Đó là thứ có sức cám dỗ kỳ lạ với rất nhiều người. Nhưng vì sao người ta lại gọi là hư danh? Là cái không có thực, hiển nhiên rồi. Những kẻ có danh mà không có tài, gọi là “hữu danh vô thực”, những người thực tài thì không cần làm gì, người đời vẫn biết, gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Nhưng tất cả những thứ đó rồi cũng như mây trôi trên trời, nước chảy dưới sông, như làn gió thoảng qua… Vậy thì vì sao người ta lại quan tâm nhiều đến nó như thế? Có tài mà không được biết đến, nhiều người thành bất đắc chí, có người làm giặc, có người yếm thế. Người có chí trượng phu thì lui về ở ẩn, dạy học, hoặc giúp dân lập nghiệp, khai khẩn những vùng đất mới.
Người tài mà có danh quá sớm, thường bị thui chột, không đi được đường xa trong sự nghiệp của mình. Điều này hay xảy ra trong trường hợp những đứa trẻ có tài năng đặc biệt mà người ta gọi là thần đồng. Rồi sau, không mấy ai thấy tên tuổi chúng khi trưởng thành. Tất nhiên, không phải tất cả các trường hợp thần đồng đều chịu số phận này. Nhưng câu chuyện này, có lẽ không một người làm cha mẹ có suy nghĩ sâu sắc nào lại không quan tâm.
Tôi xin kể câu chuyện về cha tôi, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Hồi nhỏ, tôi cũng thích làm thơ và thường chỉ cho một đứa bạn cùng tuổi, con bác bán hàng xén cạnh nhà đọc. Năm học cấp III, tôi có chép một số bài thơ của mình gửi cho cha, lúc đó đang ở chiến trường B2. Trong chiến tranh, thư đi rất lâu, phải một năm sau, mẹ con chúng tôi mới nhận được hồi âm của cha. Ông nói rất nhiều việc, với mẹ, với các em, với tôi. Điều tôi mong mỏi nhất là nhận xét của ông về những bài thơ tôi gửi. Đến tận cuối thư, cha tôi chỉ viết vẻn vẹn một dòng như thế này: “Về những bài thơ Vân gửi cho cha, cha đã đọc”. Ông không khen, cũng chẳng chê. Tôi đã thất vọng biết bao.
Tận khi tôi học năm thứ nhất ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, lúc này chiến tranh đã kết thúc, cha tôi trở về cơ quan cũ ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, tôi vẫn làm thơ, vứt lung tung trên mặt bàn, dưới sàn nhà. Cha tôi đọc, ông bảo: “Những bài thơ này của con có thể đăng được, con muốn đăng không, cha sẽ gửi chú Võ Văn Trực cho báo Văn Nghệ?”. “Vâng, con đồng ý ạ!”.
Khi bài thơ đầu tiên của tôi được đăng cùng trang với các nhà thơ nữ nổi tiếng như: Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vân Đài, Thúy Bắc, Phan Thị Thanh Nhàn... cha mới bảo tôi rằng: “Con ạ, ngày trước, khi cha còn ở trong rừng, con gửi thơ cho cha, thực lòng mà nói, những bài thơ đó đều đăng được, không kém gì thơ của các bạn nhỏ khác, nhưng cha không muốn con nổi tiếng quá sớm, lúc đó con chưa đủ bản lĩnh, dễ bị hư. Cha nghĩ rằng, nếu con có nội lực thực sự thì con sẽ đi tiếp một cách tự nhiên. Còn nếu không, thì con cứ đi con đường khác mà không phải ân hận gì”.
Thực ra, 18 tuổi, tôi đâu đã đủ bản lĩnh gì, mà chính cuộc chuyện trò của cha tôi khi đó, mới chính là lời răn tôi không khi nào quên. Về sau, tôi làm công việc biên tập, tôi cũng nhiều khi dùng những lời cha tôi khuyên tôi cho những bạn trẻ mới vào nghề. Trong số họ, có những người tin, có những người không tin và không nghe.
Có lẽ vì tiếng gọi của hư danh quá mãnh liệt.
Đi những con đường tắt, và bằng mọi cách, dường như bao giờ cũng nhanh hơn. Nhưng có điều, văn chương là một cái gì đó vô cùng nghiệt ngã. Chỉ những giá trị thực mới tồn tại được qua thời gian. Nó không chấp nhận một cuộc đổi chác nào mà phải là toàn bộ tài năng, nhân cách và năng lượng sống của chính nhà văn.
Nếu chăm bẵm chạy theo hư danh, sẽ có nguy cơ mất trắng.