Trở về nương tựa đạo lý nhân bản Phật giáo

Mọi người cứ tưởng rằng, một xã hội văn minh có nhiều thành tựu về khoa học cũng như điều kiện vật chất, con người có nhiều cơ hội để sống theo những gì mình mong muốn, nhưng xét cho cẩn thận rằng, trên đời mọi sự hưởng thụ nào cũng có cái giá phải trả của nó.

Nếu như đam mê đeo đuổi đời sống hạnh phúc với thái độ sống sai lạc mà quên đi sự bồi dưỡng giá trị đạo đức con người thì kết quả chỉ là thất vọng mà thôi. Suy luận đến cùng thì mọi sự khổ đau trên đời điều do con người tạo ra, vì mọi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó cả. Con người không nên đổ thừa hoàn cảnh, mà phải có cuộc cách mạng tinh thần phổ cập trong xã hội với giá trị đạo đức Phật giáo để tháo những gở vướng mắc trong đời sống hiện tại. Đây chính là lúc con người phản tỉnh để điều chỉnh lại quan điểm sống của chính mình. Do vậy, cần phải quán xét hoàn cảnh cuộc sống, như tiêu chuẩn nghề nghiệp, đạo đức gia đình, sống đời biết đủ và nổ lực chuyển hóa tâm thức để có một hướng đi tươi đẹp cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Thứ nhất, nghề nghiệp là vấn đề quan trọng đối với mọi người trong đời sống và sự nghiệp. Từ ông tổng thống cho đến người dân, mỗi người đều có chức nghiệp khác nhau. Nghề nghiệp và địa vị trong xã hội có khác nhau, nhưng hạnh phúc không do địa vị quyết định hoàn toàn. Giá trị bình đẳng là nghề nghiệp sinh sống chân chánh.  Phật giáo gọi đó là đời sống Chánh Mạng. Dù ở nghề nghiệp và địa vị nào mà kiếm sống bằng việc bất chánh đều đem kết quả khổ đau và phiền muộn. Dù ở địa vị và nghề nghiệp nào mà sống hiền lương, không gian tham xảo trá, trung thực với người, trung thực với công việc thì có đời sống an lạc. Điều đáng quan tâm hiện nay là nạn khủng hoảng nghề nghiệp. Như ở nước Mỹ, chính phủ đang tìm mọi cách duy trì việc làm cho công nhân. Nhiều nơi trên thế giới người dân đang khó khăn vì mất việc làm, đời sống mất tự tin và rối loạn. Có nhiều gia đình do chồng hay vợ mất việc làm ăn đưa đến cảnh xáo trộn và ly dị. Có người mất việc làm, sinh ra tâm lý lo toan và tiêu cực oái ăm khác.

Nhưng nếu mọi người biết quán xét tường tận bản chất đời sống thì mọi áp lực khó khăn hiện tại sẽ nhẹ bớt nhiều. Vì trên thế giới này hằng ngày có nhiều người cũng đang gặp đau thương hơn nữa. Hằng ngày có hàng trăm người chết đói, trẻ em đang thiếu sữa, người chết vì bệnh tật và chiến tranh. Hàng ngàn người chết vì thiên tai, lụt bão, sống thần, động đất trong những năm qua. Đời sống vô thường, cái gì cũng có thể xảy ra đâu phải riêng nghề nghiệp thôi đâu. Nhìn chung mà nói, phải chăng con người trong xã hội giàu mạnh, chưa quen với đời sống khó khăn. Khi gặp cú shock về khủng hoảng kinh tế và tai nạn bất thường xảy ra thì họ chao đảo, bế tắc. Trong lúc đó, những người Á Châu sống trên đất Mỹ, họ đã trải qua nhiều sự thăng trầm cuộc sống, nên có kinh nghiệm về khổ đau hơn người dân khác. Họ sống ít chạy đua hưởng thụ, biết kham nhẫn trong mọi điều kiện. Do vậy, phần đông gia đình những người này vẫn an ổn trước hoàn cảnh cuộc sống hiện nay. Từ đó chúng ta suy luận ra, hoàn cảnh đó chưa làm ai chết, nhưng chính thái độ sống thụ động và bám víu làm rối loạn đời sống con người.

Thứ hai, đời sống gia đình trong xã hội công nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. Cha mẹ hay con cái, ai sống cũng phụ thuộc vào công việc và hưu bổng của mình, hay thừa hưởng tiền già, tiền bệnh. Có nhiều con cháu thương cha mẹ, ông bà nhưng vì công việc đời sống bản thân, họ phải chấp nhận đưa cha mẹ vào Nursing home (nhà dưỡng lão). Vì nếu để người già yếu ở nhà mà không người chăm sóc cũng rất khó khăn. Đưa vào đó, họ đi thăm người thân hằng ngày, hay mỗi cuối tuần. Khi tuổi già mới thấm thía tình cảm gia đình là rất cần thiết. Ở Nursing home các bậc cha mẹ mỗi ngày chỉ có ba bữa ăn với chăm sóc y tế. Có người già bệnh sống vài năm thì chết, có người sống trên mười năm, hai mươi năm, đúng là ngày dài cô đơn mà họ phải chấp nhận.

