật không nhận
ra rằng mình đang có nguy cơ bị nhấn chìm hoặc sẽ bị cuốn trôi thì làm gì có
ước muốn vượt thoát. Cũng như những đứa con của ông trưởng giả sang giàu vẫn
cảm thấy an ổn và tự nhiên vui đùa trong căn nhà lửa, thì việc tìm cách cho
chúng thoát ra ngoài phỏng có ích gì. Nhưng đối với chư Phật và Bồ tát, vốn
thương chúng sinh như ông trưởng giả thưông con, thấy sự nguy hiểm của ngôi nhà
đang bốc cháy, không đành lòng đứng yên nhìn thảm kịch bị chết cháy, nên mở bày
phương tiện khéo léo kêu dụ các con ra.
Việc tự thân nhìn thấy sự nguy
hiểm của cơn thác lũ hay được người khác chỉ cho thấy đều có giá trị như nhau
là cùng đi đến hành động tìm đường vượt ra khỏi vòng hiểm nguy. Đối với dòng
thác sinh tử, vốn do tự thân mỗi chúng sinh tạo ra, việc nhận chân ra được sự
thật “đây là khổ” là điều kiện cần và đủ để vượt thoát bộc lưu. Phương tiện để
vượt sang đến bờ bên kia, trong đạo Phật thì nhiều, ở đây là chiếc thuyền đầy
ắp từ bi và trí tuệ: “không đứng lại, không bước tới”. Không đứng lại, không
bước tới là không trú trước vào ngã, ngã sở. Đó chính là “vô trú bát nhã”. Và
như thế, vượt thoát bộc lưu chính là nhờ sự hành trì và thể nhập “vô trú bát
nhã”.