Tâm lý bầy đàn là hiện tượng mà ta hành xử theo đám đông. Cách hành xử này ta có thể nhìn thấy ở các loài động vật, nó giúp cho loài vật đạt được nhu cầu sinh tồn. Trong thế giới loài vật khi có một số lượng lớn cá thể quyết định theo một hướng nào đó thì các con khác sẽ theo hướng đó vì nếu theo hướng khác thì rủi ro sẽ nhiều hơn.
Tập tính bầy đàn của con người một phần từ tàn dư tổ tiên loài người để lại, một phần từ lý lẽ rằng khi có một số đông người quyết định làm việc gì đó thì chứng tỏ rằng việc đó là đúng đắn; lúc đó người đó có thể có lập luận cho rằng hướng ngược lại tốt hơn nhưng người ta vẫn cứ quyết định theo đám đông.
Tâm lý đám đông có các vấn đề sau:
1. Bao nhiêu người thì sẽ thành đám đông?
Nếu một người bảo bạn là hãy mua món hàng A đi, nó tốt lắm, bạn không tin. Người thứ hai, không có liên quan gì với người đầu tiên, bảo bạn mua A đi, bạn bắt đầu lung lay. Người thứ ba bảo bạn mua A đi, lúc này có thể bạn sẽ quyết định mua A.
Trong một truyện ngắn của Azit Nexin, có một đôi dừng lại trước một cửa hiệu chỉ với mục đích soi gương. Một người đi đường qua thấy vậy thì cho rằng hai người này đang xếp hàng mua một món hàng gì đó, anh ta đứng sau hai người kia. Lần lượt, đám đông dài dần ra kể cả khi đôi kia đã đi rồi. Cả đám đông không biết là mình đang đứng mua món hàng gì.
Các cửa hàng cũng hay thực hiện chiêu này, thuê vài người túm lại mua hàng, người đi đường thấy có đám đông tranh giành nhau thì cho rằng có món hời vì vậy họ cũng xúm lại mua. Dần dần đám đông được hình thành cho dù vài người kia đã rút đi rồi.
Vậy khi một đám đông quyết định mua một món hàng A thì có khi chỉ có vài người đầu tiên, còn lại là cứ chạy theo khiến cho đám đông to dần ra. Nếu quyết định chỉ có vài người là tự quyết thì quyết định đó cần phải được xem lại.
2. Trình độ của đám đông
Những người theo sau thường họ cũng có quan điểm của họ nhưng vì lý lẽ không đủ sức bảo vệ trước quyết định của đám đông mà họ hành xử theo. Vì vậy trình độ của đám đông càng cao thì quyết định đó càng có khả năng đúng cao.
Ở Việt Nam, trình độ dân trí còn thấp dẫn tới các quyết định của đám đông thường có khả năng sai cao. Chúng ta thấy rõ đặc điểm này cho các trường hợp mua nông sản của thương lái Trung Quốc, của đầu tư vàng, nhà đất,… thậm chí chỉ cần xem các comment trên một bài viết về cướp của giết người nào đó của vnepxress.
3. Lượng cầu không tăng kịp lượng cung.
Khi một lượng người lớn đổ vào mua một món hàng A sẽ khiến cho lượng cầu A tăng lên trong khi lượng cung A chưa kịp đáp ứng. Điều này sẽ khiến giá của A tăng lên, lượng cầu càng cao thì giá càng cao. Vàng, nhà đất, chứng khoán,..theo nguyên lý này vì lượng cầu của nó không thể biến đối nhanh kịp, hình thành các bong bóng nhà đất, bong bóng vàng, chứng khoán…
Vấn đề chính của đám đông lao theo này là người đầu tiên thường sẽ hưởng lợi và người rời đám đông sau cùng sẽ là người chịu thiệt. Ai là người rời đám đông sau cùng? Là người chỉ rời khi thấy đám đông giải tán, mà đám đông giải tán thì chứng tỏ quả bong bóng đã vỡ rồi.
Rất nhiều người theo đám đông hiểu điều này nhưng họ kỳ vọng rằng mình sẽ rời đám đông kịp thời. Chỉ có điều là chính những người dẫn đầu mới biết lúc nào nên rời đám đông.
4. Cái tôi và Tâm lý bầy đàn
Cái tôi là tính “Người”; trái lại với tâm lý bầy đàn; cái tôi luôn muốn khẳng định mình, muốn mình là khác biệt so với người xung quanh. Vậy cái tôi là gì ?
Cái tôi về bản chất bao gồm một bộ các giá trị, các nguyên tắc mà ta tôn trọng và hành xử theo nó. Các giá trị và nguyên tắc này hình thành trong quá trình chúng ta trưởng thành và càng lớn càng được định hình rõ ràng, ít thay đổi.
Cái tôi lớn sẽ khiến ta ít bị ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn; tuy nhiên bản thân tâm lý bầy đàn cũng không phải là xấu. Nếu theo một cách hoàn toàn một chiều hướng nào đó mới là không tốt, người có cái tôi quá lớn sẽ trở thành bảo thủ.
Càng hiểu sâu về một lĩnh vực nào thì tính độc lập của ta càng cao trong lĩnh vực đó. Càng hiểu lơ mơ thì càng dễ bị phụ thuộc vào tâm lý đám đông, mà trong xã hội này có rất nhiều đám đông, nếu cứ chạy đi chạy lại thì chỉ thiệt vào thân. Các quyết định theo đám đông không phải là các quyết định theo lý trí; đó là quyết định theo bản năng. Đôi khi theo bản năng khiến chúng ta được lợi và đôi khi theo bản năng sẽ khiến chúng ta thiệt hại, nhưng thường thì thiệt hại nhiều hơn là được lợi.