 Một gia đình lý tưởng là gì? Vợ chồng chung thủy và thương yêu nhau, cha mẹ có trách nhiệm với con cái, con cái biết hiếu kính cha mẹ và tổ tiên. Con người dù sống trong hoàn cảnh giàu sang nhưng không có tình thương thì cũng sẽ khổ đau. Tình thương là yếu tố hạnh phúc, nó giúp cho họ sống có trách nhiệm và trở thành nét đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Người có tình thương và trách nhiệm thì hoàn cảnh nào cũng chấp nhận bỏ bớt thụ hưởng cá nhân, dành thời gian có thể để chăm sóc những người khác đang khó khăn là điều vô cùng cần thiết, mẫu người như vậy đáng trân trọng và tán thán.

Thứ ba, Sống biết đủ là điều kiện then chốt để con người được thảnh thơi tâm hồn. Con người cứ mãi mê chạy đua với nhu cầu vật chất, nên cảm giác thiếu thốn và bận rộn mãi. Không ít người thích sống phô trương, dù khả năng thu nhập không cao, nhưng muốn căn nhà thật khang trang, một chiếc xe thật mới, hãnh diện về sự giàu sang. Nhưng ai biết đâu, họ đâu yên thân thụ hưởng được, khi hằng tháng phải lo lắng tất bật trả tiền bill nhà, xe, điện, nước, bảo hiểm.

Nếu vì lý do nào đó mất việc, thiếu tiền bill hằng tháng thì tài sản họ có thể trở thành tài sản của người khác. Cho nên, có người bảo rằng: – Cái gì mình cũng có, nhưng cũng chưa hẳn là sở hữu của mình; Có người tuy đời sống ổn định vật chất thì họ cũng dằn vặt trong buồn tẻ và lao nhiễm vào những tệ nạn. Muốn tâm hồn thanh thản thì phải bớt ham muốn các nhu cầu không cần thiết. Khổ vì tham muốn tiền tài giàu sang phú quý, tham mê sắc dục, tham mê danh vọng, tham mê ăn ngon, tham mê ngủ nghĩ. Đó là đề tài hấp dẫn thúc đẩy mọi hoạt động con người lao vào trong vòng xoáy đam mê quên lối về chân như.

Vấn đề khác nữa, Như căn nhà hoang phế không người chăm sóc sẽ sớm bị đổ nát, không lo chăm sóc tinh thần lành mạnh thì cuộc đời sẽ đổ nát và thất vọng. Khủng hoảng vật chất đáng lo nhứt thời, khủng hoảng về đời sống tinh thần thì sầu bi mãi mãi. khổ đau và hạnh phúc đều do tâm tạo, đó là nguyên lý nhân quả tự nhiên, không ai sắp đặt cả. Đức Phật và các bậc thánh nhân chứng nghiệm sự thật ấy mà chỉ dạy chúng ta phương pháp thoát khổ. Vậy thì ngay trong đời sống này, chúng ta có cơ hội quán sát mọi hiện tượng xảy ra để đoạn trừ các nguyên nhân đau khổ và được sống an lành.

Vị ngọt của ngũ dục khiến con người mong muốn thiết lập quan điểm tự do cá nhân và xem đó quyền sống hưởng thụ theo nhu cầu ích kỷ. Con người càng lạm dụng tinh thần tự do thì đời sống gặp nhiều sự đổ vỡ đáng tiếc. Triết lý tự do phải dựa trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Từ bi là chất liệu sống hạnh phúc của con người, trí tuệ là ngọn đèn soi sáng đời sống hiện tại và tương lai.

Người dân hay ông tổng thống khi thực hiện đúng đạo lý đều có thành quả đời sống tốt đẹp. Do vậy, một tôn giáo chân chính, xã hội lý tưởng là gìn giữ hạnh phúc chân chính cho người và nhân loại. Nếu mọi người biết sống theo năm giới Phật dạy: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu thì sẽ có được phước lành đời này và cả đời sau. Năm giới này tuy ngắn gọn, dễ nhớ, nhưng chúng ta tư duy sâu sắc và tuân thủ đúng sẽ đem đến sự quân bình về trật tự đạo đức con người và nhân loại.  Do đó, không những riêng người Phật tử mà mọi người gồm các tôn giáo khác đều thấy sự lợi ích hiễn nhiên như thế mà áp dụng. Năm giới này còn là nền tảng của các thiện pháp, phát huy yếu tố giải thoát giác ngộ.

Đến thời điểm này, con người trong xã hội hiện đại cần trở về tư duy hiện thực đời sống, nhảy qua dòng thác đam mê để khỏi bị cuốn trôi vào hố sâu tuyệt vọng. Trở về nương tựa đạo lý nhân bản Phật giáo giúp con người và xã hội thoát ra mọi sự bế tắc đang vây bủa. Tất cả những diễn biến khổ đau và hạnh phúc là đối tượng chúng ta quán chiếu để thể nghiệm bản chất cuộc đời. Mọi nhu cầu tham muốn của con người trong thế giới vật chất đều là cạm bẩy đưa đến thất vọng. Khi tâm con người được tịnh hóa, không còn bóng tối vô minh và chấp thủ ngự trị thì đời sống an lạc được hiển bày. Tư duy như thế, giúp chúng ta nhận thức rằng hạnh phúc chân thật là sống đúng đạo lý chứ không do sự tìm kiếm với lòng ham muốn hưởng thụ không ngừng.

Previous Post
Next Post