Sống trong xã hội, con người có một mối tương quan mật thiết với nhau mà không thể đơn lẻ, tách lìa. Châm ngôn có câu: “không ai là một hòn đảo”. Chính trong mối tương quan đó mà con người phải học cho biết cách sống để hoà điệu với mọi người.
Tục ngữ có câu: “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đồng thời con người cũng là một nhân vị nên phải sống sao cho “lịch sự” với chính mình. Nguyễn Hữu Tấn trong cuốn Giáo dục nhân bản, đã nêu lên tám chữ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Trí, Tín, Dũng, Nhân”. Đó là những đức tính cần thiết của một con người. Tuy nhiên, con người toàn diện được hiểu là một con người đầy đủ phẩm chất tốt về mọi mặt: thể xác, tinh thần, trí tuệ, năng lực, tình cảm và lương tâm.
- Thể chất: Ai cũng mong muốn cho mình có một thể xác lý tưởng: lành lặn, mạnh khoẻ, không khuyết tật, bệnh hoạn và có sức khoẻ dẻo dai bền bỉ. Tất cả những thứ đó không ngẫu nhiên từ trời rơi xuống, nhưng phải kiên trì tập luyện, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tinh thần: Con người nếu chỉ mạnh khoẻ về thể xác, mà tinh thần bệnh hoạn, thì sẽ rất nguy hiểm cho gia đình, cho xã hội và cho chính mình. Vì thế, cần có một tinh thần lành mạnh, minh mẫn, với các đức tính cao quý cần thiết cho một con người, như lòng ngay thẳng, nhiệt thành, vị tha, nhân hậu, biết hướng về chân thiện mỹ và biết dấn thân phục vụ mọi người. Ngoài ra, để sống hạnh phúc, chúng ta cần phải có niềm vui, niềm tin tưởng và hy vọng, cũng như sự thông cảm với nhau, nhất là chúng ta cần được bình an, được tin cậy ở người chung quanh ta, được bảo vệ uy tín danh dự, được tương trợ và tương thân với mọi người. Nghĩa là nhân loại cần tình huynh đệ, đại đồng, cộng tác và đồng tiến. Như thế thì cuộc sống mới thoải mái hạnh phúc.
- Trí tuệ: Muốn thành công trong mọi việc, trong cuộc sống, con người đòi hỏi phải có trí tuệ; mọt trí tuệ không phải để hoang sơ như vốn có mà phải được rèn luyện, được tu bổ cho thêm sáng suốt, thông minh, biết nhận định, đánh giá đúng người đúng việc và nhạy bén trong cách ứng xử với mọi hoàn cảnh, mọi con người sao cho thuận ý Chúa, đẹp lòng người.
- Năng lực: Xã hội hiện đại đòi hỏi con người phải có kiến thức, phải có khả năng mới có thể sống tương hợp và không lạc lõng, không bị đào thải. Xã hội hiện tại đòi hỏi con người phải có năng lực, nhiều kiến thức và hiểu biết, cả những công việc trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Vì thế, người dốt nát, thiếu kiến thức sẽ phải chấp nhận một cuộc sống khó khăn nếu không thích nghi được. Điều này phải thôi thúc con người không ngừng nỗ lực tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, cộng thêm óc sáng tạo đồng thời học đi đôi với hành thì làm việc gì cũng sẽ thành công.
- Tình cảm: Trong cuộc sống gia đình và xã hội, nếu sống quá thực dụng, chỉ tính toán ích kỷ mà không có tình cảm, thì con người chỉ là cái máy vô tri vô giác, mà còn thua cả cái máy về sự mau lẹ. Như thế con người sẽ không hữu dụng bằng máy móc; và dĩ nhiên không cảm nhận được hạnh phúc, như tình cảm yêu thương, được quý mến, được kính nể của mọi người… Vì thế, mọi người cần tạo luyện cho mình những tình cảm tốt và tìm cách phát huy những tình cảm ấy trong cuộc sống.
- Lương tâm: “Con người mà không có lương tâm, thì khác nào loài thú – một loài thú văn minh và kinh khủng” (Cao Mai Trầm). Đúng vậy, nếu không có lương tâm, con người sẽ có thể phạm tội ác một cách dã man và tinh vi. Họ sẽ là hung thần của nhau. Nếu thế giới càng văn minh tiến bộ mà con người không có lương tâm, thì sớm muộn nhân loại sẽ bị tiêu diệt bởi bệnh hoạn, chiến tranh. Hiện tượng thiếu lương tâm ngày nay rất phổ biến và đang lan tràn khắp nơi. Trong gia đình người ta đã cư xử thiếu lương tâm với cả người thân của mình. Ngoài xã hội, người ta cũng quan hệ, làm ăn thiếu lương tâm, buôn gian bán thiếu, làm đồ giả mạo, lừa đảo nhau. Những nhà chính trị, khoa học, nhà kinh doanh càng lớn, càng giỏi mà thiếu lương tâm, thì nhân loại sẽ càng khổ đau, càng sớm bị tiêu diệt.
Lm. Đaminh Nguyễn Công Khương