Trả lời: Muốn hóa giải nỗi đau khi trong gia đình có con cái vợ chồng, cha, mẹ, ông bà nói chung bị mất đi cần thông suốt lý nhân quả nghiệp báo.
Điều cần nhất là hiểu biết nhân quả, nếu họ hiểu nhân quả thì khi họ có con tức là đứa con của họ chính là nợ nhân quả. Khi đứa con sinh ra trong gia đình làm con họ một hai tuổi chết làm họ đau lòng làm họ rầu rỉ, khóc than, thương yêu nó thì đó là mình đang phải chịu khổ đau do nhân quả đòi nợ mà mình không hiểu là nhân quả mà cứ ngỡ là con của họ. Do hiểu sai như vậy nên người đời những ai không học đạo đức nhân bản nhân quả ít ai thoát được nỗi đau này.
Còn nếu thấy đây là nhân quả nó đến nó đi thì mình biết ngay là nó đang đòi nợ mình nên mình không vì nó chết đi mà khóc lóc thương nhớ, rầu rỉ, vì mình chỉ có một đứa con mà, mà đứa con này lại rất là ngoan, hiền, rất là dễ giải này kia làm cho mình thương yêu nó, tức là nhân quả tạo cho mình thương yêu để khi mà nó chết làm cho mình đau khổ vô cùng. Chính do thương nhớ đau khổ (ái kiết sử) đã làm cho mình sinh bệnh tật, ốm đau dẫn đến hậu quả tai hại chứ chẳng ích lợi gì. Muốn chấm dứt hậu quả này cần phải thông hiểu đó là nó đòi nợ nhân quả của nó đời trước.
Khi mà hiểu nhân quả rồi thì mình không thương yêu nữa. Hết thương rồi, vì mình biết đây là con nợ, nó đòi mình mà mình thương nó làm sao. Chỉ cần hiểu nó là giải thoát: “Cái con nợ này mình thiếu nó một triệu nên nó sinh vào nhà mình nó đòi nợ, bây giờ nó đau ốm tức là nó đang đòi nợ mình, mình phải lo thang thuốc cho nó, đem nó đi viện tốn hết một triệu chẳng hạn, thì như vậy mình đã trả xong nợ cho nó rồi nó đi. Vì con đem nó đi nhà thương, mình đóng tiền này tiền kia hết một triệu rồi, như vậy con trả đủ nợ cho nó rồi nó đi. Đến đây nợ nhân quả con đã trả xong
Nếu nó không chết mà nó sống thì đâu phải một triệu này, nó còn tiếp tục đòi nữa. Khi hiểu nhân quả rồi thì con cái trong nhà nó làm gì thì làm mình cũng không buồn phiền, than van gì nữa cả. Nó đau bệnh gì mình cũng thản nhiên, vì mình thấy mình nợ nó mà, nên mình phải vui vẻ để trả món nợ nhân quả. Còn mình không vui vẻ để trả nợ nhân quả vợ chồng con đã vay như vậy là con đã làm khổ con, do lo lắng, buồn phiền, sợ con cái chết đi gây hậu quả xấu sinh ra sợ hãi lo lắng buồn phiền từ đó dẫn đến bệnh tật. Còn khi hiểu được rồi tức là mình nợ nó bây giờ nó đau thì mình phải lo thuốc thang chứ không thể bỏ nó chết, bỏ nó là nợ chưa trả, vì mình nợ người ta thì mình phải lo, sao mình lại trốn nợ.
Nếu mà con nợ nó, con không trả tức là con không bỏ tiền lo thuốc thang, đi nhà thương thì món nợ này không hết, tức là con chưa trả được, mà con chưa trả được tức là nợ nhân quả chưa xong, mà chưa xong thì luật nhân quả không bao giờ để con yên, nên cứ lo thuốc cho đứa bé đó. Nếu mà nó chết thì món nợ con đã trả xong, nếu nó còn sống nó tiếp tục đòi nữa. Mà nó chết đi tức là nó đòi hết nợ của nó rồi do mình trả hết nợ nó mới đi. Như vậy có gì mà làm con thương nhớ, rầu rĩ cho khổ tâm.
Còn bây giờ mình sinh nó ra, mình nuôi nấng nó bây giờ lớn lên nó ăn học, nó làm nên sự nghiệp, rồi bây giờ nó đem công lao nó làm nó nuôi dưỡng mình, nó cho mình một cái bánh, cái trái hoặc cơm nước nó nuôi mình trong lúc tuổi già tức là mình có nợ nó mình đã trả hết cái nợ của nó bây giờ nó có cái nợ của mình cho nên bây giờ nó làm nó trả lại mình đây, không có gì hết ngoài nợ nhân quả trả vay đâu, nhân quả mà.
Vì vậy cho nên mình không thấy con hiếu đâu, mà con là nợ nhân quả mà, có vậy thôi, nên mình thản nhiên, con hiếu nó cũng vậy, con không hiếu nó cũng vậy, hoàn toàn là nợ thôi, mình nợ nó hoặc nó nợ mình. Khi con hiểu được như vậy tức là con đã có tri kiến giải thoát.
Tỷ kheo N. T ghi lại qua lời vấn đạo bậc Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC.